Nghị luận về trang phục và văn hóa | Dàn bài & văn mẫu chọn lọc
Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về trang phục và văn hóa, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn bài nghị luận về trang phục và văn hóa
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về trang phục và văn hóa. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Mục Lục
Dàn ý nghị luận về trang phục và văn hóa – Mẫu 1
Mở bài
-
Dẫn dắt vào đề bằng câu tục ngữ “Cơm là gạo, áo là tiền”.
-
Cơm là thứ để chúng ta sinh tồn, trang phục là thứ để bảo vệ, che thân thể của chúng ta
Thân bài
#1. Giải thích về trang phục
-
Trang phục là những đồ để mặc, để đội, để đi. Không những thế trang phục còn có chức năng thẩm mĩ, làm đẹp cho con người
-
Văn hóa là những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra dựa trên nền của thế giới tự nhiên
-
Trang phục và văn hóa có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bản sắc văn hóa nó thể hiện nét riêng và là nét đặc trưng mà chỉ cần nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến một địa điểm cụ thể nào đó tồn tại bản sắc văn hóa đó.
-
Từ các triều đại phong kiến ngày xưa ta có thể thấy rằng vua chúa, hoàng hậu, nô tì,… đều dựa vào trang phục để phân biệt cấp bậc, thứ hạng chức sắc của người đó
#2. Ý nghĩa của trang phục đẹp
-
Trang phục đẹp còn nói lên tính cách của người đó.
#3. Phản đề
-
Lên án giới trẻ hiện nay có những bạn chỉ đang trong độ tuổi đến trường nhưng ăn mặc lòe loẹt, hở hang, nhuộm tóc,…
-
Lối ăn mặc gây phản diện, mất thẩm mỹ, cũng như làm mất đi nét đẹp văn hóa đồng phục trong nhà trường.
Kết bài
-
Nhấn mạnh lại chúng ta cần lựa chọn những bộ trang phục sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh
Dàn ý nghị luận về trang phục và văn hóa – Mẫu 2
Mở bài
-
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
-
Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày càng được nâng cao hơn nữa. Ngày nay nhu cầu của con người không đơn giản là có cái ăn, cái mặc mà nhu cầu đó ngày càng được nâng cao hơn nữa đó là mặc sao cho đẹp cho ưa nhìn trong mắt người khác. Đẹp không chỉ thể hiện ở khuôn mặt, nụ cười, hàm răng, mái tóc, mà còn cả ở trong cách ăn mặc, trong trang phục thường ngày, và cả trong lối sống, cách ứng xử giao tiếp, văn hóa.
Thân bài
#1. Giải thích trang phục
-
Trang phục là những đồ vật bao gồm quần áo, giày, dép, phụ kiện,…
-
Trang phục là những vật bên ngoài có chức năng che chắn, bảo vệ cũng như làm đẹp cho con người.
#2. Giải thích văn hóa
-
Văn hóa là cách sống, cách ứng xử, là phạm trù đạo đức của con người hợp với các chuẩn mực, các quy tắc của xã hội.
#3. Ý nghĩa và mối liên hệ giữa trang phục và văn hóa
-
Trang phục và văn hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau
-
Trang phục là một nét đẹp của văn hóa, sự kế thừa giữa truyền thống và hiện đại.
-
Qua trang phục có thể nhận biết đó là văn hóa của quốc gia nào, dân tộc nào. Ví dụ áo dài, nón lá là của Việt Nam,…
-
Trang phục thể hiện văn hóa của người mặc
-
Thông qua trang phục có thể nhận biết tính cách của người mặc
-
Trang phục thể hiện gu thẩm mỹ về thời trang của mỗi người.
-
Làm thế nào để dung hòa giữa trang phục và văn hóa.
-
Lựa chọn trang phục phù hợp với chuẩn mực, lứa tuổi, hoàn cảnh, mục đích.
-
Trang phục đẹp là trang phục phù hợp với hoàn cảnh, với túi tiền của bản thân.
-
Cần phải trau dồi kỹ năng thời trang và cả nhân cách, lối sống, tâm hồn của bản thân.
-
Lên án những hành vi cố tình lựa chọn sai trang phục để đánh bóng tên tuổi, gây sự chú ý, làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Kết bài
-
Khẳng định lại mối quan hệ mật thiết giữa trang phục và văn hóa.
Dàn ý nghị luận về trang phục và văn hóa – Mẫu 3
Mở bài
+) Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Là trang phục và văn hóa.
Thân bài
1. Giải thích
+) Trang phục là những thứ mà chúng ta khoác lên mình hằng ngày nhằm mục đích quan trọng là bảo vệ cơ thể, bên cạnh đó cũng để làm tăng tính thẩm mỹ cao cho người mặc.
+) Trang phục thường bao gồm quần, áo, váy vóc, mũ nón, giày dép và những phụ kiện trang sức đi kèm.
+) Văn hóa là cách ứng xử, tính cách, phạm trù đạo đức của mỗi người phù hợp với những quy tắc và chuẩn mực đạo đức nói chung của xã hội.
+) Trang phục văn hóa là trang phục phù hợp với độ tuổi, công việc, hoàn cảnh và đời sống cộng đồng và quan trọng nhất phải lịch sự.
2. Biểu hiện mối quan hệ giữa trang phục và văn hóa
+) Trang phục cũng là một nét đẹp văn hóa, sự kế thừa, tiếp thu và phát triển giữa truyền thống và hiện đại.
+) Trang phục thể hiện trình độ văn hóa của người mặc.
+) Trang phục giúp nhận biết tính cách, phong cách của người mặc.
+) Trang phục thể hiện khả năng thẩm mỹ và sự tinh tế của người mặc.
+) Ý nghĩa của trang phục văn hóa:
– Làm cho người gặp cảm thấy ấn tượng ngay từ giây phút đầu tiên.
– Tạo cho mọi người cái nhìn thiện cảm và tích cực về bản thân.
– Tạo nên dấu ấn riêng của mỗi cá nhân.
– Được những đánh giá và nhận xét tốt từ những người xung quanh.
– Thể hiện được mức độ nhận thức, lối sống và trình độ văn hóa của bản thân.
– Chứng minh được phong cách, có khả năng thẩm mỹ của người mặc.
3. Bình luận
+) Hiện nay giới trẻ với nhiều phong cách nhưng vẫn ưa chuộng nhất là phong cách hở hang, hở những nơi nhạy cảm trên cơ thể.
