Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm Đấu Tranh Cho Cái Gì?

Câu hỏi dành cho cái tựa đề của mục Sổ Tay Văn Học trên Việt Tide kỳ này thoạt nghe có vẻ thừa thãi nếu không muốn nói là vô duyên. Đã biết bao nhiêu ngòi bút bị vùi giập và bao nhiêu thân phận con người đã bị đầy đọa triền miên trong nhiều năm trời ròng rã thì mục tiêu tranh đấu của họ tưởng đã quá rõ ràng.

Mục tiêu đó là sự tự do cầm bút !

Khi người cầm bút phải đấu tranh để có tự do viết lách thì hẳn vấn đề tự do cầm bút không chỉ đơn giản, dễ dàng như khi cho rằng nhà văn có tự do hay không là ở chính mình chứ không phải người khác, nếu nhà nhà văn không chọn tự do thì là lỗi ở anh ta, lỗi ở chị ta chứ không nên đổ tại ai cả. Khi nữ sĩ Thuỵ An Hoàng Dân vì vụ Nhân văn Giai phẩm mà bị bắt vô tù, bà đã tự chọc mù một mắt để phản đối sự tự do cầm bút bị xâm phạm thì lỗi ở bà hay lỗi ở bọn cầm quyền đã sử dụng bạo lực?

Bài viết này không có mục đích gây tranh luận về sự tự do cầm bút, vì bản chất của sự tranh luận  cũng đã sai rồi bởi nó xâm phạm đến sự tự do cầm bút của người khác, và nó cũng còn tuỳ thuộc vào chỗ người cầm bút suy nghĩ cái gì và viết nên cái gì?

Tuy nhiên, đứng ở giữa những suy nghĩ có vẻ trái ngược nhau như thế, nhiều bạn trẻ có thể băn khoăn hay bối rối. Họ sinh sau đẻ muộn nên nhiều biến cố đau lòng xẩy ra trong lãnh vực văn chương có thể họ chưa biết tới. Như thế, cũng không phải là một việc thừa thãi khi ta nhắc lại vụ Nhân Văn Giai Phẩm  mặc dù trước đây cũng đã có cả ngàn bài báo đã đề cập tới và đặc biệt là cuốn sách Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của học giả Hoàng văn Chí ấn hành từ năm 1959 và sau đó đã được tái bản nhiều lần ở hải ngoại.

Mặt khác, sau gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những kẻ đã nhúng tay vào vụ trấn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã viết nhiều bài văn bài thơ, bài phát biểu, phê bình đã tưởng rằng những thứ ấy đã bị chôn vùi dưới lớp bụi của thời gian, không cò ai nhớ tới. Có thể vì thế chăng mà họ lại bắt đầu nhởn nhơ xuất hiện trở lại trên văn đàn với thái độ phủi tay coi như chưa bao giờ biết tới chuyện chính mình đã viếi bôi bác những gì trong suốt thời kỳ gọi là thời Nhân Văn Giai Phẩm. Đã thế, trong sinh hoạt văn chương nay lại thấy xuất hiện những bài viết ca tụng, tâng bốc những kẻ đã từng gây thảm hoạ cho người cầm bút, (điển hình là Tố Hữu), với những lời lẽ đại để như sau :

– Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là một nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn liền với cách mạng.Thơ với đời là một.Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội.

(Trần Đăng Khoa-Chân Dung và Đối Thoại, nxb Thanh Niên,

in năm 1999)

Hãy bình tâm và khách quan suy ngẫm về những lời viết ở trên của Trần Đăng Khoa:

1) Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ?

Tôi thật tình không hiểu “con mắt lãng mạn của một thi sĩ”  nó là như thế nào, nhưng một con người khi đi làm cách mạng thì cũng không có nghĩa là người ấy đã từ bỏ cả nhân tính để phục vụ cho nhu cầu cách mạng. Bởi khi đã từ bỏ nhân tính thì mục tiêu tối hậu của cách mạng sẽ là cái gì? Một nhà thơ dù lãng mạn cách mạng thế nào cũng không thể viết nên những câu thơ mang tính chất đồ tể khát máu như sau:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong.

Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít Ta Lin…bất diệt.

( thơ Tố Hữu)

hay là bài  Đời đời nhớ ông, Tố Hữu đã làm sau khi Stalin chết :

……….

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!

Mồm con thơm sữa xinh xinh

Như con chim của hoà bình trắng trong.

Hôm qua loa gọi ngoài đồng

Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao

Làng trên xóm dưới xôn xao

Làm sao, ông đã… làm sao, mất rồi ?

Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi!

Hỡi ôi ông mất! Đất trời có không?

Thương cha thương mẹ thương chồng

Thương mình thương một thương ông thương mười.

…………

Con còn bé dại con ơi

Mai sau con nhé trọn đời nhớ ông

Thương ông, mẹ nguyện trong lòng

Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con

Ông dù đã khuất không còn

Chân ông còn mãi dấu son trên đường

Trên đường quê sáng tinh sương

Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng

Ngàn tay trắng những băng tang

Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

(Tố Hữu – tháng 5-1953)

Đến năm 1999 mà vẫn còn có người tuyên bố : “Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội” thì quả thật tư duy con người này chẳng còn có một khoảnh dư nào để mà được gọi là “lô gich”!.

2) Trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, kẻ có toàn quyền sinh sát văn nghệ sĩ chính là Tố Hữu. Trong báo cáo “Tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm” đọc tại Hội Nghị Ban Chấp Hành Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật lần thứ III tại Hà Nội ngày 4-6-1958, Tố Hữu đã phát biểu như sau :

*****Trích :

“Trong lúc các loại phản động trong xã hội cùng những lưu manh cao bồi ngóc đầu dậy như những con vắt ghê tởm, bọn phá hoại  trong văn nghệ càng hoạt động dữ. Tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân, và liên tiếp xuất bản các tập Giai Phẩm Mùa Thu, Mùa Đông, Đất Mới với báo Nhân Văn ra đời lúc đó, bọn phá hoại ngày càng tự lột trần chân tướng. Báo Nhân Văn công nhiên là lá cờ phản cách mạng, đánh thẳng vào Đảng và nhà nước, chống lại nền chuyên chính dân chủ nhân dân. Nó là tiếng gọi tập hợp của những phần tử phản động, kích thích những phần tử bất mãn đi vào con đường phản nghịch. Sặc mùi thù địch, nó là một vũ khí tuyên truyền phản động công khai dưới chế độ ta, được mọi thành phần phá hoại tích cực ủng hộ, truyền bá ở các thành thị, trong các trường học, với cái chất ngông nghênh, phá phách, trụy lạc. Nó trở thành một thứ “món ăn tinh thần” của bọn cao bồi và lưu manh trên các đường phố, của một số thanh niên lạc hậu thèm khát phiêu lưu hưởng lạc và kích thích họ vào con đường tội lỗi.

Trong cái công ty phản động Nhân Văn-giai Phẩm ấy thật đủ mặt các “loại biệt tính”: từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn tơ-rốt-kít Trương Tửu, Trần đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ. Chính vì thế mà bọn đế quốc, nhất là Mỹ-Diệm, nhiệt liệt ủng hộ chúng… ngày ngày gióng giả cổ võ bọn phản động và phản bội mà chúng gọi là “những nhà trí thức văn nghệ dũng cảm”, “ Những chiến sĩ của tự do”. Những tiếng khen của quân thù làm cho chúng càng thêm “say mê” như Hoàng Cầm nói, trong khi cuộc bạo động phản cách mạng đã nổ ra ở Hungari càng như đổ dầu vào lửa. ( Ghi chú : hai vụ quần chúng nổi dậy chống chính quyền cộng sản thời kỳ đó là vụ ở Poznan, Hungari xẩy ra vào ngày 28-6-1956, và vụ ở Budapest, Tiệp Khắc xẩy ra vào ngày 23-10-1956).

