Một số vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta

(BNCTW)- Trước hết, cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, cuộc đấu tranh PCTN hiện nay phải gắn liền và trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, kiện toàn bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết nội bộ…

Một số vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta

 

(BNCTW)- Trước hết, cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, cuộc đấu tranh PCTN hiện nay phải gắn liền và trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, kiện toàn bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết nội bộ; phục vụ công cuộc đổi mới sâu sắc, toàn diện nền kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đấu tranh PCTN đã và đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước và của toàn quân, toàn dân ta. Để bảo đảm công tác PCTN hiệu quả, trước hết phải đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa, tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Bên cạnh việc củng cố tổ chức bộ máy Đảng và chính quyền các cấp, thì Đảng và Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả và có tính khả thi cao. Đấu tranh PCTN phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên quyết có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết, nghiêm trị người cố tình vi phạm pháp luật, khoan hồng người tự giác, ăn năn, hối cải, tự giác bồi hoàn thiệt hại cho Nhà nước và cho địa phương, đơn vị.

Trong những năm vừa qua, tình trạng tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, có lúc, có vụ còn trở nên nghiêm trọng, phức tạp. Quan sát thực tế các vụ án tham nhũng ở nước ta trong thời gian gần đây cho thấy, cơ chế trách nhiệm tập thể Đảng có những vấn đề cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo. Tình trạng đổ lỗi cho tập thể, cho cơ chế, cho người khác, cơ quan khác để lảng tránh trách nhiệm cá nhân xuất hiện ở hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng. Một số cán bộ vừa được đề bạt vào những chức vụ cao hơn, ngay sau đó đã bị phát hiện tham nhũng và bị truy tố trước pháp luật. Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cần tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, theo chúng tôi cần thực hiện tốt những giải pháp sau đây:

 1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lối sống nhân văn, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, làm cho mọi người đều hiểu Luật nói chung và Luật PCTN nói riêng, thấy tham nhũng là một tội ác để chung sức, đồng lòng thực hiện, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, bình đẳng. Trong đó, cần tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Học tập các chuyên đề về phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương của Người gắn với thực hiện nghiêm túc Quy định về những điều đảng viên không được làm và Quy định số 101 ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

 2. Xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội thật sự trong sạch, vững mạnh, tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng. Theo đó, cần chú trọng các nội dung sau:

– Kiên quyết sắp xếp lại bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị tinh giản, gọn nhẹ hoạt động có hiệu quả. Phân cấp, phân quyền, xác định rõ mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, ngành…; cải cách thủ tục hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở, chậm trễ trong khi giải quyết công việc cho cơ quan, tập thể và công dân. Tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; kiên quyết đưa những người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị. Bổ sung cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn vào các vị trí hiện nay chưa có người phụ trách hoặc đang có người phụ trách nhưng không đảm đương được, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật, tài chính, ngân hàng; đầu tư, xây dựng cơ bản, thương mại và những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn…

– Nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), thường xuyên làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải chủ động đề ra những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tệ tham nhũng, lãng phí. Chủ động phát hiện những cá nhân có biểu hiện hoặc hành vi tham nhũng, lãng phí nhằm xử lý kịp thời.

– Tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên làm cho mỗi người trong từng cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội dưới mọi hình thức; đặt lợi ích của quốc gia, của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân, nhóm người. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: Cán bộ phải có cả đức lẫn tài, phải coi đức là cái gốc. Kiên quyết không bố trí những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực vào các vị trí lãnh đạo, dù người đó là ai, xuất thân từ gia đình nào, mà phải căn cứ vào năng lực, phẩm chất đạo đức, để bố trí xếp sắp cán bộ. Không bố trí những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng chưa được làm rõ vào các cương vị chủ chốt, đứng đầu các tổ chức, các ngành, các địa phương, đơn vị, những vị trí liên quan đến tiền, hàng, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án,…

– Cải thiện điều kiện sống, làm việc cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương, làm cho người lao động đủ trang trải cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống bình thường và có phần dành cho tích lũy, mà không cần tham nhũng. Cần sớm nghiên cứu một cách khoa học về các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao thu nhập của người lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo trong xã hội.

– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội và toàn xã hội; nghiêm trị những cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí ở mọi cấp, mọi vị trí công tác.

– Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, vận động tích cực và khéo léo để toàn dân ra sức phát hiện và tố giác tội phạm, có cơ chế khen thưởng gắn với việc bảo vệ tuyệt đối an toàn tài sản và tính mạng của người tố giác tội phạm. Tội phạm tham nhũng phải được đưa ra xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, kiên quyết khắc phục tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, dứt khoát không tạo ra “vùng cấm” trong việc xét xử tội phạm tham nhũng.

– Củng cố hoạt động thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế để thực hiện có hiệu quả quyền giám sát, kiểm tra của cán bộ và nhân dân. Công tác thanh tra không chỉ tập trung thanh tra kinh tế, mà còn phải thanh tra công vụ, việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của công chức như kỷ luật lao động, tinh thần, thái độ làm việc, tuân thủ các quy chế về chế độ trách nhiệm, quy trình công tác, định mức kinh tế kỹ thuật, quan hệ tiếp xúc với nhân dân,…

 3. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới; bổ sung, sửa đổi kịp thời các luật, văn bản dưới luật không còn phù hợp, dễ phát sinh tham nhũng, trước hết trong các lĩnh vực quản lý, cấp phát tài chính, ngân sách, cho vay vốn, sử dụng các loại quỹ, xét duyệt các dự án, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, quản lý xuất nhập khẩu, hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án và các hoạt động bảo vệ pháp luật khác… Loại bỏ những quy định bất hợp lý, khắc phục tình trạng cơ chế, pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không công bằng; hạn chế sơ hở trong pháp luật dễ bị lợi dụng để tham ô, hối lộ, trục lợi, bòn rút tiền của Nhà nước, của tập thể. Tập trung vào một số nội dung cụ thể như:

– Quy định chế độ công khai ngân sách, cấp phát ngân sách cho các địa phương, đơn vị. Chấm dứt tình trạng cấp ngân sách bổ sung, đột xuất nhiều hơn cấp ngân sách theo kế hoạch để xóa bỏ cơ chế “xin – cho”. Chấm dứt tình trạng cấp huyện, cấp xã vượt qua cấp trên trực tiếp để lên các bộ, ngành Trung ương xin kinh phí đầu tư, xây dựng cơ bản,…

– Quy định chặt chẽ chế độ hưởng hoa hồng cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là trong phục vụ sản xuất kinh doanh,…

– Quy định chế độ thưởng, phạt trong việc thực hiện các dự án, công trình. Sớm ban hành các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý đầu tư, xây dựng để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực này. 

– Quy định chế độ quản lý tiền mặt, mức tối đa tiền mặt được đem đi giao dịch; không được phép giao dịch bằng tiền mặt với số lượng lớn gây khó khăn cho việc quản lý chi tiêu, dễ bị lợi dụng thanh toán những khoản bất minh như “lại quả”, “hoa hồng”, hối lộ, biếu xén, quà cáp hoặc để biển thủ. Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế,… nhanh chóng thực hiện các phương pháp quản lý tài chính, tiền tệ (thông qua tài khoản mở tại Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đối với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các cán bộ, công chức, viên chức,…) bằng công nghệ, phương tiện hiện đại.

 4. Khắc phục sơ hở trong giao đất, cho thuê đất, đấu thầu, bán đất, đổi đất lấy công trình.

 5. Xây dựng chế độ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tập thể, của cá nhân, giữa cấp trên và cấp dưới, cho từng loại chức danh cán bộ, công chức nhà nước. Khắc phục tình trạng trách nhiệm “chung”, thành tích thì của cá nhân, khuyết điểm, sai lầm thì đẩy cho tập thể chịu. Cần xây dựng chế độ trách nhiệm theo hướng:

– Xác định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, mỗi cấp cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước.

– Quy định chế độ đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị; kiểm tra, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp trên và cấp mình.

– Quy định chế độ tiếp dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, trách nhiệm giải quyết kịp thời những kiến nghị của nhân dân; phản ánh của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình.

– Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi công chức, từ công chức lãnh đạo đến công chức thừa hành nhiệm vụ để mỗi người thấy rõ vị trí, vai trò của mình, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan, bảo đảm công việc không bị bỏ sót, chậm trễ hoặc chồng chéo. Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao và nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ vững kỷ cương, pháp luật của Nhà nước.

