Phát triển là gì? Nguồn gốc, tính chất và ý nghĩa sự phát triển
Phát triển là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của sự phát triển. Bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê sẽ làm rõ những nội dung liên quan đến phát triển. Kính mời bạn đọc tham khảo.
Mục Lục
1. Phát triển là gì?
Trong lịch sử phát triển của triết học, có hai phương pháp nhận thức đối lập nhau là phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình. Do đó, khái niệm phát triển theo hai trường phái này cũng có quan điểm khác nhau, cụ thể:
– Quan điểm siêu hình:
- Phủ nhận sự phát triển, tuyệt đối hóa mặt ổn định của sự vật, hiện tượng
- Phát triển chỉ là sự tăng hoặc giảm về mặt lượng, không có sự thay đổi về chất, không có sự ra đời của sự vật, hiện tượng mới.
– Quan điểm biện chứng:
- Phát triển là sự vận động theo hướng đi lên, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện của sự vật.
- Sự phát triển không diễn ra theo đường thẳng mà quanh co phức tạp thậm chí có những bước thụt lùi.
Tựu chung lại, phát triển là một phạm trù triết học dùng để chỉ quá trình vận động của sự vật theo khuynh hướng đi lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.
Khuynh hướng chung là đi lên, điều đó không có nghĩa là sự phát triển của sự vật theo con đường thẳng mà nó là một con đường quanh co phức tạp theo đường xoáy ốc.
Ví dụ: Chúng ta thừa nhận kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ công cuộc đổi mới đất nước có đi lên, khuynh hướng chung là đi lên. Nhưng điều đó không có nghĩa nó là con đường thẳng. Không phải là tất cả mọi thành phần kinh tế đều đi lên, không phải mọi tất cả các doanh nghiệp đều thành công, mà trong sự phát triển đó, khuyng hướng chúng là nền kinh tế Việt Nam đi lên là điều chính xác, nhưng không phải là mọi thành phần kinh tế, có doanh nghiệp hoạt động bị chững lại, bị phá sản. Nhưng điều đó lại không phủ nhận kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và từ đổi mới đến nay là đi lên với con đường rất quanh co, phức tạp theo đường xoáy ốc.
Phân biệt phát triển với tiến hóa, tiến bộ và vận động:
- – Tiến hóa là một dạng của phát triển, diễn ra từ từ; là sự biến đổi hình tức của tồn tại từ đơn giản đến phức tạp.
- – Tiến bộ là một quá trình biến đổi hướng tới cải thiện thực trạng xã hội từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.
- – Khái niệm vận động có nội hàm rộng hơn phát triển, chỉ vận động nào theo khuuynh hướng đi lên thì mới là phát triển. Do đó, phát triển chỉ là một trường hợp đặc biệt của vận động, nó chỉ khái quát xu hướng chung của vận động là vận động đi lên của sự vật, hiện tượng mới trong quá trình thay thế sự vât, hiện tượng cũ.
2. Nguồn gốc của sự phát triển
Nguồn gốc của sự phát triển là quá trình giải quyết mâu thuẫn trong bản thân sự vật. Theo đó, nguồn gốc của sự phát triển xuất phát từ “mâu thuẫn” theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Quy trình để dẫn đến phát triển là sự vận động của các sự vật, hiện tượng mà trong đó mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động.
Từ xưa đến nay, mỗi mâu thuẫn sẽ bao hàm sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, làm cho sự vật hiện tượng không thể giữ nguyên trạng thái cũ. Đến một thời điểm nhất định, những mâu thuẫn cũ mất đi thì những mâu thuẫn mới sẽ được hình thành, những sự vật và hiện tượng cũ cũng từ đó mà được thay thế bằng những sự vật, hiện tượng mới.
Từ mâu thuẫn dẫn đến đấu tranh, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập chính là nguồn gốc vận động và phát triển của sự vật và hiện tượng trong xã hội.
3. Tính chất của sự phát triển
– Tính khách quan: Nguồn gốc của sự phát triển do các quy luật khách quan chi phối mà cơ bản nhất là quy luật mâu thuẫn. Thực chất là giải quyết hàng loạt mâu thuẫn trong quá trình phát triển.
Ví dụ: Muốn phát triển về năng lực, trình độ, bằng cấp… thực chất là giải quyết hàng loạt các mâu thuẫn trong chính sự vật, trong chính quá trình nhận thức chứ không thể trông chờ, cầu mong vào bất cứ ai, không thể cầu mong vào một thế lực siêu nhiên nào đó ban phát cho… Phải giải quyết hàng loạt mâu thuẫn, xem trong bản thân có bao nhiêu mâu thuẫn, có giải quyết được cái đó thì mới phát triển.