+) Lựa chọn những bộ trang phục gây phản cảm để xuất hiện.
+) Cần biết cách dung hòa giữa trang phục và văn hóa:
+) Biết lựa chọn trang phục phù hợp.
+) Cần phải am hiểu thời trang và biết phối hợp phù hợp
+) Trang phục cần phải đảm bảo lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh và lứa tuổi.
+) Lấy ví dụ chứng minh:bác nông dân đi làm lại mặc váy và đeo giày cao gót hay đi lễ chùa lại mặc đồ hở hang, váy ngắn hay các cô giáo đi dạy học lại mặc đồ sặc sỡ, lòe loẹt hay những cụ già lại mặc đồ của tuổi teen,… thì sẽ như thế nào?
4. Bài học cá nhân về trang phục và văn hóa
+) Bản thân em cũng là một học sinh, khi đến trường em luôn lựa chọn đồng phục của nhà trường làm trang phục chính của mình. Bởi lẽ, nó phù hợp với độ tuổi học sinh, phù hợp với văn hóa và cả hoàn cảnh nữa, em cảm thấy đồng phục rất thoải mái, mát mẻ và gọn gàng để cho học sinh có thể di chuyển một cách linh hoạt.
+) Chúng ta nên biết cách lựa chọn trang phục sao cho đúng chuẩn mực và lịch sự nhất để bản thân trở nên tự tin và thoải mái khi học tập và làm việc.
Kết bài
+) Khẳng định lại vấn đề nghị luận là trang phục văn hóa.
+) Rút ra bài học cho chính bản thân mình.
Văn mẫu nghị luận về trang phục và văn hóa – Mẫu 1
Ông bà ta có câu “Cơm là gạo, áo là tiền”. Cơm và áo là hai thứ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam. Nó dường như được xem là một nét văn hóa vốn dĩ đã có từ xưa đến nay không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Như vậy, ta có thể thấy mặc dù cơm là thứ để chúng ta sinh tồn, nhưng ngoài cơm ra thì trang phục cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trang phục thời nay không những để mặc nó còn thể hiện sự sành điệu và đặc trưng văn hóa của một quốc gia
Vậy trang phục là gì? Trang phục chính là những đồ để mặc như quần áo, váy vóc,… Để đội như mũ, nón, khăn,… Hay để đi như giày, dép, ủng,… Ngoài ra, trang phục còn có thể thêm những phụ kiện khác như thắt lưng, găng tay, đồ trang sức,…. Chức năng cơ bản nhất của trang phục là bảo vệ thân thể. Không những thế trang phục còn có chức năng thẩm mĩ, làm đẹp cho con người. Trang phục còn thể hiện văn hóa vùng miền, văn hóa của từng quốc gia. Lý do là xuất phát từ những khác biệt về lịch sử, trình độ văn minh, kinh tế, địa lí, khí hậu, tín ngưỡng phong tục tập quán,… Trang phục còn giúp ta nhận biết được đẳng cấp và giai cấp của người mặc. Nếu như đã nói đến trang phục thì không thể không nói đến văn hóa. Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra dựa trên nền của thế giới tự nhiên. Văn hóa còn có thể được hiểu nôm na là phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và đức tin, tri thức được tiếp nhận. Vì vậy, chúng ta hay nói một người nào đó là có văn hóa, văn hóa cao hay vô văn hóa, văn hóa thấp.
Vậy, chúng ta có thể thấy rằng trang phục và văn hóa có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mỗi quốc gia đều có cho mình những bộ trang phục truyền thống của quốc gia đó, chẳng hạn như khi nói đến Áo dài người ta sẽ biết đó là trang phục truyền thống của Việt Nam, hay nói đến Hanbok người ta sẽ nhớ đến Hàn Quốc, hay Kimono thì nhớ đến Nhật Bản,… Bản sắc văn hóa nó thể hiện nét riêng và là nét đặc trưng mà chỉ cần nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến một địa điểm cụ thể nào đó tồn tại bản sắc văn hóa đó. Và mỗi trang phục ở mỗi nơi đều có cả một câu chuyện mang ý nghĩa riêng của nó. Mặc dù, hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại phát triển, có rất nhiều kiểu mẫu mã trang phục đa dạng, sành điệu, nhưng khi được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống ta lại cảm thấy có gì đó rất đặc trưng của đất nước mình không lẫn đi đâu được. Ta có thể cảm nhận được một phần nào đó sự trang trọng và tự hào với văn hóa lâu đời mà từ xưa đến nay ông bà ta đã giữ gìn cẩn thận đến tận bây giờ. Người xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức” có nghĩa là thông qua trang phục ta có thể biết một phần tư cách của người mặc nó, hay nói cách khác, áo quần làm sao văn hóa làm vậy. Từ các triều đại phong kiến ngày xưa ta có thể thấy rằng vua chúa, hoàng hậu, nô tì,… đều dựa vào trang phục để phân biệt cấp bậc, thứ hạng chức sắc của người đó. Vậy nên, ta khẳng định rằng văn hóa thời trang rất được coi trọng từ thời xưa. Đến nay, trang phục vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang, nó dường như được nâng lên một tầm cao mới, nó không chỉ vỏn vẹn là một bộ trang phục bình thường, nó còn là sự giao thoa văn hóa của các nước với nhau, thông qua các show diễn, báo đài,… Hay dựa vào những kiểu mẫu ngày xưa, người ta cách tân nó trở thành một bộ trang phục mới mẻ nhưng vẫn còn giữ được nét truyền thống của nó.
