Những sáng tạo của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Giá trị và sự vận dụng

Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 16:17

23192 Lượt xem

(LLCT) – Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chắt lọc, kế thừa, bổ sung và phát triển từ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; nó có giá trị trường tồn bởi mang bản chất khoa học và cách mạng, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và hành động; có giá trị và đóng góp to lớn đối với hòa bình, tiến bộ và phát triển của dân tộc và nhân loại. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi tới thành công, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và thời đại.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội.

1. Những nhận thức sáng tạo về chủ nghĩa xã hội

Thứ nhất, sáng tạo trong cách tiếp cận về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội

Nghiên cứu lịch sử nhân loại, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã khẳng định, dù quanh co, phức tạp song cuối cùng nhân loại sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tiến lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan bởi sự phát triển của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đến mức không thể tương dung với quan hệ sản xuất hiện tồn. Sớm hay muộn, quan hệ sản xuất đó sẽ bị thay thế bởi một quan hệ sản xuất mới tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Theo lôgic ấy, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn chủ nghĩa tư bản cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên, với hoàn cảnh Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến  tiến lên chủ nghĩa xã hội thì chủ nghĩa xã hội đó có đặc thù gì so với những hình dung của các nhà kinh điển mác xít?. Đó là vấn đề không dễ trả lời. Cuối cùng qua trải nghiệm cá nhân và trên cơ sở phương pháp luận duy vật mác xít, Hồ Chí Minh đã trả lời chính xác câu hỏi đó. Theo đó, Việt Nam sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là những gì bình dị nhất song cũng cấp thiết nhất mà cuộc sống đang đặt ra cho dân tộc, cho mỗi người dân.

 Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội trước hết là độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Ngay từ những năm 1920, Người đã bộc bạch, “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Mục tiêu ấy, khát vọng ấy là thường trực, cháy bỏng trong tư tưởng, tình cảm, xuyên thấm trong lời nói, hành động của Người. Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng để làm gì. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội còn là một chế độ xã hội “làm cho dân khỏi đói, khỏi rét, làm cho dân được học hành”. Chúng ta có thể xem đó là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Ngoài nhận thức về đặc trưng chung của chủ nghĩa xã hội như trên, trên từng lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội, Hồ Chí Minh cũng có những quan điểm rất độc đáo, sát thực, thích hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong các quan điểm đó, khía cạnh văn hóa, con người rất được chú trọng.

Người nhận thức rằng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là lâu dài, khó khăn, gian khổ, vì vậy cần có những con người có phẩm chất tương ứng. Người nói, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”… Để có con người xã hội chủ nghĩa, Đảng cần kiên trì tiến hành một sự nghiệp trồng người một cách có kế hoạch và thật sự khoa học bởi “vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Trong Bản Di chúc lịch sử, Người cũng không quên căn dặn Đảng ta “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”…

Trong sự nghiệp vĩ đại đó, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm giáo dục con người một cách toàn diện, cả hai mặt Hồng và Chuyên, trong đó Người khẳng định, Đức là gốc. Vì vậy, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đặc biệt quan tâm chống chủ nghĩa cá nhân…

Người cho rằng, “chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(1), song “không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa”(2), v.v.. Do đó, trong quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội mang bản chất nhân văn và văn hóa. Chủ nghĩa xã hội là một công trình văn hóa.

Thứ hai, sáng tạo trong xác định mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã đề ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau.

Theo Người, đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3).

Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội còn là những gì rất cụ thể, thiết thực. Theo Người, “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”, hay “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”(4); cách diễn giải thành các tiêu chí cụ thể: “chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(5).

Để đi tới mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, tất yếu phải phát huy hiệu quả các động lực xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, động lực cơ bản của sự phát triển lịch sử là hoạt động thực tiễn của con người phù hợp quy luật khách quan. Vì vậy, suy cho cùng, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của xã hội thông qua hoạt động cải biến tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người.

Vận dụng quan điểm đó, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải phát hiện những động lực và những điều kiện bảo đảm cho động lực đó thực sự trở thành sức mạnh thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là những động lực bên trong, nguồn nội lực của chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định, động lực quan trọng và quyết định nhất là con người. Người nhận thấy nhân dân là nguồn động lực vĩ đại mà nòng cốt là công – nông – trí thức. Người nói, “vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người, là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả là do con người”(6). Vì lẽ đó, trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cho con người, vì con người.

