Nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của Hội đồng tiền lương quốc gia là gì?

Hội đồng tiền lương quốc gia được biết đến là cơ quan quan trọng khi xây dựng mức lương tối thiểu vùng và chính sách tiền lương của Chính phủ. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương quốc gia lại không được nhiều người lao động, người sử dụng lao động biết đến. Vậy, Hội đồng tiền lương quốc gia là gì? Sau đây Luật Minh Khuê xin trình bày về vấn đề này.

1. Khái niệm Hội đồng tiền lương quốc gia

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 92, Bộ luật lao động năm 2019 quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia, theo đó

Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách lương đối với người lao động.

Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập.

 

2. Chức năng của Hội đồng tiền lương quốc gia

Hội đồng tiền lương quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo quy định tại Khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Lao động để thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ về:

– Tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).

– Tư vấn cho Chính phủ về các chính sách tiền lương đối với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

Đây là chức năng tham vấn và không lựa chọn, quyết định. Chính phủ sẽ xác định mức lương tối thiểu vùng và các chính sách tiền lương đối với người lao động dựa trên sự tư vấn của Hội đồng tiền lương, nên vai trò của Hội đồng tiền lương quốc gia chủ yếu nằm ở khả năng nghiên cứu, khảo sát các yếu tố khách quan phục vụ cho chức năng tư vấn của mình.

 

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tiền lương quốc gia

Để thực hiện chức năng của mình, Hội đồng tiền lương quốc gia có các nhiệm vụ:

– Nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu, đồng thời rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ. Các số liệu được lấy từ các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về thống kê hoặc được các đại diện của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia độc lập cung cấp với sự kiểm chứng rõ ràng, minh bạch.

– Xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu dựa như mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Để xây dựng báo cáo này cũng cần phải có các số liệu được nghiên cứu từ trước, các thành viên dựa trên các nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin ban đầu, đánh giá các yếu tố một cách khách quan và chặt chẽ để xây dựng báo cáo tình hình mức lương tối thiểu của người lao động, giúp Chính phủ nắm được các vấn đề của người lao động, ảnh hưởng đến quyết định thay đổi mức lương tối thiểu vùng và chính sách tiền lương.

– Tổ chức thương lượng để kiến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ) hàng năm, tổ chức tư vấn. Đồng thời tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về chính sách tiền lương áp dụng chung đối với những người sử dụng lao động. Việc khuyến nghị cho Nhà nước được thực hiện sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia đã thực hiện hết các nhiệm vụ khác của mình, tạo ra kết quả là khuyến nghị dựa trên nghiên cứu, rà soát tình hình cũng như báo cáo thực tế của Hội đồng tiền lương quốc gia.

 

4. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia

Căn cứ vào khoản 2 Điều 92 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập.

Hội đồng tiền lương quốc gia không có các thành viên cố định chỉ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng. Hội đồng được tập hợp các đại diện của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương, chuyên gia độc lập. Các chủ thể này đều là các chủ thể có trách nhiệm quản lý, giám sát các quan hệ lao động nói chung và các vấn đề quyền lợi của người lao động nói riêng hoặc có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người lao động hay chuyên nghiên cứu về quyền lợi của người lao động. Hội đồng tiền lương quốc gia với sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan, tổ chức có thể tạo nên sự khách quan trong hoạt động nghiên cứu, rà soát, đánh giá về mức lương tối thiểu cũng như mức lương tối thiểu vùng hay chính sách tiền lương.

– Hội đồng tiền lương quốc gia có 17 thành viên, bao gồm: 05 thành viên đại diện của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội; 05 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 05 thành viên đại diện của một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương; 02 thành viên là chuyên gia độc lập (sau đây gọi là thành viên độc lập). Trong đó:

+ Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia là 01 Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

+ 03 Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, gồm: 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và 01 Phó Chủ tịch Hội ododngf là Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;

+ các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia còn lại, gồm: 04 thành viên đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; 04 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 03 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (gồm 01 thành viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 02 thành viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở tủng ương có sử dụng nhiều lao động); 02 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế – xã hội (không bao gồm chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứ, trường đại học thuộc Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương).

– Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1 Điều này và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên khác của Hội đồng tiền lương quốc gia quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia lamfv iệc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm kỳ bổ nhiệm thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia không quá 05 năm.

– Hội đồng tiền lương quốc gia có Bộ pahanj kỹ thuật và Bộ phận thường trực để giúp Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng xây dựng các báo cáo kỹ thuật liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng và thực hiện công tác hành chính của Hội đồng. Thành viên Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực là người của các cơ quan tham gia thành viên Hội đồng, các cơ quan, tổ chức có liêm quan, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của Hội đồng tiền lương quốc gia. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp cho quý khách hàng những thông tin hữu ích. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề trên hay vấn đề pháp lý, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.6162 để được tư vấn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!