Giá vàng hôm nay 22.7: Đột ngột tăng mạnh, rủi ro vẫn chực chờ
–
Thứ sáu, 22/07/2022 10:50 (GMT+7)
Giá vàng hôm nay ồ ạt tăng mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất. Dù vậy chênh lệch mua – bán vàng vẫn rất lớn.
Ảnh minh họa: Phan Anh
Giá vàng trong nước tính đến 10h ngày 22.7 được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 63,5 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 65,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI là 2 triệu đồng/lượng.
So với mở cửa phiên giao dịch trước (21.7), giá vàng tại DOJI cùng tăng 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC chiều mua vào ở ngưỡng 64,03 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 65,78 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC đang là 1,75 triệu đồng/lượng.
So với mở cửa phiên giao dịch trước (21.7), giá vàng tại Bảo Tín Minh Châu tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giới chuyên gia nhận định, mức chênh lệch mua vào – bán ra của các đơn vị kinh doanh trong nước đang quá cao. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy rủi ro về phía người mua.
Diễn biến giá vàng thế giới (Kitco).
Giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch hôm nay giao dịch trên Kitco ở ngưỡng 1.716,8 USD/oz. So với mở cửa phiên giao dịch trước, giá vàng thế giới tăng mạnh 24,2 USD/oz.
Kim loại quý đột ngột quay đầu trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm. Cụ thể, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm 0,44% xuống còn 106,61.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ rạng sáng đã trượt khỏi mốc 3%. Lợi suất giảm làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không mang lãi suất này.
Bên cạnh đó, quyết định nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp ngày hôm qua đã tác động mạnh mẽ đến thị trường vàng.
Lần đầu tiên sau 11 năm qua, ECB đã quyết định tăng lãi suất chính thêm 50 điểm cơ bản. Sau thông tin tăng lãi suất, đồng Euro đã phục hồi, trong khi đó đồng USD chứng kiến một đợt bán là giảm trượt mốc 107.
ECB cũng nhận định, cơ quan này đã rất khó khăn đưa ra quyết định giữa kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế. Hiện kinh tế khu vực châu Âu ngoài lạm phát tăng cao do đứt gãy nguồn cung, còn do Nga đe doạ cắt nguồn cũng khí đốt.
Nhiều chuyên gia nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản lên ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tuần tới.
Về mặt kỹ thuật, giới đầu cơ vàng giá lên vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể vững chắc trong ngắn hạn với mục tiêu tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc ở mức 1.750 USD/oz. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo của giới đầu cơ vàng là đẩy giá tương lai xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở mức 1.650 USD/oz.
Chris Gaffney – người phụ trách các thị trường trên thế giới của Ngân hàng TIAA (Mỹ) cho biết đà tăng gần đây của vàng sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn do Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất, giúp đồng USD vẫn khỏe mạnh.
Trong trường hợp Fed đánh tín hiệu rằng ngân hàng này đã thực hiện xong nhiệm vụ kiềm chế lạm phát (chỉ việc tăng lãi suất), vàng có thể chứng kiến sự phục hồi, nhưng kim loại quý này sẽ vẫn chịu sức ép cho đến lúc đó.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,7% lên 18,78 USD/oz; giá bạch kim tăng 2% lên 874,98 USD/oz; giá palladium tăng 1% lên 1.880,48 USD/oz.