Sổ bảo hiểm xã hội, người lao động hay Công ty được giữ? Công ty không chịu trả Sổ bảo hiểm xã hội có bị phạt không?


Tôi tên Thảo Nguyên. Tôi nghe nói, theo quy định, người lao động được quyền giữ Sổ bảo hiểm xã hội của mình. Tuy nhiên, tôi làm việc tại một công ty tại quận Tân Bình (TP.HCM) từ năm 2015 đến nay chưa hề thấy quyển Sổ bảo hiểm xã hội của mình như thế nào? Nếu công ty không chịu trả Sổ bảo hiểm xã hội, tôi phải làm sao? Công ty có bị phạt không? Nếu có mức xử phạt ra sao?

Người lao động có được giữ Sổ bảo hiểm xã hội không?

Theo khoản 2 điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thì người lao động được cấp và quản lý Sổ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động như sau:

– Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

– Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội.

– Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử.

Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Như vậy, theo quy định trên, chị có quyền được giữ Sổ bảo hiểm xã hội để theo theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Sổ bảo hiểm xã hội, người lao động hay Công ty được giữ?

Sổ bảo hiểm xã hội, người lao động hay Công ty được giữ?

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Theo khoản 5 điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

– Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

– Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

– Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

– Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho chị, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi chị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu công ty cố tình không trả Sổ bảo hiểm xã hội cho chị thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hướng đến quyền và lợi ích chính đáng của chị. Trong trường hợp này, chị cần ý kiến với Ban lãnh đạo công đoàn cơ sở để được hỗ trợ.

Công ty không chịu trả Sổ bảo hiểm xã hội có bị phạt không? Mức phạt là bao nhiêu?

Căn cứ theo điểm d khoản 4 điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về bảo hiểm xã hội như sau:

“4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng;

b) Không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội;

c) Không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa;

d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt như sau:

Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3, 4, 6 Điều 12; khoản 2 Điều 24; khoản 1 Điều 25; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 26; khoản 5 Điều 40; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 41; khoản 2, 4 Điều 42; khoản 1, 2 Điều 43; các khoản 1, 2, 3 Điều 44; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 45 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, trường hợp công ty có hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng, còn đối với cá nhân thì mức phạt bằng 1/2 lần mức phạt đối với tổ chức).