Hồ sơ băng “xã hội đen” ở Nha Trang (phần II)

Để ngăn chặn những yếu tố phức tạp có thể xảy ra, thành viên nòng cốt tham gia Chuyên án của Công an Khánh Hoà vẫn là Công an TP Nha Trang, nhưng bộ phận nào chỉ biết việc của bộ phận nấy, thậm chí nhiều thành viên còn không biết cả bí số của chuyên án mà họ đang tham gia.

Tháng 8/2005, khi kiểm tra đề án chống tội phạm có tổ chức, Ban Giám đốc (BGĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa đã đặc biệt chú ý đến báo cáo của Công an TP Nha Trang về sự manh nha hình thành và thay đổi phương thức hoạt động của một số băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp, tập trung chủ yếu trong các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như nhà hàng, vũ trường, cho vay lãi nặng… Thay cho những hoạt động phạm tội manh động, đơn lẻ, những băng nhóm này lại hành động một cách hoàn toàn chủ động, có tổ chức và chuẩn bị kỹ càng, dự báo trước và đề phòng từ xa nguy cơ bị công an phát hiện và truy bắt.

Trong khi đó, ngày 30/8/2005, sau 10 năm chấp hành án phạt tù tại Trại giam Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Yên, Phạm Chí Tin, tức Chí “Palestin” hoặc Tin “Pales” đã được đặc xá. Tương tự, Trần Đình Ngai (tức Sơn “chém”), một tên côn đồ rất hung hãn cũng được trả tự do chỉ sau 5 tháng chấp hành án phạt vì tội cố ý gây thương tích (án tuyên 18 tháng).

Kỳ II: Bí mật “Chuyên án không số”

Khó có thể yên tâm hoàn toàn với sự “hoàn lương” của những nhân vật có số má giang hồ này, Công an TP Nha Trang đã cảnh giác tiến hành ngay những biện pháp đề phòng nguy cơ trỗi dậy hình thành băng nhóm mới đi kèm với sự trở lại của Chí “Palestin”, Sơn “chém”…

Nhận định trên không hề sai. Vừa chân ướt chân ráo trở lại với tự do, Phạm Chí Tin đã có ngay hàng loạt động thái cố ý tìm đường nắm lại quyền lực đen. Để gián tiếp thông báo ý đồ, Tin đã tổ chức ngay một đêm nhạc mang tên “Đêm hoài niệm” khá rầm rộ, có cả sự góp mặt của nhạc sĩ T.T. nổi tiếng và một vài nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi khác. Khách mời của đêm nhạc là một tập hợp đầy chủ ý, có cả nhiều vị cán bộ địa phương lẫn rất đông những tên giang hồ “có sao có nút”.

Tin cố ý chọn vũ trường Yasaka, nơi Võ Quảng Hà (Hà “Lê”) đang nắm phần lớn cổ phần làm địa điểm tổ chức “Đêm hoài niệm”. Vì không xin giấy phép tổ chức biểu diễn, đêm ra mắt của Chí đã bị công an buộc giải tán ngay khi vừa mới vào cuộc. Tín hiệu khiêu khích, khẳng định đẳng cấp giang hồ của Tin cũng không đạt được mục đích.

Ánh “Phú” nghe đọc lệnh bắt.

Mang bộ “da cọp” của quá khứ, Tin quên mất rằng sau 10 năm ngồi tù, đầu óc của gã đã trở nên già cỗi, lạc hậu với tình hình. Đám giang hồ mới nổi đa phần đều là những gã 20-25 tuổi. Thậm chí, nhiều tên chỉ mới 17-18, ngày Tin đi tù, chúng chỉ là những thằng “chíp hôi” hỉ mũi chưa sạch, thành thử chúng chẳng thèm biết Chí “Palestin” là thằng quái nào để nể.

Sợ lại càng không, bởi Phạm Chí Tin đã “lão hóa”, chơi tay đôi chẳng bằng ai, quân không có mà tiền cũng “móm”, chẳng thằng ranh nào nợ nần gì mà phải bán mạng cho gã. Vì vậy, ngay trong “Đêm hoài niệm”, Phạm Chí Tin đã phải cay đắng khi nghe một thằng “giang hồ vặt” thổi vào lỗ tai: “Về nghỉ dưỡng sức đi, anh hết thời rồi!”.

