Lý luận về chức năng của dư luận xã hội?

Dư luận xã hội là sự biểu hiện trạng thái ý thức xã hội của một cộng đồng người nào đó, là sự phán xét, đánh giá, biểu thị thái độ của đại đa số trong cộng đồng người đối với các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ trong một thời điểm nhất định.

Dư luận xã hội là một hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của xã hội, là một dạng tồn tại đặc biệt của ý thức xã hội, có thể hiện diện trong các hình thái ý thức xã hội khác nhau. Hầu hết các nhà nghiên cứu Mác xít đều nhất trí cho rằng dư luận xã hội là một hình thức biểu hiện của trạng thái ý thức xã hội. Đây là trạng thái toàn vẹn bao quát trong nội dung của mình cả mặt trí tuệ, mặt tình cảm và cả mặt ý chí của ý thức xã hội. Nó không chỉ thể hiện ở một mặt riêng rẽ nào đó của hình thái ý thức xã hội như triết học, đạo đức, ý thức chính trị mà thể hiện tính chất tổng hợp của ý thức xã hội trong một thời gian nhất định, bao gồm các mặt ý thức hệ và tâm lý xã hội. Dư luận xã hội là một hiện tượng tinh thần của xã hội nhƣng lại gắn chặt với hoạt động thực tiễn của xã hội như một cầu nối giữa cộng đồng xã hội đi từ phần đánh giá chung tới lập trường, hành động, kiến nghị chung và tuỳ theo điều kiện và chuyển hoá từ lời nói đến hành động. Những phán xét, đánh giá, bình phẩm của nhóm xã hội giống như một con dao hai lưỡi, nó có thể khuyến khích, cổ vũ cái đúng, cái mới, cái tốt đẹp, lên án cái lạc hậu, cái không phù hợp với lợi ích của xã hội nhưng nó cũng chứa đựng và xúi dục cái lạc hậu. Do vậy không thể để cho dư luận xã hội tự phát tán hoành hành và phải biết hướng dẫn dư luận xã hội. Tuy vậy dư luận xã hội còn có các chức năng sau:

1. Điều hoà quan hệ xã hội

Trong xã hội chúng ta tồn tại nhiều nhóm xã hội khác nhau, do đó cũng khác nhau về cơ cấu, vị thế cũng như vai trò của mỗi cá nhân trong nhóm. Trên cơ sở sự khác biệt đó các nhóm thường có những ý kiến đánh giá và phán xét khác nhau về cùng một sự kiện, hiện tượng đang diễn ra, đặc biệt là những sự việc đụng chạm đến lợi ích trực tiếp của họ.

Trong quá trình hình thành dư luận xã hội có giai đoạn mà các cả nhân hay các nhóm thảo luận, trao đổi và sự trao đổi thảo luận này diễn ra liên tục nhằm tìm đến những điểm chung trong lợi ích, trong quan điểm nhìn nhận đánh giá về thực tế xã hội. Trong quá trình trao đổi, bàn bạc đó bất kỳ một nhóm xã hội nào cũng phải tự nhìn nhận về lợi ích của mình trong tương quan so sánh với lợi ích của các nhóm khác và lợi ích chung của xã hội. Từ đó, ý kiến, phán xét, thái độ kiến nghị được đưa ra không chỉ xuất phát từ nhóm cục bộ mà đã hàm chứa trong đó lợi ích chung.

Ví dụ, về việc bỏ cộng điểm thưởng cho học sinh giỏi thi đại học thì đó là vấn đề được nhóm phụ huynh và các em sắp thi đại học quan tâm đầu tiên nhưng không vì thế mà các nhóm khác không tham gia vào quá trình hình thành dư luận xã hội.

Dư luận xã hội thường phản ánh lợi ích và quan điểm của các nhóm lớn trong xã hội đồng thời thoả mãn một cách hợp lý lợi ích và quan điểm của các nhóm khác trong xã hội. Đây chính là cơ sở cho việc điều hoà các mối quan hệ xã hội và ổn định trong quá trình phát triển đời sống của đất nước.

Có thể thấy trong thời kỳ đổi mới đất nước ta đã đạt được những thành tựu khích lệ trong việc nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực kinh tế và khẳng định vị thế chính trị của đất nước trên trường quốc tế. Tổ chức thành công hội nghị APEC 14, Việt Nam ra nhập vào WTO, du lịch của Việt Nam phát triển và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nền chính trị ổn định trên thế giới.

Tuy nhiên bên cạnh đó thì Đảng cũng nhận thấy những nguy cơ rất lớn đe dọa sự thành công tiến trình đổi mới và sự nghiệp xây dựng đất nước. Một. trong những nguy cơ xuất phát từ bên trong đó là sự tha hóa biến chất của một bộ phận đảng viên tham hóa biến chất dưới tác động của nền kinh tế thị trường như tham ô, hối lộ, tiếp tay cho bọn buôn lậu, chiếm đoạt tài sản nhân dân (vụ PMU18)

Nhận thức rõ về nguy cơ này, Đảng ta một lần nữa chứng tỏ sự sáng suốt của mình phát động phong trào xây dựng và chỉnh đốn Đảng trọn 2 năm 1999-2001 để sau đó biến thành hoạt động thường xuyên của tất cả các đơn vị Đảng

2. Điều chỉnh hành vi cá nhân và nhóm (chức năng giáo dục)

Sự phán xét đánh giá của dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ đến hành vi của cá nhân và nhóm.

Một mặt, dư luận có thể tác động trực tiếp nhằm lên án những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức hay cổ vũ những hành vi phù hợp với lợi ích chung. Từ đó họ sẽ điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với giá trị, chuẩn mực chung của xã hội.

Mặt khác, dư luận xã hội có tác động lâu dài đến việc xây dựng nhân cách của con người – hay chính là quá trình xã hội hoá cá nhân. Sự đánh giá của dư luận xã hội thường dựa trên các chuẩn mực, hành vi có sẵn và được thừa nhận trong cộng đồng người. Trải qua một thời gian nhất định cá nhân sẽ cảm nhận được những điều nên và không nên, những hành động, cư xử chấp nhận được trong cuộc sống chung của họ. Các quá trình này đều diễn ra trong cơ chế giao tiếp của nhóm nhỏ, nơi mà cá nhân thực hiện các hành vi và nhận được sự phán xét đánh giá của dư luận. Nếu coi hệ thống giá trị chuẩn mực là sự kiện đã định hình trong xã hội thì sự phán xét đánh giá của dư luận được coi như lời nhắc nhở, khuyến cáo con người quay trở về với khuôn mẫu hành vi đã có phù hợp với các giá trị chuẩn mực văn hóa của cộng đồng người.

3. Chức năng giám sát

Chức năng này được thể hiện rõ nét nhất khi đối tượng của các luồng dư luận là hoạt động của bộ máy Đảng, nhà nước, chính quyền. Có thể nói, cùng với tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội, người dân bình thường ngày càng có nhiều cơ hội tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc kiến thiết và quản lý đất nước. Một mặt công dân ủy quyền cho người cử tri đại diện cho quyền lợi của mình tại các cơ quan dân cử, mặt khác thông qua dư luận xã hội, họ phán xét đánh giá về các chủ trương, chính sách lớn của đất nước và các hoạt động cụ thể của bộ máy chính quyền. Đây cũng là xu hướng phù hợp với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta thể hiện qua “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Xét trong mối quan hê giữa công việc nhà nước và dư luân xã hôi cần lưu ý:

– Đảm bảo tính công khai của các công việc nhà nước và chính quyền. Người dân có quyền và khả năng thực tế được thông báo hoặc tìm kiếm thông tin về các công việc này.

– Đảm bảo nguyên tắc trao đổi thảo luận công khai của người dân đối với các công việc chung của quốc gia. Khía cạnh này liên quan mật thiết đến việc như xây dựng và thông qua hiến pháp, phê phán và lên án các hành vi sai lệch và phạm pháp của công chức ở các cấp… Ví dụ: Lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp 1992

– Xây dựng cơ chế và hành lang pháp lý cho việc áp dụng các khuyến nghị, tư vấn của dư luận xã hội vào công tác quản lý xã hôi và con người. Đây có thể coi là một bộ phận quan trọng trong công cuộc xây dựng qui chế dân chủ cơ sở ở nước ta. Bằng cách này, các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước được xây dựng đồng thời từ dưới lên và từ trên xuống.

4. Ý nghĩa của việc nghiên cứu dư luận xã hội

Tăng cường mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân và đoàn thể xã hội.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý nhiều mặt của đời sống xã hội. Vận dụng tinh thần “lấy dân làm gốc” các tổ chức đảng và các cơ quan Nhà nước phải chăm chú lắng nghe ý kiến của quần chúng, nhạy cảm với tâm trạng và nguyện vọng của họ, thường xuyên phân tích dư luận các tầng lớp nhân dân về từng vấn đề quan trọng.

Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa

Xuất phát từ bản chất của chủ nghĩa xã hội từ vai trò làm chủ của nhân dân lao động trong chủ nghĩa xã hội, cần phải lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào việc quản lý mọi công việc xã hội. Do đó cần thực hiện quyền được thông tin của nhân dân, bảo đảm cho một người được tự do phát biểu ý kiến, bàn bạc, các vấn đề chung thông qua các hình thức sinh hoạt chính trị và giao tiếp xã hội, hướng dẫn, tạo điều kiện hình thành dư luận xã hội đúng đắn, sử dụng nó trong việc quản lý xã hội… gắn chặt với quá trình mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, ý thức tích cực công dân của họ.

Góp phần hoàn thiện công tác lãnh đạo quản lý trên cơ sở khoa học

Trong xã hội hiện đại việc tìm hiểu và nghiên cứu dư luận xã hội đã trở thành một điều kiện quan trọng để hoàn thiện công tác lãnh đạo và quàn lý xã hội trên cơ sở khoa học. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta càng phát triển, nhiều vấn đề mới nảy sinh phong phú và đa dạng việc tìm hiểu và phân tích dư luận xã hội về các vấn đề mới nảy sinh giúp cho cơ quan lãnh đạo có những quyết định đúng về các mặt, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi đúng hướng và đem lại hiệu quả thiết thực.

5. Mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội

5.1. Vai trò của truyền thông đại chúng đối với việc hình thành dư luận xã hội

Thứ nhất, hệ thống truyền thông đại chúng cung cấp thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội

Trong mối quan hệ với báo chí thì dư luận xã hội là nội dung, là khởi nguồn là chất liệu của báo chí. Dư luận xã hội là nguồn thông tin tiềm năng, là dữ liệu là hơi thở của báo chí.

Thứ hai, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng có phạm vi hoạt động rộng lớn thu hút ngày càng nhiều công chúng vào hoạt động giao tiếp xã hội. Mỗi loại hình phương tiện phát huy sức mạnh của mình đối với nhóm độc giả khác nhau.

Mối quan hệ giữa hoạt động của hệ thống truyền thông đại chúng và dư luận xã hội được biểu hiện trên sơ đồ sau:

Vai trò của truyền thông đại chúng trong việc hình thành dư luận xã hội được thể hiện qua 3 phương diện cơ bản sau:

Thứ nhất: Cung cấp thông tin: truyền tải kịp thời và đầy đủ thông tin về mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ hai: Là diễn đàn ngôn luận công khai. Trước hết, hệ thống truyền thông đại chúng giúp mỗi cá nhân, mối nhóm xã hội xã hội hóa ý kiến của mình. Ý kiến này có thể được đông đảo người dân quân tâm và từ đó dư luận xã hội được hình thành.

Thứ ba: Định hướng xây dựng dư luận: Hệ thống truyền thông đại chúng phải dành một phần thích đáng cho việc đăng tải các thông tin kiểm chứng chính thức và mang định hướng xây dựng. Đặc biệt khi các sự kiện diễn ra có tầm quan trọng và liên quan đến lợi ích của đất nước và dân tộc, đụng chạm đến các giá trị luân lý cơ bản của xã hội thì định hướng thông tin phải phản ánh được quan điểm, đường lối của đảng và nhà nước, ý kiến chính thức của các cơ quan chức năng và phản ánh được sự đánh giá phán xét chung của xã hội.