Gia tăng rác thải nhựa ở Việt Nam – Sở Thông tin & Truyền thông Ninh Bình

Lượng tiêu thụ nhựa trung bình của 1 người Việt đã tăng 11 lần và tiếp tục tăng do nhu cầu về đồ nhựa trong thời gian cách ly dịch bệnh.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ước tính, trung bình mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 400 triệu chất thải nhựa và có từ 75-199 triệu tấn nhựa hiện đang ở trong các đại dương của chúng ta. Và nếu không hành động để giải quyết thực trạng trên, số rác thải nhiễm vào đại dương có thể sẽ tăng gấp ba thậm chí là nhiều hơn nữa trong vòng hai thập niên tới.

Tại Việt Nam, ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm từ 10-20% (khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn) và tăng đột biến sau đại dịch Covid-19. Rác thải nhựa có thể bị thải bỏ ra môi trường và xâm nhập vào chuỗi thức ăn do bị tan rã thành các mảnh và hạt nhỏ hơn theo thời gian.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe. Trước bối cảnh đó, FHI360 đã tiên phong thực hiện nghiên cứu Tổng quan về tác động sức khỏe của nhựa đối với sức khỏe con người ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, lượng tiêu thụ nhựa trung bình của một người Việt đã tăng 11 lần, từ 3,8kg/người năm 1990 lên 41,3 kg/người năm 2018 và tiếp tục tăng thời gian qua do nhu cầu về đồ nhựa trong thời gian cách ly phòng Covid-19.

Tại các đô thị Việt Nam, tổng lượng túi nilon được sử dụng là 10,48 – 52,4 tấn/ngày. Trong giai đoạn 2019 – 2022, xu hướng tăng trong chi tiêu hộ gia đình cho thực phẩm và đồ uống tạo ra động lực tăng trưởng chính cho phân khúc bao bì nhựa.

Bên cạnh đó, tăng trưởng xây dựng nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục làm tăng trưởng cho phân khúc nhựa xây dựng. Rác thải nhựa chiếm 8 – 12% trong tổng số rác thải sinh hoạt, với khoảng 2,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, tương đương xấp xỉ 7.800 tấn/ngày.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có đến 80% túi nilon dùng một lần nhưng chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng, chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế. “Một con số khác ở mức cao hơn là 94% lượng rác thải ở các vùng ven sông và ven biển là rác thải nhựa, trong đó phần lớn là nhựa dùng một lần. Trong khi đó, xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn rất phổ biến”, báo cáo chỉ ra.

Đáng lưu ý, tại Việt Nam ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó tỉ lệ nhựa chiếm từ 10-20%, tương đương khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn và tăng đột biến do đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sắp được áp đặt đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Minh Khánh