Đầu óc quen xưng hùng, xưng bá khiến Chí “Palestin” trở nên “chấp mê bất ngộ” không chịu thừa nhận hoàn cảnh “mãnh hổ nan địch quần hồ”, hắn vẫn quy tụ dưới trướng mình một loạt đàn em vốn có mâu thuẫn với đám Hạnh “Nhật”, Hà “Lê” như Tý “nẫu”, An “chém”, Sơn “chém”,  Hoài “nhóc”, Hà “Tam”, Năm “lửa”… nhằm mưu đồ “định bá đồ vương” đoạt lại lãnh địa và quyền lực đã mất.

Khi Hà “Lê” sắp khai trương vũ trường New Century, Chí đã đòi Hà cho hắn góp “cổ phần khống”, nghĩa là không góp vốn nhưng vẫn được chia lãi và dĩ nhiên là bị từ chối. Vậy là, ngay trong đêm khai trương, vũ trường New Century đã phải đón một mớ khách không mời. Hai trong số đó là Lê Văn Hà (Hà “Tam”) và Nguyễn Văn Hòa (Hoài “nhóc”), mỗi tên kéo lê một thanh kiếm đi dọc các bàn yêu cầu khách trong vũ trường trả tiền rồi về ngay nếu không sẽ bị chém. Khách khứa chạy tán loạn, khiến đêm khai trương hỏng bét, khởi đầu cho hàng loạt cuộc đâm chém trả thù nhau diễn ra nhiều tháng sau đó.

Công an Nha Trang cũng đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng tỏ những vụ chém nhau gây thương tích, cả bên gây án lẫn bên bị hại hầu hết đều là đàn em của Chí “Palestin” hoặc tay chân của Hạnh “Nhật”, người gắn bó với Hà “Lê” trong những nguồn lợi khai thác từ vũ trường. Theo sự chỉ đạo của BGĐ Công an tỉnh, Công an TP Nha Trang đã tiến hành lập chuyên án đấu tranh nhằm triệt phá cả hai băng nhóm này.

Ở một diễn biến khác, Phòng PC14 Công an tỉnh Khánh Hòa cũng nhận được rất nhiều thông tin từ hoạt động phạm tội của Ánh “Phú” trong lĩnh vực cho vay lãi nặng. Đã có không ít vụ đánh chém người xảy ra mà nguyên nhân có thể là do nạn nhân vay nợ của Ánh “Phú” nhưng không trả nổi, trong đó có 3 vụ vào các đêm 22, 28 và 30/10/2005, đâm thủng ngực, chém đứt gân tay anh Nguyễn Văn Nghĩa và hủy hoại toàn bộ tài sản trong quán bia hơi của anh ở 7G3 đường Hùng Vương.

Tài liệu trinh sát cho thấy, những vụ này đều do đàn em của Nguyễn Ngọc Thành Hạnh thực hiện theo yêu cầu của Ánh “Phú”. Chuyên án đấu tranh lật mặt hành vi tội lỗi của nữ quái này đã được BGĐ Công an tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2005.

Để tiện cho việc đấu tranh truy xét, ngày 10/8/2006, Công an tỉnh quyết định gộp chung các mối của hai chuyên án riêng lẻ thành một chuyên án lớn, giao cho Công an TP Nha Trang đóng vai trò chính trong quá trình điều tra, báo cáo trực tiếp với GĐ Công an tỉnh.

Điểm đột phá của chuyên án là vụ án nghiêm trọng xảy ra đêm 17/5/2006. Hai đàn em của Hạnh “Nhật” và Hà “Lê” là Võ Duy Ân (“mắt ma”) và Nguyễn Duy Thanh (“cu ghẻ”) cầm đầu một nhóm khoảng 40 tên đi trên 20 xe gắn máy, tay cầm kiếm, mã tấu đến đuổi chém nhân viên và đập phá tan hoang toàn bộ tài sản trong cơ sở massage Bích Tuyền ở số 6Ô Hùng Vương do bà Huỳnh Thị Thạch làm chủ.

Tiếp đó, rạng sáng ngày 15/7, bà Thạch và người con nuôi Phạm Anh Duy trên đường đi ăn khuya lại bị một nhóm 9 tên dùng mã tấu tập kích. Duy bị chém nhiều nhát vào đầu, tay, gãy hai vai, đứt gân 2 chân, rụng 3 ngón tay… thương tích rất nặng.–PageBreak–

Sau khi điều trị, bị hại và gia đình đã tố cáo và hợp tác khá tốt với Cơ quan điều tra. Lời khai của bị hại và tài liệu thu thập chứng tỏ 2 vụ đều được thực hiện bởi cùng một nhóm đối tượng, trong đó nghi can số 1 là băng do Nguyễn Ngọc Thành Hạnh cầm đầu. Số lượng tham gia gây án đông, bọn tội phạm khó có thể xóa được hết dấu vết.

Đó chính là những lợi thế có thể tạo nên bước đột phá mở tung toàn bộ những nghi án đang chìm trong bóng tối. BGĐ Công an tỉnh Khánh Hòa quyết định mượn số nhà 6Ô làm đuôi bí số TX-106 Ô đặt cho chuyên án.

Riêng trong vụ án nhà số 6Ô Hùng Vương, Công an Nha Trang đã khởi tố 25 bị can. Đến đầu tháng 10/2006, 17 tên đã bị bắt, 8 tên khác đang bị truy nã. Đặc biệt, ngày 9/8/2006, Võ Duy Ân, một trong 2 tên đầu vụ đã bị lực lượng của C14 bắt giữ tại Hà Nội và đưa về tạm giam tại Trại T16 – Bộ Công an. Lời khai của Ân tại C14 khá phù hợp với lời khai của những tên bị bắt trước và sau đó về vai trò, sự liên quan của những đối tượng chưa bị khởi tố trong cả vụ án nhà 6Ô lẫn trong nhiều vụ khác.

Rõ nhất là chứng minh được nguyên nhân mâu thuẫn dẫn đến việc thanh trừng lẫn nhau giữa hai nhóm đàn em của Hà “Lê”, Hạnh “Nhật” với đàn em của Chí “Palestin” trong đêm khai trương vũ trường New Century ngày 27/11/2005, sau bị Hà “Tam”, Hoài “nhóc” vác mã tấu đến quậy, Hạnh “Nhật” đã chỉ huy đàn em dùng mã tấu, kiếm chém gây thương tích nặng cho một loạt đàn em của Chí, trong đó có cả Sơn “chém”, Hà “Tam” và Hoài “nhóc”.

Tháng 5/2006, mối hận chưa nguôi, Hoài “nhóc” lại bị phục kích chém đứt gân, khuỷu  tay ngay trước cửa nhà Phạm Chí Tin. Chưa kịp lên tiếng, bom xăng đã tới tấp bay vào nhà Phạm Chí Tin, cổng nhà gã đàn anh hết thời cũng bị tưới xăng đốt rụi.

Chuyên án càng mở rộng, số bị can càng tăng. Nhiều tên trong cả hai băng chạy ra các tỉnh miền Bắc, trốn lệnh truy nã. Để thuận tiện cho việc bóc gỡ, BGĐ Công an tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát (TCCS) nhằm mở rộng biên độ chuyên án ra ngoài tỉnh. TCCS đã thành lập thêm Ban chỉ đạo chuyên án do Thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình, Phó tổng cục trưởng TCCS làm Trưởng ban và tăng cường một số trinh sát vào Khánh Hòa phối hợp với Ban chuyên án, lúc này đã được nâng lên đặt dưới sự chỉ huy của BGĐ Công an tỉnh, do Thượng tá Trần Quang Họa, Phó giám đốc Công an tỉnh làm trưởng ban.

Để ngăn chặn những yếu tố phức tạp có thể xảy ra, thành viên nòng cốt tham gia chuyên án vẫn là Công an TP Nha Trang, nhưng bộ phận nào chỉ biết việc của bộ phận nấy, thậm chí nhiều thành viên còn không biết cả bí số của chuyên án mà họ đang tham gia.

