Những kiến thức cơ bản về sức khoẻ tâm thần | PK BV ĐH Y Dược 1

NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ SỨC KHOẺ TÂM THẦN

 

1. Sức khỏe tâm thần là gì?

Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần đang ngày càng được quan tâm hơn. Sức khỏe tâm thần liên quan đến lời nói, hành vi, cảm xúc và tâm lý của bạn. Một tinh thần tốt giúp bạn có trải nghiệm cuộc sống tốt hơn và luôn tràn đầy năng lượng. Nó giúp bạn vượt qua khó khăn và đương đầu với những vấn đề của cuộc sống một cách tích cực.

Nhiều người vẫn nghĩ “rối loạn sức khỏe tâm thần” là “thần kinh phân liệt”. Nhưng thực tế, nó là thuật ngữ dùng chung cho rất nhiều vấn đề liên quan đến tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, mất trí nhớ hoặc rối loạn ăn uống. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cứ 40 giây trên thế giới có 1 người tự tử, 804.000 trường hợp tự tử mỗi năm. Gần 80% trong số đó có liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần, mà trầm cảm là phổ biến nhất. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê, nhưng các trường hợp tự tử do trầm cảm không phải là hiếm.

Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, bao gồm di truyền, sinh học, thói quen sinh hoạt và những tác động từ môi trường bên ngoài. 

Sức khỏe tâm thần có thể được đánh giá bởi bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và nhân viên công tác xã hội. Tuy nhiên, chỉ có bác sĩ chuyên khoa tâm thần là người có thể điều trị các vấn đề tâm thần bằng cách kê đơn thuốc kết hợp các liệu pháp điều trị tâm lý khác.


Sức khỏe tâm thần là vấn đề cần được quan tâm

2. Các rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp

a. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực đặc trưng bởi các giai đoạn trầm cảm đan xen với giai đoạn hưng cảm. Người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ trải qua giai đoạn cực kì sung sức, nói nhiều, hoạt động nhiều; nhưng sau đó có thể rơi vào giai đoạn buồn bã, tuyệt vọng, mệt mỏi, mất tập trung.

b. Rối loạn trầm cảm dai dẳng

Một người được chẩn đoán bị rối loạn trầm cảm dai dẳng khi có các triệu chứng trầm cảm kéo dài trên 2 năm. Mặc dù đây là loại trầm cảm nhẹ nhưng nó kéo dài sẽ gây ra nhiều trở ngại cho cuộc sống. Nó có thể làm cho người khác hiểu nhầm về tính cách người bị trầm cảm, khiến các mối quan hệ trở nên căng thẳng hoặc gây khó khăn trong công việc, học tập. 

c. Rối loạn trầm cảm nặng

 
Trầm cảm là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến

Rối loạn trầm cảm nặng (MDD) là trạng thái buồn bã, chán nản, tuyệt vọng kéo dài trên hai tuần, gây khó khăn trong cuộc sống. Nó là chứng trầm cảm nghiêm trọng vì người bị rối loạn trầm cảm nặng có thể buồn bã, tuyệt vọng đến mức có suy nghĩ về cái chết hoặc cố gắng tự tử. 

d. Rối loạn trầm cảm sau sinh

Rối loạn trầm cảm sau sinh phổ biến ở những bà mẹ. Nó xảy ra vào vài tuần sau khi sinh con hoặc vài tháng sau đó. Trầm cảm sau sinh khiến người mẹ không có khả năng chăm sóc chính mình và không thể kết nối với em bé cũng như những người thân khác. Suy nghĩ làm hại người khác và làm hại em bé có thể xuất hiện. Đôi khi, những ông bố cũng có thể bị trầm cảm sau sinh.

e. Rối loạn lo âu lan toả

Rối loạn lo âu lan tỏa là tình trạng lo lắng dai dẳng. Một người có thể bị rối loạn lo âu lan tỏa không do một hoàn cảnh đặc biệt nào với các biểu hiện lo lắng liên tục về mọi thứ, ngay cả khi không có lý do để lo lắng. Họ có thể cực kỳ lo sợ bản thân hoặc người thân bị bệnh, tai nạn hoặc chết. Rối loạn lo âu lan tỏa có thể khiến một người không thể hoàn thành được các công việc hàng ngày.

f. Ám ảnh sợ xã hội

Ám ảnh sợ xã hội hay còn gọi là rối loạn lo âu xã hội khiến một người sợ và lo lắng với tất cả các tình huống có mặt người khác ngoài người thân của mình. Họ rất sợ ánh mắt của người khác, sợ bị đánh giá, phê bình. Vì vậy họ thường khó gặp gỡ người lạ và trốn tránh các tình huống gặp mặt hoặc những chỗ đông người.

g. Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có những suy nghĩ hoặc hành vi liên tục và lặp đi lặp lại. Những suy nghĩ và hành vi này khá cứng nhắc, buộc họ phải thực hiện, nếu không sẽ rất khó chịu. 

Trong nhiều trường hợp, người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhận ra hành động của mình là không hợp lý nhưng bản thân họ không thể ngăn cản hay thay đổi được. 

h. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) hay còn gọi là rối loạn căng thẳng sau chấn thương, khởi phát từ việc trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đáng sợ hoặc đau buồn. Những sự kiện này có thể là người thân mất, tai nạn, bị lạm dụng, bị bạo lực hoặc chiến tranh, thảm họa tự nhiên…

Những người bị rối loạn stress sau sang chấn thường bị ám ảnh bởi những ký ức lặp lại lặp lại, liên tục gặp ác mộng đến mức có các hành vi tránh né, thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ, thậm chí là thay đổi tính cách.

i. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng. Nó làm suy giảm nhận thức về thực tế và thế giới xung quanh. Người bị tâm thần phân liệt có thể gặp ảo giác, ảo tưởng như nhìn, nghe thấy những thứ không thực sự tồn tại. Tình trạng này có thể đẩy họ vào các tình huống nguy hiểm hoặc gây nguy hiểm cho người khác nếu không được theo dõi và điều trị.

j. Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống thường xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ, bị ám ảnh về việc giảm hoặc tăng cân. Biểu hiện bởi nhu cầu ăn không theo thực tế, nhịn ăn hoặc ăn vô độ, sau đó cố gắng nôn mửa, sử dụng thuốc xổ hoặc tập luyện quá mức. Nó có thể gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.

3. Các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần

 
Người bị rối loạn sức khỏe tâm thần thay đổi cảm xúc và hành vi

Mỗi chứng rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ có các biểu hiện đặc trưng khác nhau để phân biệt. Nhưng chúng vẫn có một vài dấu hiệu phổ biến như:

– Chán ăn hoặc ăn quá nhiều;

– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều;

– Trí nhớ giảm và khó tập trung;

– Cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc;

– Bị trơ cảm xúc hoặc khó đồng cảm;

– Cảm thấy khó hòa nhập và rút lui khỏi các hoạt động xã hội;

– Không còn quan tâm tới các hoạt động, dù là hoạt động từng rất yêu thích;

– Cảm thấy bản thân vô vọng, vô dụng, là một gánh nặng;

– Cảm thấy buồn bã, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng liên tục trên 2 tuần;

– Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ bị kích động, bộc phát cảm xúc;

– Thường xuyên cãi nhau hoặc đánh nhau;

– Trục trặc trong các mối quan hệ, có thể là mẫu thuẫn, lạnh nhạt, xa cách;

– Liên tục có suy nghĩ hồi tưởng hoặc hành vi lặp đi lặp lại;

– Nghe hoặc nhìn thấy những thứ không thực sự tồn tại;

– Có ý nghĩ làm tổn thương chính mình hoặc người khác;

– Cảm thấy khó thực hiện các hoạt động và công việc hàng ngày, tiêu biểu như kết quả học tập và hiệu quả công việc giảm sút mà không rõ lý do;

– Nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy;

-Một số triệu chứng cơ thể như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt, đau nhức người mà không thể giải thích bằng một bệnh lý thực thể.

