Những hệ lụy khi dùng mạng xã hội thiếu trách nhiệm

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, Internet phát triển rộng khắp, việc sử dụng mạng xã hội trở nên ngày càng phổ biến. Thậm chí, một người có thể sử dụng rất nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… để chia sẻ hình ảnh, thông tin hoặc những vấn đề mà bản thân yêu thích. Song, việc sử dụng mạng xã hội được đánh giá như một “con dao hai lưỡi”. 

Ngày nay, trên các trang mạng xã hội, không khó để chúng ta bắt gặp những thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng, nhiều thông tin không đúng sự thật. Nhiều người lợi dụng “mảnh đất” này để tung hô mình, kích động điều xấu, xâm phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của người khác… ảnh hưởng đến uy tín của các cá nhân, tập thể nhất định. 

Trước vấn đề này, Ths. Nguyễn Viết Hiền, giảng viên trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục OED (Hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên và người trưởng thành) nhận định, mạng xã hội đã trở thành môi trường xã hội thứ 2 của tất cả chúng ta. Ở thời đại số, khi chúng ta đều bận rộn thì việc sử dụng mạng xã hội để giao lưu, học hỏi, thoả mãn nhu cầu bản thân là tất yếu. Người sử dụng mạng xã hội đa dạng từ lứa tuổi, giới tính, trình độ… tạo ra không gian mạng đáp ứng các nhu cầu của mỗi người, sự gắn kết lẫn nhau với tốc độ nhanh và lan rộng.

“Xét về bản chất, ai cũng muốn được mọi người chú ý, được nói, được khen, được tung hô. Nhu cầu nắm bắt các thông tin mới, các tin “hot”, tin về người mình thần tượng…  khiến nội dung các thông tin này khi được đưa lên dễ gây sự chú ý với với cộng đồng mạng.

Điều đó càng củng cố cảm xúc tích cực, sự thoả mãn nhu cầu cho người đưa tin và càng làm họ tiếp tục đưa ra các thông tin khác và theo đuổi những gì mình đang làm để củng cố và phát triển cảm xúc được tung hô, được quan tâm, chú ý. Cứ như thế, sự việc đẩy nhanh dẫn đến mất kiểm soát”, Ths. Nguyễn Viết Hiền nói. 


Ths. Nguyễn Viết Hiền, giảng viên trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Xã hội số phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng Luật An ninh mạng mới thực thi từ 01/01/2019. Vì thế, kiến thức về Luật An ninh mạng của người dân còn hạn chế, khiến nhiều người nhầm tưởng mình đứng ngoài pháp luật, không chịu chế tài của bất cứ cơ quan, tổ chức nào khi sử dụng mạng xã hội. 

Theo Ths. Nguyễn Viết Hiền, với tốc độ kết nối nhanh, thông tin nhanh cùng hiệu ứng đám đông, bên cạnh đó, kiến thức về Luật An ninh mạng còn mới, chưa “phủ sóng” trên không gian thực và không gian mạng khiến thông tin bị sai lệch, mất kiểm soát, chưa kiểm chứng ảnh hưởng đến đời sống, văn hoá, danh dự của nhiều người, gây hoang mang dư luận.

Thực tế, xét ở góc độ khách quan, mạng xã hội đem lại rất nhiều lợi ích tích cực. Đây không chỉ là nơi con người được giao lưu, kết nối mà còn phục vụ cho nhu cầu giải trí, học tập, cập nhật thông tin… 

Ths Nguyễn Viết Hiền cho rằng: “Mạng xã hội giúp mọi người kết nối với nhau nhanh và dễ dàng hơn. Khi công việc ngày càng bận rộn, khoảng cách địa lý cùng rất nhiều rào cản khác khiến chúng ta khó gặp gỡ người thân, bạn bè thì mạng xã hội có thể giải quyết được vấn đề đó. Hơn nữa, mạng xã hội còn giúp chúng ta tạo ra vòng tròn kết nối rộng hơn với những người cùng chung lý tưởng, chung hoàn cảnh, chung sở thích… Điều đó, giúp chúng ta giảm cảm giác cô đơn. 