Ngoài ra, trang phục đẹp còn nói lên tính cách của người đó. Ví dụ như những người nhẹ nhàng, thích đơn giản thì họ thường mặc những bộ trang phục không quá cầu kì, đơn giản. Còn những người thích chăm chút vẻ bề ngoài, quan tâm đến từng chi tiết để mình được đẹp trong mắt mọi người thì họ thường mặc những bộ trang phục có nhiều họa tiết hoa văn sặc sỡ, kiểu cách cầu kì. Nhưng không phải vì thế mà ta đánh giá chung hết họ là người như vậy được, bởi vẫn có nhiều người ăn mặc, màu mè, lố lăng, điên rồ nhưng họ vẫn là người rất tốt, điển hình là cô ca sĩ người Mỹ nổi tiếng Lady Gaga, cô ấy có phong cách ăn mặc táo bạo, điên rồ, thậm chí là gây phản cảm đến người xem. Nhưng thực chất cô ấy lại là người rất tốt, hằng năm cô thường xuyên chi những con số rất lớn để giúp đỡ những người vô gia cư, những gia đình nghèo đói hay những trẻ em khuyết tật,…
Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó một số bộ phận, đặc biệt là giới trẻ hiện nay có những bạn chỉ đang trong độ tuổi đến trường nhưng ăn mặc lòe loẹt, hở hang, nhuộm tóc,… Gây phản diện, mất thẩm mỹ, cũng như làm mất đi nét đẹp văn hóa đồng phục trong nhà trường. Các bạn chạy theo phong trào làm lệch loạt đi những truyền thống văn hóa mà ông bà ta để lại, thậm chí có những bạn đem những bộ trang phục được coi là biểu tượng văn hóa của Việt Nam ra để cắt xẻ táo bạo rồi quay những video phản cảm khiến cho ai thấy cũng đều rất bức xúc. Hãy là một học sinh ngây thơ, nết na, trong sáng, hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Lựa chọn những bộ trang phục phù hợp giúp ta vừa đẹp vừa tinh tế trong mắt mọi người, không phải cứ kim cương hột xoàn, váy hiệu khoác lên người mới là đẹp, mà cái đẹp ở đây nó là cách cư xử, lối sống sao cho phù hợp với môi trường xung quanh. Nhắc đến lối sống làm tôi lại nhớ đến Bác Hồ chúng ta, một vị lãnh tụ vĩ đại thân thiện, mộc mạc. Bác luôn gây ấn tượng với mọi người bởi những bộ trang phục đơn giản, không cầu kì, chỉ một vài bộ kaki, cùng đôi dép cao su thương hiệu thôi cũng đủ toát lên khí chất một con người thánh thiện, hiền lành, đơn giản. Có lẽ chúng ta cần phải đưa những tấm gương như Bác nhiều hơn vào trong môi trường giảng dạy để giáo dục các em từ nhỏ cách giữ gìn văn hóa người Việt Nam đơn sơ, chất phát, mộc mạc và thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Có vậy, ta mới có thể giữ gìn những truyền thống văn hóa mà vốn bấy lâu nay ông bà cha mẹ chúng ta vẫn luôn cố gắng duy trì và giữ gìn nó. Đặc biệt, có những quy tắc trong trang phục mà ai cũng cần phải biết như khi đi đám tang ta nên mặc những bộ trang phục màu tối, lịch sự. Hay đến những nơi trang trọng như chùa, nghĩa trang, di tích lịch sử ta nên mặc kín đáo tránh gây phản cảm đến người mặc. Hãy là một người văn minh trong xã hội, đừng biến mình trở thành những người mà xã hội xa lánh, kì thị
Tóm lại, chúng ta cần lựa chọn những bộ trang phục sao cho phù hợp với hoàn cảnh, với điều kiện để hình thành nên một văn hóa lịch sự, trang trọng. Cũng như tiếp thu các văn hóa ở các nơi một cách văn minh và hài hòa nhất. Hãy hoàn thiện bản thân thông qua những bộ trang phục để chúng ta luôn luôn đẹp trong mắt tất cả mọi người.
Văn mẫu nghị luận về trang phục và văn hóa – Mẫu 2
Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày càng được nâng cao hơn nữa. Ngày nay nhu cầu của con người không đơn giản là có cái ăn, cái mặc mà nhu cầu đó ngày càng được nâng cao hơn đó là mặc sao cho đẹp cho ưa nhìn trong mắt người khác. Đẹp không chỉ thể hiện ở khuôn mặt, nụ cười, hàm răng, mái tóc, mà còn cả ở trong cách ăn mặc, trong trang phục thường ngày, và cả trong lối sống, cách ứng xử giao tiếp, văn hóa.
Ông cha ta đã có những câu nói từ xa xưa để khuyên dạy con cháu rằng: “Cái răng cái tóc là góc con người” hay “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, đây là câu nói muốn nhắn nhủ với thế hệ sau này rằng chúng ta phải biết cách ăn mặc, cách cư xử cho phù hợp với mọi người. Một trang phục đẹp không chỉ tôn lên vẻ đẹp thẩm mỹ của người mặc, mà còn giúp cho người đối diện có thế đánh giá được phần nào về văn hóa, tính cách của một người.
Đầu tiên chúng ta phải nói về trang phục. Trang phục là những đồ vật bao gồm quần áo, giày, dép, phụ kiện,… là những trang phục bên ngoài có chức năng che chắn, bảo vệ cũng như làm đẹp cho con người. Có nhiều loại trang phục khác nhau như: trang phục lễ hội, trang phục thể thao, trang phục mùa đông,… tùy vào hoàn cảnh, điều kiện thời tiết mà con người có thể lựa chọn cho mình loại trang phục cho phù hợp. Vậy nên trang phục không chỉ có tác dụng che chắn mà nó còn thể hiện gu thẩm mỹ, tính cách và văn hóa của mỗi người, mỗi quốc gia.
Văn hóa là cách sống, cách ứng xử, là phạm trù đạo đức của con người hợp với các chuẩn mực, các quy tắc của xã hội. Văn hóa bao hàm nhiều khía cạnh trong cuộc sống như lối sống, học vấn, trang phục đôi khi văn hóa còn là vấn đề tâm linh, tôn giáo. Vậy nên khi đánh giá một người, chúng ta cần nắm bắt nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người đó như là trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, lối sống, cách ăn mặc. Thế nhưng có lẽ ấn tượng đầu tiên về văn hóa của một người là cách ăn mặc, sử dụng trang phục của người đó. Trang phục gọn gàng, lịch sự, trang nhã sẽ mang đến thiện cảm cho người đối diện, ngược lại trang phục lố bịch, không gọn gàng có thể tạo ra ấn tượng xấu cho người khác trong lần đầu tiên tiếp xúc.
