Sự cố mạng xã hội Gapo: Cái giá phải trả!

Theo AFP, Gapo là trang mạng xã hội mới nhất của Việt Nam được đầu tư 21 triệu đô la từ quỹ đầu tư rủi ro G-Capital, ra mắt sau hơn 4 tháng đầu tư, với kỳ vọng sẽ có 20 triệu người dùng vào năm 2021.

Nhưng vài giờ sau khi ra mắt vào tối thứ Hai 22/7, trang mạng vướng nhiều lỗi kỹ thuật khi người dùng mới thực hiện thao tác đăng ký.

Một trang mạng xã hội được đầu tư hàng chục triệu đô la, thực hiện sứ mệnh “thay thế Facebook”, mà chỉ chuẩn bị trong hơn 4 tháng có quá vội chăng?

Phải nhắc lại việc trước đây, vào ngày 15/7/2019, tại buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông đã phát biểu: “Đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể”. Ông Hùng cho rằng, tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa.(!?).

Nhiều người đặt nghi vấn, đây có phải là câu nói “quảng bá” của ông Hùng, chuẩn bị cho sự ra mắt của Gapo? Hay sự ra đời của Gapo là để chứng tỏ tinh thần “quán triệt” sự gửi gắm của bộ trưởng Hùng?

Lực bất tòng tâm

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam quá yếu kém, ở đây giống như là chỉ quảng bá, chứ không phải cố gắng mang ra một mạng xã hội ích lợi và có giá trị cho cộng đồng.
-Hoàng Ngọc Diêu

Nhắc lại sự kiện hôm 11/6/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho ra mắt hệ thống Mạng xã hội – VCNET, được chính quyền cho là nỗ lực gần gũi dân theo phương châm ‘tuyên giáo đi trước, đi cùng’, ‘tương tác với dân’…

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc, khi trao đổi với RFA hôm 24/7, nhận định:

“Nói về mặt kỹ thuật, tính già dặn của một mạng xã hội không phải là công nghệ mà là phía bên dưới, là trải nghiệm của người dùng, và nhận được phản hồi từ người dùng. Hơn 3 tháng chuẩn bị đối với một cái mạng xã hội là hết sức non trẻ, đặc biệt cơ sở hạ tầng của Việt Nam quá yếu kém, ở đây giống như là chỉ quảng bá, chứ không phải cố gắng mang ra một mạng xã hội ích lợi và có giá trị cho cộng đồng. Cho nên ngay từ đầu, mục tiêu của họ không rõ ràng mà họ cố gắng vội vã như vậy thì chắc chắn sẽ không được.”

Theo ông Diêu, làm sao so sánh với Facebook được khi công ty này có nhiều hệ thống trên không gian mạng, phân phối tòan cầu nên mới chịu nổi số lượng người dùng toàn cầu. Còn mạng Việt Nam vì tính không đến nơi đến chốn nên phải sụp thôi. Ông nói tiếp:

“Và đặc biệt ông Bộ trưởng truyền thông lỡ tuyên bố như vậy thì phải ráng làm một cái gì đó, nhưng đó là một sự cố gắng bộp chộp và không có giá trị lâu dài.”

Ai cũng biết, để một mạng xã hội như Facebook ra đời và được phổ biến như hiện nay, nhà sáng lập ra nó Mark Zuckerberg đã cùng với các sinh viên Đại học Harvard và một số bạn hữu nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần. Sau đó, từ nền tảng cuối cùng, Zuckerberg viết, là một chương trình gọi là “Facemash” vào năm 2003. Tuy nhiên phải qua nhiều năm phát triển và kêu gọi đầu tư, đến khi Facebook lên sàn chứng khoán Hoa Kỳ là năm 2012, tức gần 10 năm. Vậy 4 tháng “chuẩn bị” của mạng xã hội Gapo nói lên điều gì?

