Nhìn lại các cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam – Cơ sở tư tưởng cho đổi mới giáo dục hiện nay

BA CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM

CƠ SỞ CHO TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY

                                                                                        Thạc sỹ: Hoàng Kim Hữu

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

          Giáo dục luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, đều phải nổ lực tìm ra những chính sách phù hợp và hiệu quả nhằm xây dựng nền giáo dục của mình để đáp ứng yêu cầu của thời đại cũng như bắt kịp với sự tiến bộ của các quốc gia khác trên thế giới.

Cải cách giáo dục (CCGD) là một trào lưu tất yếu đang diễn ra ở nhiều nước và trên nhiều lĩnh vực khác nhau của giáo dục. Có nhiều cuộc cải cách đã thành công nhưng cũng có không ít cuộc cải cách đã thất bại với những bài học lớn để lại cho lịch sử giáo dục.

Đối với giáo dục Việt Nam, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1950 chúng ta mới tiến hành cuộc CCGD lần thứ nhất, nhằm xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân. Cuộc CCGD lần thứ hai (1956) phục vụ cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1979, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV quyết định tiến hành cuộc CCGD lần thứ ba, để xây dựng nền giáo dục chuyển từ dân chủ nhân dân sang xã hội chủ nghĩa khi cả nước thống nhất. Đến năm 1986, nền kinh tế chuyển từ “bao cấp” sang “kinh tế thị trường” nên chương trình giáo dục trở nên bất cập. Chúng ta đã có những lần sửa đổi, thay đổi từng mảng như sách giáo khoa, cấu trúc chương trình nhưng đó là sự thay đổi chắp vá thiếu tính hệ thống và kéo dài cho đến ngày nay.

Quá trình hội nhập và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, những thách thức từ việc gia nhập WTO và các hiệp định kinh tế tầm khu vực và thế giới đã thực sự tác động trực tiếp đến giáo dục, tạo sức ép cần thiết để chúng ta thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam để các sản phẩm của nó – phẩm chất con người Việt đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình hội nhập. Để thực hiện được những nhiệm vụ khó khăn đó, toàn hệ thống giáo dục đang đứng trước một cuộc cải cách triệt để và sâu rộng với những đổi mới từ trong tư duy, trong việc nhận thức lại những vấn đề cơ bản của giáo dục đến cải cách hệ thống và quản lý giáo dục.

Phân tích những cuộc CCGD đã qua, để mỗi cá nhân, tập thể đặc biệt là các cơ sở giáo dục rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nhằm góp phần vào công cuộc CCGD mới.

B. CÁC CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC

I. CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC LẦN THỨ NHẤT – NĂM 1950

1. Bối cảnh chính trị – xã hội, lý do cải cách

Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 đã đặt nền tảng cho việc ra đời nền giáo dục mới – nền giáo dục cách mạng. Chính quyền cách mạng non trẻ tuy phải thực hiện trăm công ngàn việc nhưng rất quan tâm đến việc phải tiến hành một chương trình cải cách triệt để thay thế giáo dục nô dịch thực dân.

Vào thời điểm này nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phá được thế bao vây của kẻ địch, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng biên giới 1950 đã mở ra cục diện mới về chính trị, quân sự. Những tiến bộ về kinh tế tài chính tăng thêm sức mạnh của chính quyền dân chủ nhân dân. Toàn dân tộc bước vào một thời kỳ mới của cuộc kháng chiến chống xâm lược. Trong hoàn cảnh đó ngành giáo dục phải được cải cách, phát triển cho phù hợp với bước tiến của dân tộc.

2. Quan điểm, chủ trương và việc thực hiện

2.1. Quan điểm của cuộc cải cách giáo dục

Đề án của cuộc CCGD năm 1950 đã chỉ rõ: giáo dục là công cụ của một giai cấp nhất định, không có giáo dục trung lập, giáo dục đứng ngoài chính trị. Nhân dân Việt Nam sau khi đã dành được quyền làm chủ về chính trị nhất thiết phải xây dựng được một nền giáo dục dân chủ nhân dân phù hợp với lợi ích cơ bản của mình. Mục đích của cuộc CCGD lần này là phải hủy bỏ triệt để nền giáo dục nô lệ cùng với những tàn dư của nó về nội dung, phương pháp, và phải xây dựng cơ sở tư tưởng mới về nền giáo dục dân chủ nhân dân theo những thiết chế giáo dục và hệ thống tổ chức giáo dục tương ứng.

