Nhận diện quan điểm xuyên tạc bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Biên phòng – Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nguyên tắc nhất quán được xác định trong Nghị quyết là, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân.

Đây là quan điểm thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tất cả hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động lại xuyên tạc cho rằng, Nhà nước pháp quyền là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, không thể có ở mô hình chủ nghĩa xã hội. Nhận diện và làm rõ hơn bản chất của quan điểm này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Nguyễn Hoàng Anh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.


PGT, TS Nguyễn Hoàng Anh. Ảnh: Trường Giang

– Thưa PGS, TS Nguyễn Hoàng Anh, quan điểm và tư tưởng về Nhà nước của dân, do dân và vì dân đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện thực hóa ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nghị quyết về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Đảng ta tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh quan điểm này như thế nào?

– Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tiếp đó, trong Nghị quyết cũng đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó, quan điểm về xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quan điểm số một. Trong những quan điểm tiếp theo đều ít nhiều có liên quan và đề cập đến mô hình gọi là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tôi lấy ví dụ như trong quan điểm thứ hai nói là tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

– Có quan điểm cho rằng, Nhà nước pháp quyền là sản phẩm, thành tựu của chủ nghĩa tư bản, do đó, không thể lấy thành tựu đó “gán ghép” vào chủ nghĩa xã hội. Thưa PGS, TS Nguyễn Hoàng Anh, bà có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

– Nếu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về Nhà nước pháp quyền thì có thể thấy: Nhà nước pháp quyền là một thành tựu của văn minh, của tư duy nhân loại. Ngay từ thời xa xưa, có thể nói là thời cổ đại đã có những tư tưởng nhất định về Nhà nước pháp quyền. Trong lịch sử nhân loại, kể cả phương Đông và phương Tây đều đã đề cập đến nội dung này. Nhưng nó phát triển thành tư tưởng lớn và thực sự rõ nét là vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII, trong những tác phẩm của các triết gia nổi tiếng ở phương Tây thời kỳ ấy. Bởi vậy, người ta cũng dễ nhầm, dễ nói rằng Nhà nước pháp quyền là một thành tựu của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng nếu xét sâu xa thì nó là thành tựu của văn minh nhân loại. Những phát kiến, những quan niệm về mô hình nhà nước ưu việt nhất, đảm bảo hoạt động vì dân và chống lại sự lạm quyền có từ rất lâu đời rồi, tuy nhiên, nó được khái quát tổng hợp bởi các học giả vào thế kỷ XVII, XVIII, gắn liền với cách mạng tư sản, bởi vậy nên người ta dễ nhầm tưởng như vậy. Các giá trị mà Nhà nước pháp quyền đưa ra là giá trị chung của nhân loại. Ví dụ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, dân chủ, bình đẳng, hoặc giá trị cao cả và trực tiếp nhất là thượng tôn pháp luật. Đấy là giá trị chung mà bất kỳ mô hình xã hội nào muốn hướng đến sự ưu việt và phát triển thì không thể xa rời những giá trị đó. Bởi vậy, Nhà nước pháp quyền hoàn toàn phù hợp với mọi mô hình trong đó có mô hình XHCN của chúng ta.


Cử tri là đồng bào dân tộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Sơn Lâm

– Vâng, thưa PGS, TS Nguyễn Hoàng Anh, là người nghiên cứu chuyên sâu về luật học, bà có thể cho biết tư tưởng, quan điểm phục vụ nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm đã được chúng ta cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như thế nào?

– Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của nước ta đều thể hiện điều này. Bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và trong hệ thống pháp luật cũng ghi nhận điều này hết sức là toàn diện. Ví dụ, có những quy định pháp luật chung về cơ chế bầu cử, nhân dân tham gia lập ra bộ máy Nhà nước, rồi có quy định pháp luật nói về quyền tiếp cận thông tin, về thực hiện dân chủ cơ sở, hiện nay, ta đang sửa đổi để nâng lên thành luật, những điều đó đều đề cập đến quyền làm chủ của nhân dân.

Hiện nay, các hoạt động của Nhà nước đều được thực hiện theo hướng minh bạch hơn. Ví dụ, các dự luật đưa ra đều được công bố công khai và lấy ý kiến của mọi người dân trên trang thông tin điện tử. Điều đó chính là thể hiện tư tưởng, quan điểm phục vụ nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm.

– Và trong thực tế đời sống, các hoạt động của Nhà nước cũng đã minh chứng cho thấy, Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng đó thực sự là Nhà nước luôn hướng đến lợi ích của nhân dân?

– Đúng vậy, mọi hoạt động của Nhà nước trong giai đoạn gần đây, đã chuyển hướng nhiều hơn theo hướng nâng cao quyền thụ hưởng của nhân dân, phục vụ nhân dân. Ví dụ, trong hoạt động hành chính dịch vụ công thì đề cao việc phục vụ người dân và người dân chấm điểm cơ quan hành chính. Trong những hoạt động khác, ví dụ, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, thì việc hướng tới người dân và vì lợi ích của người dân thể hiện rõ nét nhất. Chính phủ hoặc các cơ quan Nhà nước khác có thể hoạt động, có thể làm tất cả mọi việc nhằm mục tiêu bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân. Và sau đấy, là thúc đẩy phát triển kinh tế, để đời sống của nhân dân được bảo vệ, được tăng cường.

– Trân trọng cảm ơn PGS, TS!

Trường Giang (thực hiện)