Nghị luận về tình mẫu tử: Dàn ý & bài văn mẫu chọn lọc

✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về tình mẫu tử. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo. Mong rằng qua đề văn này, các bạn học sinh sẽ hiểu hơn về thứ tình cảm thiêng liêng này và đặc biệt hãy yêu thương, tôn trọng mẹ của mình hơn nữa.

Bài viết liên quan

Dàn ý nghị luận về tình mẫu tử

Dàn ý gồm 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài được trình bày theo 4 luận điểm chính như sau:

  • Giải thích khái niệm tình mẫu tử
  • Biểu hiện của tình mẫu tử
  • Vai trò và ý nghĩa của tình mẫu tử
  • Trách nhiệm của mỗi người trước tình mẫu tử

Dàn ý nghị luận về tình mẫu tử – Mẫu 1

Mở bài

  • Giới thiệu về tình mẫu tử
  • Nhấn mạnh tình mẫu tử có vai trò đặc biệt quan trọng

Thân bài

#1. Giải thích
  • Giải thích tình mẫu tử: Là thứ tình cảm ruột thịt giữa mẹ và đứa con của mình.
  • Tình mẫu tử là sự hinh sinh vô điều kiện của người mẹ dành cho con,
  • Tình mẫu tử là sự yêu thương và tôn kính của đứa con dành cho người mẹ của mình.
#2. Vai trò tình mẫu tử
  • Tình mẫu tử giúp đời sống tinh thần đầy đủ, ý nghĩa hơn
  • Tình mẫu tử bảo vệ đứa con khỏi những cám dỗ của cuộc đời
  • Tình mẫu tử là điểm dựa tinh thần và tiếp thêm động lực cho ta mỗi khi gặp khó khăn.
  • Niềm tin, động lực và là mục đích sống cho những nổ lực và sự khát khao của cá nhân.
#3. Biểu hiện tình mẫu tử
  • Mẹ luôn là người che chở, nâng đỡ cho con từ những ngày đầu chập chững.
  • Khi lớn lên, mẹ là người luôn luôn sát cánh bên cạnh con trên con đường đầy gian lao và thử thách.
  • Người mẹ dành cả cuộc đời để lo lắng cho con mà không cần bất cứ sự đền đáp nào cả
  • Người mẹ luôn tha thứ mọi lỗi lầm của con
  • Sự kính trọng, quan tâm và lo lắng của người con khi người mẹ bị ốm đau bệnh tật.
#4. Giữ gìn tình mẫu tử
  • Tôn trọng mẹ và khắc ghi những công ơn sinh thành từ mẹ.
  • Hoàn thành tốt công việc và trở thành người có ích cho xã hội.
  • Lắng nghe thấu hiểu mẹ và luôn tôn trọng mẹ.

Kết bài

  • Khẳng định lại vai trò của tình mẫu tử.

Dàn ý nghị luận về tình mẫu tử – Mẫu 2

Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình mẫu tử.

Thân bài

#1. Giải thích
  • Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất giữa mẹ và con, thể hiện sự yêu thương, gắn bó, bao bọc của người mẹ dành cho con.

#2. Biểu hiện
  • Mẹ là người yêu thương con vô điều  kiện, che chở, lo lắng cho con những lúc ốm đau.

  • Tập cho con những bước đi chập chững từ khi còn bé.

  • Mẹ có tấm lòng rộng lượng như  Bồ tát, luôn tha thứ mọi lỗi lầm cho con.

  • Mẹ cũng có thể là một người bạn để tâm sự cùng con.

– Dẫn chứng ý nghĩa của tình mẹ: 

  • Trong văn học: Người đàn bà (Chiếc thuyển ngoài xa), Bà cụ Tứ ( Vợ nhặt ).

  • Trong cuộc sống: Người mẹ Nguyễn Thị Liên dù bị ung thư nhưng vẫn không chữa trị để sinh con.

#3. Bình luận
  • Phê phán những người có lối sống vô ơn, bất hiếu, nặng lời, trách móc với mẹ, không quan tâm mẹ.

  • Lên án với những người mẹ sinh ra vứt bỏ con mình hoặc giết con mình, đó là hành động vô cùng tàn nhẫn của tình mẫu tử.

#4. Bài học cá nhân về tình mẫu tử
  • Biết yêu thương mẹ nhiều hơn người đã mang nặng đẻ đau để sinh ra mình.

  • Cần dành thời gian nói chuyện tâm sự với mẹ, quan tâm đến mẹ để mẹ cảm thấy được vui vẻ và hạnh phúc.