Khi tiếp xúc với một người, ấn tượng đầu tiên chúng ta bắt gặp, để lại sâu sắc trong lòng chúng ta nhất phải nói tới trang phục. Một trang phục lịch sự, gọn gàng, bắt mắt sẽ giúp chúng ta để lại một thiện cảm không nhỏ trong mắt người đối diện. Từ đó có thể thấy rằng, trang phục cũng góp một phần không nhỏ tạo nên những dấu ấn đầu tiên đối với mỗi người. Tiếp xúc với một người khác, chúng ta không chỉ để ý đến thái độ, đến cảm xúc của người đó, ta cũng sẽ để ý đến trang phục. Nếu trang phục vừa toát lên thần thái, vừa lịch sự, trang nhã, chắc hẳn hứng thú nói chuyện với người đó chẳng nhiều thêm một chút hay sao? Chúng ta cũng sẽ có những nhận xét rằng đó là một con người thân thiện và có văn hóa. Ngược lại, bắt gặp ở đối diện chúng ta một người với cách ăn mặc lố lăng, phản cảm, liệu chúng ta có thể đánh giá đó là một con người tốt đẹp được hay không?
Giữa văn hóa và trang phục luôn có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau là bởi lẽ trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chính những thói quen, khuynh hướng thẩm mỹ của con người trong từng giai đoạn đã phản ánh vào nhu cầu ăn mặc tạo ra các loại trang phục khác nhau. Như chúng ta được biết ở thời tiền sử người ta chỉ cần loại trang phục được làm từ vỏ cây, lá cây để che chắn các bộ phận nhảy cảm, thiết kế đơn giản, ngắn gọn dễ dàng sử dụng cho công cuộc săn bắt, hái lượm. Sau này con người bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp họ đã biết trồng trọt, tự cung tự cấp, nguồn thức ăn dồi dào, biết ăn chín uống sôi, nhu cầu giữ ấm và bảo vệ bản thân ngày càng tăng cao. Từ đó trang phục trở nên phong phú, đa dạng được làm từ các loại da, lông thú,… Từ những năm 2000 đổ lại đây sự xuất hiện của trang phục ngày càng phức tạp, có tính thẩm mỹ cao, quần áo nam nữ cũng được phân biệt với các kiểu họa tiết được thêu vẽ tinh tế, đặc trưng là kiểu ăn mặc có nhiều lớp áo lót bên ngoài. Kiểu trang phục này cũng gây ảnh hưởng đến một số các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Càng về sau sự phân hóa giữa các quốc gia càng rõ rệt, trang phục của mỗi nước ngày càng trở nên tinh tế và khác biệt phản ánh rõ nền văn hóa, cũng như những nét đặc sắc trong truyền thống của từng quốc gia, trở thành một biểu tượng của dân tộc.
Trang phục được tạo thành từ gu thẩm mỹ của mỗi con người, từ những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có những bộ trang phục đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng văn hóa của nước họ. Trang phục đó là một nét đẹp mang tính kế thừa, từ truyền thống cho đến hiện đại. Nếu nhắc đến áo dài, nón lá, áo tứ thân người ta sẽ nhớ đến Việt Nam, nhắc đến Kimono người ta sẽ nhớ tới Nhật Bản, nhắc tới sườn xám người ta nói đến Trung Hoa,…Chúng ta đã biết trang phục cũng là một phần đại diện cho văn hóa của một quốc gia. Trang phục góp phần làm nên diện mạo của văn hóa, ăn sâu vào nếp sống cũng như tâm trí mỗi con người ở đất nước ấy. Ví dụ như chiếc áo của dân tộc ta đã trải qua bao lần cách tân, thay đổi về kiểu dáng để phù hợp cho đến ngày nay và nón lá của Việt Nam ta từ bao đời nay đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Như vậy trang phục là một phần của văn hóa, là cách thức để lan tỏa văn hóa của dân tộc ra ngoài thế giới.
Tuy rằng ở mỗi thời kỳ, trang phục đều mang theo những đặc điểm riêng của văn hóa thời đại. Những chiếc áo bà ba, áo tứ thân, áo dài đã trở thành những nét truyền thống, cũng như văn hóa vùng miền. Ngày nay, xã hội phát triển hơn, những chiếc áo truyền thống không còn phổ biến, chúng ta có những bộ trang phục năng động hơn, gọn gàng hơn, hợp thời trang hơn. Thế nhưng trang phục truyền thống vẫn là nét văn hóa đã in sâu vào trong tâm trí của mỗi người. Mỗi dân tộc cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, trang phục của dân tộc mình.
Thông qua trang phục có thể giúp chúng ta có cái nhìn, đánh giá về tính cách của người khác thông qua trang phục họ mang trên mình. Như chúng ta đã biết trang phục được mặc trên người đều thể hiện gu thẩm mỹ của người đó. Một con người yêu thích sự đơn giản, thường xuyên mặc những bộ đồ đơn giản như áo phông, quần jeans thì đây là những người yêu thích sự giản dị, không cầu kỳ trong cách ăn mặc, họ cũng là người rất thân thiện. Hay những người thường xuyên mặc nhũng bộ trang phục bắt mắt, thời thượng, luôn cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất thì hẳn là một người quan tâm đến vẻ bề ngoài, họ là người chăm chút cho bản thân và là những người khá kỹ tính, họ có thể làm trong lĩnh vực liên quan đến nhiều cái đẹp. Qua đó trang phục cho chúng ta cái nhìn đầu tiên, ấn tượng đầu tiên khi lần đầu tiếp xúc với một con người. hoặc khi tiếp xúc với một người ăn mặc chỉnh chu, lịch sự, thì hẳn đó là con người có trình độ văn hóa khá cao. Bởi vì lẽ đó mà trang phục là lĩnh vực tinh tế của văn hóa, thông qua trang phục chúng ta có thể có cái nhìn, đánh giá về họ một cách khách quan. Những người có con mắt thẩm mỹ nên cách mặc trang phục của họ cũng trông rất lịch sự, bắt mắt, khiến cho người gặp họ cũng có những ấn tượng tốt đẹp hơn. Họ cũng rất dễ bắt chuyện và giao tiếp với mọi người hơn với vẻ bề ngoài đầy tự tin và cuốn hút như vậy. Vì trang phục một phần có thể đánh giá, nhận xét về một con người thông qua đó chúng ta cũng cần phải có cách thức lựa các trang phục, kết hợp chúng với nhau một cách hài hòa, tránh mặc những trang phục một cách lố lăng, phản cảm mà gây ấn tượng không tốt với người gặp lần đầu, hay trong những cuộc gặp gỡ, giao lưu thì chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn trong việc bắt chuyện với mọi người, thậm chí còn khiến cho mọi người tìm cách né tránh với kiểu ăn mặc như vậy. Còn có những người trang phục của họ mang trên mình lại rất luộm thuộm, nhếch nhác, khó coi trong mắt người khác, những người như này thường có tính cách cẩu thả, xuề xòa, trình độ nhận thức của họ còn thấp, cũng là người bị đánh giá là văn hóa chưa cao, không có chí cầu tiến.
