Người vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

(HNNN) – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng thành công học thuyết Mác – Lênin vào xây dựng đường lối cách mạng Việt Nam – cuộc cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Đó là quá trình vận dụng hết sức sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với cách mạng Việt Nam nhờ kinh nghiệm sâu sắc từ quá trình khảo nghiệm thực tiễn, đặc thù của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Di sản Người để lại đã, đang, sẽ tiếp tục là ngọn đuốc dẫn đường thành công cho cách mạng, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Sáng tạo trong phát huy sức mạnh giải phóng dân tộc

Khi xác định đối tượng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy sự phân hóa giai cấp ở các nước thuộc địa nói chung, ở Việt Nam nói riêng có những điểm khác với các nước phương Tây. Mâu thuẫn chủ yếu ở các nước phương Tây là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, mâu thuẫn chủ yếu ở xã hội thuộc địa phương Đông lại là giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân; do vậy, cuộc đấu tranh giai cấp không giống như các nước phương Tây. Đối tượng cách mạng mà các dân tộc thuộc địa cần tập trung đánh đổ không phải là giai cấp tư sản bản xứ, càng không phải là giai cấp địa chủ nói chung, mà là chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động.

Nhận thức đầy đủ, đúng đắn đặc điểm xã hội Việt Nam, xác định đúng đối tượng chính của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo trong giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp. Nếu như chủ nghĩa Mác – Lênin đề cao đấu tranh giai cấp thì Nguyễn Ái Quốc đặt ưu tiên hàng đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập, tự do cho đất nước.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc. Người cho rằng phải “đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích giai cấp, lấy mục tiêu độc lập dân tộc làm mục tiêu hàng đầu”. Khẳng định tính dân tộc nổi trội hơn tính giai cấp là tư tưởng đúng đắn, sáng tạo phản ánh đúng tình hình thực tế Việt Nam cũng như các nước thuộc địa nói chung.

Nhấn mạnh mối quan hệ giữa cách mạng vô sản với cách mạng giải phóng dân tộc đã được Lênin nêu ra, tuy nhiên, điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh ở đây là đánh giá sát thực tiễn hơn về vị trí, vai trò của cách mạng giải phóng dân tộc trong mối quan hệ với cách mạng vô sản. Sự liên minh giữa giai cấp vô sản chính quốc và các dân tộc thuộc địa bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản là tất yếu. Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức phải giúp đỡ nhau, sự giúp đỡ ấy đồng thời là sự tự cứu mình, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên. Nguyễn Ái Quốc còn nhận thấy một hình thức liên minh quan trọng nữa là liên minh giữa các dân tộc thuộc địa với nhau. Đây là một sáng tạo đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc.

Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin khi bàn đến cách mạng vô sản thì nhấn mạnh vào vai trò của liên minh công – nông, lực lượng chính của cách mạng. Trong khi đó, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, vạch ra con đường cách mạng đầy sáng tạo cho cách mạng Việt Nam: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Với Người, cách mạng giải phóng dân tộc “là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”, vì vậy, lực lượng cách mạng không chỉ đơn thuần là liên minh công nông mà còn cần sự tham gia của nhiều giai tầng khác, làm nên “lực lượng toàn dân”. Bộ phận trung tâm của lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc là công nhân, nông dân và khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đây là một phát hiện của Người về vai trò, sứ mệnh và khả năng thực thi nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc của giai cấp nông dân và công nhân ở các nước thuộc địa nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Như vậy, cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân. Cách mạng muốn giành thắng lợi triệt để phải do giai cấp công nhân lãnh đạo và lực lượng toàn dân yêu nước phải được sắp xếp theo lập trường giai cấp công nhân và phải căn cứ vào hoàn cảnh một nước thuộc địa phương Đông. Đó là một sáng tạo lớn, là sự phát triển lý luận Mác – Lênin trong hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Sáng tạo trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, sau khi cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp vô sản sẽ thiết lập nên nền chuyên chính vô sản. Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác về nhà nước kiểu mới này là “đập tan nhà nước tư sản”, “biến giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị”, “giành lấy dân chủ” và “bí quyết thực sự là chính phủ của giai cấp công nhân”.

Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển quan điểm sáng tạo về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Thuật ngữ “nhà nước chuyên chính vô sản” được Người thay thế bằng quan điểm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Theo Người: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”. Bên cạnh tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, mô hình nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam còn phải là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (1946) do đích thân Người soạn thảo, ngay từ Điều 1 đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp”. Bởi theo Người, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đây không phải mô hình nhà nước siêu giai cấp mà là nhà nước do Đảng Cộng sản – Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. “Nhà nước của dân, do dân” phải là một nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật, thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là sự vận dụng sáng tạo học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác – Lênin, chọn lọc, kế thừa những tinh hoa trong xây dựng nhà nước đã có trong lịch sử dân tộc và nhân loại.

Kế thừa những quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng không ngừng và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, điểm bổ sung, sáng tạo của Hồ Chí Minh chính là việc nêu lên cách thức tiến hành thời kỳ quá độ tại một dân tộc với những đặc điểm khác so với các quốc gia ở châu Âu, nơi khảo nghiệm, đồng thời cũng là nơi ứng dụng trực tiếp những lý luận về thời kỳ quá độ của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Theo Người, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài chứ “không thể một sớm một chiều”. Bởi vì, “Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”. Người giải thích về chủ nghĩa xã hội một cách rất cụ thể và dễ hiểu, với ngôn từ giản dị, mộc mạc, ngắn gọn. Đó là: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tr­ước hết là nhân dân lao động”. “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”. Thứ tự mục đích của xây dựng chủ nghĩa xã hội thể hiện rõ nét luận điểm “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh, đồng thời cũng thể hiện những nhận thức mới, sáng tạo về chủ nghĩa xã hội…

Thực tiễn là môi trường để Hồ Chí Minh khảo sát, từ đó đưa ra những luận điểm vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, khi luận điểm hình thành thì thực tiễn cũng chính là môi trường để Hồ Chí Minh cụ thể hóa. Người đã tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin trên tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, từ đó xây dựng cơ sở lý luận và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng thành công. Những luận điểm sáng tạo nêu trên là những sáng tạo nổi bật trong hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.