Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt Nam ​ | Tạp chí Tuyên giáo

Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nhằm phát huy lợi thế quan trọng nhất của nước ta để phát triển kinh tế, ổn định xã hội bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì đó, Đảng, Nhà nước và các Bộ ban ngành đã ban hành và triển khai thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từng bước hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân xứng tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trên cơ sở phân tích thực trạng, thành tựu và những hạn chế, bài tham luận đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn.

 

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC, ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

 

1. Khái quát chung về phát triển nhân lực nông nghiệp, nông thôn

 

Ngành nông nghiệp trực tiếp nuôi sống gần 65% dân số cả nước sống ở nông thôn, đồng thời cung cấp lương thực thực phẩm cho toàn xã hội, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, cung cấp đất đai, lao động cho các ngành kinh tế khác phát triển. Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng là lĩnh vực sản xuất ra những mặt hàng có giá trị xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công trong chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và tạo ổn định chính trị, kinh tế xã hội, góp phần tạo vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới hơn 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt giá trị 40,2 tỷ USD. Nhiều sản phẩm chủ lực quốc gia của Việt Nam là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn (hồ tiêu và điều đứng đầu; cà phê đứng thứ 2; gạo đứng thứ 3; thuỷ sản đứng thứ 5; chè đứng thứ 8 và cao su đứng thứ 11)[5], [10].

 

Nguồn nhân lực nông thôn là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, được phân bố ở nông thôn và làm việc trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội trên địa bàn nông thôn, bao gồm sản xuất nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các hoạt động phi nông nghiệp khác diễn ra ở nông thôn.

 

Phát triển nguồn nhân lực nông thôn được hiểu là làm tăng giá trị của người LĐNT trên các mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm hồn, thể lực… làm cho LĐNT có khả năng làm việc cao nhất, đóng góp có hiệu quả nhất vào phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Ở phương diện nội dung, phát triển nguồn nhân lực nông thôn là phát triển cả về mặt số lượng và chất lượng lao động của LĐNT. Số lượng thể hiện ở sự hài hòa, cân đối, không thừa, không thiếu trong các ngành nghề kinh tế nông thôn, làm cho tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm thấp, tỷ lệ có việc làm cao ở nông thôn. Về chất lượng, ngoài các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, giáo dục đạo đức, văn hóa cho người lao động còn là việc đào tạo ở các trình độ cao, đào tạo nghề, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mới, các kiến thức khoa học công nghệ, tác phong lao động, thái độ, ý thức lao động,… cho người LĐNT. Phát triển nhân lực nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của LĐNT, tạo sự phát triển cho nông nghiệp tiếp cận hiện đại, xây dựng nông thôn mới.

 

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói chung, phát triển nhân lực nông thôn nói riêng là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây.

 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định những mục tiêu và giải pháp phát triển nhân lực nông thôn, trong đó đã nhấn mạnh: “Nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới; … tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học – công nghệ tiên tiến, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; …. tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở”[1]. Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT đã xác định “Tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyển nghề; dạy nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại”. Chủ trương này tiếp tục được khẳng định tại các Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X; và Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày chuyên đề “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021- 2025” cũng xác định “Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp”.

 

Thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực nói chung, đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng trong các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, điển hình như: Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020,… với những nội dung nổi bật như:

 

– Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Quyết định 971/QĐ-TTg và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg:

+ Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật. Trong đó, ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.

+ Chính sách được vay vốn để học nghề và tự tạo việc làm: (i) Lao động nông thôn học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề; (ii) Lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.

 

– Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 gồm 11 nội dung, trong đó có 02 nội dung liên quan đến tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực nông thôn, bao gồm: (i) phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân (mục tiêu số 3), và (ii) phát triển giáo dục ở nông thôn (mục tiêu số 5). Trong đó nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân có đề cập đến việc phát triển ngành nghề nông thôn bao gồm: bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái, khuyến khích phát triển mỗi làng một nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì cho sản phẩm làng nghề và nội dung liên quan đến nâng cao đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

– Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là cơ sở quan trọng để thực hiện cơ cấu, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với thực tiễn, đưa ngành nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện, hiện đại; nông sản có năng lực cạnh tranh cao, quy mô hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương…. đã xây dựng, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan đến phát triển nhân lực, đào tạo, đào tạo nghề cho cán bộ và LĐNT, góp phần vào sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân thời gian qua như: Thông tư liên tịch số 112/2010TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20/7/2010 của Bộ Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Thông tư liên tịch số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT ngày 12/12/2012 hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 1956, Quyết định số 1952/QĐ-LĐTBXH ngày 19/1/2017 của Bộ LĐTBXH ban hành kế hoạch thực hiện “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn”…

 

Thêm vào đó, các đường lối, chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhiều nội dung liên quan đã được thể chế hóa trong các văn bản, chính sách khác như Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (với các chính sách hỗ trợ đối với lao động nông thôn) hay Luật việc làm 2013 (quy định chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho các đối tượng là người lao động ở khu vực nông thôn chuyển đổi nghề nghiệp việc làm, lao động ở khu vực nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn).

 

2. Thực trạng về phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 

2.1. Thực trạng chung về phát triển nhân lực nông nghiệp, nông thôn

Theo Tổng cục Thống kê[14], tính đến năm 2020, số dân của cả nước là 97,576 triệu người, trong đó, nông thôn chiếm là 61,645 triệu người, bằng khoảng 63% dân số của cả nước. Lực lượng lao động trung bình cả nước năm 2020 là 54,844 triệu người; lực lượng lao động của khu vực nông thôn là 36,671 triệu chiếm 66,9%. Số liệu trên đây phản ánh một thực tế là LĐNT nước ta vẫn chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động xã hội, đòi hỏi phải được đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp.

 

Bảng 1. Một số chỉ tiêu về lao động nông thôn

TT

Chỉ tiêu

Năm

2018

2019

2020

1

Dân số (nghìn người)

94,666

96,484

97,576

 

Nông thôn

60,836

63,014

61,645

2

Lực lượng lao động (nghìn người)

55,354

55,767

54,843

 

Nông thôn

37,282

37,673

36,671

3

Lao động có việc làm (nghìn người)

54,249

54,659

53,610

 

Nông thôn

36,711

37,094

36,091

4

Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)

22,5

22,8

24

5

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động (%)

1,40

1,27

2,52

 

Thành thị

0,65

0,67

1,69

 

Nông thôn

1,78

1,57

2,94

(Nguồn: Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, Tổng cục Thống kê)

 

Trong nông nghiệp, giai đoạn 2010 – 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của giá trị sản xuất của cả ngành nông, lâm, thủy sản là 3,2%, tập trung nhiều ở lĩnh vực trồng trọt[10].

Tuy nhiên, tỷ lệ chung lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong nông nghiệp là rất thấp, chỉ chiếm 4,21% trong tổng số lao động trong ngành nông nghiệp vào năm 2016 và năm 2017 còn số này chưa có chuyển biến nhiều (4,23%) và tình trạng này tiếp tục diễn ra trong năm 2018 (4,01%)[10]. Năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động [15].

 

Về đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn[6], hiện cả nước có 34 cơ sở đào tạo (01 học viện, 03 trường đại học, 02 trường cán bộ quản lý, 28 trường cao đẳng) và 08 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học. Tính đến năm 2020, không tính đến đào tạo các ngành nghề trình độ sơ cấp, cả nước có 373 ngành nghề đào tạo, gồm: Sau đại học (tiến sỹ và thạc sỹ): 38; đại học: 88 (trong đó nông nghiệp 31 ngành, chiếm 35,2%); cao đẳng: 112 (nông nghiệp 48 ngành, chiếm 42,8%); trung cấp: 135 (nông nghiệp 44 ngành, nghề chiếm 32,5%)

Công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, người lao động được quan tâm thực hiện với trên 22,4 triệu lượt lao động nông thôn được tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, trong đó giai đoạn 2010-2015 là 10,9 triệu lượt người, giai đoạn 2016-2020 là gần 11,5 triệu lượt người, tăng 5,4% so với giai đoạn 2010-2015. Đã có 3,95 triệu lao động nông thôn có việc làm sau học nghề, chiếm 86,5% tổng số người được hỗ trợ đào tạo (4,57 triệu người) 

 

Trong giai đoạn 2015 – 2020, các trường đại học trong lĩnh vực nông nghiệp đã tuyển sinh được: 10.883, trong đó: 420 nghiên cứu sinh; 10.463 cao học, trong đó các ngành đào tạo nông nghiệp: 3.040 (tỷ lệ 28%), ngành đào tạo khác: 7.843 (tỷ lệ 72%). Tuyển sinh đại học: 52.208 học sinh sinh viên, trong đó các ngành đào tạo nông nghiệp: 18.800 (tỷ lệ 36%); các ngành đào tạo khác: 33.400 (tỷ lệ 64%) .