  • Cố gắng ra sức học tập rèn luyện, cố gắng trong mọi công việc, rèn luyện bản thân mình để mẹ được yên lòng.

Kết bài

Tình mẫu tử là thứ quý giá nhất trên đời mà không gì có thể sánh được, nên hãy yêu thương mẹ khi còn có thể, trân trọng công sinh thành mà cha mẹ đã dành cho ta.

Nghị luận về tình mẫu tử

Văn mẫu nghị luận về tình mẫu tử

Nghị luận về tình mẫu tử – Mẫu 1

Trong cuộc sống chúng ta ai cũng có những thứ tình cảm trân quý dành riêng cho mình như tình yêu nam nữ, tình bạn bè, tình cảm vợ chồng,… nhưng chắc rằng mỗi chúng ta ai cũng xem tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp bao la vô tận nhất mà không có tình cảm nào có thể thay thế được.

Bài văn mẫu nghị luận về tình mẫu tử số 1

Tình mẫu tử là tình cảm của người mẹ dành cho những đứa con thân thương của mình luôn chăm lo, nuôi dưỡng từ khi sinh con ra cho đến khi con trưởng thành vượt qua bao nhiêu gian lao, khó khăn thử thách của cuộc đời để mang lại những điều kiện sống tốt nhất cho con của mình

Hay cho câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Chỉ với hai câu thơ ngắn nhưng đã chứa đầy tình yêu thương, triết lý, khẳng định tình mẫu tử bền chặt son sắc qua điệp từ “dù, vẫn”. Hai từ này giúp khẳng định rằng con có lớn, có trưởng thành đi chăng nữa thì con vẫn là con của mẹ. Tình yêu thương của mẹ, tấm lòng của mẹ vẫn theo con đến suốt cuộc đời. Mẹ mãi mãi là điểm tựa tình thần vững chắc của con. Mẹ truyền cho con hơi ấm của tình thương yêu, mạch nguồn dân tộc để tiếp thêm sức mạnh để vững bước tới tương lai tươi đẹp ở phía trước.

Từ xưa đến nay mỗi khi nhắc đến hình tượng người mẹ, mỗi chúng ta luôn nghĩ đến tình cảm bao la, rộng lớn như biển cả, chân thành đầy ấm áp chứa chan bao tình yêu thương chở che của mẹ dành cho những đứa con yêu dấu của mình. Thật cao quý và may mắn cho những ai đang còn mẹ ở bên. Tình mẹ cũng chính là tình mẫu tử một tình cảm thiêng liêng, quý giá xuất phát từ tâm hồn long lanh đẹp như ánh trăng soi sáng cả bầu trời, diu ngọt như dòng suối mát trong mẹ dành cho những đứa con bé bỏng của mình. Khi con còn thơ bé, từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được bàn tay mẹ chăm sóc, dỗ dành, nâng niu. Khi bắt đầu với những bước đi chậm chững đầu tiên cũng chính mẹ dìu dắt con đi. Khi đi học mẹ luôi dõi theo con đứng ở ngoài lớp học khi con bắt đầu với những buổi học đầu tiên và bắt đầu rời xa vòng tay của mẹ, mẹ sợ con lạ lẫm với bạn bè và thầy cô, sợ con khóc đòi mẹ. Khi con làm sai, còn ham chơi mà không chú tâm vào việc học làm những điều phiền lòng nhưng mẹ không la mắng mà ân cần chỉ dạy đó chỉ có thể là tình mẹ. Để đáp lại tình cảm bao la đó những người con không ngừng nổ lực học tập thật tốt để có tương lai tươi đẹp, thành công trong cuộc sống để đền đáp công ơn sinh thành của mẹ.Nhưng tình con dành cho mẹ không bao giờ bằng được công sinh thành dưỡng dục ấy. Sự tuyệt diệu của tình mẫu tử mà không ai có thể lý giải được, đó là đức hi sinh không gì có thể so sánh được. Mẹ dành tình cảm cao quý, sự hi sinh khắc khổ của cuộc sống để mang đến cho con một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì con cái phải đáp lại bằng sự hiếu thảo tôn kính đến mẹ của mình. Mẹ không bao giờ đòi hỏi nhiều ở các con thì con chỉ thầm mong con được thành đạt, hạnh phúc thì đó là niềm vui sự mãn nguyện của mẹ rồi. Con là tất cả niềm tin yêu, niềm hi vọng, hoài bảo ước mơ của mẹ, tất cả những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống mẹ đều dành hết cho con. Mẹ như ánh trăng soi sáng khắp bầu trời, bóng mát trên cao, như dòng sữa ngọt ngào. Cuộc đời thật đẹp biết bao khi cho ta có mẹ và được sinh ra trên đời dưới sự bao bọc chở che của mẹ. Vì vậy mới có câu của nhà thơ Nguyễn Duy: “ Ta đi trọn kiếp con người, cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” Tình mẹ bao la rộng lớn như biển cả, một thứ tình cảm đẹp thiêng liêng mà không thứ tình cảm nào có thể sánh được. Dù ta có trưởng thành, khôn lớn đi chăng nữa thì mẹ vẫn dõi theo yêu thương đùm bọc,che chở động viên ta vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời, mẹ là điểm tựa tình thần vững chắc khi ta vấp ngã. Mẹ là người bạn tâm sự,  gửi gắm những lời yêu thương, là động lực để con vững bước thành công trong cuộc đời. Mẹ đã vất vả, tần tảo làm việc chỉ để có tiền nuôi dưỡng các con. Có thể nói cuộc đời của con chính là những trang nhật ký mang dấu ấn của mẹ.

