Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Quan điểm – Tranh luận

Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Bàn về nhà nước xã hội chủ nghĩa, từ sự xuất hiện của nó song hành với dân tộc, bản chất của nó như bản chiếu rộng của con người, sự tồn tại của nó như hành động của con người đến việc tại sao độc lập là không có gì quý hơn.

VietnamSocialMovementPhong trào Xã hội Việt Nam

23 tháng 2

Phong trào Xã hội Việt Nam – viết ngày 16/2/2023

Bàn về nhà nước xã hội chủ nghĩa, từ sự xuất hiện của nó song hành với dân tộc, bản chất của nó như bản chiếu rộng của con người, sự tồn tại của nó như hành động của con người đến việc tại sao độc lập là không có gì quý hơn.

1.    NHÀ NƯỚC VÀ DÂN TỘC

 Nhà nước và dân tộc là hai khái niệm khác nhau. Nhà nước là thực thể chính trị có lãnh thổ, có luật lệ, có chính phủ để tạo và thi hành luật lệ trong lãnh thổ. Ngược lại thì trong khái niệm dân tộc không có những thứ đó, mà dân tộc là một nhóm người chia sẻ văn hóa chung, bản sắc chung, lịch sử chung, ngôn ngữ chung, và quan trọng là đời sống kinh tế văn hóa chung và sự hình thành trong lịch sử (theo quan điểm Xtalin(Stalin): “Dân tộc là một khối cộng đồng người ổn định, được thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về hình thành tâm lí, biểu hiện trong cộng đồng về văn hóa[1]”). Dẫu vậy, hai thứ này là khó mà tách rời nhau.

 Từ cổ chí kim, con người đã bị chia ra hoặc hợp lại từ nhiều lợi ích khác nhau, con người hình thành nên tầng lớp, rồi họ đấu tranh cho tầng lớp của họ, nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào, họ đều hình thành nhà nước. Nhà nước bắt đầu và luôn bắt đầu từ giai cấp thống trị, và chính vì thế mà nhà nước từ đó lại quay về tạo điều kiện cho sự hình thành của giai cấp mới, qua sự điều hành và việc xử lí các mâu thuẫn giai cấp nảy sinh trong nhà nước. Một khi các mâu thuẫn giai cấp cũ được xử lí, các giai cấp mới nảy sinh và thể hiện mô hình nhà nước mới biểu hiện cho ý chí của giai cấp thống trị mới hiện lên từ đó.

 Cứ thế nó (quá trình giai cấp hình thành nhà nước, nhà nước hình thành giai cấp) lặp đi lặp lại, nó giải quyết các mâu thuẫn trong đó và hình thành cái mà ta gọi là tiến trình của lịch sử. Từ cái lịch sử chung này mà ở đó tạo nên văn hóa, bản sắc, ngôn ngữ… của chung và nói chung là đời sống kinh tế văn hóa chung (với cả những điều kiện từ bên ngoài như ảnh hưởng của các dân tộc khác và các nhà nước khác): nó hình thành nên dân tộc. Mà cũng chính từ những tiềm tàng về mặt giai cấp có trong dân tộc, nó lại giúp hình thành nên nhà nước.

Từ đó nhận xét: Nhà nước và dân tộc vì thế mà bị cuốn vào nhau, nó không phải là một chủng tộc, càng không phải là một vùng lãnh thổ địa lý, mà là một con người được bó vào nhau trong dòng chảy của lịch sử.