2.2. Tính chất, nguyên tắc, mục tiêu giáo dục, nội dung đào tạo và phương châm đào tạo của nền giáo dục mới

– Tính chất: nền giáo dục của dân, do dân, vì dân.

– Nguyên tắc của nền giáo dục: dân tộc, khoa học, đại chúng phục vụ lợi ích của nhân dân Việt Nam, đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày.

– Mục tiêu đào tạo: giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những “công dân lao động tương lai” trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, có đủ phẩm chất và năng lực phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân.

– Nội dung giáo dục: nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần yêu chuộng lao động, tôn trọng của công, tinh thần tập thể, phương pháp suy luận và thói quen làm việc khoa học.

– Phương châm giáo dục: Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

2.3. Hệ thống tổ chức giáo dục

– Cơ cấu trường phổ thông 9 năm bao gồm 3 cấp:

+ Cấp I: 4 năm (lớp 1-4 Thay thế cho bậc tiểu học cũ 6 năm, không kể một năm lớp ấu trĩ hay vỡ lòng)

+ Cấp II: 3 năm (lớp 5-7 Thay thế cho bậc trung học đệ nhất cũ 4 năm)

+ Cấp III: 2 năm (lớp 8-9 Thay thế cho bậc trung học chuyên khoa 3 năm) Các kỳ thi cuối cấp bị xóa bỏ. Cuối năm lớp 9, học sinh mới phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp.

– Hệ thống bình dân học vụ phục vụ người lớn:

+ Sơ cấp học bình dân: học 4 tháng thanh toán được nạn mù chữ.

+ Dự bị bình dân: học 4 tháng, đạt trình độ lớp 3 phổ thông.

+ Bổ túc bình dân: học 8 tháng, đạt trình độ lớp 5 phổ thông.

+ Trung cấp bình dân (hoặc trung học bình dân): học 18 tháng, đạt trình độ lớp 8 phổ thông hoặc cao hơn một chút.

– Giáo dục chuyên nghiệp:

+ Sơ cấp chuyên nghiệp học nghề từ 1 đến 2 năm (lấy HS đã tốt nghiệp tiểu học hoặc bổ túc bình dân)

+ Trung cấp chuyên nghiệp từ 2 đến 4 năm có bằng trung cấp kỹ thuật (lấy HS đã tốt nghiệp lớp 7 hoặc trung cấp bình dân).

– Hệ thống giáo dục đại học: Đại học Y khoa, Sư phạm cao cấp, Cao đẳng công chính (lấy học sinh tốt nghiệp cấp 3, lớp 9 hoặc lớp 9+2 năm dự bị đại học vào học).

2.4. Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục của nhà trường

Đề án cải cách giáo dục nhấn mạnh nguyên tắc lãnh đạo tập thể và tập trung dân chủ. Bên cạnh hội đồng chuyên môn và hội đồng kỷ luật đã có từ trước, thành lập thêm hội đồng quản trị, thành phần gồm đại biểu giáo viên, đại biểu phụ huynh và đại biểu Hiệu đoàn học sinh. Các hội đồng trên đều do hiệu trưởng làm chủ tịch và mọi thành viên có quyền biểu quyết, thảo luận ngang nhau. Việc thành lập các hội đồng là một biện pháp tổ chức nhằm thực hiện dân chủ hóa các hoạt động quản lý tư tưởng, chính trị và chuyên môn của nhà trường.

2.5.  Xây dựng chương trình và biên soạn SGK

– Xây dựng chương trình:

+ Tạm gác một số môn chưa thật sự cần thiết hoặc chưa có điều kiện giảng dạy như: nhạc, vẽ, ngoại ngữ, nữ công gia chánh. Bỏ một số môn như lịch sử cổ đại, văn học cổ, địa lý thế giới để có thời giờ học thêm về văn hóa cách mạng và kháng chiến, lịch sử cách mạng Việt Nam, địa lí Việt Nam.

+ Đưa thêm một số môn học và một số hoạt động mới như thời sự chính sách, giáo dục công dân, tăng gia sản xuất ở tất cả các lớp (mỗi tuần 3 giờ). Tinh giản các môn khoa học tự nhiên bằng cách chọn lọc những kiến thức cơ bản thuộc các phần quan trọng của các môn học, chú trọng phần vận dụng để tăng cường phương châm “học đi đôi với hành” VD: giới thiệu cho học sinh biết về những phát minh sáng chế trong các lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, hóa chất của các công binh xưởng, những sáng kiến về trồng trọt, chăn nuôi của các địa phương trong phong trào tăng gia sản xuất.