Mạng xã hội giúp mọi người cập nhật thông tin nhanh hơn. Mỗi ngày trôi qua, lượng kiến thức thông tin lớn được tạo ra. Mạng xã hội chính là phương thức để thông tin đến với mọi người nhanh nhất, nhất là đối với việc học tập và nghiên cứu, mạng xã hội giúp người học tìm được kho tài nguyên kiến thức cho mình để công việc, học tập của họ thuận lợi nhất”. 

Cuộc sống hiện đại khiến con người phải chạy theo “cơm, áo, gạo, tiền”, vì thế lo lắng, áp lực càng tăng lên gấp bội. Trước những nỗi lo đó, mạng xã hội bỗng trở thành một “liều thuốc” tinh thần để chúng ta giải tỏa cảm xúc tiêu cực và cân bằng tâm lý bản thân. 

“Khi ai đó có sức khỏe tâm thần không tốt, họ cần có nơi để giải toả, để được chia sẻ, được nói, được thể hiện ra hết các cảm xúc của họ thì mạng xã hội chính là giải pháp dễ thực hiện. Những bài đăng, những bình luận nói ra những vấn đề họ đang gặp phải sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người, trong đó có sự đồng cảm, có những tác động tích cực khiến họ vơi bớt đi cảm xúc tiêu cực, vơi bớt cảm xúc khổ đau, giúp tâm lý cân bằng hơn. Không chỉ vậy, những chia sẻ về niềm vui, thành tựu đạt được cũng tạo ra sự hưởng ứng, chúc mừng, khen ngợi, tung hô từ phía cộng đồng mạng khiến cảm xúc tích cực được củng cố”, Ths Nguyễn Viết Hiền cho hay. 

Lợi ích thì nhiều vô kể, song, mạng xã hội cũng tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy tiêu cực nếu người dùng sử dụng chúng một cách thiếu trách nhiệm. 

Theo vị chuyên gia tâm lý này, việc quá thoải mái trong ngôn từ dẫn đến chính chúng ta trở thành nạn nhân của tin rác, tin giả, tin đồn, tin chưa kiểm chứng và có cảm giác bị bạo lực ngôn từ, bạo lực về tinh thần. 

Các thông tin sai lệch có thể biến một người tích cực thành tiêu cực, bất an, lo lắng, trầm cảm, dẫn đến cảm xúc bị tổn thương, có thể dẫn đến hành vi sai lệch. Tác động xấu không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn ảnh hưởng tới tập thế, tổ chức khiến uy tín của tổ chức ấy bị ảnh hưởng. 

Thực tế, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, việc đi lại, gặp gỡ trực tiếp bị hạn chế, dẫn đến nhu cầu giao lưu, trao đổi, học hỏi…. chuyển sang không gian mạng. Trong thời gian đó, rất nhiều hệ luỵ xảy ra, nhiều cảnh báo nguy hiểm bắt nguồn từ sức khoẻ tâm thần của một số người bị ảnh hưởng. 

Một trong số nguyên nhân dẫn đến sức khỏe tâm thần suy giảm chính là việc họ phải tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, củng cố thêm cảm xúc tiêu cực vốn có trong cuộc sống thực của họ. Không chỉ vậy, một số người lợi dụng lòng tin của mọi người, vận dụng các cơ chế hình thành các sơ cấu tâm lý để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức như lừa đảo, mua bán trái phép… 

“Việc bảo vệ quyền lợi của những người dân bị lừa đảo trên mạng xã hội là một thách thức lớn đối cơ quan có thẩm quyền”, Ths Nguyễn Viết Hiền nhận định. 

Bạch Dương

Ảnh: NVCC