Học mánh khoé của quân thù và vận dụng cả phương pháp hoạt động của cách mạng dưới chế độ địch, nhóm phá hoại Nhân Văn-Giai Phẩm đã rải quân vào các Hội văn học nghệ thuật nằm trong các ban chấp hành, chui vào các bộ phận chủ yếu. Chúng phân công nhau: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm ở Hội Nhà Văn; Sỹ Ngọc ở Hội Mỹ Thuật; Chu Ngọc, Hoàng tích Linh ở Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu; Tử Phác, Đặng Đình Hưng ở Hội Nhạc Sĩ… Còn Nguyễn hữu Đang, hắn vẫn tiếp tục làm vai trò của kẻ tổ chức phá hoại cùng bọn gián điệp Thụy An, bọn Tơ-rốt-kít Trương Tửu, “quân sư”Trần đức Thảo và những kẻ khác.Từ đấy, phương pháp “sáng tác” của chúng là phương pháp của bọn phá hoại giấu mặt mà Trần Dần gọi là dùng “biểu tượng hai mặt”. Cứ như vậy, Hội Nhà Văn và một số cơ quan nghệ thuật dần dần bị lũng đoạn, đi xa dần đường lối chính trị của Đảng. Báo Văn là một cái thước đo rất rõ tình trạng nguy hiểm ấy. Cơ quan lãnh đạo của Đảng – Tiểu Ban Văn Nghệ Trung ương- đã nhiều lần liên tiếp nhắc nhở, phê bình những người phụ trách, nhưng một số đồng chí ấy vẫn bỏ ngoài tai, dương dương tự đắc, cho mình “hiểu văn nghệ, có kinh nghiệm nhà văn hơn Đảng”. Báo Học Tập, cơ quan lý luận của TƯ Đảng lên tiếng phê bình, dặt lại vấn đề biểu hiện cuộc sống mới, con người mới. Không những không tiếp thu, một số người phụ trách báo Văn lại còn công nhiên cự tuyệt phê bình, tuôn lời đả kích báo Đảng, khinh miệt quần chúng. Được bọn Nhân Văn cổ võ, khen ngợi, báo Văn lại cho ra cả một loạt bài và tranh của bọn Nhân Văn ra mặt chống Đảng, đả kích dư luận phê bình, bôi đen chế độ: Hãy đi mãi của Trần Dần, Lời mẹ dặn của Phùng Quán, Một phương pháp xây dựng nghệ thuật của Trần Duy, ông Năm Chuột của Phan Khôi, Đống máy của Minh Hoàng, không kể những bài thâm độc khác. Số đông văn nghệ sĩ, cán bộ và quần chúng nói: Báo Văn đã rõ nét chữ Nhân đằng trước!

Đúng như vậy. Vì nhóm Nhân Văn-giai Phẩm đã lũng đoạn nặng nề về tư tưởng và tổ chức, những cơ quan xung yếu của Hội Nhà Văn: từ báo Văn đến nhà xuất bản, từ Ban Nghiên Cứu Sáng Tác, Ban liên lạc với nước ngoài đến Câu Lạc Bộ, Quỹ Sáng Tác. […] Cuộc kiểm tra công tác Hội Nhà Văn đã phơi bày tất cả sự thật nguy hiểm ấy. Cuộc kiểm tra tiến hành sang các cơ quan khác, cũng có những hiện tượng như vậy với những mức độ khác nhau. […]

Cho đến khi, dưới ánh sáng của nghị quyết Bộ Chính Trị, mở ra hai lớp học tập cho ngót 500 anh chị em văn nghệ sĩ, qua một cuộc đấu tranh kiên quyết thì mặt nạ của nhóm phá hoại Nhân Văn-giai Phẩm mới hoàn toàn bị rơi xuống đất. Cùng một lúc qua cuộc học tập đấu tranh trong các trường đại học, chủ yếu ở Khoa Văn, Khoa Sử, bọn tơ-rốt-kít Trương Tửu, Trần đức Thảo khoác áo giáo sư cũng mới phơi trần chân tướng.

Những ngày cuối cùng của cuộc đấu tranh quyết liệt, Trần Dần nói, như một tên “tướng” bại trận: “Nhân Văn đến đây mới thật chết”. Nhưng rồi như mọi người đều biết. Đến lớp học vừa qua, những phần tử ngoan cố nhất, trong bọn họ đã cố thủ từng bước, giở nhiều thủ đoạn phá hoại đến cùng, cho đến khi, trước nhiều chứng cớ không thể chối cãi, tất cả bọn họ phải bước đầu thú nhận tội lỗi.

( Tố Hữu : Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn-giai phẩm trong hội nghị ban chấp hành Hội Liên Hiệp VHNTVN họp lần thứ III ngày 4-6-1958  tại Hà Nội)

*****

Phụ họa với những lời kết án nặng nề như trên của Tố Hữu là một số rất đông văn nghệ sĩ đã ký vào một văn bản gọi là “ Các nhà văn, nhà giáo, nhà trí thức và văn nghệ sĩ công khai ký tên và bầy tỏ thái độ công phẫn trước khuynh hướng chính trị sai lầm của nhóm Nhân Văn”, có thể nhắc lại vài tên trong số 125 người đã ký : Bùi Đức Ái, Bảo Định Giang, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Mộng Sơn, Nguyễn đình Thi,  Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Vân Đài, Phan Huỳnh Điểu, Luu Quý Kỳ, Phạm Huy Thông…v.v..

