MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM SAU SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ VÀ ĐÔNG ÂU

Thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa xã hội phá vỡ vị trí độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Thế kỷ XX cũng là thế kỷ của chủ nghĩa xã hội từ không đến có, từ một nước đến nhiều nước, giành được thành tựu huy hoàng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã đạt được sự phát triển nhanh chóng về tiềm năng kinh tế, Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường của thế giới (Liên Xô – Mĩ), cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, tạo cơ sở bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ này, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Sự kiện Liên Xô, Đông Âu sụp đổ như một trận “động đất chính trị”, là sự kiện quan trọng chấn động lòng người trong lịch sử. Trận “động đất chính trị” này xảy ra dưới ngọn cờ “cải cách”, xét về bản chất đã xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ định và xóa bỏ thành quả của mấy chục năm cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành trì của chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ, chỗ dựa vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã không còn, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đứng trước thử thách khốc liệt do hệ quả của sự tổn thất đó để lại. Tuy nhiên, những nguyên nhân về sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết đã được tổng kết, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới cũng từng bước vượt qua được khủng hoảng, tìm ra những con đường mới để tiếp tục kiên định đi tới lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Sự đổ vỡ của Liên Xô và Đông Âu, cũng cần phải nhìn nhận dưới một góc độ ngày càng đầy đủ hơn, không chỉ là một tổn thất, mà còn là một sự kiện để lại những bài học quý báu đối vớiViệt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Đó là:

Kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài học căn bản từ sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu là đã xa rời và vứt bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; không coi trọng kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với thực tế nước mình và đặc trưng thời đại. Các nguyên lý mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã khái quát có giá trị phổ biến đối với các nước, vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể và thực tiễn từng giai đoạn cách mạng. Thực tế, qua 35 năm đổi mới nhờ kiên định mục tiêu, lý tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nên cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo, gắn bó mật thiết với nhân dân. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu có thể kể nhiều nguyên nhân, nhưng cuối cùng cho thấy vấn đề chủ yếu là ở tự thân đảng cầm quyền, các nước xã hội chủ nghĩa là do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong nội bộ Đảng hỗn loạn về tư tưởng; cán bộ, đảng viên thoái hóa, xa rời quần chúng nghiêm trọng. Đặc biệt, chế độ tập trung dân chủ trong Đảng bị phá hoại, không những mất đi tinh thần chiến đấu mà ngay cả những mâu thuẫn trong nội bộ cũng không thể giải quyết nổi. Chính vì vậy, cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Phải thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, kịp thời khắc phục các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung phát triển năm 2011) nêu rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường dân chủ và kỷ luật trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái”1.

Bên cạnh đó, để lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước có hiệu quả, Đảng cầm quyền, bộ máy chính quyền phải gắn bó mật thiết với nhân dân, gần dân, hiểu dân và quy tụ được sức mạnh của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Xây dựng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nâng cao cảnh giác, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các quan điểm sai trái, thù địch chống lại bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin luôn diễn ra dưới nhiều hình thức, nhất là khi hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Lợi dụng những tổn thất của chủ nghĩa xã hội hiện thực để xuyên tạc, bác bỏ tính nhân văn, ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa; chúng sử dụng nhiều chiêu bài, luận điệu để nói xấu Đảng, Nhà nước, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Tiếp tục khẳng định và vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”2. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Từ sau sự kiện sụp đổ của chủ nghĩa xã hội của Liên Xô và Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tổng kết thực tiễn, làm rõ những nguyên nhân và bài học rút ra sau trận “động đất chính trị” này. Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng;…”3. Trong bối cảnh hiện nay, việc rút ra các bài học quý báu không chỉ là để bảo vệ những thành quả cách mạng của giai đoạn trước mà còn đưa những thành quả đó lên một tầm cao mới, tiếp tục thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

CN Nông Thị Thanh Hường

Giảng viên khoa lý luận cơ sở

Chú thích

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.89-90.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.16.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.109.