Minh bạch, hiệu quả trong xã hội hóa sách giáo khoa

Nói chung, các ý kiến chủ yếu xoay quanh câu hỏi “Để Nhà nước định giá phù hợp hơn hay để thị trường định giá mới phù hợp?”. Trên thực tế, từ khi Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK ra đời, mặt hàng quan trọng này đã chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, có cạnh tranh. Cùng đó, theo quy định tại Luật Giá năm 2012 (vẫn đang có hiệu lực), SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà chỉ do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.

Cũng cần phải nói rõ thêm, theo Luật Giá, Nhà nước định giá đối với các hàng hóa sau: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo quy luật cung-cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường, với mặt hàng đặc biệt là SGK, rõ ràng thời gian qua, các nhà xuất bản đã quan tâm hơn đến chất lượng, khắc phục những sai sót, còn cơ sở giáo dục thì có nhiều hơn lựa chọn các bộ SGK phù hợp cho mình. Trên thực tế, khi xóa bỏ cơ chế độc quyền về SGK, thầy và trò trong cả nước đã, đang được chọn cho mình những cuốn sách, bộ sách phù hợp để giảng dạy, học tập.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình, trong bối cảnh hiện tại, Nhà nước không nên can thiệp sâu mà chỉ nên quản lý giá SGK gián tiếp, với vai trò điều tiết, như vậy mới bảo đảm yêu cầu xã hội hóa đã đặt ra. Song, trường hợp có biến động, Nhà nước sẽ tác động về thuế, hoặc có biện pháp tài chính can thiệp phù hợp cùng những giải pháp hỗ trợ khác. Như thế, nên chăng, Nhà nước cần sớm có biện pháp trợ giá thay vì định giá.

Thời gian qua, các SGK mới ra đời đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định chất lượng nội dung, còn giá và chất lượng in ấn vẫn đang được “tự do cạnh tranh”. Đặt câu hỏi ngược lại, nếu Nhà nước định giá thì cơ quan nào định giá và định như thế nào để bảo đảm chất lượng (?) – lại làm phát sinh những vấn đề, khó khăn mới. Không ít chuyên gia và đại biểu Quốc hội nhìn nhận, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 88 và Luật Giá hiện hành, bên cạnh việc bảo đảm tính cạnh tranh, Nhà nước vẫn cần phải có tác động, điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho các học sinh nghèo, khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận SGK để duy trì, nâng cao chất lượng học tập. Về vấn đề này, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra ba đề xuất: một là Nhà nước mua 100%; hai là Nhà nước mua 70% số SGK theo nhu cầu; ba là mua SGK cho học sinh nghèo mượn (thông qua thư viện nhà trường) như hiện nay. Tuy nhiên, lựa chọn phương án hay giải pháp nào, việc cần thiết trước khi thực thi là phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, bám sát và đáp ứng đúng yêu cầu thực tế, tránh lãng phí.

Như vậy, SGK có thể luân chuyển, tái sử dụng, hằng năm, các nhà xuất bản chỉ cần in thêm số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích nhà xuất bản, cơ sở in ấn, doanh nghiệp làm và phát hành SGK tặng SGK cho học sinh nghèo, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành định mức kỹ thuật của SGK để bảo đảm không đội chi phí dẫn tới tăng giá SGK bất thường.