Một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình khu vực Tây Nam Bộ

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; đại diện Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội LHPN 13 tỉnh/thành Tây Nam Bộ; các chuyên gia đến từ các trường Đại học, Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã nhấn mạnh, mục đích Hội thảo là xác định một số vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình và trẻ em khu vực Tây Nam Bộ; trên cơ sở đó, Hội sẽ ra những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao trình độ mọi mặt, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Báo cáo trình bày tại Hội thảo chỉ rõ, các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng gia đình, phụ nữ và trẻ em ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ hiện nay có nhiểu bất cập, khó khăn: Trong lĩnh vực chính trị, nhiệm kỳ 2011-2016 chỉ có 1/13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 15% nữ tham gia BCH Đảng bộ, trong đó tỉnh Long Anđạt tỷ lệ thấp nhất với 3,77%. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động chỉ đạt 67,6%, thấp hơn 19,3% so với nam giới (87,0%). Mức chênh lệch tỷ lệ nam – nữ tham gia lực lượng lao động này hiện là cao nhất so với các vùng miền trong cả nước (khu vực Đông Nam Bộ là 17,1%; Tây Nguyên là 7,8%; Trung du và miền núi phía Bắc là 3,0%). Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ chiếm 7,9% so với nam là 11,3% (số liệu chung của nữ là 14,3%). Đây được xác định là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm các công việc giản đơn của phụ nữ như: bán vé số, sửa móng chân tay, vật lý trị liệu, làm việc trong các quán karaoke, nhà hàng…. Không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp cao (60,2%) hơn so với nam trong cùng khu vực (39,8%), và cao nhất trong cả nước (đồng bằng sông Hồng là 41,1%, Đông Nam bộ là 48,6%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 45,6%).

Tây Nam bộ cũng là khu vực có tình trạng tỷ lệ học sinh bỏ học cao so với cả nước, nhiều nhất là các tỉnh: Bạc Liêu 26,2%, An Giang 25,9%, Sóc Trăng 25,8%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đạt các trình độ sơ cấp, trung cấp nghề ở mức thấp nhất; đặc biệt, số trẻ em gái bỏ học nhiều hơn trẻ em trai, tỷ lệ trẻ em gái từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt 87,8% (so với nam là 93,9%), chỉ cao hơn so với các khu vực đạt ở mức thấp như Tây bắc là 72,2% và Tây nguyên là 84,9%. Nguyên nhân được xác định là do trẻ em gái có tâm lý không muốn học văn hóa lên cao, thích làm công việc nội trợ, đồng áng, công việc không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật; mặt khác, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở khu vực ĐBSCL rất cao (60%) cũng là nguyên nhân các em không có điều kiện đi học.

Báo cáo cũng chỉ rõ, bạo hành gia đình và lấy chồng người nước ngoài hiện đang là vấn đề nổi lên ở khu vực: tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực rất cao, trong đó bị bạo lực thể xác là 32,7%, bị bạo lực tinh thần là 60,1%; phụ nữ kết hôn với người nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất cả nước (79% tổng số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài), gấp 4 lần số phụ nữ đi xuất khẩu lao động. Phần đông phụ nữ trẻ ở ĐBSCL lấy chồng nước ngoài đều nuôi hy vọng thay đổi cuộc đời. Nhưng bằng những cuộc hôn nhân vội vã đó đã dẫn đến nhiều bi kịch “hậu hôn nhân”. Hàng trăm phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã phải trở về nước do mâu thuẫn gia đình hoặc bị chồng bạo hành, cuộc sống bị ràng buộc do không đủ giấy tờ hợp lệ để thủ tục ly hôn, làm lại cuộc đời…

Cùng với việc xác định các vấn đề nổi cộm, Hội thảo đã tập trung thảo luận và xác định các giải pháp nhằm giải quyết rốt ráo các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Đa số đại biểu đều nhất trí với các giải pháp tập trung nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; vận động cộng đồng, xã hội đấu tranh chống lại thói quen, suy nghĩ và các hành vi bất bình đẳng giới, từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, tạo điều kiện cho chị em được học tập, lao động, cống hiến và hưởng thụ, góp phần mang lại tự tin, hạnh phúc cho chị em, giảm số vụ bạo lực gia đình cũng như số chị em mong muốn xuất ngoại lấy chồng. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép.

Để khắc phục tình trạng trẻ em bỏ học cần có những chính sách thiết thực, kịp thời hỗ trợ trẻ em nghèo có tiền theo học; động viên, khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái đến trường, chỉ cho các em thấy những lợi ích khi đi học, vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em đi học… Hội thảo cũng đề cập tới giải pháp phối hợp liên ngành, phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình; vận dụng chế độ, chính sách và có cơ chế phù hợp của từng địa phương; xác định nguồn lực để có thể từng bước giải quyết các vấn đề về phụ nữ, trẻ em và gia đình ở khu vực.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp với việc hình thành những căn cứ quan trọng, làm cơ sở để Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách đẩy mạnh công tác phụ nữ, trẻ em và gia đình khu vực Tây Nam Bộ, góp phần vào phát triển vùng ĐBSCL trở thành trọng điểm kinh tế – xã hội của đất nước.