 Các mâu thuẫn về giai cấp nói trên trong nhà nước chỉ có thể được giải quyết khi nhà nước ngừng sản sinh ra các giai cấp cạnh tranh mới: dân tộc và nhà nước lúc đó hòa vào làm một, và nhà nước thể hiện ý chí tối cao của dân tộc. Lúc đó nhà nước là một chính thể dân chủ hoàn toàn, không phải là một nhà nước gò bó bản thân mình vào số lượng, càng không phải nhà nước tự gò bó mình vào một giai cấp thống trị, mà là một nhà nước đại diện cho ý chí toàn dân, vì nó đúng nhất, vì nó đạo đức nhất, vì nó hoàn thiện nhất, nó và chỉ nó và một ý chí đồng nhất đại diện cho toàn thể một dân tộc thể hiện sức mạnh tinh thần của mình, thể hiện sự tự hào về một con người được rèn giũa bởi tự nhiên và bởi hoàn cảnh lịch sử riêng và cụ thể của mình. Tất nhiên, đó cũng là lúc nhà nước mất đi vai trò của nó như một công cụ của giai cấp theo nghĩa truyền thống, và không còn tồn tại như dạng nhà nước mà ta vẫn thường biết nữa (cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn[2]). Nhưng tất nhiên trước đó ta phải xử lí vấn đề giai cấp, việc mà ta vẫn đang hướng tới qua thể chế chuyên chính vô sản, tức nhà nước như sự thống trị của giai cấp vô sản. Ở đây, chuyên chính là nhà nước, vô sản (tất nhiên là với các giai cấp liên minh khác) là dân tộc.

2.    NHÀ NƯỚC CỦA GIAI CẤP LÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI CỦA GIAI CẤP

 Trong trường hợp chuyên chính vô sản, thì dân tộc là thứ nghiễm nhiên, được hình thành bởi lịch sử, văn hóa, trải nhiệm chung, thể hiện qua sự tồn tại của con người lao động, nó phải tồn tại, nó là cả sein (phát âm “sê-en”) và dasein (phát âm “đa-sê-en”). Ngược lại, nhà nước của con người lao động không phải là một hệ quả nghiễm nhiên, nhà nước là kết quả của ý chí con người.

Die Menschen machen ihre eigene Geschichte, aber sie machen sie nicht aus freien Stücken, nicht unter selbstgewählten, sondern unter unmittelbar vorgefundenen, gegebenen und überlieferten Umständen.[3]

Karl Marx

Mác có nói rằng con người tạo nên lịch sử của riêng mình trong giới hạn hoàn cảnh lịch sử, thì nếu hoàn cảnh lịch sử cụ thể là một yếu tố, ý chí con người sẽ là yếu tố còn lại. Ý chí của con người sẽ là chìa khóa quyết định cách thức con người thay đổi và tiếp tục lịch sử – tạo nên lịch sử tùy theo cách nào và lúc nào dựa trên các điều kiện vật chất tồn tại trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Những Cau-xky (Kautsky) (Tham khảo: Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky) nói rằng tầng lớp đáy – cơ sở hạ tầng – là những điều kiện bắt buộc để xuất hiện kiến trúc thượng tầng, nhưng ý chí con người – trong ví dụ này là các con người lãnh đạo vô sản – cùng quan điểm của Lê Nin (Lenin) đã phủ nhận những quan điểm này của Cau-xky, thành lập nên các nhà nước vô sản – nhà nước công nông ở những quốc gia như Liên Xô hay Việt Nam khi mà cơ sở hạ tầng còn chưa được hoàn thiện.

 Nhà nước của giai cấp lao động là một sự thể hiện cao hơn và bao trùm hơn của cái thuộc về cá nhân, ý chí cá nhân, cái thể hiện đời sống sống vật chất, đời sống đạo đức và đời sống tinh thần của cá nhân. Nhà nước này chỉ tồn tại một khi ý chí của mỗi cá nhân được mở rộng và hòa vào làm một cùng ý chí của các cá nhân khác trở thành ý chí tập thể. Mà chính vì thế nhà nước này yêu cầu sự xây dựng trực tiếp và nỗ lực từ con người, chỉ khi đó nhà nước mới vừa có thể trở thành một lực lượng thực tế và vật chất, vừa có thể trở thành một sản phẩm tinh thần (spiritual). Nhà nước không đơn giản chỉ là một cơ quan đơn lẻ có thẩm quyền pháp lý, không đơn giản chỉ là một cơ quan có thẩm quyền giới hạn và tạo ra quyền và khả năng thực hành quyền cho con người, nhà nước còn là thực thể tồn tại như một tiềm năng đã hoặc đang đợi bùng nổ bên trong con người, bên; trong các nền tảng đạo đức và nền tảng hành động của con người của giai cấp, nó nằm trong cả tính cách của con người, nó là sự chiếu rộng của con người.