Trao đổi với RFA hôm 24/7, ông Diệp Quang Văn, người lập ra mạng xã hội VietNamTa, có trụ sở tại Bình Dương, hiện có khoảng 50 ngàn người dùng, cho biết về quá trình chuẩn bị mạng xã hội VietnamTa:

“Ý tưởng xây dựng mạng xã hội VietNamTa của mình bắt đầu từ năm 2017 và xây dựng nền tảng cơ sở. Đến cuối tháng 6 năm 2018, mình mới nộp hồ sơ xin thành lập mạng xã hội, và đến tháng 10 mình mới có giấy phép chính thức từ Bộ thông tin và truyền thông.”

Nói về sự cố sập mạng của Gapo, ông Diệp Quang Văn nhận định:

“Về mặt công nghệ, theo mình phải cân bằng giữa người dùng và nền tảng cơ sở hạ tầng. Do cơ sở hạ tầng chuẩn bị chưa kỹ càng, mà quảng bá quá mạnh, người vô nhiều thì nghẽn mạch, giống như bị kẹt xe trên xa lộ. Mình không dám nói là quá vội vã nhưng mình nghĩ phía nhà sản xuất Gapo không nhìn trước được vấn đề, nên bị quá tải. Hoặc là không có dự bị những phương án khác.”

Không chỉ bị sự cố sập mạng khi vừa ra mắt, mạng xã hội Gapo còn dính nghi án sử dụng nền tảng từ bên ngoài và sao chép chính sách bảo mật của Google.

Theo ông Diệp Quang Văn, mua nền tảng hay tự phát triển thì nó cũng như nhau. Mặt tốt của mua nền tảng là nhanh gọn, tiện lợi, mặt xấu là  có thể có vấn đề phù hợp hay không. Ngoài ra, khi mua từ bên ngoài, nếu có sự cố thì vấn đề xử lý có thể khó khăn, ngược lại, nếu mình tự phát triển thì mình xử lý được hết… Nhưng tự mình phát triển nền tảng thì cần thời gian rất lâu, đội ngũ nhân lực rất nhiều, và phải đầu tư nhiều hơn.

Sẽ đánh mất niềm tin

Cũng trong ngày 24/7/2019, trang tin ICTnews đã phát hiện, có nhiều phần trong chính sách bảo mật của mạng xã hội Việt Nam Gapo sao chép y nguyên chính sách bảo mật của Google không sai một chữ nào.

Ngày 24/7/2019, trang tin ICTnews đã phát hiện, có nhiều phần trong chính sách bảo mật của mạng xã hội Việt Nam Gapo sao chép y nguyên chính sách bảo mật của Google không sai một chữ nào.
Ngày 24/7/2019, trang tin ICTnews đã phát hiện, có nhiều phần trong chính sách bảo mật của mạng xã hội Việt Nam Gapo sao chép y nguyên chính sách bảo mật của Google không sai một chữ nào.
Courtesy ICTnews

ICTnews đã công bố 7 hình ảnh minh họa cho thấy rõ việc sao chép này. Ngoài các phần minh hoạ, ICTnews còn cho biết có nhiều phần khác trong chính sách bảo mật của Google và Gapo cực kỳ giống nhau.

Ngay sau thời điểm ICTnews công bố tin này, phần điều khoản sử dụng của Gapo bị khóa truy cập.

Theo một người dùng mạng xã hội nhận xét với ICTnews: “Niềm tin luôn được xây dựng từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bạn không thể tạo riêng cho mình một văn bản về Chính sách sử dụng sản phẩm, thì niềm tin dành cho sản phẩm của bạn cũng khó có thể có được”.

Phóng viên RFA, sau khi truy cập vào trang mạng Gapo thì không thể đăng ký tài khoản để xác nhận về “chính sách bảo mật”, lý do được cho biết là do đăng ký từ IP nước ngoài.

Vì sao Việt Nam muốn phát triển mạng xã hội chỉ để cho người dân trong nước sử dụng? Không chỉ riêng Gapo mà trước đây các mạng xã hội của Việt Nam như VCNet, Hahalolo… đều không cho phép người Việt ở nước ngoài đăng nhập.

Liên quan vấn đề này, ông Diệp Quang Văn, chủ trang mạng xã hội VietNamTa, nhận định:

“Trang Vietnamta là cho người Việt Nam và người Việt ở hải ngoại, cho nên mình mở cổng, còn những công ty khác có thể họ chặn IP vì vấn đề bảo mật họ yếu, còn mình vẫn cho vào nhưng bảo mật theo tiêu chuẩn cao hơn, cho vô nhưng mình kiểm soát kiểu khác. Còn các trang mạng xã hội khác của Việt Nam chặn ngay từ đầu.”

Mạng xã hội hay là công cụ kiểm soát

Theo AFP, chính quyền độc đảng Việt Nam đang cố gắng tăng cường các nền tảng web của riêng mình trong khi thắt chặt quyền tự do internet.

Cá nhân tôi thì tôi cũng tham khảo, nhưng không đăng ký tài khoản, vì thấy nó vô bổ, thông tin bị kiểm duyệt nhiều, bị quản lý, thông tin một chiều.
-Nhạc sĩ Lê Thiệu

Các công ty như Facebook, Google, YouTube và các công ty công nghệ toàn cầu khác, đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn sau khi luật an ninh mạng của Việt Nam được thông qua vào năm 2018.

Theo AFP, Việt Nam là nơi có hơn một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30, đang tìm kiếm nhiều nền tảng truyền thông xã hội được thực hiện trong nước. Các nhà quan sát cho rằng các công ty địa phương có thể sẵn sàng tuân thủ luật an ninh mạng mới.

Theo chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, cái cần của mạng xã hội là trải nghiệm của người dùng và nhận được phản hồi từ người dùng.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, RFA liên lạc chị Nguyễn Lai, người dùng mạng xã hội nhiều năm tại Nha Trang, và được chị cho biết:

“Chị dùng mạng xã hội Facebook cũng mấy năm nay rồi, ở Việt Nam đang có mạng xã hội Gapo, nhưng hiện nay nó chỉ có thể dùng trên điện thoại di động android và ios, chứ chưa có phiên bản web, mà trải nghiệm của Gapo thì cũng chưa tạo được sự khác biệt như tuyên bố, thua kém những mạng xã hội hiện tại. Chị không thích xài vì thứ nhất không bảo mật cao và phải chịu sự quản lý của ban tuyên giáo. Theo chị các mạng xã hội được yêu thích hiện nay là Facebook, Youtube, WhatsApp… bởi vì tư liệu chính thức và được dùng cho toàn cầu. Gapo thì chưa thấy bạn bè dùng, chỉ thấy đưa stastus lên chế diễu thì có… Vì mới ra mắt đã bị sập.”

Nhạc sĩ Lê Thiệu, hiện sống tại Sài Gòn, cho biết, anh đã dùng mạng xã hội 10 năm rồi, về các mạng xã hội của Việt Nam, theo anh nếu có thì chỉ chiếm một thị phần cực kỳ nhỏ trong thị phần mạng xã hội ở Việt Nam, không thể so sánh với Facebook, Google hay YouTube được. Anh nói tiếp:

“Cá nhân tôi thì tôi cũng tham khảo, nhưng không đăng ký tài khoản, vì thấy nó vô bổ, thông tin bị kiểm duyệt nhiều, bị quản lý, thông tin một chiều. Còn bạn bè tôi thì hầu như ai cũng từ chối dùng những mạng như Hahalolo hay Gapo.”

Các trang truyền thông mạng xã hội đã trở thành cứu cánh cho các nhà hoạt động tại Việt Nam, nơi tất cả các phương tiện truyền thông độc lập đều bị cấm và blog thường xuyên bị xóa.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ Việt Nam kể từ năm 2016 đã bị cáo buộc tiến hành một cuộc đàn áp chống lại các nhà phê bình, với ít nhất 128 người hiện đang bị cầm tù, hơn 10% những người này đã bị kết án vì những bình luận trên Facebook.