Bên cạnh những người con hiếu thảo thì có những người con bất hiếu, báo hại gia đình làm mẹ buồn, mẹ khóc bất lực với những điều sai trái mà con đã làm. Rất nhiều bạn trẻ không chăm lo học tập, rèn luyện, phấn đấu trong học tập mà ăn chơi lêu lỏng theo bạn bè làm những việc vi phạm pháp luật, gây hại cho xã hội, làm phiền lòng gia đình. 

Chữ hiếu nó vô hình không thể đong đếm được. Nó được thể hiện qua những hành động cụ thể như những dòng tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe, sự chăm sóc phụng dưỡng khi mẹ về già mà thôi,… Nhưng người con lại nghĩ nó thật xa vời nằm ngoài tầm của họ và quên luôn có mẹ đang ở quê xa ngóng trông con cái gọi điện về nhà. Biết rằng ngoài kia những người con luôn gồng mình với công việc bận rộn, lo toan cuộc sống mưu sinh hằng ngày vất vả, ít có thời gian hỏi thăm, quan tâm mẹ. Nhưng các bạn hãy nhớ rằng ba mẹ nuôi ta không bao giờ quên không bao giờ bận, không bao giờ quên việc chăm sóc nuôi dưỡng chung ta cả. Nhiều người con bất hiếu với cha mẹ ruột của chính mình khi ba mẹ về già không còn đủ sức để làm việc thì các con hãy giữ trọn đạo hiếu phụng dưỡng chăm sóc, nhiều gia đình đông con lại đùn đẩy lẫn nhau, kể công lao chăm sóc nuôi dưỡng, sợ bản thân mình thiệt thòi. Vậy mới có câu mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày. Chính vì vậy phận làm con luôn biết hiếu kính với mẹ và thấu hiểu những khó khăn, vất vả và mẹ phải chịu đựng để cảm thông biết nỗ lực sống tốt, sống có ích, đền đáp công ơn sinh thành chứ không phải trưởng thành rồi còn làm mẹ quan tâm lo lắng ngược lại.

Cuộc đời của chúng ta như một hành trình trải nghiệm có vấp ngã, có đứng lên, có thất bại mới có thành công. Ta gặp rất nhiều người hành trình kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình nhưng có mấy ai đủ để ta tin tưởng và dựa vào. Nhưng luôn có một người sẵn sàng nhìn ta bước đi, nắm tay ta khi ta vấp ngã. Người vĩ đại đó chính là mẹ với một tình mẫu tử cao đẹp. Trong đời sống mỗi con người đều có nhiều thứ tình cảm khác nhau như tình cảm ông bà, anh chị em, tình bạn, tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương đất nước nhưng tình cảm mà thiêng liêng vĩnh cửu nhất có vị trí đặc biệt trong lòng mọi người bao giờ cũng là tình mẫu tử. Thứ tình cảm mà mỗi người con sinh ra đều gắn bó suốt cả cuộc đời. Mẹ luôn yêu thương, bao bọc chở che cho ta từ khi sinh ra cho tới khi đã trưởng thành. Tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp là thế, vô cùng tự nhiên, thứ tình cảm được lưu truyền từ đời này sang đời khác được xem là một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Thứ tình cảm ấy ngày càng sâu đậm, được tôn vinh được các nhà thơ nhà văn lấy làm cảm hứng sáng tác viết lên những câu chuyện gắn liền tình mẫu tử để làm bài học cho những thế hệ trẻ về sau để trân quý tình cảm gia đình đặc biệt là tình mẫu tử.

