Những bệnh nào được hưởng bảo trợ xã hội theo quy định?

Hiện nay, mặc dù xã hội đã phát triển rất nhiều song vẫn còn rất nhiều các hoàn cảnh có điều kiện sống khó khăn, khổ cực như: bệnh tật, người cao tuổi, người đơn thân nghèo đang nuôi con,…. Đối với những trường hợp như thế này liệu pháp luật Việt Nam hiện hành có quy định gì hỗ trợ cho những con người đó hay không? Nếu có thì mức hộ trợ là bao nhiêu? Đặc biệt liên quan đến bệnh tật, thì liệu bệnh nào được hưởng trợ cấp xã hội? Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê xin giải đáp tất cả các thắc mắc của Quý khách hàng xoay quanh vấn đề này.

1. Những thông tin cần biết liên quan đến trợ cấp xã hội?

1.1 Trợ cấp xã hội là gì?

Trợ cấp xã hội là khoản tiền hoặc tài sản khác do Nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ cấp cho các thành viên của xã hội trong những trường hợp những thành viên này gặp rủi ro, hiểm nghèo, nghèo đói, bất hành nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Chính sách trợ cấp xã hội là sự bảo đảm của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng về thu nhập và các điều kiện sống thiết yếu bằng các hình thức và biện pháp khác nhau đối với các thành viên trong xã hội khi họ rơi vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, yếu thể hoặc hụt hẫng trong cuộc sống mà bản thân không đủ khả năng tự lo được cuộc sống của bản thân và gia đình ở mức tối thiểu.

 

1.2 Nguyên tắc về chính sách trợ giúp xã hội

Theo Điều 3 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc cơ bản của chính sách bảo trợ xã hội, cụ thể như sau:

– Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời; công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng.

– Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ.

– Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng; chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

 

1.3 Mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Theo Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này (đối tượng hưởng trợ cấp) được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

– Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này”

+ Hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi;

+ Hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên.

– Hệ đố 1,5 đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

– Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này: 

+ Hệ số 2,5 đối với đối tượng dưới 4 tuổi;

+ Hệ số 2,0 đối với đối tượng từ đủ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi.

– Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này: hệ số 1,0 đối với mỗi một cong đang nuôi.

– Đối với đối tượng quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định này:

+ Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi;

+ Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 80 tuổi trở lên;

+ Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5;

+ Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 5.

– Đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này:

+ Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

+ Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

+ Hệ số 1,5 đối với khuyết tật nặng;

+ Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

– Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại các khoản 7 và 8 Điều 5 Nghị định này.

 

1.4 Ý nghĩa của chế độ trợ cấp xã hội

Hiện nay, trái ngược với sự phát triển không ngừng nghỉ của xã hội vẫn còn đâu đó những con người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khổ cực như mồ côi cha, mẹ, người già không có ai chăm nuôi, trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ nghèo,… Trải qua hơn 1000 năm phong kiến đô hộ phương Bắc, hơn 100 năm thuộc địa phương Tây, lại là một đất nước quanh năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai và biến đổi khí hậu thì số người cần đến sự trợ giúp của xã hội là vô cùng lớn.

Có thể thấy, trợ giúp xã hội là một chủ trương, chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn chú trọng, nó có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế vô cùng quan trọng. Đồng thời đây cũng là nền tảng thực hiện công bằng xã hội, dân chủ văn minh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Thông qua sự trợ giúp của Nhà nước, nhân dân và cộng đồng, chính sách trợ giúp xã hội nhằm bảo đảm thu nhập và các điều kiện sinh sống ở mức tối thiểu đối với các đối tượng gặp rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, thiệt thòi trong cuộc sống không đủ khả năng tự lo được cho bản thân và gia đình.

Trợ cấp xã hội là phần thiết yếu để an sinh xã hội, với mục đích khắc phục rủi ro cùng với những chế độ trong bảo hiểm xã hội nhằm phòng ngừa rủi ro cho người dân.

 

2. Những bệnh gì được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật?

Cụ thể, tại Điều 5, 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng và mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:

 

2.1 Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng

Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

– Mồ côi cả cha và mẹ;

– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;

– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;

– Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

– Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ swor vai nghiện bắt buộc;

– Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trọ xã hội, nhà xã hội;

– Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thười gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trọ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

+ 900.000 đồng/tháng đối với trường hợp dưới 4 tuổi.

+ 540.000 đồng/tháng đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên.

 

2.2 Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi

Người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng là 540.000 đồng/tháng.

 

2.3 Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

– 900.000 đồng đồi với đối tượng dưới 4 tuổi.

– 720.000 đồng đối với đối tượng từ đủ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi.

 

2.4 Người đơn thân nghèo đang nuôi con

Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất. 

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng là 360.000 đồng đói với mỗi một con đang nuôi.

 

2.5 Người cao tuổi

Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

+ 540.000 đồng/tháng đối với đối tượng nêu trên từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi.

+ 720.000 đồng/tháng đối với đối tượng nêu trên từ đủ 80 tuổi trở lên.

– Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định tại Điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thông vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và miền núi đặc biệt khó khăn.

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng là 360.000 đồng/tháng.

– Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Mức trợ cấp hàng tháng là 360.000 đồng/tháng.

– Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng là 1.080.000 đồng/tháng.

 

2.6 Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:

– 720.000 đồng đới với người khuyết tật đặc biệt nặng.

– 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng.

– 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng.

– 720.000 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

 

2.7 Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Mức trợ cấp hàng tháng là 540.000 đồng/tháng.

 

2.8 Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Mức trợ cấp hàng tháng là 540.000 đồng/tháng.

 

3. Một số bất cập trong công tác trợ giúp xã hội

Trong suốt thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của các cấp chính quyền đã triển khai thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội, qua đó đã góp phần động viên các đối tượng và gia đình vượt quá khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách trợ cấp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn còn một số hạn chế.

Công tác tuyên truyền các chính sách về công tác trợ cấp xã hội có lúc có nơi chưa được thường xuyên; việc thiết lập, quản lý hồ sơ ở một số xã chưa thực sự khoa học, một số hồ sơ còn thiếu thông tin, thông tin chưa đầy đủ, chưa đảm bảo theo quy định; quy trình thủ tục tiếp nhận, giải quyết chế độ cho một số đối tượng chưa tuân thủ các mốc thời gian theo quy định; công tác xét duyệt trợ cấp xã hội, xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng cấp xã có lúc có nơi còn cảm tính, một số nơi có biểu hiện nể nang; công tác quản lý đối tượng, cập nhật thông tin, lập hồ sơ biến động tăng, giảm đối tượng, điều chỉnh chế độ hưởng tại một số đơn vị cấp xã chưa kịp thời,… Cơ sở vật chật của các cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu thốn, diện tích chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng tiếp nhận thực tế cũng như chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng.

Luật Minh Khuê xin gửi tới Quý khách hàng những thông tin cần thiết xoay quanh chủ đề “Những bệnh nào được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định mới nhất?”. Với bài viết trên, chúng tôi hy vọng rằng Quý khách hàng đã trả lời một phần nào những thắc mắc trước đó.

Trong trường hợp bạn còn bất kỳ câu hỏi nảo liên quan đến vấn đề này hay các vấn đề khác như lao động, hôn nhân và gia đình, doanh nghiệp, bảo hiểm,…. cần giải đáp về mặt pháp lý các bạn đừng ngần ngai nhấc máy lên và gọi tới số tổng đài 1900.6162 để được đội ngũ luật sư và chuyên viên tư vấn pháp lý với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng. Trân trọng!