Những băng nhóm xã hội đen ở Hàn Quốc

Theo báo chí Hàn Quốc, hiện nay tại nước này có khoảng 213 tổ chức hoạt động bạo lực với số thành viên lên đến 5.000 người. Các băng đảng xã hội đen ở Hàn Quốc đang trực tiếp ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân và công tác trị an của Chính phủ Hàn Quốc.

Đối với nhiều người dân Hàn Quốc, những phần tử xã hội đen hầu hết chỉ tồn tại trong phim ảnh, khác xa so với cuộc sống thực. Vậy thực tế diện mạo của những băng đảng xã hội đen ở Hàn Quốc ra sao? Cuộc sống của những phần tử trong đó thực hư như thế nào?

Nhắc đến xã hội đen Hàn Quốc, người ta nghĩ ngay đến một đại ca xã hội đen nước này những năm 80 của thế kỷ trước, đó là Kim Tai Chun.

Năm 1975, khi mới 25 tuổi, y gia nhập tổ chức xã hội đen ở Kwangju, Hàn Quốc mang tên “phái phương Tây” (Western faction). Sau đó 2 năm, chính “sự kiện derogation” xảy ra tại một nhà hàng Triều Tiên đã làm cho tên tuổi của Kim Tai Chun nhanh chóng được giới giang hồ nước này biết đến, chúng tôn Kim Tai Chun lên làm đại ca. Ảnh hưởng của y đến sự phát triển của xã hội đen Hàn Quốc rất lớn, những “công cụ” mà hiện nay các băng nhóm xã hội đen nước này vẫn hay sử dụng để thanh toán nhau như mã tấu hay gậy khúc côn cầu đều là những “công cụ” đã được Kim Tai Chun “quảng bá” trước đây.

Năm 1986, Kim Tai Chun bị kết án 5 năm tù, sau đó y được thả tự do trước thời hạn vì lý do bệnh tật. Ra tù, y vẫn “ngựa quen đường cũ” và đến năm 1990, y lại phải vào tù do đã tổ chức nên “Hội tân hữu” (New Friends). Trong tù, y đột nhiên sùng bái đạo Cơ Đốc. Khi ra tù vào tháng 6/2005, y trở thành một con chiên ngoan đạo của Cơ Đốc giáo. Chỉ trong vòng 1 tháng, y đã đi truyền giáo khắp Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, và cùng với các giáo đồ phân phát thực phẩm miễn phí.

Xã hội đen không chỉ có “đấng mày râu” là đại ca mà “đại ca” cũng có thể là phái yếu. Băng đảng “Thất công chúa” chính là một băng đảng xã hội đen toàn nữ duy nhất ở Hàn Quốc. Đại ca của băng này là Kim Lan Shuu, năm nay 52 tuổi. Theo thông tin từ báo giới Hàn Quốc, Kim Lan Shuu là một người từng có “bề dày thành tích” trong các vụ thanh toán, chém giết và đâm thuê chém mướn trong giới giang hồ Hàn Quốc.

Năm 19 tuổi, Kim Lan Shuu bị cưỡng dâm. Năm 27 tuổi, chồng chết, Kim Lan Shuu mang hai con nhỏ cùng 16.000 won đã dành dụm được trở  về quê. Tại đó cô đã mở một hộp đêm để kiếm sống. Do không chịu nộp tiền bảo kê, các băng nhóm xã hội đen liền kéo đến đập phá cửa hàng mà cô đã tốn bao công sức lập nên. Quá căm phẫn, Kim Lan Shuu liền liên lạc với một số nữ cao thủ karate thành lập nên băng “Thất công chúa” để báo thù.

Từ cuối những năm 70 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, dấu chân của băng “Thất công chúa” đã in khắp các tỉnh Ulsan, Pusan và Kwangju. Thế nhưng họ không bao giờ làm bị thương những người vô tội, hơn nữa lại rất hiểu lễ nghĩa, phép tắc đối với những bậc bề trên. Hiện nay, Kim Lan Shuu đã thành lập ra rất nhiều cơ quan tự nguyện giúp đỡ những người khác trong xã hội.

