Học Tốt Ngữ Văn – Sách Giải Văn – Soạn Văn Lớp 10 Bài Thực Hành Các Phép Tu Từ: Phép Điệp Và Phép Đối (Cực Ngắn)
Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
Sách giải văn 10 bài thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối (Cực Ngắn), giúp bạn soạn bài và học tốt ngữ văn 10, sách giải ngữ văn lớp 10 bài thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối sẽ có tác động tích cực đến kết quả học tập văn lớp 10 của bạn, bạn sẽ có những lời giải hay, những bài giải sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, giải bài tập sgk văn 10 đạt được điểm tốt:
A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ
I. Phép điệp
1. Khái niệm
Phép điệp là biện pháp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, âm, thanh, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật
2. Các hình thức điệp
a. Điệp âm
Ví dụ:
Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít ai nào kêu ai
(Tố Hữu)
b. Điệp vần
Ví dụ:
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành ngẩn ngơ
(Nguyễn Du)
c. Điệp thanh
Ví dụ: điệp thanh trắc
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
(Quang Dũng)
d. Điệp từ
Ví dụ:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
(Ca dao)
e. Điệp ngữ (cụm từ)
Ví dụ:
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá mắc câu.
Cá mắc câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
(Ca dao)
f. Điệp cấu trúc cú pháp
Ví dụ:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
(Ca dao)
3. Hiệu quả nghệ thuật của phép điệp
a. Gợi hình ảnh
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
(Quang Dũng)
→ Phép điệp từ “dốc” và điệp thanh trắc trong câu thơ đã gợi lên hình ảnh đồi núi trập trùng, hiểm trở.
b. Mô phỏng âm thanh
Những đườmg Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
(Tố Hữu)
→ Phép điệp âm “đ” và âm “r” mô phỏng tiếng bước chân của một đội quân đông đảo và tiếng rung chuyển của đất dưới sức mạnh bước chân của đoàn người.
c. Tạo ra sự nhấn mạnh
Em yêu màu đỏ:
Như máu trong tim
Lá cờ Tổ quốc
Khăn quàng đội viên
Em yêu màu xanh:
Đồng bằng, rừng núi
Biển đầy cá tôm,
Bầu trời cao vợi
(Phạm Đình Ân)
→ Phép điệp ngữ “em yêu” nhấn mạnh tình yêu sâu sắc của nhân vật em đối với lá cờ Tổ quốc, khăn quàng đội viên, đồng bằng, rừng núi, biển, trời.
d. Nhằm tạo ra sự liệt kê
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
(Trần Đăng Khoa)
→ Phép điệp từ “có” liệt kê những yếu tố được kết tinh trong hạt gạo làng. Từ đó, thể hiện tình cảm trân trọng, yêu quý hạt gạo của tác giả.
II. Phép đối
1. Khái niệm:
– Phép đối là cách sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh về ý , gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói, biểu đạt cảm xúc tư tưởng…
2. Đặc điểm
– Số lượng âm tiết của hai vế đối phải bằng nhau.
VD: Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng
(Ca dao)
– Các từ ngữ đối nhau phải cùng từ loại với nhau (danh từ đối với danh từ, động từ – tính từ đối với động từ – tính từ).
VD:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
– Các từ đối nhau hoặc phải trái nghĩa với nhau, hoặc phải cùng trường nghĩa với nhau, hoặc phải đồng nghĩa với nhau để gây hiệu quả bổ sung, hoàn chỉnh về nghĩa.
VD: Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
(Hồ Xuân Hương)
3. Phân loại: Có hai loại đối:
+ Tiểu đối (tự đối): Các yếu tố đối xuất hiện trong nội bộ một câu, một dòng.
VD: Hoa cười ngọc thốt đoan trang
(Nguyễn Du)
+ Trường đối (bình đối): dòng trên và dòng dưới, đoạn trên và đoạn dưới đối nhau
VD: Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Bà huyện Thanh Quan)
4. Tác dụng của đối:
– Gợi sự phong phú về ý nghĩa (tương đồng và tương phản).
Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
– Tạo ra sự hài hoà về thanh.
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù
(Trần Quốc Tuấn)
→ Phép đối tạo nên sự hài hòa về âm thanh, tạo nên sự dồn dập, thôi thúc, căm phẫn
– Nhấn mạnh ý.
Bán anh em xa mua láng giềng gần.
(Ca dao)
– Phép đối trong câu tục ngữ thường phục vụ cho sự so sánh, đối chiếu để khẳng định, nhân mạnh những kinh nghiệm, những bài học về cuộc sống xã hội hay hiện tượng tự nhiên
B. LUYỆN TẬP CỦNG CỐ
1. Phân tích tác dụng của phép đối trong những câu sau :
a.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?
(Chinh phụ ngâm)
b. Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
(Hồ Chí Minh)
Trả lời:
a. Trong đoạn thơ của Chinh phụ ngâm có dùng phép điệp nhiều lần (cùng, thấy, ngàn dâu,…), đặc biệt là phép điệp liên hoàn (còn gọi là điệp ngữ vòng hay điệp ngữ chuyển tiếp ; từ ngữ cuối của câu trước được lặp lại ở đầu câu sau). Tác dụng : diễn tả sự cách xa đôi ngả, không gian rộng lớn và tâm trạng vô vọng của người ra đi và người trở về.
b. Trong lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh có cả phép điệp từ ngữ (với, nào, cũng,…), cả phép điệp kết cấu ngữ pháp giữa các vế câu. Tác dụng : nhấn mạnh phẩm chất, sức mạnh và nhiệm vụ trọng đại của quân đội, đồng thời khẳng định niềm tin chắc chắn vào khả năng bách chiến bách thắng của quân đội.
2. Phân tích tác dụng của phép đối trong những câu sau :
a)
Khúc sông bên lở bên bồi
Bên lở thì đục, bên bồi thì trong.
(Ca dao)
b)
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
c)
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung ;
chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm ;
tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
(Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc)
Trả lời:
a) Phép đối diễn tả sự tương phản giữa bên lở và bên bồi của một khúc sông.
b) Phép đối có tác dụng làm tăng mức độ của đêm khuya và trạng thái nhớ thương, buồn bã trong lòng người xa cách.
c) Phép đối có ở từng cặp câu văn tế ; ở mỗi cặp, diễn tả sự đối lập giữa công việc làm ruộng quen thuộc hằng ngày với việc quân cơ chiến trận xa lạ đối với người nông dân Cần Giuộc.
3. Phân tích hiệu quả của Phép Điệp, Phép đối trong những câu sau :
a. Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai
( Truyện Kiều)
b. Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
(Ca dao)
c. “Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
(Hàn Mặc Tử)
d. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!
(Hồ Chí Minh)
e. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
(Hồ Chí Minh)
Trả lời:
a. Điệp từ nhấn mạnh cảm xúc của Thúy Kiều khi sống trong cảnh lầu xanh: bề ngoài tỏ ra vui vẻ, thoải mái với khách lầu xanh nhưng trong lòng thì gượng gạo, miễn cưỡng, không hề gắn bó mặn mà với họ.
b. Điệp từ có được nhắc lại ba lần liên tiếp (có phố, có nàng, có chùa), kết hợp với nhịp thơ dồn dập thể hiện sự hứng khởi cao độ, niềm tự hào cùng tình cảm gắn bó thiết tha đối với quê hương.
c. Câu thơ có điệp từ “khách đường xa” thể hiện tâm trạng khắc khoải nhớ mong về khoảng cách xa vời của một mối tình đơn phương, vô vọng
d. Đại từ “ai” vừa mang tính cụ thể, vừa phiếm chỉ: xuất hiện hai lần ở câu thơ cuối như khoảng cách đầy thắc mắc, dằn vặt trong tâm hồn con người, nỗi băn khoăn trăn trở của tác giả, không biết cô gái có thực sự yêu mình hay không.
Trong đoạn văn của Hồ Chí Minh, các điệp ngữ có tác dụng nhấn mạnh tinh thần đấu tranh của dân tộc và sự xứng đáng được hưởng quyền tự do độc lập của dân tộc ấy.
e. Chữ “chúng” được nhắc lại nhiều lần ,câu văn ngắn, đanh thép, hùng hồn, đầy sức thuyết phục, nhấn mạnh tội ác của thực dân Pháp