 

Các trường cao đẳng, trung cấp đã tuyển sinh đạt: 120.959 HSSV, trong đó cao đẳng là: 30.377 HSSV, trong đó: các ngành đào tạo nông nghiệp: 4.790 (tỷ lệ 16 %); các ngành đào tạo khác: 25.587 (tỷ lệ 84 %); tuyển sinh trung cấp: 90.582 HSSV, trong đó các ngành đào tạo nông nghiệp: 14.475 (tỷ lệ 16 %); các ngành đào tạo khác: 76.107 (tỷ lệ 84 %).

 

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành 26 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ quản lý cấp xã. Trong 11 năm (2010-2020), đã có 549.874 lượt cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và đào tạo nâng cao trình độ, đạt 54,9% mục tiêu của Đề án (1 triệu người), trong đó, giai đoạn 2010-2015 đào tạo, bồi dưỡng 403.183 lượt người đạt 80,6% kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 đào tạo, bồi dưỡng 146.691 lượt người, đạt 29,3% kế hoạch [3].

 

2.2. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đề án được triển khai từ năm 2010 với mục tiêu: đào tạo cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn và khoảng 1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.

 

Trong 11 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT (2010 – 2020) [4], cả nước có gần 10 triệu LĐNT được học nghề, đạt 89% mục tiêu Đề án đặt ra (11 triệu người), trong đó gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956, đạt 65% kế hoạch 11 năm của Đề án (7,052 triệu người), trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4,57 triệu người, đạt 70% kế hoạch 11 năm của Đề án (6,54 triệu người) người trong đó có: 53,4% lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là nữ; 40,2% học nghề nông nghiệp, 59,8% học nghề phi nông nghiệp; 1,8% là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; 25,8% người dân tộc thiểu số; 4,9% người thuộc hộ nghèo; 1,7% người bị thu hồi đất canh tác; 4,7 người khuyết tật; 3% người thuộc hộ cận nghèo, còn lại là lao động nông thôn khác được hỗ trợ học nghề; thí điểm đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp giai đoạn 2010-2015 cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, LĐNT bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Trong số 4,57 triệu LĐNT được hỗ trợ học nghề có 1,84 triệu LĐNT học nghề nông nghiệp, chiếm 40,2%; 2,73 triệu LĐNT được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp, chiếm 59,8% (Hình 2)

Hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng
            giai đoạn 2015 - 2020 theo Đề án 1956 chia theo loại đối tượng

Hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng
giai đoạn 2015 – 2020 theo Đề án 1956 chia theo loại đối tượng

Đơn vị tính: 1000 người

 

Trong số 4,57 triệu LĐNT được hỗ trợ học nghề có gần 4 triệu người có việc làm sau học nghề, đạt 86,5%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra, trong đó giai đoạn 2010 – 2015 đạt 84,3% vượt 14,3% (mục tiêu tối thiểu 70% số LĐNT có việc làm sau học nghề), giai đoạn 2016-2020 đạt 89,3%, vượt 9,3% (mục tiêu tối thiểu 80% LĐNT có việc làm sau đào tạo).

 

Theo thống kê của các địa phương, đã có:

+ 1,57 triệu người học nghề nông nghiệp học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng lên, đạt 85% số người được học nghề nông nghiệp.

+ 2,38 triệu người học nghề phi nông nghiệp học xong có việc làm, đạt 88% số người học nghề phi nông nghiệp.

+ 1,17 triệu người được doanh nghiệp tuyển dụng, chiếm 29,5% số người có việc làm sau học nghề. Bình quân mỗi năm có trên 106.000 lao động nông thôn sau học nghề được doanh nghiệp nhận tuyển dụng (lao động nông thôn được doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu là lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp).