 Nhà nước càng không thể chỉ để ở mỗi trong suy nghĩ con người được. Từ cổ chí kim, thời đại nào cũng vậy: Người Việt Nam đã nói về một Việt Nam cho dù tên nó có thay đổi như thế nào, Văn Lang hay Âu Lạc, Vạn Xuân hay Đại Cồ Việt. Những bài thơ, bài hịch, câu hát về Việt Nam đã được hát, những ghi chép, suy nghĩ về Việt Nam đã được ghi lại trong nhiều tài liệu lịch sử. Trong số đó, không thiếu những chữ “Việt Nam” không thoát được ra khỏi phạm vi cái đầu của một số học giả, nó bị tách rời với thực tế, và nó không thoát được do nhiều lý do chủ quan và khách quan, cũng bắt đầu từ yếu tố lịch sử. Nhưng trong nhiều thời đại khác, đặc biệt là hiện nay, và trong suốt quá trình các mạng Việt Nam từ trước tới giờ (đặc biệt khi định nghĩa của dân tộc được mở rộng ra và đi liền với tầng lớp vô sản, và lần đầu mang nghĩa này), lịch sử kêu gọi chữ Việt Nam ấy phải trở thành hành động toàn dân, nó phải vượt lên khỏi những thứ chỉ trong phạm trù logic, lý luận, nó phải trở thành cả động lực của trái tim mỗi con người lao động và nó phải được biểu hiện qua cả suy nghĩ, cảm nghĩ và hành động của những con người ấy, nhà nước của dân tộc phải giải phóng được thứ thế năng tồn tại trong hồn của con người dân tộc, trong cây bút của nhà thơ của dân tộc, trong cây cọ của họa sĩ dân tộc, trong cây búa của người công nhân của dân tộc, trong cây liềm của người nông dân của dân tộc, trong cây súng của người chiến sĩ của dân tộc. Tức đó là biến thế năng của nhà nước trong suy nghĩ của con người thành động năng thực sự của nhà nước, nhà nước phải là hành động (actual): nó phải SỐNG. Chỉ khi như vậy nó mới sống.

3.    SỰ SỐNG CỦA NHÀ NƯỚC NHƯ MỘT QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

 Nếu cá nhân là tế bào trong cơ thể thì nhà nước là cả cơ thể, điều này không khác gì với câu nói “gia đình là tế bào của xã hội”. Nhưng trong cơ thể không phải không có bệnh, tức không phải tế bào nào trong cơ thể hay thậm chí là cơ quan bộ phận nào trong cơ thể cũng hoạt động hài hòa với những cơ quan, tế bào còn lại.

Trong lý thuyết của Mác, xã hội không đơn giản là một thực thể thống nhất hoàn toàn, hay hài hòa hoàn toàn, mà còn được cấu tạo thành bởi các cấu tạo giai cấp khác nhau với xung đột lợi ích, như đã nói ở phần một, tức là trong xã hội sẽ luôn luôn có đấu tranh. Sự đấu tranh này được chỉ ra trong triết học Mác như động lực của lịch sử, nhưng chính nó không phải là mục tiêu cách mạng, mà thực chất mục đích cách mạng vẫn luôn là để giải phóng con người.

 Trên thực tế, nhà nước chuyên chính vô sản cũng không phải là một đích đến cuối cùng, mà đơn giản chỉ là một giai đoạn. Trong giai đoạn đó giai cấp vô sản nắm kiểm soát của nhà nước và chèo lái xã hội để tận dụng các ưu thế của mô hình sản xuất tư bản nhằm đạt được mục đích của chính giai cấp vô sản, đó là công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng dân tộc độc lập và vững mạnh, sau cùng là xóa bỏ ranh giới giai cấp. Sự đấu tranh không được thực hiện qua sự phá hoại, mà nó phải có sự hợp tác, dù đó có là sự hợp tác trong khuôn khổ lợi ích giai cấp vô sản, tức sự hợp tác đi cùng với đấu tranh loại bỏ sự bảo thủ hay thoái hóa. Chèo lái xã hội ở đây cũng không có nghĩa là vội vàng cố đạt được mặt nội dung (content) của chủ nghĩa xã hội và bỏ qua mặt hình thức (form), mà là việc “bỏ qua Tư bản Chủ nghĩa trên phương diện áp bức, bóc lột và thiết chế chính trị, không bỏ qua thành tựu và giá trị văn minh nhân loại đạt được qua Tư bản Chủ nghĩa[4]”.

 Theo cách này, thì nhà nước xã hội chủ nghĩa là một cơ thể sống, hữu cơ, nhưng không thống nhất vì nó phục vụ vai trò của giai cấp vô sản, nhằm xóa bỏ giai cấp, tức chấm dứt mọi sự mâu thuẫn tồn tại về mặt giai cấp trong cơ thể, mang nó thành một thực thể thống nhất và mạnh mẽ hơn. Trong quá trình xây dựng này, không thể đòi hỏi ở nhà nước một xã hội mà giai cấp biến mất hoàn toàn, cũng không thể đòi hỏi xã hội phải công bình hoàn toàn mà hy sinh sự phát triển, đó là điều không thể (vì việc giải phóng nguồn lực lao động là vấn đề cơ bản trong giai đoạn quá độ), nhưng ta vẫn phải luôn hướng tới một nhà nước đồng nhất, không giai cấp, và việc có thể mà cũng là việc cần phải làm là việc tạo ra một xã hội có đầy đủ ý thức giai cấp, từ đó cố gắng xây dựng phát triển lên trở thành một khối hữu cơ thống nhất. Quá trình xây dựng phát triển này chính là sự sống của nhà nước, đó là một quá trình tiến bộ. Bất động hay phản động là chết.

4.    NHÀ NƯỚC NHƯ MỘT THỰC THỂ ĐỘC LẬP

 Nếu con người có quyền tự do, thì nhà nước như một hình ảnh phóng đại của con người cũng có quyền như vậy.

Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn - Hồ Chí Minh

Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn – Hồ Chí Minh

 Tất nhiên những quyền này không phải là quyền tuyệt đối, không phải là thứ trời cho theo nghĩa tôn giáo, mà nó vừa là kết quả của sự đấu tranh vừa là kết quả của sự hợp tác mà có được. Con người có được quyền lợi là do anh ta đấu tranh một cách vị kỷ để dành được lợi ích, nhưng cũng là việc anh ta liên kết và hợp tác, thậm chí hy sinh qua thực hiện nghĩa vụ để bảo vệ lợi ích chung, hình thành nên quyền và lực pháp lí, hay như Mác nói trong “Vấn đề Do Thái”: “con người vừa là cá nhân độc lập vừa là pháp nhân[5]”. Đối với nhà nước cũng vậy, cả sự đấu tranh và hợp tác đều là cần thiết, trong trường hợp của nhà nước thì đó là hợp tác và đấu tranh với các nhà nước khác, cho dù đó có là nhà nước vô sản.

Cách mạng Việt Nam phải đứng độc lập đối với cách mạng toàn thế giới. Đây không phải là một cách để nói rằng Việt Nam phải tách mình ra khỏi cách mạng thế giới, đây là khẳng định rằng cách mạng Việt Nam phải chôn chân của mình vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, phải xuất phát từ bối cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, cũng như việc cách mạng các dân tộc khác trên thế giới cũng phải xuất phát từ bối cảnh lịch sử cụ thể của dân tộc đó. Vì thế việc không phân biệt được giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, cố gắng gộp chung hai khái niệm vào nhau, xa rời lợi ích dân tộc và quốc gia là phản Mác xít. Bài học về điều này không phải là không tồn tại trong lịch sử, điển hình cho nó có phái Tơ-rốt-xkít (Trotskyist) vào thế kỷ 20. Với lý thuyết “cách mạng thường trực” của chúng, chúng bỏ qua bối cảnh lịch sử của Liên Xô, thành ra quay lại cố gắng phá hoại thành quả cách mạng của Liên Xô bằng việc thúc đẩy việc bỏ qua cách mạng xã hội chủ nghĩa trong nước và chuyển hướng ngay đến việc kích động cách mạng ở nước ngoài. Chúng hướng đến một cách ngu muội phần nội dung của xã hội chủ nghĩa, bỏ qua hoàn toàn hình thức của xã hội chủ nghĩa, tự sát chính trị bằng cách mang lợi ích của 10% dân số là tầng lớp công nhân Nga chống lại lợi ích của 90% dân số còn lại là tầng lớp nông dân Nga, kỳ thị phân biệt với tầng lớp nông dân Nga (Tham khảo: Các lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi từ Trung Quốc nói về Tơ-rốt-xkít từ trang 153 đến 163 trong Tập 3, Hồ Chí Minh toàn tập xb năm 2011 ).