Đến đây, tưởng cũng nên nhắc lại câu hỏi : Vậy Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đấu tranh cho cái gì? Đường lối chủ trương của họ ra sao? Theo lời buộc tội của Nguyễn đình Thi mà nhà phê bình Thuỵ Khuê có nhắc lại trong tạp chí Văn Học, số 27 ra vào tháng 4-1988 thì :

1/ Cho chủ nghĩa cộng sản là không nhân văn, là chà đạp con người. Coi những người Cộng sản là những người khổng lồ không tim (Trần Duy). Văn học xã hội chủ nghĩa là công thức, giả tạo, đẻ ra những thi sĩ máy (Như Mai). Đòi quyền tự do cá nhân, tự do sống đời sống tình cảm riêng tư của mỗi con người.

Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước ”

(Lê Đạt)

2/ Phản đối chuyên chính, đòi dân chủ, tự do trên mọi mặt chính tri, kinh tế, văn hóa. Đả kích mậu dịch, quản lý hộ khẩu, các bộ máy nhà nước. Đòi tự do đối lập.

3/ Chống sùng bái cá nhân. Cho sự lãnh đạo của Đảng là Đảng trị, là độc đoán, mâu thuẫn với quyền lợi căn bản của con người.

4/ Đề cao chủ nghĩa quốc gia, tư sản, đả kích Liên xô, cho sự giáo dục con người ở Liên Xô là rập khuôn. Văn học nghệ thuật Liên Xô là công thức.

5/ Chống chính sách cải cách ruộng đất. (Luật sư  Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn văn quan trọng “Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo” ngày 30-10-56, trước Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội. Ông phân tích những sai lầm của chế độ : đi từ sai lầm cải cách ruộng đất ở thôn quê sang sai lầm trong chế độ mậu dịch ở thị thành, đến chính sách kinh tế bóc lột tận xương tận tủy. Ông truy nguyên nguồn gốc các sự sai lầm và  trình bày những nguyên tắc mới để sửa sang lại guồng máy luật pháp chính trị, văn học, kinh tế toàn bộ bài diễn văn in trong tác phẩm Trăm Hoa Đua Nở)

6/ Về văn nghệ, chủ trương phát triển “Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng”. Chối bỏ sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao khẩu hiệu “trả lại văn nghệ cho văn nghệ sĩ ‘

Hậu quả của những bài viết đấu tranh cho những khát vọng tự do dân chủ của những người đã từng tham dự vào phong trào Nhân Văn Giai Phẩm thật thê thảm và kéo dài hàng mấy chục năm sau. Xin đan cử một vài trường hợp:

– Nhà nho Phan Khôi chết trong tuổi già nghèo túng và bị cô lập.

– Nữ sĩ Thụy An khi bị bắt vào Hoả Lò đã tự chọc mù một mắt và trong hồ sơ Nhân Văn không bao giờ thấy bản tự thú của bà, vì bà không thèm viết tự thú.

– Nguyễn Hữu Đang, linh hồn của tờ Nhân Văn không chịu đi chỉnh huấn theo lệnh gọi nên cũng bị bắt giam. Ông là người rất cương cường, trong tập Bản án có ghi một đoạn tố cáo về Nguyễn Hữu Đang như sau :

“ Đang còn nói với một người bạn :” Khi tao chết, tao chỉ còn ân hận là lúc đó không làm mạnh hơn nữa !”. Đang hậm hực vì đã không thực hiện được mưu đồ “ lật đổ” Đảng, “thay đổi chế độ”. (Như Phong, Bản án trang 124)

– Trần Dần bị đấu tố trước hội nghị phê bình của Hội Nhà Văn với 150 hội viên tham dự (tháng 2-1956) rồi bị bắt giam 3 tháng tại Hoả Lò Hà Nội. Ông đã dùng dao cứa cổ định tự tử trong tù nhưng không chết. Sau đó ông bị đi lao động cải tạo ở nông trường Chí Linh cùng với Lê Đạt, Đặng đình Hưng, Tử Phác ( tháng 8 năm 1958 đến tháng 2-1959). Qua năm 1960, ông lại phải đi lao động cải tạo ở khu gang thép Thái Nguyên cùng với Lê Đạt, đến gần cuối năm thì ốm nặng và được cho về sống âm thầm ở Hà Nội mãi đến năm 1988 mới được mời tham gia sinh hoạt văn học trở lại. Tháng 1-1997, ông mất tại Hà Nội và trong sổ tang phúng viếng, nhà văn Nguyễn Hữu Đang, đã ghi những lời như sau :

“ Hôm nay, gia đình và bạn hữu bắt đầu cuộc vĩnh biệt Trần Dần: nhập áo quan sau khi khâm liệm. Tôi khóc, không nói được câu đứt ruột.