+ 401.256 người được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, chiếm 10,1% số người có việc làm sau học nghề. Bình quân mỗi năm có gần 36.478 lao động nông thôn học nghề được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm (lao động nông thôn được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm chủ yếu học và làm các nghề tiểu thủ công nghiệp,).

+ 2,32 triệu người tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên, chiếm 58,8% số người có việc làm sau học nghề. Bình quân mỗi năm có trên 211.500 người học xong tự tạo việc làm (chủ yếu số người học xong tự tạo việc làm là người học nghề nông).

+ 61.217 người thành lập tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, chiếm 1,6% số người có việc làm sau học nghề. Bình quân mỗi năm có trên 5.565 người sau học nghề đã thành lập các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, tạo việc làm cho bản thân và lao động khác tại địa phương (chủ yếu là người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 80%).

+ 134.845 lượt hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 38,2% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề; 261.361 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 5,7% tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề.

 

Ngoài những kết quả nêu trên, việc đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng LĐNT, cụ thể:

 

– Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế dần tư tưởng coi trọng bằng cấp, học theo phong trào, học để được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, học cho biết; cơ sở đào tạo theo số lượng, đào tạo theo năng lực sẵn có;

 

– Đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng, theo chỉ tiêu đã được khắc phục tích cực, các cơ sở đào tạo nghề chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, theo nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho LĐNT.

 

– Với những kết quả, hiệu quả trong việc thực hiện Đề án, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020. Đến năm 2020 có khoảng 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.

 

– Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển các sản phẩm dịch vụ có lợi thế so sánh với các địa phương khác nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Sự thành công của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP giai đoạn 2018-2020” là một ví dụ điển hình.

3. Những vấn đề đặt ra trong phát triển nhân lực nông thôn

Thực tiễn phát triển nhân lực và đào tạo nghề cho LĐNT hơn 10 năm qua cho thấy bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới, cụ thể:

 

– Nhu cầu về đào tạo, giải quyết việc làm là rất lớn: Trong những năm qua, mặc dù quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, tuy nhiên, lao động vẫn tập trung ở khu vực nông thôn và tăng dần theo các năm (năm 2020, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn là 36,671 triệu người [14], chiếm 66,9% lực lượng lao động của cả nước), tiếp tục gây sức ép về nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho LĐNT;

 

– Sự di cư của LĐNT gây tình trạng thiếu việc làm cho thành thị, đồng thời gây thiếu hụt lao động ở nông thôn: Theo Tổng cục Thống kê[14], năm 2020, số người di cư từ 15 tuổi trở lên là 877,8 nghìn người và phần lớn là di chuyển đến khu vực thành thị (69,0%); tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ (47,8%), vùng Đồng bằng Sông Hồng (23,4%) và có độ tuổi dưới 30. Điều này cho thấy thiếu lao động trẻ ở nông thôn, do vậy phần lớn hiện nay tại nông thôn là người già, phụ nữ, trẻ em. Do kinh tế nông thôn về cơ bản là thuần nông, lao động theo thời vụ, là hoạt động rất vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, ngành nghề phát triển chậm, nên sau khi thu hoạch mùa màng, nhiều người không có việc làm, phần lớn phải đi tìm việc ở các đô thị và khu vực tập trung công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư (9,82%) cao hơn khoảng 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên (2,25%), phần lớn tập trung ở LĐNT, không qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật;

 

– Quy mô lao động có việc làm ở khu vực nông thôn liên tục tăng nhưng chưa bền vững: Năm 2008 có 33,961 triệu lao động ở khu vực nông thôn có việc làm, năm 2020 là 36,091 triệu người (tăng 9,4%). Tuy nhiên do tác động của đại dịch Covid-19, số lao động có việc làm có xu hướng giảm, trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (năm 2019 là 37,094, năm 2020 là 36,091 triệu người). Điều đáng nói là chất lượng việc làm chưa bền vững, lao động ở khu vực nông thôn vẫn chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (33,1%);

 

– Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn thấp: Chất lượng lao động từng bước được cải thiện nhưng còn hạn chế. Chất lượng LĐNT thấp đã làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh, gây ra chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Chính sách xóa đói giảm nghèo tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng việc giảm nghèo phải được thực hiện bằng việc nâng cao chất lượng lao động của LĐNT. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn là 16%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của thành thị (39,3%) và thấp hơn so với chung của cả nước (24,6%)[14]. Đây là thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng LĐNT, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và tác động mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

 

– Quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở đào tạo ngày càng giảm mạnh: Sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, do vậy việc các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp cũng bị thu hẹp là tất yếu. Tuy nhiên, rất nhiều ngành nghề cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông, lâm sản …..) để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới chưa được chú trọng; người học không muốn vào học những ngành này do nghĩ rằng học xong lại quay lại nông thôn;

 

– Lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao không muốn về nông thôn: Thực trạng này xuất phát từ thực tế khách quan là nông thôn không có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để sử dụng người lao động có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, giá cả sản phẩm nông nghiệp luôn trong tình trạng được mùa mất giá trong khi đó các loại chi phí về vật tư, dịch vụ nông nghiệp  khá đắt đỏ nên giá trị công lao động trong sản xuất nông nghiệp không cao. Mặt khác là do sự ít đa dạng về sản xuất và hoạt động kinh doanh, sự không hoàn thiện của sản xuất dẫn đến việc chỉ dừng lại ở nhu cầu sử dụng lao động chân tay đơn giản, không có nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật cao và phức tạp, thành ra người có kiến thức và tay nghề ở nông thôn trở nên bị thừa một cách bất đắc dĩ (thiếu việc làm);

 

– Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh (công nghệ 4.0) trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn: Lao động chính tại các thôn làng chủ yếu là ông già, bà già, trẻ em, chính điều này dẫn đến không có lao động trẻ, lao động chất lượng, nên việc tiếp thu các tiến bộ khoa học hạn chế. Thêm vào đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu theo hình thức hộ gia đình làm cho việc áp dụng KH&CN còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất do các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất thấp để đầu tư vào KH&CN. Trong khi việc sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao đòi hỏi cần có lực lượng lao động có kỹ thuật, có kỹ năng, có hiểu biết về công nghệ. Việc đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức cho lao động nông nghiệp là cần thiết và là quá trình liên tục. Ứng dụng công nghệ sẽ dẫn đến việc giảm sử dụng lao động nông nghiệp và thúc đẩy các dịch vụ phục vụ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (sửa chữa máy móc công nghệ cao,…);

 

– Sự đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn quá ít: Mặc dù đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020, các chương trình, dự án, đề án về đào tạo nghề cho LĐNT, song nguồn lực cho các nội dung này còn hạn chế, dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn chưa đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới.

 

4. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nhân lực lao động nông thôn

Trên thế giới, nhiều quốc gia, ngay cả các quốc gia phát triển vẫn rất coi trọng phát triển nhân lực nông nghiệp, nông thôn, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc các nước đang phát triển như Thái Lan, Ấn Độ[18],[7],[11], … vì mục tiêu của các nước là duy trì, phát triển lĩnh vực nông nghiệp, không phải là để nông nghiệp cạnh tranh được với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ mà để nó tiếp tục tồn tại trong sự cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp đến từ nơi khác, cho dù lĩnh vực nông nghiệp có thể chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong GDP. Xét về phương diện quốc gia, nhất là các quốc gia Châu Á, nông nghiệp chính là phương thức để tạo nên và giữ gìn bản sắc kinh tế – văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc và vùng lãnh thổ. Nông nghiệp gắn bó hữu cơ với người nông dân và văn hoá nông thôn. Bởi ý nghĩa sâu xa này, chính phủ ở các nước đều có chính sách hỗ trợ cho nông dân và bao cấp cho nông nghiệp và nguyên lý này đã được thừa nhận trong các quy tắc chung về thương mại quốc tế.

