Tài nguyên rác đang bị lãng phí rất lớn

Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương), với dân số hơn 93 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, mỗi ngày có từ 7.000 – 8.000 tấn rác thải. Chưa kể lượng rác thải nông nghiệp từ cây trồng, chế biến nông – lâm – thủy sản… đều là tài nguyên.

Chôn lấp là hạ sách

Nguồn thải lớn nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.

Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.

Tài nguyên rác đang bị lãng phí rất lớn - Ảnh 1.

Các trạm trung chuyển rác chưa thực hiện phân loại rác trước khi đưa lên xe ép mang đi chôn lấp Ảnh: THU HỒNG

Các nhà chuyên môn cho rằng nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55% – 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên, sản xuất phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam bắt đầu quan tâm giải quyết bài toán xử lý rác, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp gây thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp ngày càng tăng ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn. Một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp.

Quản lý chưa bắt kịp tốc độ xả thải

Ngoài nguyên nhân rác không được tổ chức phân loại từ đầu nguồn gây khó khăn, việc thiếu nhà máy xử lý hiện đại, công nghệ cao, năng suất cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý rác theo cách chôn lấp phổ biến hiện nay. Cả nước hiện có 381 lò đốt rác, 37 dây chuyền chế biến compost (phân trộn). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định việc xử lý rác thải là một trong những thách thức hiện nay, đặc biệt là rác thải sinh hoạt, bởi thực trạng xử lý chôn lấp vừa gây ô nhiễm tài nguyên nước vừa gây cạn kiệt, lãng phí tài nguyên.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, phát biểu trên báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng hiện Việt Nam đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của rác thải.

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco Hà Nội) đã thực hiện một số dự án, trong đó có dự án “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội”. Đại diện lãnh đạo đơn vị này cho biết sau một năm triển khai thực hiện thí điểm, chương trình đã từng bước tạo dựng được mô hình phân loại, tái chế rác thải, giảm lượng rác thải chôn lấp; bước đầu mở ra một ngành nghề kinh doanh rác tái chế của công ty. Ước tính lượng rác tái chế thu được đến hết tháng 5-2021 khoảng hơn 500 tấn.

Tài nguyên rác đang bị lãng phí rất lớn - Ảnh 2.

Đa phần rác sinh hoạt tại Hà Nội được thu gom về điểm tập trung mà không qua phân loại Ảnh: NGÔ NHUNG

Để giảm áp lực cho cách xử lý chôn lấp, TP HCM đang thay dần công nghệ xử lý rác bằng cách đốt phát điện; đồng thời hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thành 2 loại (tái chế và không tái chế) để phù hợp công nghệ đốt rác phát điện hiện nay. Chính quyền thành phố cũng đặt mục tiêu cụ thể giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 20% vào năm 2025.

Không chỉ đốt rác mà phải tái chế rác để tạo nền kinh tế tuần hoàn cho rác thải. Ông Ngô Như Hùng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietstar – đơn vị đang vận hành nhà máy tái chế chất thải rắn tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (TP HCM), cho biết cần nhận định rác là tài nguyên và tái chế rác là cần thiết. Nhiều năm nay, Vietstar đã đầu tư nhà máy tái chế rác với quy mô tiếp nhận khoảng 1.800 tấn/ngày. Mỗi tháng, nhà máy sản xuất khoảng 1.000 tấn phân hữu cơ và 300 tấn nhựa PE, mang lại nguồn thu cố định.

Các nhà chuyên môn cho rằng các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đầu tư lắp đặt dây chuyền xử lý, tái chế rác thải. Nhưng việc đầu tư hiện còn nhiều vướng mắc, trong đó có sự bất cập về thủ tục, giá xử lý… khiến nguồn rác thải không thể tận dụng.

Ông Ngô Như Hùng Việt khẳng định: “Muốn tái chế rác đòi hỏi quy trình xử lý rác đầu vào khá tỉ mẩn, tốn nhiều thời gian. Lượng rác Vietstar tiếp nhận mỗi ngày gần bằng 1/5 lượng rác toàn TP HCM. Nếu có thêm nhiều nhà máy tái chế rác thì nguồn lực kinh tế mang lại từ rác thải sẽ nhiều hơn. Lúc đó, lượng rác chôn lấp sẽ giảm rất lớn, lại còn tạo lập nền kinh tế tuần hoàn từ rác thải”. 

Nhiều nước, vùng lãnh thổ thu lợi lớn từ xử lý rác

Đơn cử, như tại Mỹ – quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới với khoảng 2,2 kg rác/người/ngày, theo trang Bloomberg. Rác thải cũng mang lại lợi nhuận “khủng” cho các công ty Mỹ, giá cổ phiếu của các công ty thu gom rác tăng khoảng 60% trong 2 năm qua. Ngoài khoản phí đổ rác ở các đô thị là hơn 53 USD/tấn, các công ty xử lý rác còn khai thác khí đốt từ rác đã được chôn lấp. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết khí từ bãi rác tạo ra 10,5 tỉ KWh điện/năm, tức là đủ điện dùng cả năm cho hơn 800.000 hộ gia đình.

Viện Kinh doanh Đức ước tính nước này tiết kiệm 3,7 tỉ euro/năm nhờ tái chế và sản xuất năng lượng từ rác thải. Xử lý rác thải đúng cách đã giúp nền kinh tế Đức tiết kiệm 20% chi phí kim loại và 3% chi phí tổng nhập khẩu năng lượng.

Ở Thụy Điển, nguồn nhiệt năng từ việc đốt rác cung cấp phần lớn nhiệt năng cho gần 10 triệu dân nước này trong mùa đông. Ngoài ra, rác còn được xử lý để trở thành phân bón sinh học, khí sinh học.

Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những nơi thu lợi từ rác thải tái chế. Phối hợp giữa quản lý rác thải và tái chế vật liệu, ngành công nghiệp tái chế mang về hơn 2 tỉ USD/năm cho vùng lãnh thổ này. Nhiều năm qua, Nhật Bản cũng đã thúc đẩy các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt và đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ tái chế rác thải ra thế giới, thu hàng tỉ USD mỗi năm.

Huệ Bình

Kỳ tới: Mất 3 tỉ USD/năm từ rác nhựa