Giang hồ mạng hoành hành ở Hàn Quốc

Các kênh YouTube lôi kéo sự chú ý của người xem bằng cách lãng mạn hóa những tội ác như phân phối ma túy, tấn công tình dục, giết người thông qua câu chuyện không rõ thực hư.

Giang hồ mạng phổ biến khiến phụ huynh Hàn lo ngại.

Một YouTuber tự xưng là cựu xã hội đen và thường xuyên chia sẻ những câu chuyện về thời gian tham gia các hoạt động phạm tội có tổ chức ở Hàn Quốc trên kênh cá nhân của mình, theo Nate News.

Trong một chương trình phát sóng vào tháng 8, YouTuber nói: “Nếu bạn nhận được lệnh giết người, bạn phải thực hiện nó”. Người này đã có 30.000 lượt đăng ký và đang được gọi là “ông trùm ma túy những năm 90”.

Những người được gọi là “Gangster YouTuber” nói về năm tháng phạm tội có tổ chức đã trở nên phổ biến và đang nổi lên như một vấn đề nóng tại Hàn Quốc.

Trẻ hóa

Theo điều tra của cảnh sát Hàn Quốc, số lượng YouTuber xã hội đen đã tăng từ 0 người vào năm 2018 lên 9 người vào năm 2022. Cảnh sát cũng đang tìm kiếm những “giang hồ mạng” trên các nền tảng khác, ngoài YouTube.

Những cá nhân tự xưng là cựu thành viên băng đảng xã hội đen trở nên nổi tiếng khi chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm mà hầu hết người bình thường chưa từng trải qua và không thể kiểm chứng.

Theo Playboard, trang web đếm dữ liệu YouTube, từ năm 2015 đến nay, các YouTuber xã hội đen như Myuncheon Family TV, Changgi TV và Park Hoon TV đã kiếm được lần lượt 530 triệu won (370.000 USD), 350 triệu won (245.000 USD) và 180 triệu won (126.000 USD) từ những lượt xem trên nền tảng.

giang ho mang anh 1giang ho mang anh 2

Câu chuyện phạm tội trở thành chủ đề kiếm view trên nhiều kênh YouTuber ở Hàn Quốc.

Tiền bạc là lý do chủ yếu khiến các băng nhóm xã hội đen nhảy vào YouTube. Vì nội dung có tính chất khiêu khích và giật gân, lượng xem của những kênh này tăng rất nhanh.

Một YouTuber 50 tuổi, người đã tiết lộ những vết sẹo trên cơ thể sau khi xô xát với một nhóm giang hồ khác, nói: “Tôi dự định thể hiện khía cạnh thẳng thắn và không giấu giếm. Tôi không được học hành tử tế và đã lớn tuổi, nên bắt đầu kiếm sống bằng YouTube”.

Khi độ tuổi của các băng nhóm xã hội đen ngày càng trẻ hóa, cũng có một phân tích cho rằng số lượng giang hồ mạng ngày càng tăng.

Cục điều tra của cơ quan cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 1.630 người liên quan đến tội phạm băng đảng thông qua các cuộc trấn áp đặc biệt từ tháng 4 đến tháng 7.

Khoảng 69% được xác định thuộc thế hệ MZ (những người trẻ sinh sau những năm 1980) ở độ tuổi dưới 30. Một quan chức cảnh sát ước tính rằng những băng nhóm xã hội đen trẻ tuổi này đang mở rộng hoạt động sang phát sóng trực tuyến.

Lo ngại bắt chước

Trước thực trạng này, các bậc phụ huynh không giấu được sự lo lắng. Một bà mẹ 49 tuổi, nhân viên văn phòng có con trai 17 tuổi, cho biết: “Ngay cả học sinh tiểu học cũng có thể dễ dàng truy cập YouTube, vì vậy tôi lo rằng thanh thiếu niên sẽ xem nhẹ, học theo những tội ác này trong giai đoạn nổi loạn tuổi dậy thì”.

Một phụ huynh khác đang nuôi dạy con học tiểu học nói: “Trẻ em có thể ngưỡng mộ những tên xã hội đen này vì chúng nghĩ rằng họ là những YouTuber nổi tiếng, không phải tội phạm”.

Một YouTuber tự giới thiệu mình là xã hội đen và có hình xăm kín người, nói: “Thực tế là một số giang hồ mạng nói rằng ‘Tôi lái một chiếc xe hơi nhập khẩu đắt tiền hoặc sống trong một ngôi nhà đẹp nhờ phạm tội’ chỉ để cố gắng thu hút người xem”.

giang ho mang anh 3

Các chuyên gia yêu cầu biện pháp giám sát nội dung chặt chẽ hơn.

Ủy viên Yoon Hee Geun cho biết tại cuộc kiểm tra cơ quan cảnh sát của ủy ban an toàn hành chính vào ngày 7/10: “Chúng tôi đang theo dõi và sẽ truy quét bất kỳ YouTuber xã hội đen nào nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật”.

Ngày 7/9, cơ quan cảnh sát đã mở một cuộc điều tra toàn diện về các chương trình phát sóng của những băng đảng xã hội đen trước đây và hiện tại trên khắp đất nước.

Một quan chức cảnh sát cho biết: “Chúng tôi đang lo ngại các tội phạm bắt chước có thể xảy ra và có kế hoạch tiếp tục giám sát”.

Tuy nhiên, YouTube được coi là điểm mù mà tội phạm rất khó bị buộc tội. Các chuyên gia chỉ ra rằng không dễ để trừng phạt bất kỳ cá nhân nào chỉ với nội dung mà tội danh không rõ ràng trên Internet.

Lee Sang Ho, giáo sư về nội dung truyền thông tại Đại học Kyungsang, giải thích: “Bản chất của YouTube là rất khó đưa ra các biện pháp trừng phạt nên không có giới hạn nào đối với những YouTuber xã hội đen này. Vì vậy, việc theo dõi và giám sát trên các phương tiện truyền thông là vô cùng cần thiết”.