Nhìn lại nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và bài học chống ” Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay

Sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô đầu những năm 90 của thế kỷ XX là một sự kiện nổi bật, làm thay đổi căn bản cục diện chính trị thế giới, là một tổn thất đặc biệt to lớn của những người cộng sản.

Sự kiện đó đã để lại nhiều bài học quý giá cho chúng ta, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở nước ta hiện nay.

Trong nửa sau của thế kỷ XX, trên thế giới đã hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, đủ sức kiềm chế mọi hành động đơn phương, hiếu chiến chống phá cách mạng của chủ nghĩa đế quốc. Nhờ đó mà hàng trăm dân tộc bị nô dịch, áp bức đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, làm suy sụp chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới.

Các nước XHCN mà đứng đầu là Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ghi dấu ấn trong lịch sử văn minh nhân loại. Nhưng thật trớ trêu, một số Đảng Cộng sản cầm quyền, trước hết và chủ yếu là Đảng Cộng sản Liên Xô, lại để mất quyền lãnh đạo, làm cho hệ thống XHCN hùng mạnh được họ dẫn dắt sụp đổ, tan rã. Cần lưu ý rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô tan rã mà không phải do một cuộc chiến tranh với chủ nghĩa đế quốc.

Năm 2005, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin cho rằng: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ XX. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”.

 

Một đảng do Lênin sáng lập. Một Đảng từng lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của Sa hoàng Nga, xây dựng thành công Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên. Một đảng từng lãnh đạo nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước, bảo vệ thắng lợi thành quả cách mạng.

Một đảng đã lãnh đạo chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong chiến tranh thế giới thứ hai. Một đảng giành được nhiều thành tựu rực rỡ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội… Vì sao lại mất địa vị cầm quyền sau 74 năm? Đó là câu hỏi mà cho đến hôm nay vẫn còn mang ý nghĩa thời sự đối với những người cộng sản trên thế giới.

nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở liên xô là do…

Đã có rất nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về nguyên nhân Liên Xô tan rã. Nhưng tựu chung lại, các công trình nghiên cứu đều thống nhất cho rằng: sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô là sự kiện chính trị phức tạp do nhiều nguyên nhân tổng hợp gây nên. Bao gồm nhân tố trong và ngoài nước (bao gồm cả “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch), trong và ngoài Đảng, nhân tố lịch sử và hiện thực, nhân tố kinh tế, nhân tố chính trị, nhân tố văn hóa, tư tưởng và cả nhân tố xã hội…

Thế nhưng, là rường cột của đất nước và nhân dân Liên Xô, là cốt thép của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, sự thoái hóa và biến chất trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô chính là một nhân tố chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của “toà thành trì” kiên cố, vĩ đại này.

Liên Xô tan rã cơ bản là do những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Các phần tử cơ hội, thực dụng về kinh tế và chính trị nắm giữ những trọng trách trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã phản bội lý tưởng XHCN và lợi ích dân tộc, phản bội tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo và làm tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô, làm cho lực lượng vũ trang bị “phi chính trị hóa”.

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô (từ 28-6 đến 1-7-1988), Gorbachev đã báo cáo về “Tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiệm vụ đi sâu cải tổ”, trong đó đưa ra phương án cải tổ với mục tiêu xây dựng “CNXH dân chủ nhân đạo”.

Điều này về thực chất là phủ nhận triệt để chủ nghĩa Mác – Lênin, áp dụng thể chế chính trị TBCN, thực hiện đa đảng qua cái gọi là “phân chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng với Xô viết”, giải tán 23 ban trực thuộc Trung ương Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô với tư cách Đảng cầm quyền. Hội nghị này là bước ngoặt cơ bản thay đổi thể chế chính trị của Liên Xô.

Trong báo cáo tại Đại hội XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô (7-1990), Gorbachev công khai bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua chính thức xóa bỏ nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của Đảng. Ngày 24-8-1991, Gorbachev tự ý tuyên bố giải tán Ban Chấp hành Trung ương Đảng và từ chức Tổng bí thư.

Ngày 29-8-1991, với tư cách là Tổng thống Liên Xô, Gorbachev ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và từ 1-9-1991 chấm dứt các hoạt động của Đảng trong quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa”. Ngày 25-12-1991, Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống và bàn giao nút bấm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho B.Elsin, đánh dấu sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô.

Sự thoái hóa của Đảng Cộng sản Liên Xô là do các đảng viên, trước hết và chủ yếu là các đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp cao, chưa đủ độ chín muồi về mặt chính trị, chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng cộng sản.

Những suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt với những biểu hiện nổi bật: Sống ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, gia đình và người thân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân; cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh đưa những người thân tín với mình, kể cả những người yếu về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, che chắn bảo vệ mình; tham ô, sống xa hoa, nói một đằng làm một nẻo, cá biệt còn tha hóa, suy đồi về đạo đức, lối sống…

Việc nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô có ý nghĩa rất to lớn đối với các Đảng Cộng sản trên thế giới, nhất là đối với Đảng Cộng sản cầm quyền như Đảng ta.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt tiến hành đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Qua đó chúng ta càng thấy rõ hơn sự nguy hiểm của tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên và vai trò, ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở nước ta hiện nay. Đảng ta xác định, việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái này là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII quyết định ban hành Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, trong đó đã vạch rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ); nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng…

Nghị quyết chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Đại tá, PGS, TS Đinh Ngọc Hoa, PGĐ Học viện Chính trị CAND

3/5 – (21 bình chọn)