Theo tính toán về tổng dân số Hàn Quốc; cứ 1 triệu người thì có 103 thành viên là của các băng nhóm xã hội đen. Khu vực hoạt động mạnh nhất của bọn chúng là tỉnh Kyonggi quanh thủ đô Seoul, có khoảng 27 tổ chức bạo lực, số thành viên là 782 người. Thủ đô Seoul có 22 tổ chức với 470 thành viên, còn thành phố thứ 2 Hàn Quốc – Pusan có 24 tổ chức với số thành viên là 346 tên.

Hàn Quốc còn là một trong những khu vực hoạt động nhộn nhịp của các tổ chức xã hội đen quốc tế. Theo tờ Korean Daily News số ra mới đây, dẫn báo cáo mới nhất của Viện Tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết, hiện có khoảng 34 tổ chức xã hội đen quốc tế thâm nhập vào Hàn Quốc, trong đó phải kể đến băng Yamaguchi của Nhật Bản, băng Maga của Nga và tổ chức Black Hand của Yakutia. Các băng đảng xã hội đen đã gây ra nhiều vụ khủng bố, trộm cướp, bắt cóc… tất cả những vấn đề đó ngày càng làm gia tăng nhân tố gây mất ổn định xã hội.

Thế lực xã hội đen nước này thậm chí còn thâm nhập cả vào học đường, sự kiện “Hội nhất tiến” đã gây xôn xao dư luận Hàn Quốc (“Nhất tiến” có nghĩa là: Học phải giỏi, đánh phải hăng”, xuất hiện trong các trường phổ thông Nhật Bản những năm 90 của thế kỷ trước, sau đó truyền vào Hàn Quốc bằng con đường truyện tranh, và trở thành danh từ để chỉ những hoạt động bạo lực trong học đường), đã có hơn 400.000 học sinh Hàn Quốc gia nhập vào băng nhóm này, gây chấn động xã hội Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc hết sức chú trọng đến việc tấn công, phá vỡ bọn xã hội đen. Khi mới lên nắm quyền năm 1980, Tổng thống Chun Doo Hwan đã ban hành chính sách “dẹp bỏ những bệnh dịch xã hội” trong đó bao gồm cả việc đánh vào các băng nhóm xã hội đen. Năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu triển khai cuộc đấu tranh với các băng nhóm xã hội đen nước này, khiến cho các tổ chức xã hội đen ở Hàn Quốc không còn chốn dung thân.

Chính phủ của ông Roh Moo-hyun cũng đã tấn công mạnh mẽ vào hoạt động của các tổ chức xã hội đen. Ông đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát nguồn vốn của những tổ chức này, và đã nắm được danh sách những trung tâm giải trí có liên quan đến hoạt động của xã hội đen. Sau khi xảy ra “sự kiện Hội nhất tiến”, Cảnh sát Seoul liền áp dụng những biện pháp cứng rắn, và kêu gọi tất cả thành viên trong các trường trung học và phổ thông ở thành phố này ra đầu thú và đã thu được hiệu quả khá cao.

Hiện nay, xã hội đen ở Hàn Quốc đã có những thay đổi lớn, từ những tổ chức với hình thức đơn giản dần trở nên tinh vi hơn, những ông trùm của nhóm không chỉ là những tay đầu trộm đuôi cướp, vô học mà hầu hết đều là những doanh nghiệp cỡ bự. Bọn chúng dùng tiền kiếm được từ những hoạt động phi pháp để đầu tư vào bất động sản, dịch vụ xây dựng hay văn hóa giáo dục. Trước tình hình đó, người dân Hàn Quốc rất khó để có thể nhận ra bộ mặt thật của những ông trùm xã hội đen này