Không chỉ tìm mọi cách để phát huy vai trò nhân tố con người, nét sáng tạo mới của Hồ Chí Minh là ở chỗ, bên cạnh việc chỉ ra các nguồn lực phát triển của chủ nghĩa xã hội, Người còn lưu ý, cảnh báo và ngăn ngừa các yếu tố kìm hãm, triệt tiêu nguồn lực vốn có của chủ nghĩa xã hội, làm cho chủ nghĩa xã hội trở nên trì trệ, xơ cứng, không hấp dẫn, đó là tham ô, lãng phí, quan liêu,v.v.. Chính vì thế, Người phê phán chủ nghĩa cá nhân, đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh là chính, đồng thời chú trọng tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở đảm các quyền dân tộc cơ bản.

Thứ ba, sáng tạo trong lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội

Đề cập đến quá trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản, C.Mác cho rằng, “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(7). Trên cơ sở phân tích đặc điểm của nhân loại giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin khẳng định, “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ xô-viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(8). Điều này cho thấy, có hai hình thức quá độ lên chủ nghĩa xã hội: trực tiếp và gián tiếp.

Với Hồ Chí Minh, chu trình vận động của lịch sử xã hội loài người được phác họa như sau: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta, v.v..”(9). Như vậy, Hồ Chí Minh thừa nhận, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quá độ gián tiếp.

 Từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc điểm lớn mà quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần phải quan tâm và đặc điểm lớn nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa(10). Đặc điểm này thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài.

Người chỉ rõ: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”(11). Tuy nhiên, muốn “tiến lên chủ nghĩa xã hội” thì không phải “cứ ngồi mà chờ” là sẽ có được chủ nghĩa xã hội. Nếu nhân dân ta mọi người cố gắng, phấn khởi thi đua xây dựng, thì thời kỳ quá độ có thể rút ngắn hơn.

Theo đó, Hồ Chí Minh khẳng định, phải tạo ra những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất; đồng thời, Đảng phải “lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(12). Phát triển lực lượng sản xuất là vấn đề mấu chốt, tăng năng suất lao động trên cơ sở công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cùng với thiết lập quan hệ sản xuất, cơ chế quản lý kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế, ngành, vùng, lãnh thổ trong thời kỳ quá độ. Đặc biệt là phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; quan tâm củng cố mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, nòng cốt là liên minh công nhân – nông dân – trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, sáng tạo trong phương thức và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội

Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, vấn đề có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là, phải tìm tòi phương thức, biện pháp với bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, đồng thời phù hợp với đặc điểm và xu thế của thời đại. V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của chủ nghĩa xã hội”(13).

Nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần đó, Hồ Chí Minh nhận định, “trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi đảng cộng sản và mỗi đảng công nhân”(14). Hồ Chí Minh đặt vấn đề, “chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội?,… phải dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(15). Người cũng lưu ý rằng, cần  phải quan tâm những đặc điểm riêng về truyền thống lịch sử – văn hóa của dân tộc, địa lý, tài nguyên, đất đai, con người Việt Nam với những đặc điểm và thể chất, tinh thần, v.v.. để làm căn cứ, định ra phương châm, biện pháp phù hợp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Về phương châm, theo Người, cần phải quán triệt nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng chế độ mới, có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước anh em, nhưng không sao chép, máy móc, giáo điều. Đồng thời xác định bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải xuất phát từ điều kiện thực tế, đặc điểm dân tộc, nhu cầu và khả năng thực tế của nhân dân.

Về biện pháp, cách thức tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Người luôn nhắc nhở phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống giáo điều, rập khuôn, phải suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo ra cách làm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong từng bước đi và cách làm để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phải thực hiện kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, khẩu hiệu “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “vừa chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội”, có thể coi là một sáng tạo của Việt Nam.

Trong điều kiện chúng ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, v.v.. Hồ Chí Minh chủ trương phải kết hợp cải tạo với xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, mà xây dựng là chủ chốt và lâu dài; xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, vì vậy cách làm là đem tài của dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân; đồng thời Người nhấn mạnh vai trò quyết định của biện pháp tổ chức thực hiện. Chỉ tiêu một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi,… có như thế kế hoạch mới hoàn thành tốt được.

Thấm nhuần lý luận Mác – Lênin về vai trò quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh cho rằng, phải huy động hết tiềm năng, nguồn lực có trong dân để đem lại lợi ích cho dân. Nói cách khác, phải biến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thành sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng là tập hợp lực lượng, đề ra đường lối, chính sách để huy động triệt để các nguồn lực của dân, vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Đây cũng chính là nét sáng tạo trong phương thức và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

2. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội trong xây dựng đất nước hiện nay

Những sáng tạo của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn và trở thành cơ sở lý luận quan trọng cho Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Có thể nói, đó là quá trình liên tục có sự đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận. Nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới thu được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay”(16).