– Quy định trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp, trách nhiệm liên đới trong việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Trong sản xuất kinh doanh, khắc phục tình trạng đơn vị sản xuất kinh doanh có nhiều đại diện chủ sở hữu, nhưng không có chủ sở hữu đích thực, dẫn đến thiếu trách nhiệm gây thất thoát, tham nhũng.

– Cụ thể hóa chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, xác định rõ ranh giới trách nhiệm của tập thể, cá nhân, không để tình trạng nấp bóng tập thể để hoạt động sai trái.

 6. Nghiêm chỉnh thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Cán bộ, đảng viên, công chức phải kê khai, báo cáo với cấp ủy, tổ chức nơi mình công tác, sinh hoạt về các khoản thu nhập ngoài lương, nguồn gốc tài sản, thu nhập. Những trường hợp khai không đầy đủ, trung thực, có biểu hiện giấu giếm, khai không rõ nguồn gốc phải được xác minh làm rõ và kiểm điểm để xác định tính chất, mức độ vi phạm xử lý nghiêm minh. Những trường hợp có tài sản bất minh, qua kiểm tra phát hiện hoặc do quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác thì cấp ủy, thủ trưởng cơ quan phải có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời kiểm tra làm rõ số lượng, nguồn gốc và có biện pháp xử lý người và tài sản bất minh đó. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải được tiến hành định kỳ hàng năm và khi cần thiết, nhất là trước khi được xét kết nạp vào Đảng, khi đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác, được giới thiệu ứng cử, đề cử để bầu vào các chức danh lãnh đạo từ cơ sở trở lên. Tổ chức kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; xác minh, phân loại cụ thể để chứng minh tính minh bạch hay bất minh của tài sản, thu nhập. Nếu cán bộ, đảng viên có biểu hiện giàu lên một cách nhanh chóng mà không giải trình được nguồn gốc, thì trong khi chờ đợi các quy định của Nhà nước, tổ chức Đảng yêu cầu đảng viên đó nộp phần tài sản không chứng minh được vào công quỹ.

 7. Thực hiện dân chủ rộng rãi, lấy dân làm gốc, dựa vào dân để giám sát công việc của cán bộ, đảng viên với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Quy chế dân chủ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, trong các doanh nghiệp; công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Công khai hóa tài chính, đặc biệt ở cơ sở (xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị…). Dân được bàn và quyết định các khoản thu, chi của xã, phường.

– Lập các “đường dây nóng”, địa chỉ gửi đơn tố giác công khai để quần chúng nhân dân biết, kịp thời tố giác cho cơ quan bảo vệ Đảng, bảo vệ pháp luật nắm bắt thông tin các vụ việc, vụ án hoặc các hành vi tham nhũng.

– Xây dựng cơ chế bảo vệ người chống tiêu cực, tham nhũng. Những người bị tố giác về tham nhũng mà có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập dưới bất kỳ hình thức nào đối với người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, người tố giác, cung cấp thông  tin về tham nhũng, phải được trừng trị thích đáng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có hình thức cụ thể, thiết thực, bằng vật chất và tinh thần để biểu dương, khen thưởng kịp thời, thích đáng đối với những tập thể, cá nhân gương mẫu, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Trên đây là một số giải pháp cần được nghiên cứu, tham khảo. Tuy nhiên, để giải quyết một “căn bệnh”, các biện pháp hành chính không bao giờ và chưa bao giờ là một “bài thuốc” duy nhất, giữ vai trò quyết định. Chúng ta biết rằng các quy luật của xã hội vận động thông qua hoạt động của con người, nên trước hết phụ thuộc vào nhận thức của con người và tổ chức của nó. Trong cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí cũng vậy, các biện pháp về quản lý hành chính có tác dụng chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và răn đe, nhưng điều quyết định là mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự có phẩm chất, đạo đức trong sáng, chí công vô tư, đấu tranh không khoan nhượng đối với những hành vi tham nhũng, lãng phí, gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước làm tấm gương sáng cho quần chúng, đảng viên noi theo. Nếu mọi đảng viên hoặc chí ít là đa số đảng viên của Đảng làm được như thế thì nhất định cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ đi đến thắng lợi. Xét cho cùng, đó là biểu hiện của một trình độ nhận thức, trình độ giác ngộ lý tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đỗ Hùng Cường