Tình mẫu tử thiêng liêng hơn bất cứ thứ tình cảm nào trong cuộc sống. Vì vậy hãy sống sao cho xứng đáng với tấm lòng người mẹ, sống trọn đạo hiếu làm con các bạn nhé. Chúng ta tiếp nối và phát huy truyền thống đạo hiếu với các bậc sinh thành dưỡng dục mà trước giờ dân tộc ta đã gìn giữ và lưu truyền cho tới ngày nay.

Nguồn: Verbalearn.com

Nghị luận về tình mẫu tử – Mẫu 2

Cuộc đời là một hành trình dài, có vấp ngã, có thành công và cũng có những đau thương, có những người đến với chúng ta có người đi và cũng có người ở lại. Nhưng vẫn có người luôn nắm tay ta cho dù chúng ta có thành công hay thất bại, luôn mong cho chúng ta có được những điều tốt đẹp nhất cho dù có như thế nào đi chăng nữa. Người đó chính là mẹ, mẹ luôn dành cho chúng ta tình yêu thương vô bờ bến, là người luôn nắm tay ta kể từ khi cất tiếng khóc đầu tiên, không gì có thể cân đo đong đếm được tình thương của mẹ dành cho con cái cả và đó chính là biểu hiện của tình mẫu tử. Tình mẫu tử cũng được thể hiện qua hai câu thơ của Chế Lan Viên:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Hai câu thơ có ý nghĩa sâu lắng chứa đựng tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho đứa con của mình. Nó thể hiện một vẻ đẹp thiêng liêng, nỗi niềm tâm gan của người mẹ. Như khẳng định rằng cho dù một ngày nào đó mẹ không còn trên cõi đời này thì tình yêu thương của mẹ vẫn sẽ mãi dõi theo từng bước chân của con. Với người mẹ đứa con như lẽ sống để sinh tồn, chân lý ấy quy luật ấy mãi không thay đổi.

Nếu có ai đó hỏi tôi “tình mẫu tử là gì?” thì có lẽ tôi sẽ không thể nào kể hết được những gì mà mẹ đã làm và không có một thứ gì có thể đo được tình cảm của mẹ dành cho con. Tình mẫu tử là một tình cảm thiêng liêng cao quý bởi đó chính là sự gắn kết giữa mẹ và con cái. Mẹ là người mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, nhiều lúc tưởng chừng như chết đi sống lại của người phụ nữ, để rồi hạnh phúc tột cùng khi nghe tiếng khóc của con và chưa dừng lại ở đó công lao sinh thành đã đáng quý thì công lao dưỡng dục còn đáng quý hơn. Điều gì khiến cho họ lại trở nên mạnh mẽ như vậy, phải chăng đó chính là sức mạnh của tình mẫu tử, vâng đó chính là tình mẫu tử là tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con của mình kể từ khi đứa con ấy chưa tượng hình đến lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay. Tình cảm của mẹ dành cho con là vô điều kiện, đối với mẹ chỉ cần con lớn lên và khỏe mạnh đó chính là món quà to lớn. Tình mẫu tử cũng là sự tôn kính, hiếu thảo của người con dành cho mẹ, người đã tần tảo nuôi con khôn lớn thành người.

Không có mâm cơm nào ngon bằng mâm cơm của mẹ, không có bài hát nào hay bằng câu hát ru của mẹ và không có chiếc giường nào ấm bằng chiếc giường của mẹ. Mẹ là người dạy con cách ăn dạy con cách mặc dạy con những bước chân chập chững đầu đời, là người ôm con vào lòng những lúc con khóc là người chắp cánh ước mơ cho con, dẫn dắt con đi qua cuộc đời đầy chông gai bão táp, là người hết lòng tận tuỵ những lúc con ốm đau, cho dù vất vả, đắng cay hay là trắng tay.

Có những lúc mẹ càm ràm nhắc nhở con phải học bài, càm ràm vì con không chịu ăn cơm, hay vì con mải mê ham chơi với đám bạn mà không chịu về nhà. Nhưng đằng sau những tiếng càm ràm đó là sự quan tâm lo lắng cho con, mẹ thức thâu đêm chăm sóc mỗi khi con ốm đau. Đối với một số người đó là những thứ vô cùng bình thường trong cuộc sống, nhưng đối với những số phận kém may mắn không còn mẹ bên cạnh nữa thì có muốn nghe cũng không thể nào nghe được.

Mặc cho cuộc sống có khó khăn đến thế, cho dù phải vất vả đối mặt với cuộc sống để kiếm tiền nuôi con ăn học, hay phải thức nhiều đêm vì cơm áo gạo tiền nhưng mẹ vẫn lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Để rồi khi lớn lên mẹ cũng là người cùng con vượt qua bao thử thách của cuộc sống, là người luôn tha thứ cho mọi lỗi lầm của con, luôn dang cánh tay chào đón con trở về nhà.

Ai trong chúng ta cũng đều có những ước mơ cho riêng mình và mẹ của chúng ta cũng thế. Mẹ đã hy sinh biết bao ước mơ, hoài bão và cả tuổi xuân của mình, mẹ là người chấp nhận sẵn sàng hy sinh mọi thứ kể cả sinh mạng chỉ để dành cho con những điều tốt nhất mà mẹ có thể.

Bên cạnh những tình cảm của mẹ dành cho con thì tình mẫu tử còn là những lo lắng của con, luôn mong muốn mẹ có được hạnh phúc. Thế nên bài hát “Chưa bao giờ mẹ kể” của Châu Đăng Khoa cũng thể được những vất vả của người mẹ và những quan tâm lo lắng của người con dành cho mẹ. Đối với con mẹ là người duy nhất không gì có thể thay thế được, bài hát còn thể hiện được tình cảm của con đối với mẹ, luôn muốn mẹ được an nhiên vui vẻ sau những tháng ngày hy sinh thầm lặng. Những hy sinh vất vả của mẹ con luôn khắc ghi trong lòng và khi khôn lớn con sẽ trở thành người có ích để không phụ những mong mỏi của mẹ.

Làm sao có thể kể hết được vai trò của tình mẫu tử. Tình mẫu tử có sức mạnh to lớn là chỗ dựa tinh thần cho ta thêm sức mạnh vượt qua đầy rẫy những cám dỗ, những khó khăn ngoài xã hội. Mẹ chính là động lực cho ta vững bước trên con đường tương lai, bởi chúng ta biết rằng một điều dù thế giới có đối xử với chúng ta như thế nào thì vẫn có một người là mẹ luôn ở phía sau lưng dang rộng cánh tay chào đón con quay về. Mẹ như ánh sáng soi đường cho chúng ta mỗi khi ta lầm đường lỡ bước, mẹ như người thầy, người bạn chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống. Cuộc sống của con sẽ ra sao nếu không có mẹ, thật không dám tưởng tượng những ngày như thế, bởi cuộc sống sẽ chẳng dễ dàng nếu một mai thức dậy nhưng mẹ lại không còn bên cạnh chúng ta nữa. Chúng ta chỉ có một cuộc đời và hãy sống để không phải hối hận vì những gì mà ta đã bỏ lỡ. Vì vậy, những ai đang còn mẹ hãy nói lời yêu thương với mẹ khi còn có thể, hãy ôm mẹ vào lòng như mẹ đã ôm chúng ta những thơ bé mẹ đã làm và xin đừng làm mẹ buồn nhé.

Đối với mẹ, chúng ta chính là cả nguồn sống, là chỗ dựa tinh thần, là tài sản vô giá, sẽ chẳng có gì làm mẹ hạnh phúc hơn khi một mai được nhìn thấy các con có thể thành công và hạnh phúc.

Bên cạnh tình cảm to lớn đó cũng có những người mẹ chỉ vì một vài phút nông nổi  của tuổi trẻ mà dẫn tới những hành động đau lòng đó họ nhẫn tâm vứt bỏ đứa con do mình mang nặng đẻ đau để rồi thứ họ để lại đó là vết thương lòng không bao giờ có thể chữa được. Và cũng có một số người lợi dụng tình mẫu tử để đánh đập, hành hạ con luôn áp đặt những tư tưởng suy nghĩ bảo thủ lên con cái, không cho con cái tự do phát triển làm những điều mà chúng muốn. Một vấn đề cũng cần phải lên án đó chính là có những người vô tâm thờ ơ với mẹ cha, vô số lần có những hành động thái độ lỗi đạo, đối xử tệ bạc với cha mẹ, không chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi cao sức yếu, thậm chí còn có những con người vì cha mẹ nghèo mà oán trách, thậm chí đua đòi phá phách khiến cho cha mẹ đã khổ lại thêm khổ. Tuy đó chỉ là một thành phần nhỏ trong xã hội, nhưng cũng cần phải lên án và cần có những biện pháp trừng trị thích đáng để hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn.