Tuy nhiên, trong tình hình mới, trước yêu cầu ngày càng cao của cách mạng, chúng ta đang đứng trước hàng loạt những thách thức, khó khăn trên cả bình diện quốc tế cũng như ở trong nước. Để có thể tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, trên cơ sở nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung vào những vấn đề sau:

Một là, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Phải kiên định mục tiêu này bởi, đó là kết luận mà qua trải nghiệm cá nhân, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn mà Hồ Chí Minh đã đúc kết. Theo Người, các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới là “cuộc cách mạng chưa đến nơi”, “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chân chính nhất, cách mạng nhất, đúng đắn nhất là chủ nghĩa Lênin”. Sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội cũng đã được lịch sử kiểm chứng là đúng đắn. Trên thế giới đã từng có nhiều quốc gia giành được độc lập song vẫn rơi vào vòng lệ thuộc chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, chỉ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mới đem lại độc lập dân tộc thật sự, tự do, cơm no, áo ấm cho mọi người dân Việt Nam.

Hai là, cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện, khó khăn, lâu dài, vì vậy phải từng bước hiện thực hóa những giá trị của chủ nghĩa xã hội trong đời sống.

Bài học từ việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội cho thấy, ở Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội không chỉ là mơ ước, là khát vọng trừu tượng mà hết sức cụ thể, gần gũi với cuộc sống con người. Đó là độc lập cho dân tộc, là cơm no, áo ấm, được học hành của mỗi người dân. Chủ nghĩa xã hội là làm cho dân khỏi đói, khỏi rét, khỏi mù chữ…Vì lẽ đó, mỗi người dân đều nhận thấy chủ nghĩa xã hội hiện hữu trong cuộc sống. Đó là cơ sở từ đó hình thành niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.

Ba là, quá trình truyền bá, phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin vào các quốc gia, dân tộc, cho thấy, trong bối cảnh giai cấp công nhân Việt Nam còn ít về số lượng, chưa cao về chất lượng, trình độ dân trí của người dân còn thấp song Việt Nam là mảnh đất du nhập học thuyết cách mạng đó nhanh và sớm, ít bị ảnh hưởng bởi các trào lưu cơ hội, xét lại. Điều đó khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đại bộ phận nhân dân, Đảng ta, thông qua đội ngũ đảng viên là một Đảng cách mạng chân chính mà Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Vì lẽ đó, nếu thừa nhận chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp văn hóa, Đảng cầm quyền phải là tổ chức của những cá nhân ưu tú nhất. Đội ngũ đó phải là những con người không sa vào chủ nghĩa cá nhân, phải là “người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Do vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tất yếu phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có tâm, đủ tầm. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng đã rất quyết liệt thực hiện vấn đề này và đã thu được những kết quả bước đầu, song chắc chắn, cần phải tiếp tục kiên trì, kiên quyết hơn nữa.

Bốn là, chủ nghĩa Mác – Lênin đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng phải dựa vào nhân dân. Theo Người, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là tìm mọi biện pháp để phát huy các nguồn lực của nhân dân phục vụ mục tiêu nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Bài học đó đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta thể nghiệm. Nhờ đó, một dân tộc “đất không rộng lắm, người không đông lắm đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” và đang có những bước tiến thắng lợi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, bài học đó rất cần được tiếp tục vận dụng hiệu quả hơn nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực của dân tộc phục vụ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Năm là, cách mạng là sáng tạo, đó là bài học lớn qua nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bài học này hiện vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong công cuộc đổi mới và hội nhập hiện nay. Vì vậy, sáng tạo, liên tục đổi mới là chìa khóa để chúng ta tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

(1), (2), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.609, 610, 92.

(3) Sđd, t.4, tr.187.

(4), (5) Sđd, t.13, tr.30, 438.

(6) Song Thành: Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.171.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.47.

(8) Hội đồng Lý luận Trung ương Chỉ đạo biên soạn (2004), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.115.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.293.

(10) Sđd, t.12, tr.411.

(11) Sđd, t.9, tr.91.

(12) Sđd, t.7, tr.41.

(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.160.

(14) Hồ Chí Minh: Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.126.

(16) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.20.

PGS, TS Hồ Trọng Hoài

TS Nguyễn Thị Hoa

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh