Nguyễn Thị Mai Thanh là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh

“Cô ấy là một nhân viên xuất sắc, không bao giờ thỏa mãn với thành quả hiện tại mà luôn cố gắng. Cô ấy làm việc cật lực như những đồng nghiệp nam. Và tôi không quan tâm đến việc cô ấy có là con của một vị trung tướng hay không khi quyết định giao quyền lãnh đạo!” Đây chính là những nhận định của ông Nguyễn Thanh Vân, cựu Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Thiết bị lạnh (tiền thân của REE) khi nói về bà Nguyễn Thị Mai Thanh.

Vậy bà Nguyễn Thị Mai Thanh là ai? Điều gì đã làm nên một Nguyễn Thị Mai Thanh với những đánh giá cao kia của ông Nguyễn Thanh Vân. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Nguyễn Thị Mai Thanh là ai?

Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25 tháng 12 năm 1952 tại Trảng Bàng, Tây Ninh là một nữ doanh nhân thành đạt Việt Nam. Bà tốt nghiệp Kỹ sư Điện lạnh – Đại học Tổng hợp Karlmarx – Đức. Hiện tại, bà đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE – trước đây là một xí nghiệp cơ điện lạnh thuộc sở hữu Nhà nước, sau cổ phần hóa đã phát triển mạnh mẽ, nổi lên là một trong nhưng doanh nghiệp mạnh nhất trên thị trường chứng khoán với lợi nhuận tăng ấn tượng.

Thành công của REE gắn liền với vai trò điều hành của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, người đã dẫn dắt REE đột phá sang các mảng kinh doanh mới thu về nhiều lợi nhuận như bất động sản trong vài năm trước và gần đây là đầu tư tài chính vào lĩnh vực năng lượng.

Tiểu sử

Nguyễn Thị Mai Thanh là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, bà theo học lớp dược tá và được phân công về Sư đoàn 9 ở chiến trường miền Đông ác liệt.

Bà Thanh chia sẻ: “16 tuổi tôi làm mọi thứ. Chẻ củi, tải gạo, lội sông, lội suối như đàn ông. Tôi luôn cố gắng quên mình là con của một cán bộ để sống như mọi người, càng không cho phép xem mình là phụ nữ để gây khó khăn cho người khác”.

Năm 1973, thời điểm mà cuộc kháng chiến vẫn đang diễn ra ác liệt, bà cùng em trai ra Bắc học tập rồi được tạo điều kiện đi du học tại Công hòa Liên bang Đức nhờ thành tích học tập xuất sắc.

Bà tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, mảng điều hòa không khí rồi lập gia đình với một Tiến sỹ hóa học người Việt tại Đức và cùng chồng về nước.

Sau khi tốt nghiệp Đại học tại Đức, từ năm 1982, bà Mai Thanh trở thành kĩ sư của Xí nghiệp Quốc doanh Liên hiệp Thiết bị lạnh (TP. Hồ Chí Minh).

Sự nghiệp

– Năm 1984, việc lắp đặt hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hòa Bình (Tp. Hồ Chí Minh) đã khiến bà lọt vào con mắt “điều binh khiển tướng” của lãnh đạo xí nghiệp khi ấy là ông Nguyễn Thanh Vân. bà Mai Thanh hoàn toàn bất ngờ khi được giao trọng trách “kế vị” Giám đốc Xí nghiệp ở tuổi 33.

– Nhận trọng trách này đồng nghĩa với việc bà Mai Thanh phải đối mặt với một loạt khó khăn, quản lí 200 con người mà dàn nhân sự cấp Trưởng, Phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho hàng vật tư trống rỗng, ngân sách không có một đồng. Để có tiền duy trì hoạt động của Xí nghiệp, trả lương cho công nhân, bà phải lập hồ sơ vay vốn ngân hàng, rồi nhập tủ lạnh cũ để tân trang lại kiếm lời, lấy chỗ nọ bù vào chỗ kia, cố cầm cự để vượt qua cuộc khủng hoảng năm 1986.

– Năm 1992, Xí nghiệp của bà Nguyễn Thị Mai Thanh là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tiến hành cổ phần hóa và đến năm 1993 thì trở thành công ty Cổ phần có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn đầu tư nước ngoài. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE ra đời từ đó.

– Bước sang những năm đầu của thập kỉ 90, các tòa cao ốc mọc lên nhan nhản ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh nên REE làm không hết việc ở mảng M&E nhưng thay vì chỉ làm đại lý phân phối cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thì bà Mai Thanh lại nhen nhóm ý tưởng sản xuất máy điều hòa. Những chuyến công tác nước ngoài cũng là dịp để bà tìm ra nguồn thiết bị, linh kiện nhập khẩu nhưng vấn đề tài chính lại là rào cản để bà Mai Thanh thực hiện kế hoạch này.

– Đến năm 1996, nhà quản lí Quỹ VEIL Dominic Scriven đã giúp REE tháo gỡ vấn đề này với một khoản vay 5 triệu USD theo hình thức trái phiếu chuyển đổi.Và cũng từ đây, thương hiệu máy điều hòa Reetech ra đời.

– Và rồi, REE lại bước vào thời kì khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998. Nhiều công trình xây dựng bị đình trệ, hoạt động kinh doanh của REE trở nên bấp bênh do phải phụ thuộc vào sự nóng lạnh của thị trường Bất động sản.

– Đứng trước những khó khăn đó, bà Mai Thanh mạnh dạn sắp xếp lại sản xuất, quyết định đưa nhà xưởng về Khu công nghiệp Tân Bình. Việc xây dựng cao ốc văn phòng để cho thuê với lợi thế mặt tiền là đường Cộng Hòa, mặt bằng rộng được cho là giải pháp tối ưu lúc này cho REE. Tòa E – Town đầu tiên với diện tích 30 nghìn m2 cất nóc năm 2002 được lấp đầy sau 18 tháng khánh thành đã tạo ra cú hích để trong một thập niên sau đó, REE phát triển thêm gần 80 nghìn m2 văn phòng cho thuê nữa.

– Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động. Với những quyết sách táo bạo, bà Mai Thanh đã tạo ra cho REE những cột mốc đáng nhớ: doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên…

– Đi qua những cuộc khủng hoảng, thực tế chỉ ra rằng, mỗi khi REE ở vào thế chân tường, bà Mai Thanh lại tìm ra một hướng đi mới với những quyết sách rất mạnh dạn và quyết đoán.

– Trong những năm gần đây, REE tái cơ cấu hoạt động, đầu tư mạnh vào các công ty sản xuất và kinh doanh điện, than, nước sạch bằng cách miệt mài thu gom cổ phiếu từ các đơn vị niêm yết cũng như thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện, nước.

– Với chiến lược hiện tại, mà Mai Thanh đang hướng REE đến mô hình công ty Holdings – sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong 3 lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản và cơ sở hạ tầng tiện ích tại Việt Nam.

Thành tựu

Là một “nữ tướng” trên thương trường nhưng bà Mai Thanh đồng thờ cũng là một người mẹ “truyền lửa” cho các con của mình. Bà chia sẻ: “Áp lực nhịp sống công nghiệp khiến mọi doanh nhân phải ráo riết chạy đua với thời gian nhằm theo kịp chuyển động hối hả của thương trường, nhưng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái thì bất kể thời gian. Có thời gian dành cho nhau thì các thành viên trong gia đình mới gắn kết, sống vì nhau, giúp đỡ nhau”.

– Năm 2014, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã có tên ở vị trí thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua với những đổi thay, thăng trầm, biến cố của Công ty mà mình đã gắn bó hơn 30 năm nay, bà Mai Thanh nhắc đến câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi: “Đừng đánh giá tôi dựa trên những lần thành công. Hãy đánh giá tôi về số lần tôi gục ngã và đứng dậy trở lại”

Cuộc đời, sự nghiệp của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh đã một lần nữa chứng minh tính đúng đắn của câu nói “Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã”. Chúc các bạn thành công!