Có những thứ mất đi rồi chúng ta mới biết quý trọng. Những ai còn mẹ xin đừng làm mẹ buồn, bởi thời gian đang dần lấy đi sức khỏe của mẹ, những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt của mẹ, và những sợi tóc bạc đang dần chiếm chỗ. Vì vậy, là một người con hãy cố gắng học tập thành người để không phụ lòng công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Là người con được sinh ra và nuôi dưỡng trong vòng tay mẹ, bản thân mỗi chúng ta ai cũng phải biết yêu thương và trân trọng người mẹ bên cạnh mình. Tuy nhiên, sự hồn nhiên của tuổi trẻ hay phút đắm chìm trong công việc ta bỗng vô tâm đến mức bỏ quên mẹ, quên lời hỏi han mẹ những khi trái gió trở trời, quên những cuộc điện thoại về nhà và không ở bên mỗi lúc mẹ buồn. Hãy cố gắng nói lời yêu thương và bày tỏ lòng mình với mẹ khi còn có thể vì ai cũng biết cuộc sống là hữu hạn, thời gian sẽ không bao giờ quay trở lại nếu như bạn bỏ lỡ nó, mọi sai lầm đều phải trả giá, vì vậy hãy trân trọng và yêu thương mẹ bạn nhé.

Tóm lại tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và cao quý. Và đến một ngày nào đó mỗi chúng ta đều sẽ trở thành những bậc cha mẹ và tiếp tục ban tặng cho thế hệ mai sau tình yêu thương cao đẹp của mình.

Nguồn: Verbalearn.com

Nghị luận về tình mẫu tử – Mẫu 3

Con người Việt Nam chúng ta có rất nhiều phẩm chất tình cảm tốt đẹp được lưu truyền từ bao đời nay, phát triển qua các thế hệ như tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, tình bạn, tình thầy trò,… Trong đó, không có tình cảm nào thiêng liêng cao quý bằng tình mẫu tử. Chúng ta được sinh ra và lớn lên là nhờ tình yêu thương, che chở, đùm bọc vô bờ bến của mẹ. Mẹ có nghĩa là mãi mãi và cho đi không bao giờ đòi lại. Vậy bạn yêu mẹ mình nhiều như thế nào? Bạn có thể hiểu được những giá trị đích thực của tình mẫu tử thiêng liêng là vô giá ấy chưa?

“Nước biển Đông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”

Nếu cha là cánh chim chắp cánh cho con tới mọi chân trời mơ ước thì mẹ là bông hồng thơm ngát để con cài lên ngực. Dù cả thế giới có quay lưng với ta nhưng chỉ có duy nhất một người luôn chờ ta ở phía cuối con đường, luôn dang rộng vòng tay yêu thương chào đón, luôn sẵn sàng bao dung che chở, sẵn lòng vị tha nhân hậu ấm áp khi ta vấp ngã, khi ta cần đó không ai khác chính là mẹ. “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” vậy tình mẫu tử là tình cảm vô bờ bến của người mẹ dành cho con của mình, tình cảm ấy lớn lao, cao cả, thiêng liêng là bởi mẹ là người mang nặng đẻ đau sinh ra ta, mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng bằng lời ru tiếng hát, bằng dòng sữa ngọt ngào ấm áp và đong đầy yêu thương, bởi những công ơn sinh thành và nuôi dưỡng to lớn mà không có núi cao biển rộng nào có thể sánh được.

“Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Ai cũng có một người mẹ và tình mẹ đã rất gần gũi, quen thuộc, thân thiết với mỗi chúng ta. Mẹ tần tảo sớm hôm lo lắng từng bữa cơm, giấc ngủ cho ta, nuôi dưỡng ta nên người, mẹ như một vị Bồ tát, như ánh sao rực rỡ soi sáng cuộc đời ta, làm sao có thể nào nói hết những công lao to lớn, vĩ đại ấy được, không thể nào gánh hết được những vất vả, nhọc nhằn mà mẹ đã hy sinh tất cả vì con.

“Một đời vốn liếng mẹ trao

Cho con tất cả mẹ nào giữ riêng”

Vì con mẹ một đời lam lũ, vì con mẹ gánh hết đau buồn, ta đã từng thấm thía tình mẫu tử qua những hình tượng nhân vật người mẹ trong các tác phẩm như: Bà cụ Tứ, người mẹ già nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu thương con cái, luôn lo lắng, suy nghĩ cho con mình; có một người đàn bà làng chài tuy ít học nhưng đã âm thầm chịu đựng, hy sinh cam chịu những trận đòn roi vô lý từ người chồng vũ phu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu để giữ cái nhìn trong trẻo về cuộc sống cho các con mình. Tình mẫu tử là một thứ tình cảm luôn che chở, cưu mang, bao dung, độ lượng, luôn hy sinh cam chịu trong mọi hoàn cảnh, âm thầm gánh chịu những đau khổ vì con, vất vả đau khổ là thế nhưng ta chưa bao giờ thấy mẹ kêu ca, than vãn, hay đổ lỗi cho số phận mà vẫn kiên trì bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tần tảo với mưa gió trên ruộng đồng, lam lũ vất vả giữa chợ đời, gánh hàng rong trĩu nặng đôi vai để nuôi các con ăn học thành tài, không thua kém bạn bè đồng trang lứa.

“Dấu chân mẹ dãi dầu thân cát bụi

Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời”

Mẹ chưa từng đòi hỏi các con phải trả ơn, đền đáp, cũng chưa từng đem sự hy sinh của mình để đem ra đong đếm. Điều mà mẹ mong muốn nhất là sự trưởng thành, khôn lớn của các con, dù mẹ bạn là ai, như thế nào đi chăng nữa, làm nghề gì thì vẫn là mẹ của con, là người dành cho bạn những tình cảm lớn lao nhất, những điều tốt đẹp nhất. Mỗi lần cất tiếng gọi mẹ là lòng ta lại trào dâng biết bao cảm xúc, mẹ chỉ là một từ ngắn gọn thôi mà thiêng liêng biết bao, không những là người nuôi dưỡng, chăm sóc mà mẹ còn là người thầy đặc biệt chỉ dạy ta những điều hay lẽ phải, là người bạn chia sẻ với ta những tâm sự, kinh nghiệm sống, động viên khích lệ những lúc ta gục ngã, buồn đau, thất bại trong học tập, cuộc sống. Vòng tay mẹ là nơi bình yên nhất để ta được sà vào lòng mẹ, là chỗ dựa tinh thần vững chắc khi ta vấp ngã trên đường đời, dù mai sau lớn khôn, chúng ta vẫn luôn nhớ mãi những lời căn dặn, nhắn nhủ, nhớ mãi những cái xoa đầu dịu dàng, cái ôm ấm áp của mẹ cùng những lời động viên. Mẹ cũng là người cho ta thêm động lực để ta có niềm tin hơn vào cuộc đời, tiếp thêm sức mạnh để ta vượt qua khó khăn trở ngại, âm thầm theo dõi và cỗ vũ cho ta trên con đường chinh phục ước mơ của mình. Vì vậy mỗi khi ta thất bại trên đường đời, bạn muốn tìm về nơi mà đong đầy sự yêu thương trìu mến ấy của mẹ để được nghe lời an ủi, khuyên răn, vỗ về và đầy ấm áp ấy. Chắc hẳn chúng ta sẽ thấy được bình yên, che chở và đùm bọc trong vòng tay ấm áp ấy của mẹ khi ngoài kia là cuộc sống xô bồ, tấp nập bon chen nhau thì chẳng có ai tuyệt vời như mẹ chúng ta cả.

