Tăng mạnh số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 23/02/2023 23:01 GMT+7

Giai đoạn 2016-2021, Bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho gần 4,6 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Nếu như năm 2020, số người rút BHXH một lần tăng hơn 6,5% so với năm 2019, ở mức 860 nghìn người, thì đến năm 2021, con số này là 960 nghìn người, tăng 10% so với năm trước. Năm ngoái, có tới hơn 895 nghìn người xin nhận BHXH một lần, tăng 3,7% so với năm 2021.

Bên cạnh những khó khăn sau dịch bệnh, một trong những nguyên nhân chính khiến cho người lao động rút BHXH một lần là do NLĐ chưa hiểu hết những lợi ích lâu dài mà BHXH mang lại. Vì vậy mà sau Tết tình trạng này tiếp tục diễn ra.

Tiêu trước “của để dành”

Dù biết rất nhiều thiệt thòi về sau này song anh Hầu Văn Tùng (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) vẫn quyết định rút sổ BHXH để có một khoản “tiền tươi”, lo chi tiêu cho gia đình và mở một cửa hàng kinh doanh.

“Thứ nhất em không theo công ty nữa thì mình bỏ ra số tiền đóng BHXH là rất khó khăn, thứ hai em cần kinh doanh nên phải có số vốn nhất định nên em chọn rút sổ BHXH một lần, em cũng biết rút ra thì thiệt thòi nhưng vì cần vốn để chuyển hướng” – anh Tùng chia sẻ.

Rút sổ BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống BHXH và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân. Thế nhưng vì khó khăn, không có tích lũy nên sau Tết nhiều người lao động đã chấp nhận “bán lúa non”.

Hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện để người lao động có thể rút bảo hiểm xã hội một lần thuận lợi, cơ quan BHXH cũng tăng cường tuyên truyền cho người lao động hiểu về những lợi ích lâu dài của việc duy trì đóng BHXH.

Khi gặp khó khăn do mất việc, người lao động chỉ nhìn vào khoản BHXH đã đóng như khoản tiền còn sót lại, còn tương lai, chỗ dựa khi hết tuổi lao động thì không quan tâm. Do đó, về lâu dài cần có pháp để hạn chế người lao động rút BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh xã hội không chỉ của người lao động mà cả cộng đồng nói chung.

Đề xuất giữ lại phần đóng góp của người sử dụng lao động

Trước tình trạng người dân rút BHXH một lần ngày càng tăng, Bộ LĐTB&XH đang kiến nghị một phương án nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.

Đề xuất giữ lại phần đóng góp của người sử dụng lao động

Tham gia BHXH để được hưởng lương hưu, chủ động tích lũy từ khi còn trẻ để an nhàn tuổi già, không vì lợi ích trước mắt mà từ bỏ quyền an sinh của chính mình. Nhiều người lao động đã hiểu rõ điều đó.

Tuổi già an nhàn nhờ lương hưu

Bà Nguyễn Thị Loan (tỉnh Lào Cai) năm nay 65 tuổi có khoản 5 triệu tiền lương hưu một tháng để chi tiêu. Số tiền không lớn những cũng giúp những người già như vợ chồng bà chủ động tài chính, không trở thành gánh nặng cho con cháu. Ngoài ra, vợ chồng bà còn được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe trọn đời.

Để mọi người dân đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ những đối tượng khó khăn khi tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, các đối tượng hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25% và tất cả các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%. Ngoài ra, tùy vào ngân sách, các địa phương còn có phần hỗ trợ thêm cho từng đối tượng.

Sau khi chuyển khỏi cơ quan Nhà nước, chị Lương Thị Thu Hương (phường Cốc Lếu, Lào Cai) đã từng cân nhắc rút sổ BHXH một lần để đầu tư mở quán café. Tuy nhiên sau khi được cán bộ BHXH đến tuyên truyền vận động, chị đã tiếp tục đóng nối theo hình thức BHXH tự nguyện.

Tổng mức đóng của người lao động vào Quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì NLĐ chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH. Như vậy, NLĐ mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Đó là một thiệt thòi, chưa kể thiệt thòi lớn hơn là không có tiền dưỡng già.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!