Đôi khi tự bản thân bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng mà mình gặp phải. Vì vậy, sự giúp đỡ và theo dõi từ người thân cũng rất quan trọng.

4. Điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần

 
Rối loạn sức khỏe tâm thần được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp khác

Nhiều người vẫn xem “trầm cảm” là một sự yếu đuối của tính cách và cố gắng tự mình chống lại nó. Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn cởi mở và hiểu biết hơn về trầm cảm cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Bởi ngày nay, y học đã phát triển đủ để chúng ta có thể gọi tên những cảm xúc tiêu cực mà mình gặp phải là gì và tìm ra cách để đối phó với chúng.

Bạn cần hiểu rằng, các vấn đề về sức khỏe tâm thần không phải là biểu hiện của sự yếu đuối hay bất lực. Nó cũng không thể tự biến mất bằng suy nghĩ hay ý chí mà phải được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp khác. Lúc này, vai trò của bác sĩ tâm thần là rất quan trọng để bạn được chẩn đoán, theo dõi và điều trị.

Hầu hết các trường hợp, việc điều trị hoàn toàn hiệu quả. Một số khác có thể kéo dài và trở thành mạn tính. Nhưng bạn có thể yên tâm rằng việc điều trị hoàn toàn có thể giảm bớt những cảm xúc tiêu cực. Và một vài lời khuyên sau đây có thể giúp bạn có một sống đầy đủ và hạnh phúc hơn:

– Tập thể dục rất tốt cho tinh thần. Một số bộ môn như bơi lội, nhảy múa, đi bộ, chạy bộ rất tốt để cải thiện tâm trạng. Trong khi thiền và yoga có thể tăng cường năng lượng cho cơ thể và thư giãn, giảm căng thẳng.

– Giữ thái độ tích cực trước mọi vấn đề trong cuộc sống, kể cả các tình huống khó khăn.

– Giúp đỡ người khác là một cách để cảm thấy thoải mái và yêu đời hơn. 

– Ngủ không ngon có thể gây mệt mỏi và căng thẳng. Vì vậy một giấc ngủ ngon rất hữu ích để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

– Chế độ ăn lành mạnh rất quan trọng. Trong khi các món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, chế biến sẵn và chứa phụ gia hóa học có thể khiến tâm trạng bạn xấu đi, thì các loại thực phẩm giàu chất xơ, chất béo lành mạnh như trái cây, rau củ, cá béo, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt lại rất tốt cho trí óc và tinh thần.

– Thay vì ở một mình, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và các mối quan hệ tích cực.

– Dành thời gian cho sở thích cá nhân như nghe nhạc, đọc sách, trồng cây, chơi với thú cưng hoặc thử một bộ môn mới mà bạn có hứng thú.

– Rèn luyện và nâng cao kỹ năng sắp xếp, giải quyết vấn đề và một vài kỹ năng khác là cách để giảm bớt những lo lắng, căng thẳng thường gặp.

Sức khỏe tâm thần là một yếu tố quan trọng quyết định cuộc sống hạnh phúc. Bạn phải hiểu rằng nó rất quan trọng và chúng ta cần duy trì lối sống lành mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe tâm thần.

Cảm thấy buồn bã, căng thẳng, sợ hãi, lo lắng hoặc đau khổ là cảm xúc bình thường của con người khi phải đối mặt với một vài tình huống trong cuộc sống. Nhưng khi những cảm xúc này kéo dài, gây ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất, cản trở các hoạt động hàng ngày thì nó không chỉ đơn giản là cảm xúc bình thường nữa. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay khi bạn nghĩ rằng bản thân hoặc người thân của mình bị một rối loạn sức khỏe tâm thần nào đó.