– Biên soạn SGK: Năm 1952 đã biên soạn xong toàn bộ SGK cấp I theo chương trình mới, còn cấp II và III mới chỉ biên soạn được một số tài liệu giảng dạy môn lịch sử, chính trị, giáo dục công dân. Các môn khác vẫn tạm sử dụng những bài mẫu in trong tờ “Giáo dục tập san”.

2.6. Công tác bồi dưỡng cán bộ giáo viên (được tiến hành theo 3 bước)

– Năm 1950 với cuộc vận động “rèn cán chỉnh cơ” để xác định rõ vai trò của người giáo viên dưới chế độ dân chủ mới, phê phán quan điểm giáo dục trung lập, chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần, xây dựng mối quan hệ tốt giữa nhà trường với địa phương, giữa thầy và trò.

– Năm 1951 triển khai học tập cho toàn bộ giáo viên từ cấp 1 trở lên để xác định tính chất của nhà trường dân chủ mới là đề cao tư tưởng dạy học phục vụ nhân dân.

– Năm 1953 chỉnh huấn toàn ngành để chuẩn bị cho cải cách ruộng đất. Đây là công tác quan trọng bậc nhất, nhằm chuẩn bị cho cán bộ tham gia phong trào phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, tiếp tục củng cố lập trường giai cấp, phục vụ công nông. Ngoài ra còn mở một loạt các trường sư phạm ở TW và các liên khu để đào tạo GV. Tháng 11/1951, Bộ đã cử một loạt cán bộ, sinh viên sang học tập tại khu học xá Nam Ninh của Trung Quốc, đã có hơn 2000 cán bộ giáo viên được đào tạo trở về nước công tác, làm cán bộ cốt cán của ngành GD sau này.

3. Những thành tựu đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước non trẻ và vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp:

3.1. Xây dựng được ngành mẫu giáo và vỡ lòng trong thời kỳ kháng chiến

Sau cách mạng Tháng tám, Bộ Giáo dục đã thành lập Phòng giáo dục ấu trĩ chuyên trách xây dựng ngành học mẫu giáo và đã có chủ trương mở một số lớp mẫu giáo có tính chất thí điểm tại ngoại thành Hà Nội. Song, phương pháp giáo dục được áp dụng ở những lớp này còn chịu nhiều ảnh hưởng của nền giáo dục cũ.

Tháng 7-1950 Bộ Giáo dục đã ký Quyết định thành lập Ban mẫu giáo Trung ương thay cho Phòng giáo dục ấu trĩ. Bắt đầu từ năm 1952 triển khai hệ thống giáo dục mới theo tinh thần của cải cách giáo dục – các lớp học trước khi vào lớp 1 đều gọi là vỡ lòng. Cũng kể từ đó công tác giáo dục thông qua hình thức lớp vỡ lòng đã có những bước tiến quan trọng. Năm 1954 số trẻ vào lớp vỡ lòng lên đến 357.800 em tăng gấp 20 lần so với năm 1952. Số giáo viên dạy vỡ lòng cũng tăng lên 13 lần. Tuy vậy mạng lưới trường, lớp vỡ lòng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Nhiều nơi trẻ đến tuổi vào lớp 1 vẫn chưa học qua vỡ lòng; giáo viên vỡ lòng được tuyển qua nhiều nguồn khác nhau, phần lớn chưa qua lớp huấn luyện sư phạm nên chất lượng giáo dục ở các lớp vỡ lòng còn chưa đồng đều.

3.2. Phát triển giáo dục phổ thông

Giáo dục phổ thông được phát triển mạnh ở vùng tự do. Mạng lưới nhà trường được mở rộng về tận các xã, mỗi xã ở đồng bằng đều có một trường cấp I hoàn chỉnh, mỗi xã miền núi trung du và đông dân miền núi có những lớp đầu cấp.

Các huyện đồng bằng xây dựng được trường cấp II. Một số thị xã miền núi cũng có trường cấp II. Cao Bằng, Bắc Cạn, Quảng Yên là những tỉnh miền núi đầu tiên ở phía Bắc đã mở được trường phổ thông cấp II tại thị xã từ năm 1952 và đến năm 1954 có trường cấp II hoàn chỉnh.

Một số thành tựu nổi bật của giáo dục phổ thông trong thời kỳ này là tiếp quản thắng lợi hệ thống giáo dục vùng mới giải phóng vào các năm 1954, 1955. Và cũng trong thời gian này tại các vùng mới giải phóng vùng tạm chiếm Chính phủ khuyến khích mở các trường dân lập do dân tự lo kinh phí đào tạo nhằm giảm bớt gắng nặng cho ngân sách nhà nước. Cơ quan quản lý giáo dục ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định thực hiện việc cải tạo các trường tư thục đưa các trường này vận hành theo đường lối giáo dục mới.

Hệ thống các trường phổ thông nội trú dành cho con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và một số học sinh vượt tuyến ra Bắc được thành lập và gọi là Trường học sinh miền Nam. Các thế hệ học sinh tại các trường miền Nam thời kỳ này về sau đã trở thành nguồn cán bộ cốt cán góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước khi thống nhất.

3.3. Giáo dục trung học chuyên nghiệp

Năm 1952 Hội đồng Chính phủ thông qua “Chính sách giáo dục chuyên nghiệp” trong đó có việc quy định các trường THCN phải cụ thể hóa đường lối cải cách giáo dục trong ngành chuyên nghiệp với mục đích là đào tạo những con người chuyên nghiệp nắm vững kỹ thuật giàu tinh thần trách nhiệm, những cán bộ thực tiễn mới, phục vụ kháng chiến và sản xuất, phục vụ nhân dân, trước hết là công nông binh. Trong giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nhất vào việc đào tạo cán bộ trung cấp.

3.4. Một số thành quả bước đầu của giáo dục đại học

Cuộc CCGD năm 1950 đã tạo điều kiện cho giáo dục đại học có những điều chỉnh quan trọng để đẩy nhanh nhịp độ phát triển, vượt qua những thiếu thốn gian khổ, giáo dục đại học hình thành ba trung tâm đại học:

– Trung tâm ở Việt Bắc với Trường Đại học Y và Ban Quân dược.

– Trung tâm ở khu 4 cũ với các trường Dự bị đại học và sư phạm cao cấp.

– Trung tâm ở khu học xá Trung ương với các Trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp.

Thời gian đầu hình thành các trường đại học đã tập trung những trí thức cách mạng như: Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, …. Sử dụng những người Việt đã làm trợ giáo, trợ lý, hướng dẫn viên trong các trường đại học thời Pháp làm lực lượng nòng cốt tham gia giảng dạy nghiên cứu khoa học để tạo nguồn cán bộ giảng viên. Cùng với đó Đảng và Nhà nước ta đã gửi lưu học sinh đi học tại Liên Xô, Đông Âu. Tháng 7/1951 đoàn lưu học sinh đầu tiên gồm 21 người đã gửi sang Liên Xô học tập trong số đó sau này trở thành những nhà khoa học có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng đất nước, một số là đầu đàn của các ngành khoa học như giáo sư Lê Duy Thước, nhà kiến trúc Ngô Huy Quỳnh, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ. Năm 1953 – 1954 tiếp tục gửi nhiều đoàn học sinh sang các nước XHCN cũ như Liên Xô, TQ, CHDC Đức, Bungari… để chuẩn bị đào tạo cán bộ cho công cuộc xây dựng đất nước lâu dài. Tháng 7/1954 đã có 600 SV học đại học tốt nghiệp ra trường phục vụ kháng chiến và kiến quốc.

Tiếng Việt được sử dụng để dạy tất cả các môn ở trường đại học: Việc đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức trong nền giáo dục đã đánh dấu một bước trưởng thành của nền giáo dục đại học nước ta trên con đường xây dựng nền GDĐH dân tộc và dân chủ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp quản thu đô Hà Nội, tháng 11/1954 các trường đại học đã khai giảng trở lại như:

Đại học Y dược khoa

Đại học sư phạm Văn khoa và Đại học Văn khoa (hợp nhất) có tên là Đại học Sư phạm khoa học.

Nhà nước thành lập Vụ Đại học và Chuyên nghiệp trong Bộ Giáo dục, vụ này có trách nhiệm phối hợp với các ngành chuyên môn chăm lo việc xây dựng và quản lý các trường đại học và chuyên nghiệp. Cũng trong giai đoạn này nhà nước đã tổ chức phong giáo sư cho một số cán bộ giảng dạy đại học. Đây chính là đợt phong giáo sư đầu tiên của Nhà nước. Những người được phong giáo sư là: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên, Đặng Văn Ngữ, Đăng Văn Chung, Trương Công Quyền … (Ngành Y); Đặng Thai Mai, Phan Huy Thông, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, … (Khoa học Xã hội); Lê Văn Thiêm, Nguỵ Như Kon Tum, Vũ Như Canh, Nguyễn Hoán, Nguyễn Thúc Hào, … (Toán – Lý – Hóa) …

Có thể nói trong những năm đầu giải phóng, đặc biệt là giai đoạn (1950 – 1955) giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn trên nhiều mặt, đặt nền tảng cho sự phát triển giáo dục và đất nước sau này.

II. CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC LẦN THỨ HAI – NĂM 1956

1. Hoàn cảnh lịch sử, lý do cải cách

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đã bước qua những năm đầu của công cuộc khôi phục kinh tế bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành đấu tranh thống nhất đất nước.

Tại thời diểm này, chúng ta đã khẩn trương tiếp quản hệ thống giáo dục cũ trong vùng tạm chiếm do thực dân Pháp để lại. Lúc đó miền Bắc có hai hệ thống giáo dục phổ thông song song tồn tại: hệ thống giáo dục 9 năm và hệ thống giáo dục 12 năm. Việc gấp rút thống nhất hai hệ thống giáo dục là một đòi hỏi khách quan cấp thiết. Hội nghị lần thứ 7 của BCH Trung ương Đảng khóa II (3/1955) đã nêu rõ nhiệm vụ phải nhanh chóng “chấn chỉnh và cũng cố giáo dục phổ thông, thống nhất hai hệ thống giáo dục của vùng tự do cũ và các vùng mới giải phóng”.

Tháng 3/1956 Chính phủ thông qua đề án CCGD lần thứ hai và giao cho Bộ Giáo dục tổ chức thực hiện. Tháng 8/1956, chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được chính thức ban hành.

2. Mục tiêu và những nội dung của cuộc cải cách giáo dục năm 1956

2.1. Mục tiêu cải cách

Mục tiêu của cuộc CCGD lần này được xác định rõ: “đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên và thiếu nhi trở thành những người phát triển về mọi mặt, những công dân tốt, trung thành với Tổ quốc, những người lao động tốt, cán bộ tốt của nước nhà, có tài có đức để phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng CNXH ở nước ta …”

2.2. Phương châm giáo dục

 Lý luận liên hệ với thực tiễn, gắn chặt nhà trường với đời sống xã hội.

2.3. Nội dung giáo dục

Nội dung giáo dục có tính toàn diện bốn mặt gồm đức, trí, thể, mỹ.

– Về trí dục: Coi trí dục là cơ sở, yêu cầu giảng dạy tri thức có hệ thống, dựa trên cơ sở đó mà giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng, phát triển năng lực nhận thức, năng lực sáng tạo (óc xem xét, suy nghĩ, trí nhớ, trí tưởng tượng …) của học sinh, làm cho họ có thể tự mình thu nhận những kiến thức mới và áp dụng kiến thức vào hoạt động thực tế.

– Về đức dục: Phải giáo dục cho học sinh năm điều (5 điều yêu) Bác Hồ dạy là: yêu Tổ Quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa khọc, yêu trọng của công và kết hợp vào đó là trau dồi kỷ luật tự giác, tinh thần tập thể, ý chí và tính cách con người mới: kiên nhẫn, dũng cảm, kiên quyết khắc phục khó khăn, thành thật, khiêm tốn,…

– Về thể dục: Phải dạy cho học sinh giữ vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ, rèn luyện thân thể, phát triển thể lực để chuẩn bị tham gia các công tác lao động sản xuất và bảo vệ Tổ Quốc, củng cố hoà bình.

– Về mỹ dục: Phải làm cho học sinh biết cái đẹp trong thiên nhiên và xã hội, phát triển mỹ cảm, năng lực sáng tạo nghệ thuật, làm cho học sinh hiểu được, đánh giá được và thể hiện được cái đẹp trong đời sống, do đó tăng thêm lòng yêu thiên nhiên, yêu non sông Tổ quốc, yêu đời sống, luôn luôn có tinh thần lạc quan cách mạng.

Trường phổ thông phải phát triển và giáo dục toàn diện: đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục liên quan mật thiết với nhau, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Bốn mặt này cần phải phát triển cân đối, không thể coi nặng mặt này, coi nhẹ mặt kia: phải tuỳ từng đối tượng học sinh, tuỳ những trường hợp cụ thể mà uốn nắn, giáo dục cho đạt được toàn diện. Trong khi nhận định trí dục là cơ sở của giáo dục toàn diện, thì không thể vì thế mà cho trí dục là tất cả mà coi nhẹ đức dục, thể dục, mỹ dục.

2.4. Hệ thống giáo dục

Hai hệ thống giáo dục cũ được sáp nhập thành một hệ thống giáo dục mới 10 năm, gồm ba cấp:

+ Cấp I: 4 năm, từ lớp 1 đến lớp 4

+ Cấp II: 3 năm, từ lớp 5 đến lớp 7

+ Cấp III: 3 năm, từ lớp 8 đến lớp 10

Cuối cấp I, học sinh sẽ thi hết cấp và cuối cấp II, cấp III sẽ thi tốt nghiệp. Trẻ em phải học qua lớp vỡ lòng để biết đọc, biết viết, đếm từ 1 đến 10 mới được vào lớp 1.

Năm học bao gồm 9 tháng học trong nhà trường và 3 tháng nghỉ hè. Số tuần thực học từ 33 đến 35 tuần. Số tiết ở cấp II và cấp III là 29 – 30 tiết/ tuần.

Việc biên soạn sách giáo khoa các cấp được tiến hành khẩn trương. Chưa đầy một năm, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hành tới 116 loại sách. Riêng sách giáo khoa đã in tới 1.746.614 bản, và được thường xuyên chỉnh lý và bổ sung kiến thức mới những năm tiếp sau đó.

Cuộc CCGD lần thứ hai là một bước đi cơ bản ban đầu quan trọng trong quá trình xây dựng nền giáo dục XHCN. Hệ thống giáo dục đã được cải tạo nhất là giáo dục phổ thông theo mô hình của các nước XHCN, mà chủ yếu là của Liên Xô trước đây.

2.5. Giáo dục Đại học

Đầu năm 1956 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Bộ Giáo dục đã nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục đại học và chuyên nghiệp để trình Chính phủ. Trên cơ sở các trường đại học hiện có sắp xếp lại để xây dựng các trường đại học theo mô hình mới và xây dựng thêm một số trường đại học.

Kết quả là, đến tháng 10/1956 có 5 trường đại học được xây dựng theo mô hình mới của các nước XHCN ra đời:

– Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (được xây dựng trên cơ sở của hai trường ĐHSP Văn khoa và ĐHSP Khoa học).

– Xây dựng trường ĐHSP Hà Nội trên cơ sở của hai trường trên.

– Trường Đại học Nông – Lâm.

– Trường Đại học Y dược (củng cố và cải tiến lại).

Từ kinh nghiệm bước đầu đó, đến năm 1959 – 1960 đã có 9 trường đại học với 46 ngành học (thêm trường Đại học Giao thông vận tải; Cao đẳng Mỹ thuật; Kinh tế tài chính Trung ương; Đại học sư phạm Vinh; Học viện Thủy lợi).

Đến năm 1961 do yêu cầu tăng cường cán bộ khoa học kĩ thuật có trình độ cao đẳng, đại học, giáo dục đại học phải mở rộng quy mô đào tạo, mở thêm trường lớp, tăng số lượng tuyển sinh hàng năm, phát triển các ngành học, mở rộng các hình thức đào tạo tại chức, chuyên tu. Cho đến năm học 1964 – 1965 số trường đại học tăng lên 17 trường, số ngành học đã tăng lên 97 ngành. Ngoài ra các ngành đã xúc tiến nhanh việc cử cán bộ đi đào tạo và bồi dưỡng nghiên cứu sinh, thực tập sinh tại các nước XHCN, nhất là Liên Xô. Đến năm 1965 đã cứ trên 500 cán bộ giảng dạy ra nước ngoài học tập (trong đó gần 50% là nghiên cứu sinh).

3. Giáo dục bổ túc văn hóa

Từ năm 1956, Bộ Giáo dục đã thực hiện một kế hoạch 3 năm thanh toán nạn mù chữ (1956 – 1958), thành lập Ban lãnh đạo Trung ương thanh toán nạn mù chữ, phát động cuộc Đại vận động thi đua diệt dốt (lấy tên là Chiến dịch Điện Biên Phủ diệt dốt). Kết quả, đến cuối năm 1958, vùng đồng bằng và trung du miền Bắc đã căn bản xóa xong nạn mù chữ, 93,4% số người trong độ tuổi 12- 20 tuổi đã biết đọc, biết viết. Đó là một thắng lợi rất lớn của công tác bình dân học vụ trong giai đoạn này.

4. Đào tạo giáo viên

Sau khi miền Bắc giải phóng, một bộ phận giáo viên làm việc ở các thành phố và thị xã đã di cư vào Nam. Số trường Sư phạm của thực dân Pháp để lại rất ít, với quy mô nhỏ. Các trường sư phạm được thành lập ở vùng kháng chiến nay trở về thành phố, thị xã cần được xây dựng lại, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên.

Trước tình trạng thiết hụt giáo viên, các biện pháp phát triển giáo dục Sư phạm trong giai đoạn này được tập trung vào một số vấn đề sau:

– Các lớp sư phạm cấp tốc được mở nhằm trang bị kiến thức cơ bản, thiết thực, trang bị những kỹ năng sư phạm tối thiểu và cần thiết để giáo viên có thể triển khai được hoạt động dạy học mà họ đảm nhiệm.

– Thành lập trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

– Khôi phục lại hoạt động và mở rộng quy mô đào tạo của các trường Sư phạm trung cấp Trung ương, Sư phạm sơ cấp Trung ương và các trường sư phạm vẫn có ở các Liên khu và các tỉnh.

– Cuộc CCGD lần thứ hai đã triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng thường xuyên về những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng và nền giáo dục XHCN, tổ chức các lớp tập huấn, các đợt học tập chính trị về giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, về học đi đôi với hành, về trách nhiệm của người giáo viên trong chế độ mới.

Đến năm 1960 số giáo viên lên đến hơn 40 nghìn người, tăng gấp 3 lần so với năm 1954. Đặc biệt là giáo viên cấp 3 tăng nhanh, đội ngũ giáo viên mẫu giáo bắt đầu được hình thành. Đến năm 1965, tổng số giáo viên phổ thông đã lên đến 8 vạn. Đây là một thành tích lớn trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, do phải tiến hành đào tạo giáo viên gấp rút nên đội ngũ giáo viên cũng bộc lộ nhiều bất cập về trình độ. Số giáo viên được đào tạo cấp tốc chiếm 30% (năm 1965), số giáo viên có trình độ đầu vào thấp tại các trường sư phạm chiếm hơn 85%. Do đó vấn đề bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ nghề nghiệp cho giáo viên trở nên cấp thiết. Vào năm 1968 cơ quan bồi dưỡng giáo viên trực thuộc Bộ Giáo dục được thành lập.

* Cuộc CCGD 1956 thống nhất hai hệ thống giáo dục vùng tự do cũ và vùng mới giải phóng sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, xác lập “tính chất xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm nền tảng tư tưởng” với mục tiêu “làm tốt việc chăm sóc thế hệ từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành nhằm tạo ra cơ sở ban đầu rất quan trọng của con người Việt Nam mới, người lao động làm chủ tập thể và phát triển toàn diện kế tục sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, hết lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

III. CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC LẦN THỨ BA – NĂM 1979

1. Bối cảnh lịch sử và lý do cải cách

Tháng 12/1976 Đại hội Đảng toàn lần thứ IV đã vạch ra con đường đi lên CNXH trong phạm vi cả nước và xác định “giáo dục là nền tảng văn hóa của một nước, là sức mạnh tương lai của một dân tộc, nó đặt những cơ sở ban đầu rất quan trong cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam XHCN”.

Trước ngày miền Nam giải phóng, nước ta có hai hệ thống giáo dục khác nhau. Ở miền Bắc, giáo dục được tổ chức chủ yếu theo mô hình Liên Xô cũ (hệ thống giáo dục 10 năm). Ở miền Nam, giáo dục được tổ chức theo mô hình phương Tây (chủ yếu theo mô hình của Pháp và một phần được cải tiến theo mô hình của Mỹ). Đứng trước những bất cập, khó khăn đó Đảng và Chính phủ đã khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục nhằm tiến tới một nền giáo dục quốc dân thống nhất phù hợp với chiến lược tái thiết và phát triển đất nước. Ngày 11-1-1976, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục lần thứ 3.

2. Những định hướng có tính nguyên tắc cho cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba này là:

– Về mục tiêu giáo dục: Chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành nhằm tạo cơ sở ban đầu cho con người phát triển toàn diện; thực hiện phổ cập giáo dục toàn dân nhằm tạo điều kiện thực hiện 3 cuộc cách mạng (về quan hệ sản xuất, về khoa học – kỹ thuật và về văn hoá – tư tưởng); đào tạo và bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn đội ngũ lao động phù hợp yêu cầu phân công lao động xã hội.

– Về nội dung giáo dục, hướng vào việc “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ), tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân …”

– Về nguyên lý giáo dục, yêu cầu học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội.