Ngày 7/10, toàn bộ các thành viên Ban chuyên án được triệu tập, trong khi chỉ huy các đơn vị của họ không tham gia chuyên án không hề được thông báo. Trưa ngày 7/10, lệnh bắt Trần Đình Ngai (Sơn “chém”) được thực hiện. Cùng thời điểm, lệnh bắt Nguyễn Ngọc Thành Hạnh cũng được phê chuẩn. Trinh sát địa bàn báo cáo đối tượng đã bỏ về nhà ở phường Ngọc Hiệp.

Tình thế khẩn trương, nếu không bắt ngay đối tượng sẽ bỏ trốn. Điều quân rầm rộ, tai mắt của Hạnh có thể sẽ kịp báo cho đàn anh, lúc này đã đánh hơi thấy nguy hiểm. Nhưng nếu ít người, việc bắt Hạnh có thể sẽ nguy hiểm, bởi đối tượng giỏi võ và khả năng có cả súng, lại hết sức liều lĩnh trong khi đã vào bước đường cùng.

Thượng úy Nguyễn Sĩ Hân, trinh sát Đội Hình sự Công an Nha Trang xung phong đi “giải quyết đối tượng” một mình. BGĐ Công an tỉnh lưỡng lự chưa quyết, Thiếu tá Nguyễn Bá Mỹ, Đội trưởng đã cam đoan: “Để cậu ấy đi, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Hân nhỏ con nhưng lỳ và khá giỏi võ, lại quá “quen biết” Hạnh “Nhật”. Nhác thấy bóng anh, Hạnh định bỏ chạy. Hân quát: “Hạnh “Nhật” đứng lại, không được chạy!”. Dù hung hãn, liều mạng, Hạnh “Nhật” vẫn líu ríu vâng lời, đứng yên tại trận chờ xe đặc chủng đến đưa đi.

Bí mật của mẻ lưới được giữ đến phút chót. Trong khi khám nhà Hạnh “Nhật”, Ánh “Phú” thậm chí còn tò mò tìm đến xem. 15h30, nghĩa là chỉ 30 phút sau, đến lượt thị cũng tra tay vào còng. Không hề đánh hơi thấy nguy hiểm, Ánh “Phú” vẫn ở nguyên trong nhà không hề kịp tẩu tán tài sản lẫn bằng chứng phạm tội. Ban chuyên án đã thu được tại nơi ở của thị gần 1,1 tỉ đồng, 12.600 USD cùng toàn bộ giấy tờ nhà đất, sổ ghi nợ chi tiết… Vào thời điểm đó, lệnh bắt Võ Quảng Hà chưa được phê chuẩn. Do đó, đối tượng này đã kịp bỏ trốn.

Việc khám xét kéo dài đến tận 22h30 đêm 7/10 nhưng 19 giờ, thông tin đầu tiên đã được phát đi trên bản tin thời sự của VTV1. Sự vắn tắt của bản tin đã khiến những ngày sau đó, ngay cả đội ngũ phóng viên báo chí cũng lầm tưởng là toàn bộ 21 đối tượng đều bị C14 bắt trong ngày 7/10 chứ không chỉ là 3 đối tượng cộm cán Ánh, Hạnh, Sơn “chém” (18 đối tượng kia đều đã bị Công an Khánh Hòa và C14 bắt từ nhiều tháng trước).

Mười  ngày sau, nhiều tờ báo vẫn tiếp tục đưa tin là lực lượng của C14 – Bộ Công an đã cất được một mẻ lưới lớn, trong khi Công an TP Nha Trang hoàn toàn bị đặt ra ngoài và không hề hay biết. Trước những thông tin thiếu chính xác, và dễ gây hiểu sai về Công an địa phương, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Cao Minh Nhạn, người duy nhất được phân công chịu trách nhiệm phát ngôn về vụ việc vẫn cảm thấy rất… vui mừng.

Điều đó chứng tỏ rằng yếu tố bí mật – yêu cầu cao nhất mà Ban chuyên án đặt ra đã được thực hiện hoàn hảo. Thậm chí, vẫn không mấy người biết rằng bí số của chuyên án là TX-106 Ô. Nhiều người cứ đinh ninh rằng, đó là một chuyên án không bí số!

(Còn nữa)