Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau cải thìa được áp dụng nhiều nhất hiện nay

Thông tin tác giả
| Tham khảo

Những thợ làm nông qua nhiều năm kinh nghiệm đã rút ra các bài học làm nghề vô cùng hữu hiệu. Khi trồng rau cải thìa, người ta cũng rất chú ý về các tiểu tiết trong việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh,… Nongphu.net sẽ tổng hợp các kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau cải thìa đang được áp dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây.

GIỐNG

Giống cải ngọt có thời gian sinh trưởng (gieo đến thu hoạch):

  • Gieo – cấy: 35-40 ngày.
  • Sạ thẳng: 30 ngày.

Lớn cây lá màu xanh đậm trung bình, dày lá, bẹ lá hơi dẹp, màu xanh vừa, năng suất cao, thích hợp thị hiếu người tiêu dùng.

LÀM ĐẤT

Chọn đất ít sét, đất thịt pha cát tơi xốp là tốt nhất, đất không bị nhiễm phèn, mặn độ PH thích hợp từ 6-6,5, nếu PH dưới 6 thì nên bón thêm vôi trước bón lót ít nhất 10 ngày, số lượng vôi bón từ 30-50 kg/1000m2. Liếp gieo xạ cao khoảng 10-15 cm vào mùa mưa, nếu mùa khô thì thấp hơn mặt đất 10-15 cm, chiều ngang liếp 1-1,5m, chiều dài tùy thuộc vào chiều dài của diện tích ruộng. Giữa 2 liếp gieo trồng có một lối đi chăm sóc khoảng 40cm. Đất phải được xới xáo nhuyễn trộn thêm phân chuồng hoai, tro trấu và xử lý đất bằng Furadan hoặc Basudin hạt 3 kg/1000m2 để phòng sâu đất, tuyến trùng, kiến, dế,…phá hại.

Gieo, cấy

  • Gieo-cấy: lượng giống yêu cầu: 60-80gr/1000m2.
  • Sạ thẳng: 300-500gr/1000m2.

Gieo hạt khô, trước khi gieo cần tưới đất gieo một lượt nước. Sau gieo cần rải 1 lớp mỏng lấp hạt giống gồm hỗn hợp phân chuồng + tro trấu + đất đã sàng kỹ, sau đó cần phủ một lớp mỏng rơm rạ để che đất, tránh đất bị dẽ (chặc), bảo đảm cho cây mầm lên khỏi đất dễ dàng. Có thể gieo vào bầu lá chuối hoặc khay xốp khi đem trồng ít bị đứt rễ và ít lần tưới nước hơn sau khi trồng.

Khoảng cách cấy (trồng), hàng cách hàng 20-25 cm, cây cách cây trên hàng 20cm. Mật độ trồng khoảng16.000-20.000cây/1000m2. Khi cây con đạt được 18 ngày tuổi có thể tiến hành nhổ cấy. Cấy vào thời điểm chiều mát là tốt nhất, trước khi nhổ cây con cần tưới một lượt nước để mềm đất, dễ nhổ tránh bị đứt rễ.

Chăm sóc

Dùng thùng bông sen lỗ nhỏ để nước phân bố đều, tưới phải đủ nước, nếu tưới nhiều nước cây dễ bị bệnh chết rạp cây con (thối cổ rễ). Vào mùa nắng, ngày tưới 2 lần: sáng sớm và chiều mát, tuy nhiên sau khi cấy cần tưới 3 lần: sáng, trưa, chiều, kéo dài khoảng 3-4 ngày để cây dễ bắt phân và không bị héo mất sức.

Bón phân:

  • Bón lót: phân chuồng hoai mục (phân trâu, bò, phân gà): 5-7 m3 + tro trấu 3-5m3 bón cho 1000m2 (nếu đất nhiều cát nên bớt lại 30% – 50% số lượng tro trấu nêu trên)
  • Bón thúc: Từ 10-18 ngày sau khi gieo nên tưới phân DAP theo tỉ lệ 1/1000 (10gram DAP pha với 10 lít nước) (ngâm phân DAP trong nước 6 giờ).

Sau khi cấy 3 ngày, tưới phân DAP ở nồng độ 2/1000, tưới phân vào buổi chiều mát, sáng sớm tưới nước rửa lá. Cứ cách 3 ngày tưới phân DAP một lần. Nếu thấy cây dư đạm, nên tưới bổ sung bằng phân NPK 16-16-8 (ngâm phân trong nước 12 giờ). Để cho cây phát triển tốt, lá mướt cần tưới thêm phân bánh dầu dừa hoặc dầu phộng (thường ngâm phân bánh dầu với nước ít nhất 2 tuần trước khi đem tưới, 5 kg bánh dầu/30 lít nước); Pha tỉ lệ 1/10 (1 lít bánh dầu đậm đặc pha với 10 lít nước). Trong thời gian tưới thúc phân cần làm cỏ, lấp gốc để cây đứng vững (áp dụng cho ruộng cấy)

Phòng trừ sâu bệnh

Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp đối với bọ nhảy có hiệu quả cao như vệ sinh đồng ruộng, phơi ải,  che phủ bạt nylon, luân canh với cây trồng khác họ cải. Trong mùa mưa nên trồng trong nhà lưới giúp cho cây có khả năng chống bệnh tốt hơn.

Khi sâu bệnh có mật số cao có dùng thuốc BVTV như sau:

+ Đối với bọ nhảy: Dùng chế phẩm nấm Ma (Metarizhium anisopliae) có hiệu quả cao, có thể dùng các loại thuốc Hopsan, Polytrin.

+ Đối với sâu khoang: Có thể dùng các loại thuốc có gốc Pyrethroid như Sherpa, Polytrin P dùng các loại chế phẩm vi sinh như NPV, Vi –BT, hoặc thảo mộc như Rotenone, Neem.

+ Đối với sâu tơ: Dùng thuốc gốc BT như Delfin, Dipel, Aztron, Biocin… hoặc dùng các thuốc có gốc Abamectin, gốc Pyrethroid … Lưu ý dùng luân phiên các loại thuốc.

+ Đối với ruồi đục lá: Dùng thuốc như: Ofunak, scout…

+ Bệnh chết cây con, thối bẹ: dùng Moceren, Ridomyl MZ.

+ Bệnh thối nhũn: dùng thuốc như Kasuran, Kanamin…

Thu hoạch

Thông thường thu hoạch cải ngọt trước khi ra hoa, vì cải ngọt ra hoa, lá thường bị cằn cỗi, xơ nhiều không ngon, ở giai đoạn 36-38 ngày sau gieo (trường hợp cấy) và 28-30 ngày (trường hợp sau sạ) là tiến hành thu hoạch (nhổ cây), nhổ cây vào buổi chiều mát để hạn chế bị héo lá, cắt bỏ lá già bó lại từng bó nhỏ gọn xếp vào giỏ, thùng đem đi tiêu thụ.

Rau cải thìa được khuyến khích sử dụng trong bữa ăn hàng ngày bởi tác dụng ngừa ung thư, bảo vệ sức khỏe của xương, tim mạch, làm đẹp da,… Sử dụng rau sạch tự trồng tại nhà sẽ đảm bảo an toàn hơn khi mua rau trên thị trường. Với kiến thức trong bài viết này, hy vọng các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm khi tự trồng rau cải thìa sạch, cho năng suất cao.

Bài viết liên quan: Cách trồng rau cải thìa trong chậu cây, thùng xốp tại nhà