Trang phục phải dung hòa với văn hóa, là thước đo phản ánh văn hóa vì vậy khi sử dụng trang phục phải phù hợp với hoàn cảnh, mục đích cũng như lứa tuổi. Chẳng hạn như đối với học sinh thì ăn mặc trang phục phải đúng đồng phục quy định của học sinh là quần tây, áo sơ mi trắng, hay quần xanh áo trắng, áo dài dành cho các bạn học sinh nữ cấp ba hoặc là mặc những trang phục do nhà trường quy định sao cho phù hợp với độ tuổi, lứa tuổi còn đang đến trường của các em. Qua các trang phục này chúng ta dễ nhận thấy và phân biệt được đâu là học sinh, qua đây cũng nói lên được văn hóa học đường được phát huy, duy trì rất tốt. Cần nghiêm cấm những trang phục không phù hợp với lứa tuổi cắp sách đến trường như khi các bạn còn học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông như quần jean, áo phông, hay mặc những bộ đồ bó sát, quần áo rách trên rách dưới,… Ngoài ra những người làm trong các doanh nghiệp, công ty, công nhân của công ty cũng có những trang phục riêng biệt nhằm tôn lên nét đẹp của người lao động vừa thể hiện được phong cách lịch sự, vừa nói lên được trình độ của người lao động. Chẳng hạn như các y, bác sĩ sẽ mang trên mình bộ đồ blue trắng, cảnh sát sẽ mang trên mình những bộ đồ màu xanh, những công nhân của các công ty thì sẽ mang trang phục theo một mẫu đồng nhất do công ty mình quy định.
Trong thời đại ngày nay sự phát triển du nhập của văn hóa nước ngoài đặc biệt là cách ăn mặc của giới trẻ hiện nay đang dần bị ảnh hưởng bởi cách đua đòi học theo của nước ngoài. Các bạn trẻ bây giờ không còn ăn mặc theo kiểu kín cổ cao tường, “tốt khoe xấu che” mà thậm chí còn rất phóng khoáng trong cách mặc trang phục tới mức lố lăng. Chúng ta rất dễ thấy hình ảnh đó bên ngoài đời sống thực tại hay trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về cách ăn mặc phải nói là “ hở bạo” của giới trẻ hiện nay. Ngày xưa cứ ăn mặc kín cổng cao tường là đẹp, ăn mặc rách trên rách dưới, hở một chút đã bị nói này nói kia, vậy mà ngày nay không ít người trong giới trẻ lại có xu hướng che càng ít lại càng đẹp. chúng ta dễ bắt gặp nhất là vào mùa hè với hình ảnh các chàng trai, cô gái trẻ trung, đẹp đẽ lại mang trên mình những bộ trang phục ngắn ngủn ngỡn, te tua, hở hang,… đến phát sợ. Các chàng trai mặc quần bò thí xé rách ở nhiều chỗ hở cả đùi, đồ lót, thậm chí mặc quần còn tụt đến nửa mông, không hiểu họ thấy đẹp ở chỗ nào. Chúng ta còn thấy hình ảnh các anh thì chỉ mặc mỗi cái quần đùi, cởi trần đi xe máy mà người thì ốm nhom trông không khác gì bộ xương di động,…còn nhiều chị thì mặc váy ngắn, váy xẻ hết cỡ, phía trên thì mặc những chiếc áo nịt có chiều rộng bằng đúng hai bàn tay khiến cho thân thể dưới hộ hết trông rất phản cảm. Cách ăn mặc như vậy ở trên phố đã khó chấp nhận, vậy mà nhiều cô, cậu trẻ còn mang cả vào trong chùa, nhà thờ, đền, miếu, những nơi luôn cần sự nghiêm trang kín đáo. Thử hỏi, như vậy dù họ có học, có văn hoá kiểu gì đi chăng nữa thì mọi người sẽ nhìn họ với con mắt ác cảm và đánh giá họ là những người… không có văn hoá, thậm chí là vô học, vô văn hoá.
Thế nhưng, chúng ta có dám nói rằng, quần áo, trang phục có thể nói lên hết được văn hóa của một con người hay không. Thì xin khẳng định với mọi người là không. Bởi vì văn hóa của một con người được đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ ở trang phục, mà còn được thể hiện qua cách ứng xử, giao tiếp, thái độ, lối sống, cách làm việc,… chúng ta không thể phụ nhận rằng cái nhìn đầu tiên về một người để lại ấn tượng cho chúng ta rất quan trọng. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá chủ quan thông qua trang phục mà vội nhận xét về một người, “xem mặt mà bắt hình dong”, đánh giá thiếu chính xác về một người qua cái nhìn đầu tiên mà có suy nghĩ, nhận xét về người đó thông qua trang phục, cách đi đứng, nói chuyện của họ là chưa chính xác. Bởi vì lẽ đó chúng ta phải đi sâu tiếp cận mới có thể hiểu hết được con người đó, chứ không nên đánh giá họ qua bề ngoài của trang phục.
Để bản thân luôn nhận được những cái nhìn thiện cảm, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người khác thì việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với bản thân, độ tuổi của mình hết sức quan trọng. Trang phục vừa giúp bản thân thể hiện được tính cách, lịch sự, trình độ nhận thức của bản thân. Người trẻ tuổi thì nên mặc những loại trang phục nào cho phù hợp, người trung niên và người cao tuổi thì nên mặc trang phục gì? Không dừng lại việc lựa chọn trang phục phù hợp với bản thân, độ tuổi mà còn phải phù hợp vào hoàn cảnh vừa phải lịch sự. Chẳng hạn như khi lựa chọn trang phục đi dự tiệc, lễ hội, chùa chiền thì chúng ta không nên mặc những bộ đồ rách dưới, hở hang, váy ngắn ngủn hay đi đến đám tang thì không nên mặc những bộ đồ ngắn, màu sắc sặc sỡ,… qua cách mặc trang phục trong từng hoàn cảnh mà mọi người sẽ nhìn nhận và đánh giá về bản thân người đó là người như thế nào, có văn hóa hay là không cũng một phần được thể hiện qua trang phục mà họ ăn mặc.
Chẳng hạn như chúng ta có thể lấy ví dụ cụ thể từ những vĩ nhân của lịch sử họ là những người thường có những trang phục rất là giản dị, đời thường phù hợp với tính cách, phù hợp với văn hóa của họ, điển hình ở đây là Hồ Chí Minh. Cuộc đời người là một cuộc đời bình dị của một Chủ tịch nước, sự mộc mạc, giản dị, chân phương. Chỉ với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su. Người đã sống một cuộc đời không hề tầm thường. Bất cứ ai nhìn vào Bác, bộ quần áo mà Bác mặc cũng bắt gặp trong đó hình ảnh của một con người đức độ, hiền lành, ẩn chứa một trí tuệ và sức chịu đựng phi thường.
Để bản thân hoàn hảo hơn trong mắt người khác thì chúng ta cũng nên trau dồi khả năng thời trang cho bản thân và nâng cao giá trị bản thân thông qua lối sống, cách ứng xử với mọi người xung quanh. Chúng ta bên cạnh tiếp thu những cái hay, cái đẹp, những xu hướng thịnh hành của thời trang từ bạn bè, mọi người xung quanh hay trên cách trang mạng, phim ảnh,… thì phải biết chọn lọc trang phục sao cho phù hợp với mình, học hỏi những cử chỉ, cách giao tiếp tốt mang lại hiệu quả cho bản thân. Đồng thời chúng ta cũng cần phải lên án phê phán đối với những người ăn mặc đi ngược lại với truyền thống văn hóa của người Việt chẳng hạn như phê phán thói ăn mặc “thiếu vải” của giới trẻ hiện nay đồng thời phê phán lối sống phóng khoáng, cách cư xử, ứng xử không có chừng mực, không biết trước sau của một số bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ ngày nay. Phê phán những hình ảnh mặc áo dài bó sát, thay đổi kiểu dáng của áo dài, may vải mỏng dính hay là hình ảnh mặc những chiếc áo yếm, tứ thân để chụp hình khỏa thân để lăng xê, đánh bóng tên tuổi của những bạn trẻ hay những người đang hoạt động trong lĩnh vực giải trí mà họ sẵn sàng đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của dân tộc.
Để có thể hòa hợp giữa trang phục và văn hóa, chỉ cần một chút tinh tế, một chút thẩm mỹ là có thể tạo nên cho mình một bộ trang phục đẹp. Bởi lẽ ăn mặc đẹp không phải là cứ khoác lên mình những bộ cánh sang trọng, đắt tiền mà là từ lối sống, từ tính cách, hoàn cảnh. Việc chọn trang phục phù hợp với chúng ta không chỉ làm cho chúng ta đẹp mà còn thể hiện bản thân là người có văn hóa nữa. Chúng ta phải tỉnh táo để bản thân không trở thành nạn nhân của những cuộc chạy đua thời trang, nạn nhân của những món nợ vì đua đòi mua những chiếc túi hàng hiệu. trang phục đẹp phải đi kèm với văn hóa, đừng vì đánh bóng tên tuổi mà ăn mặc phản cảm, dị hợp, thiếu văn hóa.
Chúng ta luôn biết rằng xu hướng thời nay không chỉ là ăn no, mặc ấm mà phải là ăn để thưởng thức và mặc thì phải đẹp, chạy theo thời trang là nhu cầu tất yếu của mỗi người, nhất là trong khi điều kiện kinh tế đã cho phép thì vấn đề mặc đẹp càng cần thiết. Thế nhưng chúng ta, nhất là giới trẻ chúng ta phải ăn mặc sao cho kín đáo, tế nhị mà vẫn thời trang, vẫn đẹp. Đừng sai lầm khi nghĩ rằng cứ ngắn, cứ xẻ, cứ hở hang,… là đẹp, là mốt và thời trang, bởi nếu vậy chính những bộ trang phục ấy sẽ tự hạ thấp bạn trước con mắt của mọi người. Đối với trang phục của phụ nữ, nhất là giới trẻ, thì điều cơ bản là làm sao khi mặc nó toát lên những nét đẹp vốn có và che những chỗ cần thiết trên cơ thể. Lựa chọn trang phục sao cho hợp với thân hình mình, toát lên cả nét văn hóa của người mặc nói riêng và của người Việt Nam nói chung.
Văn mẫu nghị luận về trang phục và văn hóa – Mẫu 3
Trong xã hội ngày càng hiện đại và phát triển thì nhu cầu của con người đòi hỏi ngày càng cao, họ không chỉ đòi hỏi về vật chất mà còn còn cả tinh thần. Vì thế, những bộ trang phục ngày càng trở nên quan trọng đối với họ. Bởi lẽ, những bộ trang phục mà mình thường mặc hay khoác lên mình hằng ngày không chỉ thể hiện thẩm mỹ của người mặc mà chúng còn thể hiện sự văn hóa qua cách chọn đồ phù hợp và tinh tế. Cũng chính vì thế mà ông bà ta đã có câu: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” để phản ánh được tầm quan trọng của trang phục và đồng thời cũng nói lên một phần nào đó lối sống và phong cách của người đó.
