Nỗ lực vì mục tiêu an sinh xã hội

TTH – Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh từng bước hoàn thiện bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp (DN), khẳng định chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tuyên truyền các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến người người dân tại chợ Mai, TP. Huế

Vì sức khoẻ Nhân dân

Thời điểm mới thành lập, toàn tỉnh chỉ có gần 35 ngàn người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc; đến ngày 31/12/2021, tăng lên hơn 124 ngàn người tham gia BHXH bắt buộc, 116 ngàn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hơn 22 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, vượt 3,37% so với chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, đến cuối năm 2021 có 1.157 ngàn người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 99% dân số, về đích trước thời hạn so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tổng số thu BHXH, BHYT và BHTN năm 2021 hơn 3.210 tỷ đồng, gấp hơn 400 lần so với tổng số thu năm 1995 (gần 7,5 tỷ đồng). Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của tập thể viên chức, nhân viên BHXH tỉnh, diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tăng trưởng nhanh qua từng năm ngay cả trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, nếu năm 1995 chỉ có 97.342 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) BHYT, với gần 3 tỷ đồng thì đến năm 2021 tăng lên 1,9 triệu lượt bệnh nhân, với tổng số tiền chi phí gần 2 ngàn tỷ đồng. Với tinh thần “vì sức khỏe Nhân dân”, BHXH tỉnh luôn bám sát các cơ sở KCB để nắm bắt tình hình và cùng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót nhằm nâng cao chất lượng KCB.

Thời gian qua, công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng BHXH, BHYT, đảm bảo nguyên tắc “đóng – hưởng” với tổng số chi trong năm 2021 hơn 4.720 tỷ đồng; trong đó, phương thức hoạt động của hệ thống BHXH được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, thực hiện minh bạch và tăng cường quản lý để phòng chống hiện tượng trục lợi BHYT; đồng thời, xây dựng, phát triển hệ thống BHXH, BHYT, BHTN đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ.

Đặc biệt, trong 2 năm 2020 và 2021, trong bối cảnh dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp, BHXH tỉnh đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, luôn theo sát diễn biến thực tế, thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch.

Với sự vào cuộc quyết liệt, toàn đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực sẵn đẩy nhanh tiến độ, phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả. Theo đó, các chính sách hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, góp phần hỗ trợ hàng trăm ngàn NLĐ, người SDLĐ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh với tổng số tiền gần 563.725 triệu đồng.

Chú trọng chuyển đổi số

Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới, những năm qua, BHXH tỉnh tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm cắt giảm tối đa các TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch BHXH, BHYT cho người dân, DN nên được cộng đồng DN, người dân ghi nhận và đánh giá cao. Đến nay, 100% TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, một số thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ được rút ngắn thời gian, đồng thời cung cấp thêm các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của ngành; kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ gặp khó khăn do dịch COVID-19. Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với các cơ sở KCB BHYT.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh, ông Nguyễn Viết Dũng, cùng với cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, đơn vị chú trọng đến công tác chuyển đổi số và triển khai thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phối hợp với Công an tỉnh trong việc xác định lực lượng tham gia BHXH trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tiếp tục phối hợp với cán bộ tư pháp UBND xã, phường để cập nhật cơ sở dữ liệu hộ gia đình và mã số BHXH của người tham gia BHXH, BHYT. Đây là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị có liên quan, nhất là kết nối, chia sẻ đồng bộ hóa dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mặt khác, việc ứng dụng VssID đã đem đến thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành, sự ra đời của ứng dụng “VssID- BHXH số” được đánh giá là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách TTHC, ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Tính hết ngày 31/12/2021, đã có hơn 300 ngàn người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, KCB và thực hiện các dịch vụ công.

Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, hằng năm  BHXH tỉnh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhận nhiều bằng khen từ cấp tỉnh đến cấp bộ. Trong đó, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2002 (BHYT Thừa Thiên Huế), năm 2004 (BHXH Thừa Thiên Huế); Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2010 và Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2014.

Bài, ảnh: Thanh Hương