Phòng, chống tham nhũng – những vấn đề đặt ra hiện nay
Phòng, chống tham nhũng – những vấn đề đặt ra hiện nay
Trong những năm qua, tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng công tác thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, yêu cầu phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, kiểm soát quyền lực của Nhà nước để ngăn ngừa hành vi vi phạm tham nhũng.
1. Một số hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII và Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc về tham nhũng nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo, điều tra, xử lý dứt điểm.
Trong 10 năm (2012-2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo, về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa gần 1.000 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, với mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Bên cạnh đó, đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Nếu như trước năm 2013, tỷ lệ thi hành án về tiền đối với các vụ án tham nhũng chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012-2022 đã đạt tỷ lệ 34,7% (60.940 tỷ đồng/175.608 tỷ đồng).
Như vậy, có thể khẳng định pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để nhà nước quản lý xã hội, giữ vai trò quyết định đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN). Chính vì vậy, thực hiện pháp luật PCTN có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực thi vẫn còn những hạn chế nhất định, cụ thể:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện trong điều kiện vừa phải bảo đảm tính dự báo, chuyển đổi, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm nên khó tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Nhiều cơ chế, chính sách mới được vận hành chưa có tiền lệ, kiểm định thực tiễn nên khó có thể dự báo được đầy đủ tác động, từ đó dẫn đến một số quy định trong PCTN còn chung chung, chưa đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi, gây khó khăn cho việc áp dụng và triển khai thực hiện. Mặt khác, hệ thống pháp luật PCTN và quản lý kinh tế – xã hội có liên quan đến PCTN, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài chính công, tài sản công rất đa dạng về hình thức, đồ sộ về số lượng, không được thường xuyên rà soát, hệ thống hoá nên khiến người dân rất khó tiếp cận, tìm hiểu và tuân thủ đúng yêu cầu của pháp luật. Ngoài ra, nhiều vấn đề lý luận về pháp luật, hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật PCTN nói riêng chưa được nghiên cứu một cách bài bản; thiếu đánh giá, tổng kết thực tiễn đầy đủ nên việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật PCTN nói riêng trong một thời gian dài chưa đặt trên cơ sở khoa học vững chắc, còn mang nặng giải pháp tình thế, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, về năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, đối thoại, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật PCTN và pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội chưa phát huy đầy đủ hiệu quả trong thực tiễn như đánh giá tác động của chính sách, nhất là phương pháp, hình thức, cơ chế, chính sách lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, chuyên gia trong xây dựng chính sách, pháp luật, đặc biệt là việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn hình thức; việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý để bảo đảm tính khả thi còn chưa đầy đủ, chưa thực chất, nghiêm túc nên chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, pháp luật về PCTN nói riêng còn hạn chế, hiệu quả thực hiện pháp luật PCTN còn chưa cao, vẫn tồn tại vướng mắc, hạn chế.
Thứ ba, các điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế. Chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật làm công cụ quản lý nhà nước, chưa có các tiêu chí, phương pháp nhận diện và đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, đạo đức, ý thức pháp luật của các chủ thể thực hiện pháp luật, đặc biệt là của công chức nhà nước đến hiệu quả thi hành pháp luật. Chưa có văn bản ở tầm luật về thi hành pháp luật để xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; cơ chế xử lý trách nhiệm đối với công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, đối với nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực hiện pháp luật nói chung, pháp luật PCTN nói riêng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của thực tiễn; chưa xác định xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; chưa gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác nghiên cứu lý luận trong lĩnh vực pháp luật với thực tiễn xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật. Việc khắc phục sơ hở, bất cập, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội và PCTN trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi còn chậm. Cơ chế kiểm soát quyền lực trên nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, năng lực trình độ của cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tính chuyên nghiệp chưa cao; năng lực trình độ nhận diện vấn đề và kỹ năng, nhất là kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ năm, lĩnh vực kinh tế là nơi mà khả năng tham nhũng dễ nảy sinh nhất, nhưng các quy định pháp luật về quản lý kinh tế chưa đồng bộ, còn bất cập là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thực hiện pháp luật PCTN. Chưa có một hành lang pháp lý thật sự minh bạch, công khai, đảm bảo sự khách quan, công bằng nên nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra.Trong khi các chủ thể tham gia công cuộc PCTN luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thậm chí phải gánh chịu những rủi ro, hiểm nguy cho bản thân mình, bởi chống tham nhũng là chống lại những đối tượng có sức mạnh quyền lực nhất định.
2. Một số kiến nghị trong công tác phòng, chống tham nhũng
Để phát huy các nhân tố tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực, kìm hãm hiệu lực, hiệu quả PCTN cần có những giải pháp sau:
Một là, cần phải xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế về kiểm soát quyền lực để PCTN. Mọi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn đều phải được kiểm soát chặt chẽ từ bên trong và kiểm soát từ bên ngoài bằng các cơ chế và quy định rõ ràng, cụ thể; quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; văn bản có quy định về việc thực hiện thì bắt buộc phải quy định về chế tài xử lý vi phạm; tăng nặng các chế tài pháp lý, từ xử lý kỷ luật, xử lý hành chính cho đến xử lý hình sự, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn nữa đối với các vi phạm.
Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ cơ chế “xin -cho” trong quản lý kinh tế – xã hội, hoàn thiện các quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu các dự án, đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản công theo hướng minh bạch, công khai, chặt chẽ và đồng bộ, bảo đảm môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và công bằng, lường trước và “bịt kín” tất cả các “lỗ hổng”, khắc phục những hạn chế, triệt tiêu khả năng phát sinh tham nhũng, “tham nhũng vặt”, “sách nhiễu”, “vòi vĩnh” trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Ba là, chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, làm “méo mó”, giảm hiệu lực và hiệu quả của các chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; khắc phục tình trạng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN không thiếu, nhưng thực hiện không nghiêm, không hiệu quả.
Bốn là, cần bổ sung sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng: Xử lý, thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán trong việc áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản của các cá nhân liên quan đến sai phạm về kinh tế, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; quy định linh hoạt thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên (không nhất thiết quy định “vừa đủ” như hiện nay); quy định thủ tục đặc biệt để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế… Đồng thời, hoàn thiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp; xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, đảm bảo thực hiện hiệu quả tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản trong quá trình tố tụng giải quyết các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế và thi hành các bản án, quyết định hình sự về tham nhũng.
Năm là, xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch triển khai thi hành các văn bản pháp luật về PCTN sau khi được ban hành là yếu tố quan trọng đảm bảo đưa pháp luật vào đời sống, đảm bảo sự gắn kết giữa xây dựng và thực hiện pháp luật. Việc thực hiện các chương trình, kế hoạch thi hành luật phải được bảo đảm đúng lộ trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện, nguồn lực cho việc thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát ở từng bước, từng giai đoạn, đặc biệt là việc đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội thực tế của văn bản được thi hành.
Sáu là, xử lý nghiêm mọi vi phạm pháp luật PCTN để cán bộ không dám tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế phải xử lý toàn diện và công khai, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, trọng tâm là việc quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà công sản…); các dự án đầu tư lớn, mua sắm lớn từ tài sản nhà nước; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài, hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT… Phải kịp thời ngăn chặn, giải quyết ngay không để tích tụ kéo dài ./.
P. Hương
Nguồn: thanhtravietnam.vn (01/3/2023)