– Về hệ thống giáo dục, thay thế hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ở miền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới, trong đó, trường cấp I và trường cấp II được sáp nhập thành trường phổ thông cơ sở (chín năm), đồng thời chuẩn bị phân ban ở trung học phổ thông. Nhiều trường đại học chuyên ngành được xây dựng và phát triển. Đồng thời với việc ra nghị quyết xác định phương hướng cải cách giáo dục, Bộ Chính trị cũng đã quyết định thành lập Uỷ ban Cải cách giáo dục của Trung ương và Chính phủ. Tổ chức này có ba nhiệm vụ:

– Chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng các đề án về chủ trương, kế hoạch và biện pháp thực hiện;

– Kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương;

– Chuẩn bị dự luật cải cách để trình Quốc hội.

Cuộc cải cách giáo dục lần này được triển khai bắt đầu từ năm học 1981-1982. Việc thay sách giáo khoa ở các cấp học phổ thông, một nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba, đã hoàn thành vào năm 1986, tạo ra sự thống nhất về giáo dục phổ thông trong cả nước. Riêng về nội dung giáo dục, so với các chương trình giảng dạy và học tập trước đó, chương trình cải cách mang nhiều yếu tố hiện đại hơn, do đó tạo ra tiền đề chất lượng giáo dục có thể đạt tới trình độ cao hơn trước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cuộc cải cách lần này đã gặp rất nhiều khó khăn và bộc lộ một số hạn chế. Hạn chế lớn nhất là, mục tiêu và giải pháp thiếu tính khả thi, như muốn phát triển quy mô lớn, muốn bao cấp về giáo dục cho mọi đối tượng, muốn phổ cập giáo dục toàn dân,… Trong khi đó lại thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực và sự thực không thể bảo đảm về nguồn lực do chiến tranh biên giới và kinh tế suy thoái. Một ví dụ cụ thể về giải pháp thiếu tính khả thi của cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba, biểu hiện của cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, là việc sáp nhập trường cấp I và cấp II thành trường phổ thông cơ sở (chín năm). Vì các điều kiện thực tế không cho phép (đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý không đủ năng lực; trường sở, thiết bị thiếu thốn …) nên những trường đã sáp nhập sau một thời gian đều phải tách trở lại. Về mặt quan niệm, tư tưởng bao cấp nặng nề, nhấn mạnh giáo dục là “phúc lợi xã hội” đã cản trở sự phát triển giáo dục. Với quan niệm đó, khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí giáo dục chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ sau khi đã ưu tiên bố trí cho các khu vực khác. Đối với người dân, từ đó sinh ra tư tưởng ỷ lại, xem chi phí học hành của con em, ngay cả học nghề hay học đại học, cũng dựa vào sự bao cấp của nhà nước. Tư tưởng này hoàn toàn không phù hợp với một nước nghèo và chậm phát triển như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sau một cuộc chiến tranh kéo dài, kinh tế khủng hoảng.

C. ĐÁNH GIÁ CHUNG

          Qua nghiên cứu, đánh giá các cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam và so sánh với các cuộc cải cách giáo dục trên thế giới như Pháp, Anh, Phần Lan, Singapo …, với cái nhìn khách quan, cầu thị nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc cải cách toàn diện tiếp theo, chúng ta có thể đánh giá rằng: Các cuộc CCGD của Việt Nam đã đưa đến những thành tựu to lớn trong việc đào tạo các thế hệ trẻ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc rồi cả nước, đưa nền giáo dục Việt Nam sánh vai với các nước ở khu vực và đạt một số mặt ở quốc tế về khoa học tự nhiên. Đồng thời, do tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, giáo dục Việt Nam cũng mắc phải những căn bệnh của “thương mại hóa”, nội dung, mục tiêu, tính chất giáo dục, phương pháp quản lý, phương pháp dạy học đã không còn phù hợp dẫn đến chất lượng giáo dục giảm sút đáng báo động. Việc đổi mới giáo dục một cách toàn diện từ mục tiêu, nội dung, tính chất và hệ thống giáo dục như một yêu cầu tất yếu và coi đây như là một cuộc cải cách giáo dục tiếp theo – cuộc cải cách giáo dục lần thứ 4.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử giáo dục Việt Nam – TS. Bùi Minh Hiền – NXB Đại học sư phạm

2. Giáo dục Việt Nam 1945 – 2005, Nguyễn Quang Kính (chủ biên) NXB Chính trị quốc gia.

3. Tài liệu tập huấn các dự án của Bộ Giáo dục – Đào tạo như: Dự án Hỗ trợ đổi mới quản lí giáo dục (SREM); Dự án giáo dục Trung học cơ sở vùng khó khăn nhất.