– Tính phổ biến: Sự phát triển diễn ra ở trong mọi lĩnh vực, mọi sự vật, hiện tượng, mọi quá trình và giai đoạn của chúng và kết quả là cái mới xuất hiện.
Ví dụ: Trong tự nhiên, sự phát triển thực vật → động vật → con người…; sự phát triển của các hình thái kinh tế xã hội từ cộng sản nguyên thủy…→ Cộng sản chủ nghĩa.
– Tính phong phú, đa dạng: Quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng không hoàn toàn giống nhau, ở những không gian và thời gian khác nhau, chịu sự tác động của nhiều yếu tố và điều kiện lịch sử cụ thể.
Ví dụ: Trong cùng một lớp học, cùng một thầy giáo dạy, cùng kiến thức đó nhưng sau này sự phát triển của các bạn học sinh chắc chắn sẽ khác nhau. Cùng học một thầy cô nhưng kết quả đánh giá, sự vận dụng kiến thức đó trong đời sống của mỗi người cũng khác nhau.
+ Tính kế thừa: sự vật, hiện tượng mới ra đời từ sự vật, hiện tượng cũ chứ không phải ra đời từ hư vô. Vì vậy, trong sự vật, hiện tượng mới còn giữ lại, có chọn lọc và cải tạo các yếu tố còn tác dụng, còn thích hợp với chúng, trong khi vẫn gạt bỏ mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu của sự vật, hiện tượng cũ đang gây cản trở sự vật mới tiếp tục phát triển.
Ví dụ: Sự ra đời học thuyết Mác kế thừa 3 tiền đề lý luận.
4. Ý nghĩa của sự phát triển
– Thứ nhất, khi nghiên cứu, cần đặt đối tượng vào sự vận động, phát hiện xu hướng biến đổi của nó để không chỉ nhận thức nó ở trạng thái hiện tại, mà còn dự báo được khuynh hướng phát triển của nó trong tương lai.
Ví dụ: Lựa chọn ngành nghề để học đại học của học sinh; việc xây dưng một chiến lược phát triển kinh tế (địa phương, quốc gia) phải dự báo được khuynh hướng phát triển trước hiện tại nhiều năm (căn cứ vào quá khứ, hiện tại) để dự báo tương lai…
– Thứ hai, cần nhận thức được rằng, phát triển là quá trình trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc điểm, tính chất, hình thức khác nhau nên cần tìm hình thức, phương pháp tác động phù hợp để thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển đó → quan điểm lịch sử – cụ thể.
Ví dụ: Sự phát triển về trình độ, bằng cấp…của học sinh tiểu học → THCS → THPT → Đại học… ứng nó là sự phát triển của học sinh → sinh viên, mỗi giai đoạn đó có đặc điểm, tính chất, hình thức khác nhau.
– Thứ ba, phải sớm phát hiện và ủng hộ đối tượng mới hợp quy luật, tạo điều kiện cho nó phát triển, chống lại quan điểm bảo thủ, trì trệ, định kiến.
Ví dụ: Mọi sự vật đều thay đổi, cái mới ra đời, phủ định cái cũ là tất yếu…sự ra đời của khoán 10 là kết quả của quá trình thai nghén từ khoán chui → Nảy sinh từ việc canh tác trong hợp tác xã không hiệu quả; một sáng kiến mới trong một tập thể để thay đổi cách làm, quản lý cũ chúng ta cần trân trọng, ủng hộ; một người lầm lỡ mắc phải sai lầm thì tập thể, người quản lý cần phải nhân văn, chỉ cho họ thấy sai….
– Thứ tư, trong quá trình thay thế đối tượng cũ bằng đối tượng mới phải biết kế thừa các yếu tố tích cực từ đối tượng cũ và phát triển sáng tạo chúng trong điều kiện mới.
Ví dụ: Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội phải kế thừa thành tựu của chủ nghĩa tư bản.
>> Xem thêm Tư duy là gì? Đặc điểm, vai trò và các cách phát triển tư duy mỗi ngày?
Trên đây là bài viết về Phát triển là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của sự phát triển của Luật Minh Khuê gửi đến bạn đọc mang tính chất tham khảo. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến pháp luật, bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp đến Tổng đài tư vấn miễn phí pháp luật theo số hotline 1900.6162 để được đội ngũ Luật sư tư vấn pháp luật hỗ trợ giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!.