 

Để giải quyết vấn đề lao động, việc làm vùng nông thôn, các nước đã thực hiện đồng bộ nhiều các giải pháp phát triển nhân lực khác nhau, trong đó có một số giải pháp mà Việt Nam có thể tham khảo, cụ thể:

 

– Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nhân lực nông thôn, tạo cơ sở để triển khai tốt các chính sách với mục tiêu thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển theo định hướng đã định của nhà nước. Đây là những chiến lược đồng bộ, tổng thể về nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu của chiến lược đào tạo nông dân là giúp họ có niềm tin mãnh liệt vào chính mình trước những khó khăn về vật chất và tinh thần để họ trở nên tích cực, năng động, sáng tạo đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn[18]. Chính phủ phải là nhà đầu tư lớn nhất và toàn diện nhất vào xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động. Các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc đưa ra nhu cầu, kế hoạch về sử dụng lao động và tham gia vào quá trình đào tạo.

 

– Thứ hai, đa dạng các hoạt động đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ năng làm việc cho người LĐNT theo nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế; có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghề nghiệp, chương trình tự tạo việc làm cho thanh niên nông thôn; chương trình đào tạo cho phụ nữ và thanh thiếu niên vùng nông thôn; chương trình bảo đảm việc làm cho thanh niên nông thôn[18],[7]….

 

– Thứ ba, thúc đẩy công nghiệp ở vùng nông thôn, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển nhân lực nông thôn. Bên cạnh việc phát triển kinh tế phi nông nghiệp vùng nông thôn, tăng cường đào tạo nghề, đổi mới chính sách đất đai… Nhật Bản đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn; có chính sách, kế hoạch, quy hoạch để thúc đẩy ngành công nghiệp ở các thành phố lớn sau đó lan tỏa về nông thôn. Thái Lan dành rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về đầu tư ở nông thôn. Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp vùng nông thôn. Năm 1968, Hàn Quốc đã ban hành “Luật Phát triển công nghiệp địa phương”, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ở khu vực thành thị về vùng nông thôn[7].

 

– Thứ tư, quan tâm đào tạo nghề cho thế hệ thứ hai của lao động di cư. Trung Quốc coi đây là vấn đề phát triển nhân lực bền vững[17]. Vì dịch chuyển lao động nông nghiệp liên quan mật thiết tới di cư lao động. Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế là đối tượng này luôn bị thiệt thòi trong nhiều chính sách trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và đối tượng này cần phải được đào tạo để hòa nhập xã hội nơi thành thị, để có được nghề nghiệp, tham gia thị trường lao động với năng suất, hiệu quả lao động.

II. QUAN ĐIỂM VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC, ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

 

1. Về quan điểm phát triển nhân lực nông nghiệp, nông thôn

Từ thực tiễn Việt Nam hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của BCHTW khóa X, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 và kinh nghiệm phát triển nhân lực nông thôn của của các quốc gia trên thế giới cho thấy:

 

(1) Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho LĐNT phải được đặt trong tổng thể chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho LĐNT phải được định hướng theo sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu toàn nền kinh tế, chứ không thể chỉ riêng cho khu vực nông thôn, bởi vì kinh tế nông thôn không thể tách rời kinh tế chung của quốc gia.

 

(2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, lấy người dân nông thôn làm trung tâm của sự phát triển. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo nghề cho LĐNT gắn với giải quyết việc làm bền vững, tăng thu nhập, thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn; đào tạo nhân lực nông thôn không chỉ là lĩnh vực nông nghiệp mà phải cả công nghiệp, dịch vụ; không chỉ nông dân mà cả các cán bộ quản lý. Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề cần lồng ghép vào thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược của ngành đó là bảo đảm an ninh, lương thực quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

 

(3) Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho LĐNT phải tính đến quy hoạch phát triển nông thôn dài hạn, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Điểm quan trọng nhất của chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn là khu vực sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm, ngư nghiệp) phải được xem xét trong các mối quan hệ với tăng trưởng, an ninh lương thực và việc làm của người lao động để hoạch định chính sách về nhân lực cho phù hợp; Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề phải gắn với thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt là tiếp cận áp dụng công nghệ cao, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, chế biến và thương mại hóa sản phẩm.

 

(4) Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho LĐNT nông thôn có những đặc thù riêng so với phát triển nguồn nhân lực chung. Trong khi chính sách chung phải xem xét các mục tiêu phát triển nhân lực cho sự phát triển của các ngành kinh tế trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn thì chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn còn phải xem xét mục tiêu chuyển dịch một bộ phận nhân lực từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp và chuyển dịch trong nội bộ khu vực nông thôn (phân bổ lại nguồn LĐNT).

