Nhận thức đúng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Những năm qua, nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN của chúng ta ngày càng đầy đủ hơn; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, các đối tượng xấu lại cố tình chối bỏ sự thật, ra sức xuyên tạc nền kinh tế của nước ta nhằm tạo cớ chống phá chế độ.

Vừa qua, Đài Á châu tự do (RFA) tiếp tục thể hiện bộ mặt hằn học với Việt Nam khi cho rằng “Đảng, Nhà nước không thể mạnh nếu thiếu mô hình kinh tế tương thích”. Để bao biện cho quan điểm của mình, RFA đưa ra hàng loạt lập luận mang tính suy diễn, quy chụp như: “Mô hình kinh tế hiện thời được hình thành dựa trên tư tưởng thực dụng giữ nguyên chế độ đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo”, “mặc dù nó bị coi là “phi lôgíc về lý luận”, có điểm yếu và bất ổn, nhưng đã thành công nhờ có tăng trưởng và giảm được đói nghèo”, “Đảng, Nhà nước mạnh về quyền lực dễ làm nảy sinh khả năng bất chấp sự tiến triển các quy luật kinh tế”… Phía sau những luận điệu này, không ít đối tượng “dân chủ” trong nước tiếp tục phụ họa, a dua bằng các luận điệu xuyên tạc thể chế kinh tế, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế của đất nước. Cùng với đó, chúng cũng tận lực phủ nhận sạch trơn những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, cho rằng những gì nước ta đã đạt được là “ăn may”, không lâu dài. Thực tế, việc chống phá nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam không phải là hoạt động mới. Tuy nhiên, thủ đoạn chống phá lại được các đối tượng liên tục thay đổi, gây ra những tác động xấu đến xã hội.

KTTT định hướng XHCN được xác định là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam; gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Trong nền KTTT định hướng XHCN, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, thể chế KTTT định hướng XHCN của nước ta đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP trung bình của nước ta vào khoảng 6%/năm. Cùng với đó, năng suất lao động được cải thiện, tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu tư quốc tế lựa chọn. Đồng thời, nước ta cũng tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Liên minh châu Âu (EVFTA)… Đây là minh chứng cho thấy nền kinh tế của nước ta đang đi đúng hướng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân cả nước.

Đúng như quan điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm…”. Vì vậy, việc xác định vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế là điều thực sự cần thiết. 

Chúng ta không chạy theo một nền KTTT đơn thuần, bất chấp lợi ích, không quan tâm đến cộng đồng. Mục tiêu mà chúng ta hướng đến là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do vậy, phát triển kinh tế phải mang lại lợi ích cho cả xã hội, gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nhất là trong bối cảnh những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên… đang gia tăng; các nguy cơ về bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu về kinh tế, tự chủ kinh tế… vẫn hiện hữu thì sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế là không thể bỏ qua.

Hiện nay, thể chế KTTT định hướng XHCN của nước ta vẫn còn những vướng mắc, bất cập; hệ thống chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa đồng bộ; môi trường đầu tư kinh doanh có lúc, có nơi còn thiếu minh bạch… Những hạn chế này đã được Đảng và Nhà nước ta nhìn nhận, đề ra các giải pháp khắc phục; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển KTTT định hướng XHCN, ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội.