Người lao động không được tự đóng bảo hiểm xã hội khi công ty đã giải thể

Hà Anh

  –  

Thứ ba, 14/03/2023 23:00 (GMT+7)

Anh Lê Nguyên Khôi (Gia Lâm, Hà Nội) hỏi: Xin cơ quan chức năng cho biết, công ty đã giải thể và không thanh toán khoản nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), vậy cá nhân có thể tự thanh toán tiền nợ BHXH của công ty đang nợ không?

Người lao động không được tự đóng bảo hiểm xã hội khi công ty đã giải thể
Người lao động tới hoàn thiện thủ tục về bảo hiểm xã hội tại BHXH quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

BHTN TP.Hà Nội trả lời: 

Căn cứ quy của pháp luật về BHXH, hướng dẫn tại Điều 46 Quy trình thu ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26.6.2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp (TN), BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. 

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Vì vậy, bạn đọc không thể tự đóng BHXH bắt buộc đối với số tiền nợ BHXH của đơn vị. Trường hợp công ty cũ của bạn đọc đã phá sản, giải thể, đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH để được xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đơn vị đã đóng.

Trong trường hợp này, công ty không đóng BHXH cho người lao động, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về BHXH được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật BHXH 2014, cụ thể:

“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

2. Chậm đóng tiền BHXH, BHTN”

Khi đó, công ty sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122 Luật BHTN 2014 như sau:

“3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH”. 

Như vậy, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng BHXH từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN;

b) Đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định;

c) Đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, BHTN chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”.