 

(5) Chính sách đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực nông thôn nói riêng phải được coi là một bộ phận quan trọng của chính sách đầu tư công. Đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng phải được coi là một dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, có như vậy, mới tăng được cơ hội đào tạo nghề cho LĐNT. Sự thành công trong phát triển nguồn nhân lực nông thôn phụ thuộc rất lớn vào quan điểm và mức độ đầu tư của Nhà nước vào đào tạo nghề cho người LĐNT.

 

2. Một số giải pháp

Để tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là chỉ tiêu, định hướng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho LĐNT từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung vào một số giải pháp sau:

 

(1) Tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng từ bậc phổ thông tại khu vực nông thôn

– Rà soát lại quy hoạch các ngành nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên phát triển các ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ gắn với hoạt động sản xuất của nông nghiệp, ở nông thôn;

 

– Nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, gắn hướng nghiệp với trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn để học sinh có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp; đẩy mạnh phân luồng, có sự phân loại học sinh theo tiêu chuẩn hợp lý để hướng học sinh vào cấp học và ngành học phù hợp, để tránh lãng phí trong đào tạo; xây dựng các mô hình đào tạo cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trình độ, vừa học văn hóa THPT vừa học nghề, tạo nhiều cơ hội học tập cho học sinh;

 

– Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được đội ngũ giáo viên có chất lượng và tâm huyết vào các cơ sở đào tạo về nông nghiệp, nông thôn;

 

– Có chính sách ưu tiên cho các đối tượng theo học các ngành phục vụ nông nghiệp, nông thôn như miễn học phí, tăng mức học bổng, nhằm giải quyết được tình hình khó khăn trong tuyển sinh đầu vào cho các ngành phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo điều kiện cho con em nông thôn có cơ hội học tập nhiều hơn.

 

– Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân thông qua các biện pháp như: Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Tăng cường các hoạt động giáo dục và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng khoa học cho nông dân; Tăng cường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản và thu nhập cho nông dân; Xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng ngành, lĩnh vực để tổ chức triển khai nhân rộng; Thí điểm xây dựng những khóa học trực tuyến cho lao động nông thôn; Xây dựng nguồn tài nguyên số để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề.

 

(2) Xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi về với nông thôn; các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao vào làm việc trong ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

 

– Đổi mới tư duy, quan điểm đào tạo nghề gắn với tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các hội và đoàn thể về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

– Có chính sách tiền lương, chính sách phúc lợi tốt để tạo thu nhập cao cho cán bộ quản lý ở nông thôn, xoá bỏ sự bất hợp lý trong việc hưởng lương cao theo thâm niên công tác, tập trung ưu tiên theo chế độ trả lương theo hiệu quả công việc và tính sáng tạo;

 

– Tạo cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp tập trung vào việc phá bỏ tính cục bộ địa phương ở nông thôn; thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ hợp lý, không để tình trạng địa phương không sử dụng người tài từ nơi khác đến trong khi không có người đủ tầm lãnh đạo địa phương mình. Đây là việc rất cần thiết để thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ cao về với nông thôn, đồng thời tạo áp lực lên chính chính quyền nông thôn trong việc tự đào tạo và phát triển nhân tài.

 

– Thu hút/khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nhân lực trong nông nghiệp nói riêng. Coi nhu cầu nhân lực từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp là động lực trong đào tạo nhân lực.

 

 (3) Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đề án, dự án về đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng để đào tạo cho được đội ngũ “công nhân nông nghiệp” có kỹ năng nghề, có kiến thức khoa học kỹ thuật

 

– Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT;

 

– Triển khai có hiệu quả phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho LĐNT trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[16], Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025[12] và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025[13]; tiếp tục xây dựng đề án về đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2021 – 2025; tổ chức nhân rộng mô hình hiệu quả gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, gắn với doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác;

 

Tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp trong các khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động. Đồng thời, phải đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, gắn với nhu cầu thực sự vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp cũng như phục vụ xuất khẩu lao động.