Thương nhớ Trần Dần, con người nghĩa hiệp, vì nước vì dân, dù phải chịu một sự hiểu nhầm tai hại đưa đến hai phần ba cuộc đời cay đắng, tàn lụi. Nhưng thời gian sẽ trả lại cho anh sự công bằng, hậu thế sẽ nhắc đến anh với lòng mến phục. Lần đầu gặp anh trong cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc(1), đến nay dù hơn bốn mươi năm, biết bao là gian nan, trong những cố gắng chung để tìm cho văn nghệ Việt Nam một con đường phát triển thuận lợi nhất. Đúng hay sai, hôm nay tôi vẫn chưa dám khẳng định…Dù sao, thiện chí của chúng ta chỉ có kẻ ác ý mới cố tình phủ nhận.

Tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng, có lẽ tôi chỉ có thể nhắc lại cùng anh vế đối của Ngô Thì Nhậm nói cái lẽ tất yếu: Gặp thì thế, thế thì phải thế. Trong vũ trụ bao la vô cực, trái đất này chưa đáng là một hạt bụi. Sống trên trái đất, chúng ta đã sống hết mình không cầu danh, trục lợi, thế là đủ. Cả nước biết lúc nào anh cũng có tư tưởng nhất định thắng, dù cho ý chí ấy anh không đạt được thì cũng vẫn là phẩm giá cao đẹp của một con người ở thế gian. Nói với hương hồn anh về điều đó, tôi không thể không nghĩ đến câu hỏi thông thường mà người ta hay dặt ra cho một cuộc phấn đấu lớn: Cuối cùng thì đi đến đâu? Cuối cùng mình được cái gì? Để trả lời tất cả những người có đầu óc thiết thực đó tôi xin mượn câu danh ngôn của Lessing, nhà văn Đức nổi tiếng ở thế kỷ 19: “Giá trị một con người không ở cái chân lý mà người ấy có hay tưởng có, mà ở cái công sức mà người ấy đã bỏ ra để tìm kiếm nó.”

Anh đi nhé và sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài ở thế giới bên kia.

Nguyễn Hữu Đang

(trích sổ tang)

(1) Ghi chú: tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu bị nhóm Nhân Văn đem ra mổ xẻ, Trần Dần cũng có một bài tham luận khá dài phê bình huỵch toẹt tập thơ này, và đây cũng là một trong những lý do khiến Tố Hữu muốn triệt hạ nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

***

Trên bốn mươi năm trời đã trôi qua kể từ khi tờ Giai Phẩm Mùa Xuân ra số 1 bị tịch thu (tháng 1-1956) mở đầu cho phong trào đấu tranh đòi tự do cầm bút với những tạp chí tiếp theo: Giai Phẩm Mùa Thu, Nhân Văn, Đất Mới, Văn….mà sau này được gọi chung là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Tình hình đất nước đã trải qua nhiều biến đổi, đời sống kinh tế, xã hội cũng đã đổi thay rất nhiều so với hoàn cảnh ở thời kỳ đó. Tuy nhiên, khát vọng tự do của người cầm bút hầu như vẫn không thay đổi. Báo chí vẫn bị cơ quan Tuyên Huấn quản lý chặt chẽ, có những cuốn sách vừa in ra đã bị tịch thu. Tất nhiên, nhiều nhà văn trong nước vẫn có thể lớn tiếng mạnh miệng :“Tôi có hoàn toàn tự do sáng tác”, thí dụ như Nguyễn Mạnh Tuấn mấy năm nay viết cả chục nghìn trang cho những bộ phim kịch chiếu ròng rã trên truyền hình. Nhưng vấn đề đặt ra là họ đã suy nghĩ cái gì và viết nên được cái gì ??

NHẬT TIẾN

(Tháng 11-2002)

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…