Một số vấn đề cần lưu ý khi tham gia giao thông
1. Để tránh TNGT, người tham gia giao thông phải làm gì?
– Không điều khiển xe khi đã uống rượu, bia và các chất kích thích khác.
– Đến ngã 3, ngã 4 phải giảm tốc độ và nhường đường đúng luật.
– Tuyệt đối không phóng nhanh, giành đường vượt ẩu, chạy quá tốc độ quy định.
– Khi quay đầu xe phải đúng luật và quan sát.
– Không được dàn hàng ngang khi chạy xe trên đường.
– Phải luôn luôn chú ý, không lơ đễnh khi chạy xe.
– Không được nghe điện thoại khi lái xe.
– Không đội nón lá, che dù khi lái và ngồi sau môtô.
2. Luật Giao thông đường bộ quy định khi đến ngã 3, ngã 4 phải như thế nào?
a. Ngã 3, ngã 4 không có đèn xanh, đỏ:
– Trước hết giảm tốc độ, quan sát.
– Nhường đường cho xe đến từ tay phải.
b. Ngã 4 có vòng xuyến:
– Giảm tốc độ.
– Phải chạy ôm bùng binh theo chiều ngược chiều kim đồng hồ.
– Nhường đường cho xe đến từ bên trái.
c. Ngã 4 có đèn xanh, đèn đỏ:
– Gặp đèn đỏ phải dừng lại đúng vị trí quy định trước vạch trắng kẻ
ngang đường.
– Không được dừng, đậu xe trên phần đường giành cho người đi bộ băng
ngang đường.
3. Khi qua khúc cua phải chạy xe như thế nào?
– Phải giảm tốc độ.
– Phải giữ đúng phần đường phía tay phải của mình, không được lấn qua phần đường bên trái.
4. Vạch trắng kẻ giữa lòng đường có ý nghĩa gì?
– Ở giữa lòng đường, vạch trắng dọc liên tục (không đứt khoảng) nghiêm cấm không được lấn qua để vượt xe. Vạch trắng đứt khoảng được lấn qua để vượt xe có đủ điều kiện để vượt (không có xe ngược chiều, không có chướng ngại vật, đã phóng tín hiệu (đèn, còi cho xe phía trước).
5. Học sinh đi bộ lúc đến trường học hoặc khi tan trường phải đi như thế nào?
– Hiện nay trên các đường phố của thành phố đã có phần lề đường giành cho người đi bộ, do đó học sinh phải đi trên lề đường, không được đi dưới lòng đường giành cho xe chạy, nhất là không được dàn hàng ngang gây trở ngại giao thông và dễ xảy ra tai nạn.
6. Người sử dụng xe máy (dưới 50 phân khối) và môtô (trên 50 phân khối) phải đủ những điều kiện nào?
– Muốn đi xe máy ít nhất phải đủ 16 tuổi trở lên và phải hiểu Luật Giao thông đường bộ.
– Muốn đi môtô ít nhất phải đủ 18 tuổi và phải có bằng lái.
– Xe phải có giấy chứng nhận đăng ký; giấy chứng nhận bảo hiểm.
7. Tại sao phải đội NBH khi tham gia giao thông?
– Trường hợp tai nạn xảy ra, các bộ phận trên thân thể cần được bảo vệ nhất là đầu. NBH giúp chống lại chấn thương sọ não. Người tham gia giao thông phải tự giác ý thức được điều này, không phải đợi đến pháp luật xử phạt.
8. Các biển báo giao thông gắn hai bên đường có tác dụng như thế nào?
– Các biển báo giao thông gắn hai bên đường có các tác dụng như sau:
a. Loại biển cấm: Hình tròn, màu trắng, đỏ. Có tác dụng cấm người tham gia giao thông không được làm một việc gì trên đoạn đường đó.
b. Loại biển báo nguy hiểm: Hình tam giác, màu vàng và đen. Có tác dụng báo trên đoạn đường đó có sự nguy hiểm nào đó.
c. Loại biển hiệu lệnh: Hình tròn màu xanh da trời và trắng. Có tác dụng buộc người tham gia giao thông phải làm theo hiệu lệnh ghi trên biển báo.
d. Loại biển hướng dẫn:
– Hình vuông, hình chữ nhật, màu xanh và trắng, có tác dụng chỉ dẫn người tham gia giao thông.
– Khi tham gia giao thông, mọi người phải tuân theo các biển báo. Nội dung biển báo buộc mọi người phải học Luật Giao thông thì mới hiểu được.
9. Không được thực hiện các hành vi sau đây trên đường bộ
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, patin, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.
10. Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố
a. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
b. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
– Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định.
– Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường.
11. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT
a. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
– Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
– Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
– Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
b. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
– Bảo vệ hiện trường.
– Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người
bị nạn.
– Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất.
– Bảo vệ tài sản của người bị nạn.
– Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là những vấn đề cần lưu ý khi tham gia giao thông.
PHÒNG CSGT