Vậy thì trang phục là gì? Trang phục là những thứ mà chúng ta khoác, mặc lên người mình hằng ngày nhằm mục đích quan trọng là bảo vệ cơ thể, bên cạnh đó cũng để làm tăng tính thẩm mỹ cao cho người mặc. Trang phục thường bao gồm quần, áo, váy vóc, mũ nón, giày dép và những phụ kiện trang sức đi kèm,… Có rất nhiều trang phục được thiết kế với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau, đa dạng và phong phú để đáp ứng nhu cầu sở thích, phong cách của mỗi người. Văn hóa là cách ứng xử, tính cách, phạm trù đạo đức của mỗi người hợp với những quy tắc và chuẩn mực đạo đức nói chung của xã hội. Vậy thì như thế nào là trang phục văn hóa? Trang phục văn hóa là trang phục phù hợp với độ tuổi, công việc, hoàn cảnh và đời sống cộng đồng và quan trọng nhất phải lịch sự. Không những thế mà trang phục văn hóa còn thể hiện được quan điểm, tư tưởng, tính cách, phong cách và cách nhìn nhận của người mặc. Thế thì giữa trang phục và văn hóa có mối quan hệ như thế nào? Trang phục cũng là một nét đẹp văn hóa, sự kế thừa, tiếp thu và phát triển giữa truyền thống và hiện đại. Từ đó mà chúng ta có thể nhận diện được đó là trang phục đại diện cho nền văn hóa của quốc gia, dân tộc nào. Ví dụ như áo dài gợi cho chúng ta nhớ đến con người, đất nước Việt NAM thân thiện. Kimono thì cho chúng ta liên tưởng đến xứ sở hoa anh đào Nhật Bản hay Hanbok làm cho ta nhớ đến xứ sở kim chi Hàn Quốc. Không những vậy còn rất nhiều trang phục đại diện cho các nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới nữa, mỗi một bộ trang phục đều có một nét đẹp riêng, không giống nhau cũng chính vì thế đã tạo nên được những bộ trang phục mang đậm chất văn hóa và truyền thống của mỗi nơi. Trang phục từ trước tới nay luôn được con người sử dụng để bảo vệ thân thể nhưng ngày nay với sự hiện đại và phát triển thì có thể thấy được rằng chọn trang phục phù hợp còn giúp người mặc thể hiện được khả năng thẩm mỹ và sự tinh tế, khéo léo của bản thân. Bên cạnh đó, trang phục còn giúp thể hiện trình độ văn hóa, tính cách của người mặc. Trang phục văn hóa sẽ tôn vinh được một phần nào đó lối sống và phong cách của con người đó. Vậy nên để đánh giá một người thì người ta không những dựa vào nhận thức, trình độ văn hóa mà còn cả khía cạnh trang phục của người đó.
Bình thường như hàng ngày chúng ta gặp rất nhiều người nhưng điều làm cho chúng ta cảm thấy ấn tượng ngay từ giây phút đầu tiên đó chính là trang phục mà chúng ta đang mặc. Một bộ trang phục lịch sự, gọn gàng, trang nhã sẽ giúp chúng ta ghi điểm tốt và để lại một cái nhìn thiện cảm trong mắt người đối diện. Từ đó, cho chúng ta thấy được rằng trang phục góp phần tạo nên dấu ấn riêng của bản thân. Chính chúng ta cũng vậy, khi tiếp xúc với người nào đó chúng ta không chỉ không chú ý đến thái độ, đến cách cư xử của người đó mà chúng ta còn để ý đến trang phục mà họ đang mặc. Nếu đó là một bộ trang phục lịch sự, gọn gàng, nhã nhặn thì chắc hẳn chúng ta rất muốn được bắt chuyện và nói chuyện lâu hơn một chút nữa hay là chúng ta sẽ có những lời nhận xét, đánh giá tích cực về người đó hơn như họ rất thân thiện và có văn hóa. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta bắt gặp những con người ăn mặc thiếu văn hóa, lôi thôi, lố lăng hay phản cảm thì chúng ta có thể nghĩ họ tốt đẹp được hay không? Từ những phân tích trên ta có thể thấy được hai khía cạnh tưởng chừng không liên quan đến nhau nhưng lại có một mối quan hệ mật thiết, trang phục và văn hóa không thể tách rời nhau mà chúng bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Trang phục giống như một người bạn luôn luôn đồng hành cùng với chúng ta mỗi ngày, cũng là nơi để lại ấn tượng đầu tiên khi ta tiếp xúc với người khác. Một bộ trang phục có văn hóa không chỉ thể hiện thẩm mỹ của người mặc mà còn phải lịch sự, phù hợp với công việc, hoàn cảnh và độ tuổi của người mặc. Cụ thể như các bác nông dân đi làm lại mặc váy và đeo giày cao gót hay đi lễ chùa lại mặc đồ hở hang, váy ngắn hay các cô giáo đi dạy học lại mặc đồ sặc sỡ, lòe loẹt hay những cụ già lại mặc đồ của tuổi teen, như vậy ta có thể thấy những bộ trang phục ấy có phù hợp và thuận tiện cho công việc hay không? Tất nhiên là không rồi đúng không nào các bạn vậy nên lựa chọn trang phục phù hợp để mặc khi đi làm là điều rất cần thiết đối với mỗi con người… Qua những ví dụ cụ thể trên giúp cho ta thấy được trang phục cũng góp phần quan trọng tạo nên một phần văn hóa của con người trong cuộc sống hằng ngày.
