Đóng bảo hiểm xã hội gần 20 năm: Đắn đo nên rút hay để

Rất nhiều người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) năm thứ 18, 19 đang đắn đo có nên rút BHXH một lần. Không ít người lo ngại nếu đóng đủ 20 năm BHXH sẽ không được rút một lần mà phải chờ đến khi đủ tuổi về hưu mới được nhận lương hưu, trong khi cuộc sống có không ít rủi ro, bệnh tật.

Người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: P.Liễu

Người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: P.Liễu

Trong tính toán của mình, nhiều NLĐ cho rằng, rút BHXH “một cục” về để kinh doanh, tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc gửi ngân hàng có lãi hơn. Những năm còn lại tiếp tục làm việc và hoàn toàn có thể lập được một vòng thời gian đủ 20 năm tham gia BHXH và nhận lương hưu vẫn chưa muộn.

* Vì sao NLĐ muốn rút BHXH một lần?

Năm nay 37 tuổi, chị Nguyễn Trúc Quỳnh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa, làm công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã tham gia BHXH được gần 19 năm. Chị Quỳnh cho biết, chị và nhiều bạn bè trong công ty tham gia BHXH với thời gian khoảng 18-19 năm đều muốn đi rút BHXH một lần.

Theo tính toán của chị Quỳnh, nếu rút BHXH chị được khoảng 150 triệu đồng. Số tiền này gửi vào ngân hàng cũng có lãi hơn là để trong quỹ BHXH. Từ tuổi 37, tiếp tục đi làm đến 60 tuổi thì đóng BHXH được tới 23 năm nữa, dư thời gian để hưởng lương hưu.

Cũng có NLĐ cho rằng, cuộc sống vô thường, rủi ro, bệnh tật có thể ập đến bất cứ lúc nào, thậm chí có thể chưa kịp hưởng lương hưu đã… chết thì mất hết những gì mình đã đóng; trường hợp mới nhận lương hưu được vài năm mà phát bệnh ung thư rồi chết cũng là… lỗ nặng. Nhiều người có mức đóng BHXH cao vẫn muốn rút một lần để lấy tiền kinh doanh hay tham gia bảo hiểm nhân thọ với hy vọng đồng tiền ấy sẽ sinh lời hơn.

Đừng vì cái lợi trước mắt

Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MINH THÀNH cho biết, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu cho NLĐ. Do vậy, NLĐ không nên vội vàng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu dài.

Không chỉ có người làm công nhân chọn cách lấy được khoản tiền lớn khi rút ngay BHXH một lần, mà cả những người làm công tác văn phòng cũng chọn cách này vì lý do của riêng mình.

Chị Trần Thanh Hà (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) từng phụ trách công việc hành chính nhân sự tại một công ty ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi  rút BHXH một lần để đầu tư kinh doanh vì tính nhẩm sẽ được khoảng 300 triệu đồng. Trong khi tuổi nghỉ hưu càng kéo dài, chế độ an sinh xã hội không cải thiện nhiều, có đóng tiếp bảo hiểm thất nghiệp cũng chỉ được hỗ trợ tối đa 12 tháng”.

Ngoài ra, chị Hà cũng lo về độ tuổi 45 của mình. Chị cho rằng, các công ty tư nhân thường “thay máu” nhân sự, chọn người trẻ, chưa có thâm niên để trả lương ít hơn nên dù đóng được 18 năm 9 tháng, chị vẫn quyết định rút BHXH một lần.

Bên cạnh những người quyết tâm rút BHXH một lần, không ít người cũng đắn đo, đặc biệt là những người trên 40 tuổi. Chị Nguyễn Thị Ánh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, chị làm việc trong một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đã 18 năm 6 tháng. Thấy nhiều người trong công ty đổ xô đi rút BHXH một lần, chị cũng hoang mang. Nhưng cuối cùng thì chị quyết định không rút BHXH một lần mà lưu lại sau này lãnh lương hưu.

Chị Ánh cho biết: “Khoản tiền rút BHXH một lần bây giờ không nhiều nên cũng không làm được gì to tát, còn đi làm được, sống được thì cứ để BHXH đấy như “của để dành” sau này về hưu có tiền lương, đỡ cậy nhờ con cái”.

* Cân nhắc kỹ trước khi rút BHXH một lần

Theo thông tin từ BHXH tỉnh, việc NLĐ rút BHXH một lần, tự mình rời khỏi hệ thống BHXH đang là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội quốc gia. Một điều dễ nhận thấy, rút BHXH một lần chỉ mang lại cho NLĐ lợi ích trước mắt, chứ thực chất nhiều NLĐ không lường hết được những nguy cơ sẽ đến với những người đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, trong những buổi tuyên truyền các chính sách, chế độ liên quan đến BHXH tại nhiều doanh nghiệp, Cơ quan BHXH nhận được nhiều câu hỏi đắn đo của NLĐ về việc đã đóng BHXH được gần 20 năm có nên tiếp tục đóng hay không.

Trao đổi về những băn khoăn của NLĐ đã đóng BHXH được một thời gian dài, giờ có nên đóng tiếp, ông Thành cho biết, chẳng có gì yên tâm bằng tiền gửi vào quỹ của Nhà nước. Tiền tham gia đóng vào được cơ quan nhà nước bảo hộ quản lý và có trách nhiệm an sinh xã hội thì NLĐ nên yên tâm.

Đối với những trường hợp nghĩ xa khi cho rằng, mới được hưởng hưu trí thời gian ngắn mà không may qua đời thì coi như mất trắng là do NLĐ chưa tìm hiểu kỹ chính sách. Lúc đó, các quyền lợi như trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất vẫn được Nhà nước chi trả đầy đủ cho người thân của người mất. 

Theo ông Phạm Minh Thành, không phải công ty bảo hiểm tư nhân nào cũng chi trả khi có rủi ro về sức khỏe, tính mạng; hơn nữa, lãi của bảo hiểm nhân thọ không cao và nếu cần phải rút tiền những năm đầu, người tham gia bảo hiểm nhân thọ hầu như không có lãi. Trong khi đó, lương hưu là do Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội ít nhiều đem đến sự chủ động cho NLĐ sau khi về hưu. Điều này giúp NLĐ bớt lệ thuộc vào con cháu khi hằng tháng có lương, ốm đau đã có BHYT lo, có “nằm xuống” thì người thân vẫn được hưởng một số quyền lợi như tiền tử tuất, tiền mai táng.

Thực tế, khi rút BHXH một lần, số tiền mà NLĐ nhận được sẽ ít hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, hiện nay tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương hằng tháng. Trong đó, NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%. Tổng mức đóng quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì NLĐ chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, NLĐ mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.

Ông Phạm Minh Thành khuyến cáo, NLĐ cần cân nhắc để bảo lưu thời gian đóng BHXH, đến khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ điều kiện được hưởng lương hưu, đảm bảo việc chủ động trong cuộc sống khi về già và an sinh xã hội của đất nước.

Phương Liễu