 

– Hàng năm các địa phương tổ chức rà soát lại danh mục nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế ở địa phương, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

– Xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho LĐNT theo từng ngành, lĩnh vực để tổ chức triển khai nhân rộng; thí điểm xây dựng những khóa học trực tuyến cho LĐNT; xây dựng nguồn tài nguyên số để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề;

 

– Tăng cường đào tạo lại cho người lao động, đào tạo chất lượng cao để chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo năng lực đào tạo nghề cho người lao động, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;

 

– Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế – xã hội, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nghề các cấp, cán bộ công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo nhà giáo, người dạy nghề cho LĐNT;

 

– Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT;

 

– Đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí theo hướng khi giao ngân sách cho địa phương có mục riêng phần kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT để các địa phương thuận lợi trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra;

 

– Tổ chức triển khai hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với LĐNT, người khuyết tật, lao động nữ theo quy định, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra và đảm bảo nguyên tắc “chỉ tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học”.

 

– Thúc đẩy việc ứng dụng KH&CN vào trong lĩnh vực nông nghiệp:Mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường và củng cố đội ngũ làm công tác khoa học để nghiên cứu ra các sản phẩm mới phục vụ cho việc tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; Khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; Đẩy mạnh việc lại tạo giống mới với khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đem lại năng suất cao.

 

(4) Tổng kết, đánh giá, nhân rộng những mô hình tiên tiến, phù hợp với việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hàng năm, đồng thời, có những điều tra, đánh giá về chương trình đào tạo, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

 

(5) Có cơ chế chính sách tạo cầu nối giữa người lao động với thị trường lao động. Đây là chính sách hết sức quan trọng để tạo sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo với thị trường lao động, bao gồm cả thị trường lao động ở nông thôn cũng như ở các khu đô thị, nông nghiệp và phi nông nghiệp.

 

Phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn là công việc quan trọng không thể xem nhẹ trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và phát triển nông thôn nói riêng. Tình hình nguồn nhân lực lao động ở nông thôn, nông nghiệp hiện nay đang tạo ra sức ép cho công tác đào tạo và định hướng chính sách rất lớn. Giải quyết vấn đề việc làm ở nông thôn và việc làm cho LĐNT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực này là điều kiện cần để đưa đất nước phát triển trong thời gian tới./.

 

GS.TS Lê Quân

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

——————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ban Chấp hành Trung ương (2008), Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

[2] Ban Chấp hành Trung ương (2012), Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT;

[3] Ban Cán sự đảng Bộ LĐTBXH (2020), Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn;

[4] Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg (2021), Báo cáo Tổng kết Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg;

[5] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2012), Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

[6] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021), Báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và định hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025, Báo cáo Hội nghị công tác đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 14/11/2021;

[7] Nguyễn Quốc Dũng (2020), Phát triển tổng hợp vùng nông thôn góp phần giải quyết việc làm: Kinh nghiệm của một số quốc gia, Tạp chí Lý luận chính trị, số tháng 11, 2020

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật.

[9] Lê Phương Hòa (2021), Dịch chuyển lao động nông nghiệp ở Việt Nam: Một số hàm ý chính sách; https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/823349/dich-chuyen-lao-dong-nong-nghiep-o-viet-nam–mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx

[10] ILO, Viện KHGDNN (2019), Báo cáo Scan nông nghiệp Việt Nam 2019;

[11] Chu Tiến Quang, Một số kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

[12] Quốc hội (2021), Nghị quyết số 24/2021/NQ-QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025;

[13] Quốc hội (2021), Nghị quyết số 25/2021/NQ-QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

[14] Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020;

[15] Tổng cục thống kê (2021), Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020

[16] Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2030

[17] Jiabing Tian, School of Economics and Management, Southwest University, Chongqing, P.R. China (2013), The Research on Vocational Skills Training for Chinese New Generation Migrant Workers in the Context of Balancing Urban and Rural Development,  International Academic Workshop on Social Science (IAW-SC 2013)

[18] Kyung-Ryang Kim (2011), Transfer of Agricultural Technology and Development Experience of Korea: Seed Potato Production System in Vietnam, (bài viết cho Hội nghị Nông nghiệp bền vững ở châu Á, 10-13/10/2011 tại Hà Nội)

[19] Ministry of Human Resources and Social Security and ILO (2011), Promoting Decent Employment for rural Migrant workers