Ngày nay, xã hội ngày càng tiên tiến và hiện đại áo bà ba hay áo tứ thân vốn là những bộ trang phục mang đậm nét truyền thống và văn hóa của từng vùng miền không còn phổ biến như trước nữa mà thay vào đó là những bộ trang phục đẹp mắt, gọn gàng, thanh thoát và năng động hơn. Nhưng bên cạnh đó, các trang phục phản cảm cũng lần lượt xuất hiện và cũng được một bộ phận giới trẻ ưa chuộng, họ cho rằng những bộ đồ đó mới làm nổi bật được vẻ đẹp trên cơ thể của họ. Phần lớn giới trẻ không hiểu biết lại cho rằng những bộ đồ càng hở nhiều thì càng đẹp, thậm chí là hở luôn cả những chỗ nhạy cảm trên cơ thể mình. Tuy nhiên thì không phải như vậy mà những bộ trang phục họ khoác lên mình không thể làm cho họ đẹp lên mà nó còn làm cho họ trở nên thiếu văn hóa và gây ánh nhìn không tốt trong mắt người đối diện. Vì thế mà không phải cứ hở hang là đẹp, chúng ta cần phải biết tiếp nhận cái mới nhưng cũng cần phải chú ý phải phù hợp với văn hóa. Một đất nước có văn hóa mới là một đất nước giàu mạnh. Nhưng không phải lúc nào ta cũng chỉ nhìn nhận, đánh giá người khác qua một bộ trang phục. Bởi vì văn hóa được tạo nên từ những khía cạnh khác nhau không chỉ qua trang phục mà còn qua lối sống, thái độ, cách cư xử giữa người với người,… Thế nhưng ta lại không thể phủ nhận rằng từ cách ăn mặc mà ta có thể đánh giá được rất nhiều từ cái nhìn đầu tiên với một con người. Không phải lúc nào có người ăn mặc xấu xí thì họ cũng luôn làm những việc không tốt hay lối sống của họ thiếu văn hóa được. Trang phục thể hiện văn hóa của người mặc, nhưng cũng đừng chủ quan mà đánh giá thiếu chính xác hoặc đánh giá sai về một người nào đó. Đôi khi chúng ta không thể nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá hay phán xét được con người bên trong của họ mà cần phải tiếp xúc và tìm hiểu để có thể hiểu hết được con người đó chứ không nên đánh giá qua vẻ bề ngoài và cách ăn mặc hay trang phục có nhiều tiền đắt đỏ hay không. Có những người ăn mặc rất giản dị, mộc mạc nhưng ẩn sau đó là một tâm hồn lương thiện, luôn giúp đỡ người gặp khó khăn. Nhưng cũng có những người khoác lên mình những bộ cánh hàng hiệu đắt đỏ hàng trăm triệu nhưng họ luôn coi thường người khác, ích kỷ không biết chia sẻ giúp đỡ những người nghèo, những người gặp khó khăn. Thông qua phân tích trên ta có thể thấy trang phục không phải là tất cả, chúng chỉ có thể phản ánh văn hóa của con người nhưng nó cũng chỉ phản ánh được một phần mà thôi. Quan trọng nhất vẫn là tâm hồn và nhân cách đạo đức của mỗi con người mới góp phần tạo nên văn hóa của bản thân. Vậy làm cách nào để có một bộ trang phục văn hóa? Một việc tưởng chừng như rất khó để làm thế nhưng hoàn toàn không phải vậy. Chỉ cần một chút tinh tế, sự am hiểu về thời trang và biết cách chọn và phối hợp chúng sao cho phù hợp với sở thích, hoàn cảnh thì dĩ nhiên chuyện tạo cho mình một bộ trang phục đẹp, thể hiện tính cách, văn hóa của bản thân là một chuyện rất dễ dàng. Ăn mặc đẹp không phải là cứ khoác lên mình một bộ trang phục thật đắt tiền mà cái đẹp ở đây xuất phát từ trong tâm hồn, trong cách sống và trong cách ứng xử của mỗi con người. Bản thân tôi cũng từng là một học sinh, khi đến trường em luôn lựa chọn đồng phục của nhà trường làm trang phục chính của mình. Bởi lẽ, nó phù hợp với độ tuổi học sinh, phù hợp với văn hóa và cả hoàn cảnh nữa, em cảm thấy đồng phục rất thoải mái, mát mẻ và gọn gàng để cho học sinh có thể di chuyển một cách linh hoạt. Đến ngày hôm nay khi tôi không còn ngồi trên ghế nhà trường nữa mà đó là một chiếc ghế vô cùng quý giá khi tôi đã trở thành một giáo viên mầm non. Trước khi đến lớp tôi vẫn không bỏ qua bước chọn đồ sao cho phù hợp và lịch sự với cái nghề của mình, đừng nói mầm non không biết phân biệt đẹp xấu mà thay vào đó thì trẻ rất biết đánh giá về trang phục khi cô lên lớp. Đó là những lời khen ngợi hay chê bai nhưng cũng đáng để suy nghĩ khi ta lựa chọn trang phục, không những là trẻ con mà còn tiếp xúc với cả phụ huynh các cháu nên họ có thể nhìn nhận đánh giá một phần nào đó về tính cách hoặc cách chăm sóc con của họ. Ta thấy đơn giản vậy đấy nhưng trang phục cũng là một phần quyết định và đánh giá đạo đức của một người. Ngoài ra không chỉ riêng tôi mà các bạn nữa khi đi xin việc ở một nơi sang trọng hay công ty nào đó thì một người ăn mặc đàng hoàng lịch sự, nhã nhặn với người ăn mặc hở hang, lố lăng hay không gọn gàng thì các bạn sẽ chọn ai. Chẳng ai mà lại chọn một người mới đến mà ăn mặc hở hang để làm trong môi trường lịch sự và chuyên nghiệp cả. Vậy nên chúng ta cần phải biết lựa chọn trang phục đúng mục đích, đúng nơi và phù hợp với công việc của mình để tránh các ánh nhìn xấu không tốt về bản thân. Biết là không quan tâm những lời nói bên ngoài hoặc mình thấy đẹp là được nhưng đôi lúc mình phải kiềm chế lại những suy nghĩ này để bản thân có thể trở nên hoàn thiện và tốt hơn về mọi mặt. Trang phục đẹp phải giúp người mặc cảm tự tin, thoải mái nhất khi mặc. Trang phục văn hóa không phải là trang phục đắt tiền mà là trang phục phải lịch sự, phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh. Đồng thời, cũng đừng chạy theo xu hướng thời trang mới mà không nghĩ đến có phù hợp với khả năng chi trả của bản thân mình không và cũng đừng tự biến mình trở thành những người thiếu văn hóa, không có ý thức khi khoác lên mình những bộ trang phục gây phản cảm, hở hang, lố lăng, dị hợm.
Trang phục phải gắn liền với văn hóa. Một bộ trang phục văn hóa phải lịch sự, gọn gàng, phù hợp với lứa tuổi, tính cách và hoàn cảnh. Tránh ăn mặc phản cảm, hở hang, chưng diện quá mức. Đồng thời hãy nên biết cách làm thế nào để phối đồ sao cho phù hợp với tính cách của bản thân và phù hợp với văn hóa. Vì thế, hãy luôn chú ý đến trang phục của chính bản thân mình để bản thân luôn nhận được những điều tốt đẹp và thành công hơn trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta hãy ăn mặc sao cho phù hợp với lứa tuổi của mình. Ăn mặc đẹp, gọn gàng, lịch sự không chỉ giúp ta đẹp, tự tin và thoải mái hơn mà còn giúp cho mọi người thấy được ta là người có văn hóa.
Tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ Anh năm 2010, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy về Tiếng Anh. Nguyễn Võ Mạnh Khôi là một trong những biên tập viên về mảng ngoại ngữ tốt nhất tại VerbaLearn. Mong rằng những chia sẽ về kinh nghiệm học tập cũng như kiến thức trong từng bài giảng sẽ giúp độc giả giải đáp được nhiều thắc mắc.