Giải quyết vấn đề “Ô nhiễm kiến trúc” ở các đô thị hiện nay – Trang chủ – Báo Bắc Ninh

Bệnh hình thức và cái “tôi” của chủ nhà được thể hiện trên mặt đứng những ngôi nhà ở Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn).

 

Có thể hiểu một cách đơn giản nhất, “ô nhiễm kiến trúc” chính là sự lộn xộn trong xây dựng, các công trình không phù hợp với nhau, không phù hợp với không gian chung và thiếu tính thẩm mỹ. Đó có thể là sự pha trộn một cách thô thiển, khiên cưỡng giữa các phong cách kiến trúc khác nhau, tạo ra một sản phẩm mang tính phản cảm với xã hội, bộ mặt đô thị nham nhở lộn xộn dễ thấy. Sự ô nhiễm này xuất hiện ở nhiều nơi và có nhiều nguyên nhân, từ quy hoạch cho tới những công trình cụ thể, từ vấn đề quản lý tới cái tâm và trình độ của kiến trúc sư, từ quan trí tới dân trí… “Ô nhiễm kiến trúc” không chỉ thể hiện ở giá trị thẩm mỹ, mà còn gây ra những hậu quả cụ thể theo nghĩa đen: Gây hiệu ứng nhà kính, tiêu hao năng lượng lớn, thải nhiều rác, chất thải và khí thải ra môi trường…
Đầu tiên nói đến “ô nhiễm kiến trúc” nhà dân tự xây, đó là các công trình dân dụng được xây dựng tự phát, không theo một quy hoạch đô thị nào. Dễ nhận thấy nhất là ở những con đường mới mở của Bắc Ninh, với hàng loạt các ngôi nhà mọc lên đủ màu sắc, kiểu dáng, phong cách không hề ăn nhập với nhau… Sự lãng phí trong xây dựng (thông qua nhiều hình thức), việc đuổi theo các hình thức kiến trúc nặng về trang trí dập khuôn, cũng như mỗi nhà một kiểu kiến trúc, thực tế là một khía cạnh của “ô nhiễm kiến trúc”. Về mặt kinh tế, nắn chỉnh một tuyến đường thiếu đồng bộ đương nhiên tốn kém hơn nhiều so với triển khai có kế hoạch tốt.
Tiếp đến là “ô nhiễm kiến trúc” nhà công cộng, trụ sở, đó là các công sở,  những trung tâm thương mại được xây dựng không phù hợp với những giá trị thẩm mỹ dân tộc, ở sự cóp nhặt, mâu thuẫn giữa các phong cách kiến trúc khác nhau. Báo chí đã nhiều lần cảnh báo về “hội chứng kiến trúc kiểu Pháp”. Đó là những ngôi nhà với hệ cột theo thức cổ điển Hy Lạp, La Mã… hay làm mái kiểu măng sác- Mansard, một phong cách kiến trúc Pháp thế kỷ 17 đang được coi là “mốt” trong xây dựng tại Bắc Ninh, mặc dầu ở ngay nước Pháp người ta cũng bỏ đi từ 100 năm rồi. Vì phiến đá đen để dán ở mái khó kiếm và đắt nên người ta thay thế bằng các tấm tôn màu xanh, đỏ. Có khi chỉ là các mái giả bao quanh một cái sân trời là mái bằng. Có nơi còn sáng tạo ra các mái măng sác hai, ba tầng. Thực ra đây còn là một kiểu lách luật khi xây nhà 3-4 tầng để cho cao thêm một tầng nữa. Không nên lấy cái già cỗi của nước khác làm cái mới của mình.  
Nhìn dáng dấp trung tâm thương mại của nhiều đô thị trong tỉnh, quy mô lớn với bộ mái măng sác và ô vòm mái, như một sự đoạn tuyệt niềm tin vào chủ nghĩa hiện đại của tác giả lẫn nhà đầu tư và đi xa hơn, lung lay niềm tin nơi công chúng. Lại tiếc cho một miếng đất rộng và đẹp nhất nhì đô thị này, với kinh phí ấy, thừa sức làm một tác phẩm kiến trúc hiện đại sáng giá của miền Kinh Bắc – Bắc Ninh. Mà nguyên nhân của chuyện này là sự thiếu năng lực, lười nghiên cứu và thiếu cương quyết của các kiến trúc sư – tác giả, cùng các cơ quan quản lý và cấp phép xây dựng.
Tại những khu đô thị mới với những tòa chung cư cao tầng như rừng bê tông, chủ đầu tư gạt bỏ những phần phụ trợ do kiến trúc sư đưa ra để giảm chi phí và tăng mật độ xây dựng. Nhưng kết quả cũng vẫn là một sự ô nhiễm được báo trước. Môi trường đô thị bền vững đồng nghĩa với môi trường sinh thái đa dạng, gần gũi với con người, với thiên nhiên, cung cấp cho con người nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp với thiên nhiên. Đô thị phải có những không gian xanh và thiên nhiên với bản sắc riêng của nó trong “khoảng cách rất gần” với con người, làm giảm căng thẳng bởi những công trình bê tông cốt thép ngày càng lấn át không gian hữu hạn đô thị.
Để chống lại nạn “ô nhiễm kiến trúc” đô thị, có rất nhiều việc phải làm từ giới chuyên môn tới các nhà quản lý. Kiến thức về kiến trúc đô thị cũng cần được đưa vào nội dung giảng dạy tại các trường chính trị, quản lý hành chính… để cung cấp những kiến thức căn bản về kiến trúc đô thị cho các nhà quản lý, từ đó hướng tới xây dựng một nền kiến trúc, biết hấp thụ tiếp nối văn hóa truyền thống của dân tộc, thoát khỏi tình trạng lạc hậu, ràng buộc của chủ nghĩa hình thức. Tất cả đang là một vấn đề lớn mà việc xử lý, giải quyết không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai. Đó cũng không phải là việc của riêng một hay nhóm người, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Chúng ta kỳ vọng xây dựng được những đô thị thực sự có giá trị bền vững và đáng sống, thể hiện được dấu ấn đô thị, tạo nên những công trình, khu phố, trục đường mang tính biểu tượng và không gian thiên nhiên đặc trưng của Thành phố miền Quan họ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi hoạt động xây dựng diễn ra rầm rộ, khát vọng vươn tới một thành phố đáng sống, hiện đại, văn minh trực thuộc Trung ương càng đặt ra cho chúng ta trọng trách trong quản lý kiến trúc đô thị, cần lắm sự thận trọng và những giải pháp mang tính khoa học, chặt chẽ và đồng bộ.                                                                                                                            

KTS. Nguyễn Huy Phách

KTS. Nguyễn Huy Phách