Phân Biệt Đối Xử Về Chủng Tộc/Màu Da

Phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc là đối xử với ai đó (người xin việc hoặc nhân viên) một cách thiếu thiện chí do người này thuộc một chủng tộc nhất định hoặc do các đặc tính cá nhân gắn với chủng tộc (kiểu tóc, màu da, hoặc các đặc điểm cụ thể trên khuôn mặt). Phân biệt đối xử dựa trên màu da là đối xử với ai đó một cách thiếu thiện chí do màu da của họ.

Phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc/màu da cũng có thể là đối xử với ai đó một cách thiếu thiện chí vì người đó kết hôn (hoặc kết giao với) một người có màu da hoặc chủng tộc nào đó.

Phân biệt đối xử có thể xảy ra khi nạn nhân và người gây ra phân biệt đối xử này đều có cùng màu da hoặc chủng tộc.

Phân Biệt Đối Xử Về Chủng Tộc/Màu Da & Các Tình Huống Tại Nơi Làm Việc

Luật cấm phân biệt đối xử khi nói đến mọi khía cạnh của việc làm, bao gồm tuyển dụng, sa thải, tiền lương, giao việc, thăng chức, đình chỉ, đào tạo, quyền lợi bổ sung, và bất kỳ điều khoản hay điều kiện làm việc nào khác.

Quấy Rối & Phân Biệt Đối Xử về Chủng Tộc/Màu Da

Quấy rối ai đó vì chủng tộc hoặc màu da của họ là trái pháp luật.

Quấy rối có thể bao gồm, ví dụ, sự gièm pha về chủng tộc, các nhận xét xúc phạm hoặc sỉ nhục về chủng tộc hoặc màu da của ai đó, hoặc ra dấu hiệu xúc phạm về chủng tộc. Mặc dù luật không cấm hành vi trêu chọc đơn giản, những nhận xét lấc cấc, hoặc những sự cố xảy ra một lần mà không quá nghiêm trọng, nhưng hành vi quấy rối là trái pháp luật khi nó diễn ra quá thường xuyên hoặc nghiêm trọng đến mức tạo ra môi trường làm việc thù địch hoặc có tính xúc phạm hoặc khi dẫn đến quyết định việc làm bất lợi (chẳng hạn nạn nhân bị sa thải hoặc giáng chức).

Người quấy rối có thể là người giám sát của nạn nhân, người giám sát ở một khu vực khác, đồng nghiệp, hoặc ai đó không phải là nhân viên của chủ lao động, chẳng hạn khách hàng đối tác hoặc khách hàng mua sản phẩm.

Phân Biệt Đối Xử Về Chủng Tộc/Màu Da & Chính Sách/Thực Hành về Việc Làm

Chính sách hoặc thực hành về việc làm áp dụng cho mọi người, bất kể chủng tộc hoặc màu da là gì, có thể là bất hợp pháp nếu nó có tác động tiêu cực đến việc làm của những người thuộc chủng tộc hoặc có màu da cụ thể và không liên quan đến việc làm và không cần thiết để vận hành công việc kinh doanh. Ví dụ: chính sách việc làm “không để râu” áp dụng cho tất cả người lao động mà không quan tâm đến chủng tộc vẫn có thể là trái pháp luật nếu chính sách đó không liên quan đến công việc và có tác động tiêu cực đến việc làm của đàn ông Mỹ gốc Phi (người có xu hướng gặp tình trạng da tạo ra những nốt sần do cạo râu).