Bạn có biết không? Mẹ luôn là người hướng dẫn, đồng hành với chúng ta, chuẩn bị cho ta những hành trang vững chắc để bước vào đời. Dù cuộc sống có trăm bề gian khổ nhưng mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn, chỉ có khi ta lớn lên và rời xa vòng tay của mẹ, tự bước trên con đường của mình, tự làm một người cha người mẹ có được gia đình riêng chỉ có lúc đó bạn mới thực sự hiểu được sự vĩ đại của mẹ và thật tâm cảm ơn mẹ biết ơn mẹ rất nhiều. Một mẹ có thể nuôi mười đứa con nhưng mười đứa con không thể nuôi được mẹ, đúng vậy cuộc sống này là vậy nhưng hãy biết yêu thương mẹ nhiều hơn bằng những tình cảm hoặc một thứ gì đó dù là nhỏ nhất cũng làm cho mẹ cảm thấy an lòng. Như thời gian vừa qua những câu chuyện về một người mẹ mắc bệnh ung thư quái ác giai đoạn cuối nhưng lại từ chối điều trị để cho con mình được chào đời khỏe mạnh đã trở thành câu chuyện đẹp nhất về tình mẫu tử thiêng liêng, quý giá, sự hy sinh vô điều kiện ấy đã chạm vào trái tim của mỗi người và đó cũng chính là lời nhắc nhở chân thành nhất về sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ mình. Đó tựa như những câu chuyện cổ tích đang tồn tại giữa cái cuộc sống tấp nập này đem đến bao nhiêu cảm xúc về tình mẫu tử cao quý của những người mẹ đã quyết định đem tất cả sự sống của mình dành tặng hết cho con, giữa ranh giới sự sống và cái chết, những người mẹ ấy vẫn lựa chọn hy sinh bản thân mình để bảo vệ cho đứa con máu mủ của mình. Năm 2019 không giống như những đứa trẻ khác Đỗ Bình An đến với thế giới này bằng chính sự đánh cược sự sống của người mẹ Nguyễn Thị Liên (Hà Nam), ý chí của người mẹ ấy đã làm nên sự kì diệu, cả hai mẹ con được điều trị tích cực và trở về với cuộc sống đời thường.

Không biết các bạn thế nào nhưng khi về nhà người đầu tiên tôi gọi và đi quanh nhà đó chính là mẹ, cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được vì sao mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của mẹ tận tụy đứng trong bếp nấu ăn cho gia đình, khi mẹ tần tảo bươn chải để kiếm tiền mà quên luôn cả ăn tôi lại cảm thấy nghẹn lòng, ấm áp lạ thường. Đến tận bây giờ tôi vẫn mong khi mẹ đi làm về để được ngắm nhìn và thấy mẹ hằng ngày đó là niềm vui của tôi , sự hy sinh của mẹ là quá lớn, mẹ đã hy sinh sắc đẹp, tuổi xuân để cho chúng ta một cuộc sống tốt nhất, có thể dù cuộc đời có giàu hay nghèo, chỉ cần có mẹ đã là điều hạnh phúc nhất trên cuộc đời này. Cho nên mỗi chúng ta cần phải biết tôn trọng, yêu thương chăm sóc, giành thời gian quan tâm, trò chuyện để thấu hiểu những công lao, những vất vả của mẹ. Có bao giờ bạn đã để ý đến việc tóc mẹ mình đã bạc đi hay có những vết chân chim, những nếp nhăn nơi khóe mắt hay chưa. Qua những câu chuyện trên thì trong cuộc sống cũng có một số người vô tâm và quá là tàn nhẫn, chúng ta cần phải phê phán những con người bất hiếu đối xử tệ bạc với cha mẹ, không làm tròn chữ hiếu,thấy xấu hổ vì nghề nghiệp của cha mẹ ta, đổ lỗi trách móc những vật chất chưa đầy đủ mà mẹ đã đem lại. Nhưng bạn ơi! Có khi nào bạn thử hỏi mẹ rằng mẹ có mệt không, hay mẹ ăn gì chưa, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, hỡi những ai đang còn mẹ ở bên hãy biết ơn, biết quý trọng, hiếu thảo, trân trọng từng giây phút. “ Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không ” mỗi mùa vu lan báo hiếu đến ngày của mẹ 10/5 ta hãy dành chút thời gian để nói lời yêu thương, mua quà, nấu những món ăn ngon tặng mẹ khi còn có thể. Những hành động nhỏ thôi nhưng thật ý nghĩa, thể hiện sâu sắc sự biết ơn công lao to lớn mà mẹ dành cho con.

Quả thật, tình mẫu tử cao cả và đong đầy yêu thương, những người mẹ sẽ mãi mãi là nơi che chở ấm áp và vững chắc cho các con, những hy sinh to lớn không kể đền đáp của mẹ ấy sẽ mãi là hành trang tốt nhất theo con đến hết cuộc đời:

“Ôi mẫu tử bao la ơn sâu nặng

Nặng ân tình thơm ngát vạn tình thương”.

Vậy nên những ai may mắn được sống trong tình yêu thương của mẹ hãy trân trọng nó từng ngày.

Nguồn: Verbalearn.com

Mạnh Khôi

Tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ Anh năm 2010, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy về Tiếng Anh. Nguyễn Võ Mạnh Khôi là một trong những biên tập viên về mảng ngoại ngữ tốt nhất tại VerbaLearn. Mong rằng những chia sẽ về kinh nghiệm học tập cũng như kiến thức trong từng bài giảng sẽ giúp độc giả giải đáp được nhiều thắc mắc.