Bên lề: Nhân vật Snowball trong "Trại động vật" của Nhà văn George Orwell được dùng để ám chỉ Trotsky (lãnh đạo phái Tơ-rốt-xkít), đủ để hiểu tại sao cuốn sách này phải bị cấm ở Việt Nam. Một trong những tổ chức mà George Orwell tham gia là POUM, thứ tổ chức mà chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến là tổ chức của nhà độc tài Franco dùng để trà trộn. Điều này sẽ được bàn đến trong một lúc khác.

Bên lề: Nhân vật Snowball trong “Trại động vật” của Nhà văn George Orwell được dùng để ám chỉ Trotsky (lãnh đạo phái Tơ-rốt-xkít), đủ để hiểu tại sao cuốn sách này phải bị cấm ở Việt Nam. Một trong những tổ chức mà George Orwell tham gia là POUM, thứ tổ chức mà chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến là tổ chức của nhà độc tài Franco dùng để trà trộn. Điều này sẽ được bàn đến trong một lúc khác.

Và kết quả là chính phái này đã bị Bôn-xê-vích, cách mạng Trung Quốc và Cách mạng Việt Nam loại bỏ. Cách mạng Việt Nam phải trở thành một cách mạng độc lập, xử dụng “xã hội chủ nghĩa trong một quốc gia” ( Социализм в отдельно взятой стране ) như bản chất của chủ nghĩa Mác-Lê, được dẫn dắt bởi điều kiện và nhu cầu vật chất cụ thể và đặc biệt của Việt Nam, chứ không đơn giản là theo chân các nhà nước cách mạng khác, càng không phải là việc theo lý thuyết máy móc, giáo điều.

 Ngược lại, việc hoàn toàn cắt đứt cách mạng Việt Nam ra khỏi phần còn lại của thế giới, dù không bị cấm đoán trên phương diện lý luận, nhưng cũng chỉ có thể được thực hiện dựa trên hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở từng thời kỳ tùy vào nhu cầu cần thiết để phát triển cách mạng, vì làm vậy trong thời điểm không cần thiết chính là làm suy yếu cách mạng thế giới, cô lập dân tộc khỏi phần còn lại của thế giới, càng khiến nó trở nên yếu thế và gây mất đoàn kết.

 Rút ra kết luận: nhà nước Việt Nam phải là một nhà nước của dân tộc và giai cấp vô sản Việt Nam, mô hình nhà nước Việt Nam phải là mô hình nhà nước của riêng Việt Nam, được thiết kế dựa trên hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, mô hình kinh tế và xã hội vì thế cũng phải là của riêng Việt Nam và được dựa trên hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Không có nghĩa là Việt Nam phải cắt đứt quan hệ với bên ngoài, mà phải thực hiện mọi hành động trên tinh thần độc lập tự chủ đã nêu trên.

1]Chủ nghĩa Mác và Vấn đề dân tộc, NXB Sự thật, 1970, J.Stalin, T.52] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật,1,2011, T.X 3] Der achtzehnte Brumaire des Louis Bonaparte, Marx, Karl / Engels, Friedrich, 18524] MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2022, Nguyễn Phú Trọng, T.255] Nguyên văn: Giải phóng chính trị là quy con người, một mặt, thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân vị kỷ, độc lập, và mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành pháp nhân.C. Mác, “Vấn đề Do Thái”, trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 1. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

-7

VietnamSocialMovement

hubspot-banner

-7

867 lượt xem

Bài viết nổi bật khác