Tác động của quá trình đô thị hóa đến một số vấn đề xã hội

1. Khái niệm về đô thị hóa

Định nghĩa về quá trình đô thị hóa đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra dựa trên nhiều cách tiếp cận khác nhau. Dựa trên góc độ nhân khẩu học và địa lý kinh tế, đô thị hóa là quá trình di cư từ nông thôn vào thành thị, là sự tập trung ngày càng nhiều dân cư sống trong những vùng lãnh thổ địa lý hạn chế được gọi là các đô thị (Trịnh Duy Luân 2004).

Về mặt xã hội, đô thị hóa được hiểu là quá trình tổ chức lại môi trường cư trú của con người. Đô thị hóa không chỉ thay đổi sự phân bố dân cư và những yếu tố vật chất, mà còn làm chuyển hóa những khuôn mẫu của đời sống kinh tế-xã hội, phổ biến lối sống đô thị tới các vùng nông thôn và toàn bộ xã hội (Tổng cục Thống kê 2011).

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội (2009), đô thị hóa là quá trình được nhìn nhận từ hai góc độ, một mặt, đó là quá trình hình thành và phát triển các điểm dân cư được tập hợp lại và phổ biến lối sống thành thị, đồng thời phát triển các hoạt động khác nhau để phục vụ sự tồn tại và phát triển trong cộng đồng đó; mặt khác, đô thị hóa cũng là quá trình mở rộng biên giới lãnh thổ đô thị do nhu cầu công nghiệp hóa, thương mại, dịch vụ và giao lưu quốc tế – là sự tăng trưởng về không gian đô thị từ phát triển dân số và phát triển sản xuất.

Theo chuyên khảo “Di cư và đô thị hóa ở Việt nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt”, kết quả từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đô thị hoá là quá trình dịch chuyển dân số từ khu vực nông thôn sang đô thị, sự gia tăng dần tỷ lệ người dân sống ở các khu vực đô thị. Đô thị hoá chịu tác động của các yếu tố: (1) Tốc độ tăng dân số tự nhiên của khu vực thành thị; (2) Sự di chuyển của dân cư từ khu vực nông thôn đến khu vực thành thị; (3) Sự tác động của các yếu tố hành chính (mở rộng, thay đổi địa giới hành chính theo các quyết định hành chính).

Nhìn chung lại, đô thị hóa chính là một quá trình chuyển biến một vùng dân cư không có lối sống đô thị sang vùng dân cư mang thuộc tính xã hội đô thị với những chỉ số biểu trưng như: tỷ số dân số đô thị tăng lên trong khi tỷ lệ dân số nông thôn giảm đi, sự mở rộng diện tích và không gian của các đô thị đã có và sự xuất hiện các đô thị mới. Nói một cách đầy đủ hơn, đô thị hoá là một quá trình biến chuyển kinh tế-xã hội-văn hoá và không gian, gắn liền với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật của xã hội loài người, trong đó diễn ra sự phát triển nghề nghiệp mới, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự chuyển đối lối sống ngày càng văn minh hơn cùng với sự mở rộng không gian thành hệ thống đô thị.

 

2. Một số tác động quá trình đô thị hóa đến các vấn đề xã hội

Đô thị hoá nhanh tạo ra sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng. Chính sự di chuyển cơ học ồ ạt, nhanh hơn tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng tạo tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, trực tiếp nhất là gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều con đường, tuyến phố của những đô thị lớn Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trở thành “nỗi khổ không của riêng ai”. Hà Nội đã có tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên, nhiều tuyến đường được mở rộng và xây mới,… nhưng ùn tắc giao thông vẫn là một vấn nạn.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

 

Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị cũng khiến cho dân số đô thị tăng nhanh, trong khi hạ tầng nhà ở và các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, … không đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tạo nên sức ép quá tải ngày càng lớn (về đất đai, kết cấu hạ tầng, công tác quy hoạch và quản lý đô thị…). Do đó, xuất hiện nhiều khu nhà ổ chuột, nhà trên kênh rạch, nhà tạm, nhất là các đô thị lớn, như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… Hạ tầng xã hội – hạ tầng kỹ thuật quá tải, rác thải, khí thải gia tăng tác động đến môi trường. Trong đó, Hà Nội là địa bàn dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động này, theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, những năm gần đây nhiệt độ trung bình năm trên địa bàn Thành phố tăng 0,7 độ C, độ lệch tiêu chuẩn lượng nước mưa trong năm biến đổi trong khoảng 311 – 502 mm. Thông số trên cho thấy, Hà Nội dễ bị “tổn thương” do những biến đổi của môi trường, khí hậu… Khu vực đô thị đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường và tình trạng suy thoái môi trường nghiêm trọng. Hệ thống cây xanh, công viên cũng như các hạ tầng kỹ thuật khác không đáp ứng yêu cầu của người dân đô thị. Do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của ứng phó với biến đổi khí hậu và thiếu kinh phí lập bản đồ cảnh báo thiên tai cho các chủ đầu tư, người dân và các cơ quan chính quyền, việc triển khai của các địa phương thực hiện các quy định của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu còn rất chậm và chưa hiệu quả. Mục tiêu chính sách bảo vệ môi trường đô thị có sự chưa thống nhất giữa các ngành. Các công cụ đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động của môi trường còn hạn chế, chưa phát huy được chức năng ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường trong quá trình phát triển đô thị.

Ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, khiến chênh lệch giàu nghèo, thu nhập ngày càng tăng. Công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong một thời gian ngắn đã làm cho một bộ phận lớn người nông dân tại các khu vực ven đô phải từ bỏ sản xuất nông nghiệp truyền thống của mình. Việc mất đất nông nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của những người nông dân ở khu vực nông thôn. Khi đất đai bị thu hẹp thì người nông dân bị mất đi phần tư liệu sản xuất quan trọng nhất để tạo nên thu nhập cho cuộc sống của gia định họ và tạo ra của cải cho xã hội. Theo thống kê của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì mỗi hecta đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ làm mất đi việc làm của 14-16 lao động nông thôn. Những lao động bị mất việc làm nông nghiệp này bắt buộc phải di chuyển tự phát về các thành phố hoặc đô thị lớn tìm kiếm việc làm.

Đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp nhiều bất cập. Khó khăn lớn nhất trong chuyển nghề, tìm việc làm cho lao động nông nghiệp là trình độ học vấn và tay nghề thấp của người lao động. Hơn nữa, ý thức của người lao động vẫn còn kém, hầu như không có kỷ luật lao động, tác phong thiếu chuyên nghiệp nên doanh nghiệp không muốn tuyển dụng. Bên cạnh đó, người lao động ở nông thôn bị thu hồi đất có số lượng đông nhưng chất lượng yếu kém. Trình độ học vấn của người nông dân thấp, thậm chí nhiều người còn chưa học hết phổ thông trung học, hiểu biết xã hội hạn chế, ngoài kinh nghiệm về việc đồng áng họ không có các kiến thức, hiểu biết về xã hội và các ngành nghề khác. Người lao động này thường được bố trí công việc giản đơn, thu nhập thấp, thời gian gò bó, vì thế chỉ sau một thời gian ngắn họ đành bỏ việc, trở thành thất nghiệp.

Một bất cập nữa trong việc đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất là do chưa gắn việc thu hồi đất với quy hoạch tái định cư và kế hoạch cụ thể về hỗ trợ tay nghề, việc làm cho người lao động. Đào tạo nghề không dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường lao động, chủ yếu dạy các nghề mà trung tâm dạy nghề có chứ không phải nghề doanh nghiệp cần. Việc thông tin, tuyên truyền đến người dân về kế hoạch, quy hoạch chuyển đổi đất thực hiện chậm trễ, chưa đầy đủ khiến người lao động bị động; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc nâng cao nhận thức và định hướng cho người dân chuyển đổi nghề phù hợp sau khi bị thu hồi đất.

Do vậy, khi những người dân bị thu hồi đất và chưa có công ăn việc làm họ có xu hướng di cư sang các khu vực thành thị để tìm việc làm. Phần lớn trong số họ chỉ tìm được công việc giản đơn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở gần thành thị, một số khác kém may mắn hơn phải lang thang tìm kiếm công việc không ổn định trong nội thị với thu nhập ít ỏi. Do thu nhập thấp, lại phải làm việc vất vả nên số lao động di cư này dễ nảy sinh những bất đồng và có những hành động thiếu kiềm chế. Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tệ nạn xã hội ở đô thị. Người nghèo và thu nhập thấp còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ, an sinh xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Những bất bình đẳng càng thấy rất rõ khi so sánh với nhóm thu nhập cao và nhóm dân số có hộ khẩu thường trú tại đô thị. Con em người nhập cư khó vào các trường chính quy, công lập. Không có hộ khẩu thường trú, không được xét vào diện hộ nghèo nên con cái họ không được miễn giảm học phí, họ không được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế và các dịch vụ an sinh xã hội khác. Bên cạnh đó, người nghèo ở đô thị còn phải chi phí nhiều khoản phát sinh hơn ở nông thôn như tiền điện, nước, tiền nhà và giá cả lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu khác. Do vậy, trên thực tế người nghèo ở đô thị còn nghèo hơn hộ nghèo ở nông thôn. Giá dịch vụ y tế quá cao đã đẩy người bệnh nghèo vào cảnh nghèo hơn. Hiện có một nghịch lý người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế lại thấp hơn các nhóm khác.

 

Tài liệu tham khảo

  1. CIEM, 2012, “Giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập”, Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
  2. Nguyễn, N.Đ.V, 2018, “Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế – xã hội ở thành phố Đà Nẵng”, Luận án Tiến sỹ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  3. Oxfam, 2018b., Dịch chuyển xã hội và bình đẳng cơ hội tại Việt Nam: Xu hướng và các yếu tố tác động.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường