Huyện Bình Giang

Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ

nhưng Đảng ta vẫn vững vàng trước muôn trùng sóng gió,

đưa đất nước tiến lên, có cơ đồ như hôm nay

Không phải bây giờ, khi chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị mới đặt ra vấn đề xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bài xích, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng hệ tư tưởng của giai cấp công nhân; viện dẫn đủ các lý do, luận điểm, luận cứ, luận chứng để biện luận, giải thích cho sự “sai lầm” của thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuối những năm 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Liên Xô – hòn đá tảng và là “anh cả” của chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ, kéo theo đó là sự sụp đổ của các nước ở Đông Âu. Nhiều người cho rằng, Liên Xô và các nước theo chế độ XHCN trên toàn thế giới sụp đổ là thất bại của học thuyết Mác – Lê nin, và khẳng định đây là sự thất bại toàn diện trên phạm vi toàn thế giới của chủ nghĩa cộng sản. Thế nhưng tất cả đã lầm! Việt Nam nhanh chóng nhận ra những sai lầm khuyết điểm mà Đảng Cộng sản Liên Xô mắc phải, để từ đó có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đưa cả dân tộc tiến lên.

Việc Liên Xô và các nước theo con đường XHCN tan rã là do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là các vấn đề nội tại; chính đảng viên của họ đã tiêu diệt đảng của họ. Đúng như lãnh tụ V.I.Lênin từng nói: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”.

Thực tiễn cho thấy, Đảng Cộng sản Liên Xô đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách và đã vượt qua tất cả: Năm 1917, với 35 vạn đảng viên đã lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của chế độ Sa hoàng, cùng nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước để bảo vệ thành công cách mạng. Năm 1941, với 5,54 triệu đảng viên, Đảng Cộng sản Liên Xô đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu và chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, lãnh đạo công cuộc xây dựng Liên Xô trở thành siêu cường. Vậy nhưng, năm 1991, Đảng Cộng sản Liên Xô với 20 triệu đảng viên lại sụp đổ, không phải do kẻ thù bên ngoài, mà chính là do những mầm mống diễn biến, tự diễn biến tư tưởng bên trong nội bộ Đảng. Việc phi chính trị hóa quân đội, truyền thông, báo chí và để cho “những đàn sói chồm lên cắn vào lịch sử/cào chiến công xé xác các anh hùng” là một trong những nguyên nhân hết sức cơ bản. Từ năm 1986 đến năm 1988, một loạt cán bộ chủ chốt của các tờ báo có ảnh hưởng lớn tại Liên Xô được thay thế bởi những người ủng hộ chủ trương “Tây hóa” của Gorbachev, từ đó các tờ báo này đã khuynh đảo dư luận, làm cho nhiều người dân ảo tưởng vào phương Tây, nhiều người quay lại xét lại lịch sử, hoài nghi lịch sử. Hàng loạt tướng lĩnh và đảng viên lão thành đều bị cho nghỉ hưu để nhường cho “lớp trẻ cấp tiến”, kinh tế chậm đổi mới, các vấn đề nội tại phát sinh theo cấp số nhân và ngày càng gay gắt…Điều gì đến đã phải đến, công lao mà Lê nin và các thế hệ đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô trong phút chốc đã chìm xuống biển sâu. Đó là nỗi đau đoạn trường của những người cộng sản trên thế giới và là bài học máu xương cho chúng ta.

Trước thực tiễn lịch sử đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề hoảng loạn hay hoang mang, dao động; vẫn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một mặt sáng tạo, đổi mới phù hợp với tình hình Việt Nam, một mặt mở rộng quan hệ quốc tế; chủ động đối thoại với Mỹ, Trung Quốc để bình thường hóa quan hệ. Những năm cuối thập niên 80, đầu thập nhiên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đối diện với muôn ngàn gian khó, tưởng chừng không thể gượng dậy được. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chưa lâu, chúng ta lại phải chiến đấu với quân Pôn Pốt và quân bành trướng Bắc kinh. Đất nước kiệt quệ về kinh tế, bị cấm vận kéo dài, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề;. Sau ngày Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã khó lại càng khó hơn.

Yêu cầu cấp bách là phải đổi mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã đáp ứng nguyện vọng bức thiết của cả dân tộc, đánh dấu bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực. Từ sau Đại hội VI, ta dần dần tháo gỡ được những khó khăn, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 199, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995. Cùng năm 1995, ta trở thành thành viên của Asean, tổ chức ban đầu lập ra là để chống Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản. Ngày nay, ta quan hệ trên bình diện rộng, vừa làm bạn được với cả Mỹ – Trung, vừa làm bạn được với Hàn Quốc – Triều Tiên… Đó là sự sáng suốt trong đường lối ngoại giao của Đảng, tạo dựng môi trường hòa bình, thu hút đầu tư để phát triển đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ năm 1995 đến nay, chúng ta mới có điều kiện để tập trung phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. Từ chỗ bị cô lập, đến nay ta đã thiết lập mối quan hệ với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ chỗ đói ăn, phải nhập khẩu gạo trước đổi mới, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, xuất khẩu gạo đứng tốp đầu thế giới. Dân “dĩ thực vi thiên”, nghĩa là họ chỉ cần biết tự do, ấm no, hạnh phúc và phẩm giá là tiêu chí hàng đầu và chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem lại cho nhân dân Việt Nam điều đó.

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua 92 năm đã chứng minh một sự thật không thể chối cãi rằng: không một tổ chức nào đủ khả năng lãnh đạo đất nước, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đứng lên khai tử chế độ thực dân, đế quốc, làm nên những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, đập tan âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đánh tan Fulro và bè lũ Việt Tân do Hoàng Cơ Minh cầm đầu và các mưu đồ khủng bố, kích động bạo loạn; xây dựng một nước Việt Nam có cơ đồ, tiềm năng, vị thế và uy tín như hôm nay.

Liên Xô và các nước theo CNXH sụp đổ nhưng chúng ta vẫn vững vàng; chế độ ta vẫn chiếm trọn niềm tin yêu và cả trái tim của nhân dân Việt Nam đời đời văn hiến. Điều đó chứng minh rằng: Liên Xô sụp đổ là do tự chính tay họ đã tạo ra chứ không phải là thất bại của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Sai lầm khuyết điểm không thể vãn hồi đó chính là bài học xương máu để Đảng ta lấy làm gương tự sửa đổi, tự chấn chỉnh mình. Nhân dân Việt Nam tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu, như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy./.