Hơn 40 tuổi có được đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu?

Chế độ hưu trí là một trong các chính sách an sinh xã hội mà người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội và đạt các điều kiện theo quy định pháp luật. Nếu không tham gia bảo hiểm xã hội theo diện bắt buộc mà ngoài 40 tuổi mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có được hưởng chế độ hưu trí hay không? Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này.

 

1. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng lương hưu hay không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng là một trong các loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức. Khác với hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi tham gia tự nguyện, người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh của mình. Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội  có quy định về các chế độ thuộc bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau: 

” 2. Bảo hiểm xã hội có các chế độ sau đây: a) Hưu trí; b) Tử tuất

Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng các chế độ gồm: nhận lương hưu hàng tháng (khi đủ điều kiện về hưu), nhận các khoản trợ cấp tử tuất như trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, mai táng phí,… theo quy định pháp luật về điều kiện hưởng chế độ tử tuất.

Như vậy, những người không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu lo lắng không biết làm các nào để được hưởng lương hưu khi về già thì có thể yên tâm khi lựa chọn hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

2. Điều kiện hưởng lương hưu khi ngoài 40 tuổi mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ngoài 40 tuổi mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được nhận chế độ hưu trí, đây là độ tuổi khá lớn. Trước khi quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia cần xác định các điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí xem mình có đáp ứng được hay không. 

Thứ nhất, đối tượng áp dụng chế độ hưu trí tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thứ hai, điều kiện hưởng lương hưu. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Điều kiện về tuổi nghỉ hưu: Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 04 tháng với lao động nữ. Sau đó, mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam và 04 tháng với lao động nữ.

Tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam (năm 2028) và 60 tuổi với lao động nữ (năm 2035).

– Điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội: Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên.

Tức là, nếu theo quy định trên, giả sử năm 2022 khi 40 tuổi bạn mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu, như vậy, bạn phải đóng tối thiểu 20 năm bảo hiểm xã hội. Khi đó đến năm 2042 – bạn vừa đủ 60 tuổi. Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, nếu là lao động nữ, bạn đã đủ tuổi để nghỉ hưu, còn nếu là lao động nam, bạn phải đợi 2 năm nữa để đủ 62 tuổi thì mới đủ điều kiện về tuổi để hưởng chế độ hưu trí.

Tuỳ từng độ tuổi cụ thể, thời gian đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí sẽ không giống nhau. Để biết độ tuổi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí của mình, bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật Minh Khuê theo hotline: 19006162 để các luật sư, chuyên viên tư vấn hỗ trợ bạn.

 

3. Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia có thể đăng ký tham gia thông các các Đại lý thu được cơ quan Bảo hiểm xã hội uỷ quyền hoặc đến đăng ký trực tiếp tại Cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi cư trú.

Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần chuẩn bị gồm:

– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Theo quyết định 505/QĐ-BHXH hiện hành là mẫu TK1-TS) do Đại lý thu hoặc Cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp. 

Khi đi, mang theo căn cước công dân để đối chiếu thông tin.

Nếu bạn đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tại đại lý thu thì Đại lý thu sẽ chuẩn bị Danh sách người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mẫu D05-TS để nộp về cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trình tự, thủ tục đăng ký:

Bước 1: Người tham gia kê khai mẫu TK1-TS sau đó nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một của của cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc nộp trực tiếp tại đại lý thu. Đại lý thu sẽ lập mẫu D05-TS kèm theo tờ khai TK1-TS của người tham gia bảo hiểm xã hội về cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đại lý thu có thể thực hiện kê khai hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội qua phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội điện tử của bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua các phần mềm của các đơn vị cung cấp khác.

Bước 2: Người tham gia đóng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng cho Đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội tuỳ thuộc vào việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với đơn vị nào.

– Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Trong đó, mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tương Chính Phủ tại thời điểm đóng. Mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

– Phương thức đóng: người tham gia có thể lựa chọn đóng 3 tháng 1 lần, 6 tháng 1 lần hoặc 12 tháng 1 lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau.

Bước 3: Cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ

Kết quả giải quyết hồ sơ là người tham gia sẽ được nhận sổ bảo hiểm xã hội. Người lao động cần lưu giữ, bảo quản sổ bảo hiểm xã hội cẩn thận. Trường hợp làm mất, rách, hỏng sẽ phải làm thủ tục cấp lại và xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội.