Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là gì? Ví dụ dàn ý, cách làm bài cụ thể

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn đọc câu hỏi Nghị luận về một tư tưởng đạo lý là gì? Bên cạnh đó, bài viết cũng cung cấp cho bạn đọc các làm bài cùng dàn ý và bài mẫu để tham khảo. Kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê nhé!

1. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý

1.1. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý là gì?

Nghị luận về một tư tưởng đạo lý là quá trình kết hợp những thao tác lập luận để bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo lý, lẽ sống của con người. Một số những vấn đề thường được đưa vào đề thi như: lý tưởng sống, mục đích sống, lòng nhân ái, vị tha, sự độ lượng, tính trung thực, dũng cảm chăm chỉ, cần cù, tình mẫu tử, tình anh em, tình thầy trò, tình bạn, tình đồng bào…

Đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý khá đa dạng, có thể nêu rõ yêu cầu nghị luận, có thể chỉ đưa ra vấn đề nghị luận nhưng không đưa ra yêu cầu cụ thể nào; có đề nêu trực tiếp vấn đề nghị luận, có đề lại gián tiếp đưa ra vấn đề nghị luận qua danh ngôn, ngạn ngữ, câu chuyện ngụ ngôn…

Với dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý, các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng đó là:

– Thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa của vấn đề, các nghĩa tường minh, hàm ẩn…

– Thao tác lập luận phân tích để chia tách vấn đề thành nhiều khía cạnh, nhiều mặt và chỉ ra các biểu hiện cụ thể của vấn đề;

– Thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề. Sử dụng các dẫn chứng lấy từ thực tế hoặc trong thơ văn để chứng minh

– Thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ để đối chiếu với các vấn đề khác cùng hoặc ngược hướng, phủ định cách hiểu sai lệch, bàn bạc tìm ra phương hướng…

 

1.2. Các dạng đề nghị luận tư tưởng đạo lý thường gặp

Nghị luận về một tư tưởng đạo lý thường gặp hai kiểu: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý trong một nhận định hoặc nghị luận về một phẩm chất, tính cách, trạng thái tâm lý…

Đề bài của dạng bài này thường có một số dạng cụ thể như sau:

– Nêu rõ yêu cầu nghị luận trong đề bài

– Chỉ đưa ra vấn đề nghị luận mà không có yêu cầu cụ thể

– Nêu trực tiếp vấn đề nghị luận

– Gián tiếp đưa ra vấn đề nghị luận qua một câu danh ngôn, một câu ngạn ngữ hay một câu chuyện.

 

2. Khái quát các bước làm một bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý

2.1. Cách làm thứ nhất

Bước 1: Giải thích về tư tưởng, đạo lý được nêu trong đề bài

Ở bước này, cần phải giải thích được các từ ngữ trọng tâm, sau đó giải thích các nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); sau đó phải rút ra được ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lý hoặc quan điểm của tác giả qua những câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ. Nếu đề bài là một câu chuyện, cần phải tóm tắt câu chuyện để rút ra được tư tưởng, đạo lý mà nó muốn truyền tải.

Bước 2: Bàn luận về tư tưởng, đạo lý đó

– Cần phải phân tích và chứng minh được sự đúng đắn của tư tưởng đạo lý. Từ đó nêu lên tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đó với đời sống xã hội (cần phải dùng các dẫn chứng trong cuộc sống để chứng minh)

– Phê phán những hành vi sai trái liên quan đế vấn đề này: bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý (có thể có dẫn chứng minh hoạ)

Bước 3: Mở rộng

– Mở rộng bằng cách đào sâu vào vấn đề

– Mở rộng bằng cách lật ngược lại vấn đề: đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó và công nhận cái đúng đắn; nếu vấn đề bình luận sai thì cần lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng và bảo vệ nó.

Ở phần mở rộng này, tuỳ vào từng đề bài cũng như khả năng của mỗi cá nhân để tự vận dụng các kiến thức của mình vào đây.

Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động

 

2.2. Cách làm thứ hai

Bước 1: Giải thích

Ở phần này thường là sẽ giải thích các từ khoá, giải thích ý nghĩa cụ thể của cả câu. Qua đó có thể rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lý, quan điểm của tác giả thể hiện qua câu nói.

Bước 2: Phân tích

Cần phải trả lời được câu hỏi tại sao vấn đề này đúng (hoặc không đúng), đồng thời đưa ra được các dẫn chứng thực tế để có thể chứng minh được sự lập luận của mình, bàn luận một cách sâu sắc, có sức thuyết phục đối với người đọc

Bước 3: Bác bỏ

Ở phần này sẽ lật ngược vấn đề vừa bàn luận ở trên, nếu vấn đề đúng thì đưa ra mặt trái của nó. Ngược lại, nếu như vấn đề sai hãy lật ngược lại bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng và phủ định cái sai

Bước 4: Bình luận, đánh giá

Cần đưa ra những đánh giá xem vấn đề đó là đúng hay sai, có phù hợp với xã hội hiện tại hay không, nó có tác động như thế nào đến con người và xã hội

Bước 5: Bài học nhận thức và hành động

Cần phải rút ra được bài học cho chính bản thân, sau đó là đưa ra bài học với cộng đồng, với xã hội, thuyết phục mọi người cùng hành động.

 

3. Ví dụ về dàn ý, cách làm bài nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý cụ thể

Đề bài mẫu: Nghị luận xã hội về sự khoan dung

3.1. Dàn ý mẫu

I – Mở bài

– Dẫn dắt vấn đề: Mỗi con người trong cuộc đời này đều có những đức tính vô cùng tốt đẹp

– Nêu vấn đề nghị luận: Một trong những đức tính mà mỗi người cần có để tự hoàn thiện nhân cách bản thân chính là sự khoan dung

II – Thân bài

1. Giải thích: sự khoan dung là gì?

– Khoan dung: có tấm lòng rộng mở, độ lượng, biết tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác mắc phải khi người ta biết sửa chữa, khắc phục lỗi của mình

– Sự khoan dung – đức tính tố đẹp để xã hội trở nên văn minh, yêu thương hơn

2. Tại sao con người cần có sự khoan dung?

– Con người không ai là hoàn hảo, chúng ta ai cũng đã từng có lần mắc phải sai lầm trong cuộc đời nên cần phải học cách khoan dung với mọi người

– Khoan dung sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp, mọi người sống nhẹ nhàng, chân thành, cởi mở…

– Khoan dung giúp cho mối quan hệ giữa người với người trong xã hội trở nên tốt đẹp hơn

– Khoan dung còn là cách để động viên, an ủi người khác và chính bản thân mình sau mỗi lỗi sai

– Khoan dung giúp con người nhận được sự kính trọng từ người khác

– Khoan dung gợi nên những phẩm chất tốt đẹp khác của con người

3. Biểu hiện của sự khoan dung

– Cha mẹ tha thứ cho những lỗi lầm của con cái mắc phải khi chúng biết sửa lỗi, luôn bên cạnh động viên, khích lệ và ủng hộ

– Pháp luật có những sự khoan hồng đối với phạm nhân khi mà họ cải tạo tốt và biết nhận ra những sai lầm để sửa chữa, để trở thành người lương thiện khi trở về với xã hội

– Bạn bè tha thứ cho nhau khi giận hờn

– Thầy cô tha thứ cho những lỗi lầm của học trò khi học trò biết sửa đổi

….

4. Cần làm gì để có được sự khoan dung

– Mỗi người cần phải học cách tha thứ, mỉm cười đương đầu với khó khăn

– Suy nghĩ theo hướng tích cực, nhìn đời bằng con mắt lạc quan

– Lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông với những người xung quanh

– Liên hệ bản thân

III – Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề: khoan dung là một đức tính cao đẹp, là cách để cuộc sống có nhiều sự yêu thương

– Bài học: Hãy luôn sống giàu sự khoan dung và vị tha, biết thấu hiểu nhau hơn. Nếu như mỗi người biết đặt bản thân vào vị trí của người khác thì cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều.

 

3.2. Bài viết mẫu

Người xưa thường hay nói “nhân vô thập toàn” bởi là con người thì chẳng có ai là hoàn hảo, chưa từng phạm phải sai lầm trong cuộc sống. Pierre Benoit đã từng nói: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác”. Quả thực, sự khoan dung chính là một đức tính quan trọng giúp cuộc sống trở nên đáng sống và nhiều ý nghĩa hơn.

Khoan dung là sự rộng lòng tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rộng ra đó là sự bao dung, sự vị tha, biết đùm bọc, che chở, hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích của tập thể. Sự khoan dung không phải là một điều gì đó quá cao siêu mà nó gần gũi ngay trong cuộc sống thường nhật. Khoan dung với người thân, bạn bè và với chính bản thân mình là điều cần thiết để có thể tạo nên sự gắn bó, thấu nhau hơn. Sự khoan dung còn là cưu mang, giúp đỡ những người đi lầm đường, đưa họ về với cuộc sống tốt đẹp.

Khoan dung là một trong những phẩm chất tốt đẹp để có thể tạo dựng lên một mối quan hệ thân thiết cũng như tình cảm giữa người với người. Một người biết khoan dung sẽ chẳng bao giờ chấp nhặt với những lỗi lầm nhỏ mà người khác gây ra cho mình. Bởi vậy mà cuộc sống của họ sẽ trở nên thoải mái, dễ chịu hơn bởi họ chẳng phải giải quyết những mâu thuẫn, xung đột xảy ra với những người xung quanh. Cũng bởi thế mà họ nhận được tình cảm yêu quý, cảm mến của nhiều người. Hơn nữa, sự khoan dung còn tiếp thêm nghị lực sống, giúp những người mắc lỗi biết hướng thiện, sửa sai. Ví dụ, với những người được ra tù trở lại với xã hội, nếu như họ nhận được sự cảm thông của những người xung quanh thì sẽ có thêm động lực để làm lại cuộc đời, để có một cuộc sống tốt đẹp và trở thành một công dân có ích cho xã hội. Thế nhưng có những người bị xã hội kì thị, chính điều đó đã đẩy họ lại với con đường tội lỗi, tạo thành một vòng lặp luẩn quẩn mà họ chẳng thể nào thoát ra được. 

Tuy nhiên, sự khoan dung không đồng nghĩa với việc trao đi vô điều kiện mà cần phải đúng người, đúng sự việc. Sự khoan dung không thể dành cho những kẻ cố ý giết người, những người cố tình vi phạm pháp luật nhiều lần mà không biết ăn năn, hối lỗi. Với những trường hợp ấy cần có những sự trừng phạt thích đáng, mang tính răn đe. Cần phải nhớ rằng khoan dung là tha thứ cho những người biết nhận ra lỗi lầm và thay đổi chứ không đồng nghĩa với việc bao che, nhân nhượng với những hành vi xấu, cái ác trong cuộc sống. Lúc đó, sự khoan dung vô tình lại tiếp tay cho cái xấu, cái ác trong cuộc sống.

Sự khoan dung chính là thái độ, là lẽ sống cao đẹp với mỗi người. Chúng ta hãy biết khoan dung bởi đó chính là cách hữu hiệu nhất giúp cuộc sống của chúng ta bình yên, hạnh phúc hơn.

Hy vọng bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi.