Pháp luật ở bất kì xã hội nào đều mang? GDCD 12

Pháp luật là quy tắc xử sự chung, là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh mọi quan hệ trong xã hội do Nhà nước đặt ra và thừa nhận, phản ánh ý chí chung của một quốc gia, được Nhà nước đảm bảo bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, xử lý và cưỡng chế. Và bản chất của pháp luật được coi là một trong những nội dung quan trọng trong môn học Giáo dục công dân lớp 12. Để hiểu rõ hơn về Pháp luật, trong bài viết hôm nay, Luật Minh Khuê sẽ cung cấp cho bạn kiến thức để trả lời cho câu hỏi: Pháp luật ở bất kì xã hội nào đều mang?

1. Tổng quan về pháp luật 

1.1. Khái niệm pháp luật

a. Pháp luật là gì?

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc do cơ quan Nhà nước ban hành và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là công cụ đắc lực để điều chỉnh mọi quan hệ trong xã hội.

+ Pháp luật là chuẩn mực về những việc được làm, phải làm, không được làm và cấm làm.

+ Nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm Phát luật sẽ bị xử lí nghiêm minh, kể cả áp dụng biện pháp cưỡng chế.

b. Đặc trưng của Pháp luật

– Tính quy phạm phổ biến

+ Pháp luật là khuôn mẫu chung, áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, nhiều đối tượng với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực; là ranh giới phân biệt Pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác.

+ Làm nên giá trị công bằng, bình đẳng cho mọi người của Pháp luật.

– Tính bắt buộc chung

+ Là quy định bắt buộc đối với tất cả mọi cá nhân và tổ chức. Các quy định Pháp luật được quy định không phải cho một tổ chức hay cá nhân cụ thể mà áp dụng đối với tất cả tổ chức và cá nhân có liên quan.

+ Những người vi phạm Pháp luật sẽ bị áp dụng các biện pháp để bắt buộc họ phải tuân theo hoặc để khắc phục hậu quả do việc làm trái Pháp luật gây nên.

– Tính xác định chặt chẽ về hình thức

+ Pháp luật luôn được thể hiện dưới những hình thức phải nhất định, thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật: diễn đạt chính xác, một nghĩa. Những quy định của Pháp luật phải được chứa đựng trong các nguồn luật. Và việc xác định hình thức chặt chẽ là điều kiện để phân biệt Pháp luật với những quy định khác, đồng thời cũng tạo sự thống nhất, rõ ràng về nội dung của Pháp luật.

+ Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành đều được quy định rõ trong “Hiến pháp” và “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

+ Văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành không được trái với nội dung của văn bản do cơ quan cấp trên ban hành và mọi văn bản phải thống nhất với Hiến pháp.

 

1.2. Bản chất của pháp luật

– Bản chất giai cấp của pháp luật:

+ Pháp luật mang bản chất giai cấp sâu sắc vì Pháp luật do nhà nước, nhờ nắm trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị đã thông qua nhà nước thể thể hiện ý chí của mình một các tập trung thống nhất, hợp pháp hóa ý chí của nhà nước, được nhà nước bảo hộ thực hiện bằng sức mạnh của nhà nước; đại diện cho giai cấp cầm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện.

+ Các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí của giai cấp cầm quyền mà nhà nước là đại diện, nội dung của ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp thống trị.

+ Bản chất giai cấp là biểu hiện chung của bất kì kiểu pháp luật nào nhưng mỗi kiểu pháp luật lại có biểu hiện riêng của nó: pháp luật tư sản quy định cho nhân dân được hưởng các quyền tự do, dân chủ nhưng về cơ bản vẫn thực hiện ý chí và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản; pháp luật xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân mà đại diện là nhà nước của nhân dân lao động.

+ Mục đích của Pháp luật là nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội nhằm hướng các quan hệ theo một chỉnh thể, trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp , bảo vệ và củng cố địa vị của giai cấp.

– Bản chất xã hội của pháp luật:

+ Pháp luật mang bản chất xã hội vì thực tiễn pháp luật là kết quả của sự chọn lọc tự nhiên bắt nguồn từ xã hội, do các thành viên của xã hội thực hiện, vì sự phát triển của xã hội.

+ Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp xã hội, được các cá nhân, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp khác nhau trong xã hội chấp nhận, coi là chuẩn mực, là quy tắc xử sự chung. 

+ Các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành nằm điều chỉnh quan hệ trong xã hội nhưng quy phạm nào phù hợp với thực tiễn sẽ có hiệu lực thi hành và đem vào áp dụng cũng như thực hiện trong đời sosogn thông qua nhà nước, đó phải là những quy phạm “hợp lý”, “khách quan”, thức tế được số đông con người trong xã hội chấp nhận, phù hợp với lợi ích của đa số người trong xã hội.

+ Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội vì sự phát triển của xã hội, là thước đo cho hành vi của con người, là công cụ kiểm nghiệm các quá trình, các hiện tượng xã hội để nhận thức và điều chỉnh xã hội hướng đến sự vận động, phát triển phù hợp với các quy luật khách quan.

 

1.3. Mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức

a. Quan hệ giữa pháp luật với kinh tế 

– Pháp luật do các quan hệ kinh tế quy định. Trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật mang tính độc lập tương đối: vừa phụ thuộc  và vừa tác động trở lại đối với kinh tế.

b. Quan hệ giữa pháp luật với chính trị 

-Pháp luật vừa là phương tiện để thực hiện đường lối chính trị, vừa là hình thức biểu hiện của chính trị.

c. Quan hệ giữa pháp luật với đạo đức

– Quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức có quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc tuân thủ và thực hiện pháp luật cũng thể hiện phần giá trị đạo đức của mỗi người. Nhà nước đưa những quy phạm đạo đức phổ biến, phù hợp vào trong các quy phạm pháp luật.

– Pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức. – Các quy phạm đạo đức luôn thể hiện các quan niệm về đạo đức: công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải.

 

1.4. Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

Trong đời sống xã hội, Pháp luật giữ vai trò đặc biệt quan trọng, một công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là một phương tiện quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới.

a. Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội

– Pháp luật là phương tiện hữu hiệu nhất để quản lí xã hội: tạo trật tự, ổn định, tồn tại và phát triển.

– Nhà nước quản lý xã hội bằng Pháp luật sẽ đảm bảo tính dân chủ, tính thống nhất, tính có hiệu lực, giúp nhà nước phát huy quyền lực của mình, kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong phạm vi lãnh thổ của mình.

– Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn xã hội: Công bố công khai, kịp thời, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống, bảo vệ pháp luật… Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật: có hệ thống, tổ chức thực hiện pháp luật, kiểm tra, giám sát và xử lí vi phạm.

b. Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình

– Thông qua các văn bản luật, pháp luật xác lập quyền và nghĩa vụ của công dân, là căn cứ để công dân thực hiện quyền của mình.

– Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thông qua các văn bản luật: Quy định quyền của công dân, cách thức để công dân thực hiện các quyền đó, trình tự, thủ tục pháp lí để yêu cầu Nhà nước bảo vệ khi quyền của mình bị xâm phạm; đồng thời công dân phải chấp hành pháp luật, tuyên truyền và giáo dục con em, xã hội; tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật.

 

2. Trả lời câu hỏi trắc nghiệm

Pháp luật ở bất kì xã hội nào đều mang bản chất nào?

A. Tính giai cấp và tính lịch sử.

B. Bản chất giai cấp và bản chất xã hội.

C. Bản chất giai cấp và bản chất thời đại.

D. Bản chất giai cấp là chủ yếu.

Đáp án: B

Giải thích: Bản chất của Pháp luật nhà nước Việt Nam mang tính giai cấp vì Pháp luật thể hiện ý chí Nhà nước của giai cấp thống trị với Nhà nước là chủ thể, đại diện cho giai cấp cầm quyền, đại diện cho nhân dân ban hành và bảo đảm thực hiện Pháp luật. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải tuân theo thủ tục, trình tự đã quy định. Bên cạnh đó, tính giai cấp của Pháp luật còn biểu hiện ở mục đích điều chỉnh là nhằm điều chỉnh về các mối quan hệ giữa các giai cấp và các tầng lớp trong xã hội. Do đó Pháp luật được xem là công cụ hữu hiệu giúp điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm hướng quan hệ xã hội phát triển theo một trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị. Bản chất xã hội của pháp luật thể hiện ở chỗ mọi quy phạm của Pháp luật dù được cơ quan Nhà nước nào ban hành cũng đều nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Tính xã hội của quy phạm được thể hiện ngay ở khái niệm của nó: Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với mọi đối tượng… Vì thế, đã là quy tắc ứng xử chung thì đương nhiên sẽ mang tính xã hội, ai cũng phải thượng tôn Pháp luật. Và Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ trong xã hội, phản ánh nhu cầu, lợi ích của các cá nhân và cộng đồng trong xã hội; do các thành viên của xã hội thực hiện và vì sự phát triển của xã hội.

Trên đây là lý thuyết liên quan đến Pháp luật và câu trả lời cho câu hỏi Pháp luật ở bất kỳ xã hội nào đều mang? mà Luật Minh Khuê gửi đến bạn. Trong quá trình tìm hiểu, nếu gặp phải vướng mắt, hãy liên hệ tổng đài điện thoại: 1900.6162, Luật Minh Khuê sẽ hỗ trợ bạn. Chúng tôi mong rằng thông qua bài viết các em học sinh có thể hệ thống kiến thức và chuẩn bị bài tốt cho những vấn đề tương tự.