Phát triển kinh tế – xã hội: nhiệm vụ trung tâm trong Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước

Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về mọi mặt, đặc biệt là sự phát triển kinh tế – xã hội. Bài viết đề cập những nội dung cơ bản về vai trò của phát triển kinh tế – xã hội với tính chất là nhiệm vụ trung tâm trong Chiến lược phát triển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển kinh tế – xã hội trong chiến lược phát triển quốc gia ở Việt Nam

Kinh tế – xã hội là cách thức hoạt động kinh tế ảnh hưởng và được định hình qua quá trình phát triển của xã hội. Kinh tế – xã hội đôi khi được sử dụng như một thuật ngữ bao hàm các lĩnh vực khác nhau. Thuật ngữ kinh tế – xã hội có thể hiểu là: “Sử dụng kinh tế học trong nghiên cứu xã hội”. Hiện nay, khi nghiên cứu về loại hình kinh tế – xã hội cho thấy, có hai loại hình là: loại hình kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa và loại hình kinh tế – xã hội XHCN.

Loại hình kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa, theo quan điểm của C.Mác là: “Lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này”(1). Trong nền kinh tế thị trường với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, lợi nhuận là yếu tố trung tâm, là động lực tuyệt đối thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, loại hình kinh tế – xã hội, kể cả nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hiện đại, không phải không có những hạn chế, những nhược điểm rất cơ bản, thậm chí cả những điểm yếu không dễ sửa đổi. C.Mác đã chỉ ra quy luật tuyệt đối của các nhà tư bản là tìm kiếm lợi nhuận tối đa và cho rằng: “Lợi nhuận chỉ là hình thái thứ sinh, phái sinh và được biến đổi của giá trị thặng dư, là hình thái tư sản trong đó đã xóa hết những nguồn gốc của nó”(2), còn giá trị thặng dư và tỷ suất giá trị thặng dư “Là biểu hiện chính xác của mức độ tư bản bóc lột sức lao động, hay mức độ nhà tư bản bóc lột người công nhân”(3). Nói cách khác, trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, chính lao động thặng dư của người công nhân là nguồn gốc đem lại lợi nhuận và làm giàu cho nhà tư bản.

Đối với Việt Nam, vấn đề phát triển kinh tế – xã hội chính là sự phát triển gắn với định hướng xây dựng xã hội XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.

Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng, hợp thành của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan xen với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình.

Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất.

Phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 ở Việt Nam

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 được thông qua tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XI của Đảng, trong đó nổi bật là quan điểm phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược và những định hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Trong thời gian thực hiện Chiến lược, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, toàn dân, toàn quân ta trên cả nước đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực; đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay chúng ta đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống đại dịch COVID-19 trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân, thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2020, dự kiến tăng trưởng GDP cả giai đoạn đạt 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên 3.521 USD năm 2020. Không chỉ số lượng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 39%, vượt mục tiêu Chiến lược đề ra (35%); năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 10,6%/năm; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao.

Thứ hai, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn trong toàn hệ thống. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, thực chất hơn; tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 còn 14,8% năm 2020. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng được thương hiệu của một số nông sản chủ lực. Nhiều nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với công nghệ hiện đại được đưa vào hoạt động.

Các hình thức kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhanh với khoảng 15 nghìn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ngày càng tăng; tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 65% năm 2011 lên 85% năm 2020(4).

Thứ ba, các đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi. Đã hình thành hệ thống pháp luật về kinh tế khá đầy đủ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu hoạt động. Phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thị trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên khoảng 64,5% năm 2020.

Khoa học và công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam không ngừng được cải thiện, năm 2020 ở vị trí 42/131 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, thương mại… được nâng lên đáng kể. Nhiều công trình, dự án quan trọng có sức lan tỏa cao, mang tầm chiến lược về giao thông, năng lượng được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác và sử dụng.

Thứ tư, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Việt Nam đã thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3% vào năm 2020. Các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc bảo đảm chương trình dạy và học trực tuyến và thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh trong bối cảnh dịch bệnh. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được đề cao và phát huy; trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã nổi lên những giá trị đạo đức xã hội và nhiều gương người tốt, việc tốt được nhân rộng. Các lĩnh vực công tác dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, thể dục, thể thao và thông tin, truyền thông được chú trọng.

Thứ năm, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, trật tự, an toàn xã hội để xây dựng, phát triển đất nước. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững chắc; sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang được nâng cao; công nghiệp quốc phòng, an ninh từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng. Cùng với ngành y tế và các địa phương, các lực lượng quân đội, công an đã vào cuộc quyết liệt cùng cả nước trong phòng, chống dịch COVID-19. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ với các đối tác tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, trong đó có 17 đối tác chiến lược và 13 đối tác hợp tác toàn diện; đã ký kết và triển khai hiệu quả nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), góp phần quan trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường, thu hút các nguồn lực cho phát triển đất nước.

Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…; đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân; chủ động hỗ trợ, hợp tác tốt trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định và nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra (một phần là do năm 2020 bị ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19); khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Chất lượng tăng trưởng có mặt chậm được cải thiện, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển. Việc cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả hoạt động và mức độ sẵn sàng cho hội nhập của nhiều doanh nghiệp còn thấp; kinh tế tập thể, hợp tác xã quy mô còn nhỏ, năng lực chưa cao. Thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm; việc tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định; thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm. Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; còn tình trạng đùn đẩy công việc.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trình độ khoa học và công nghệ nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm các nước dẫn đầu khu vực, thế giới. Năng lực hấp thụ, đổi mới khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại; một số dự án quan trọng chậm tiến độ. Thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển mạnh kinh tế vùng, kinh tế biển và điều phối liên kết vùng hiệu quả. Chất lượng phát triển đô thị chưa cao, hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý phát triển đô thị còn những bất cập.

Việc thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội và con người còn một số hạn chế. Môi trường văn hóa có nơi còn diễn biến phức tạp, xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, lối sống. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến dưới còn thấp. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Tệ nạn xã hội nhiều nơi diễn biến phức tạp. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn những bất cập; khai thác tài nguyên có nơi còn thiếu bền vững, hiệu quả chưa cao; chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp; ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố lớn gia tăng.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chậm được cải thiện. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa đồng bộ. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế phân cấp quản lý kinh tế – xã hội có mặt chưa thật phù hợp, nhất là về ngân sách nhà nước, đầu tư, quản lý tài nguyên, đô thị, tài sản công… Việc thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra có nơi còn chồng chéo; giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách hiệu quả chưa cao. Tham nhũng, lãng phí một số nơi còn nghiêm trọng.

Những hạn chế, bất cập, khó khăn nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Việc cụ thể hóa chủ trương xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Một số bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật chưa được điều chỉnh kịp thời. Tính thượng tôn pháp luật và kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm. Phương thức quản lý và đánh giá cán bộ còn bất cập, chưa có cơ chế phù hợp, hiệu quả để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc trong thực thi công vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn buông lỏng. Phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế – xã hội trên thực tế nhiều nơi, nhiều lĩnh vực chưa thực sự phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp trên một số lĩnh vực chưa thực sự đồng bộ, quyết liệt.

Phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ trung tâm trong chiến lược phát triển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định quan điểm: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và phát triển đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trung tâm”(5). Đây là quan điểm đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, thể hiện qua những phương diện sau:

Một là, kinh tế – xã hội phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, từ đó củng cố và tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường ổn định xã hội.

Hai là, kinh tế – xã hội phát triển chính là tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển văn hóa và con người, tạo điều kiện để con người có thể tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất, truyền bá và thụ hưởng các giá trị văn hóa.

Ba là, kinh tế – xã hội phát triển tạo nền tảng vật chất, kỹ thuật, công nghệ và tiềm lực  cho quốc phòng, an ninh. Khi kinh tế phát triển, nguồn vốn tích lũy, nguồn thu ngân sách không ngừng được tăng lên chính là điều kiện để phát triển đất nước về mọi mặt. Từ đó, góp phần củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đổi mới kỹ thuật, công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, sản xuất phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ quốc phòng, an ninh.

Bốn là,  kinh tế – xã hội phát triển  thúc đẩy mở cửa, hội nhập quốc tế, tạo sự hiểu biết, gắn kết và ràng buộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế, đầu tư, thương mại, hạn chế các nguy cơ. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế theo yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường, sự tham gia có trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, bên cạnh mở rộng quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương, góp phần củng cố thế và lực của đất nước trên trường quốc tế.

Năm là, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống, khoa học và công nghệ, nhận thức của người dân được nâng cao, ngoài các nhu cầu về vật chất người dân sẽ có nhu cầu sống trong một môi trường trong sạch, từ đó góp phần thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Với quan điểm này, Việt Nam sẽ hướng tới phát triển kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Để thực hiện được mục tiêu. Phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ trung tâm trong Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương với chương trình hành động cụ thể và các bước đi phù hợp./.     

—————————–

Ghi chú:

(1),(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb CTQG, H.1993, tr.872, tr.322.

(2) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 46, phần II, Nxb CTQG, H.2000, tr.160.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2021, tr.83, tr.162.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2021, tr 3, tr80.

Tài liệu tham khảo:

1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.1993.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VIII, IX, Nxb CTQG-ST.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016.

4. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977.

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, tập II, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2021.

 

TS Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ

Tạp chí Tổ chức nhà nước số 5/2021