ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ KHÁT VỌNG CỦA NHÂN DÂN TA

ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ KHÁT VỌNG CỦA NHÂN DÂN TA

 

Nguyễn Văn HàoNguyễn Thị Hồng Hạnh

(Học viện Chính trị khu vực III)

Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rộng lớn, phong phú, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học. Mô hình chủ nghĩa xã hội- con đường mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn là con đường chưa có tiền lệ, đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, theo dõi. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Hơn 90 năm qua, nhất là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chân lý này đã được thử thách và kiểm nghiệm; tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước hiện thực hóa.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, từ thực tế của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, thuật ngữ chủ nghĩa xã hội được hiểu theo 3 góc độ sau: Chủ nghĩa xã hội là một phong trào thực tiễn; chủ nghĩa xã hội là một trào lưu tư tưởng, lý luận; chủ nghĩa xã hội là một chế độ chính trị – xã hội hiện thực, một mô hình, kiểu tổ chức xã hội theo những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học. Mỗi góc độ ấy lại có mỗi biễu hiện khác nhau, tùy vào thế giới quan và giai đoạn lịch sử – cụ thể.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Lợi dụng cơ hội đó, các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị  hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, bóp méo, chống phá. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết và cho rằng nguyên nhân tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là do tin theo của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sai lầm. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ hoạ theo các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối, nuối tiếc về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không?Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn đường đi sai không? Chắc chắn là không!

Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào thế bất lợi, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn. Tại thời điểm này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(1). Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011) trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(2).

Thực tiễn đã khẳng định chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội đã lỗi thời về mặt lịch sử, sớm hay muộn cũng phải được thay bằng hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa. Quá trình cách mạng đó vì sự nghiệp cao cả là giải phóng con người, vì sự phát triển tự do và toàn diện của con người, vì tiến bộ chung của loài người. Đi theo dòng chảy của thời đại cũng tức là đi theo quy luật phát triển tự nhiên của lịch sử – con đường đó chính là lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã phản ánh đúng quy luật phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn dân và chứng minh sức sống mãnh liệt, trường tồn của một dân tộc đã trải qua nhiều năm chiến tranh vệ quốc, chịu thế bao vây, cấm vận… muốn tồn tại và phát triển không còn cách nào khác là đi lên chủ nghĩa xã hội bằng nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một cá nhân, một tập thể có thể còn nhầm lẫn nhưng cả dân tộc với khát vọng vươn lên chiến thắng nghèo nàn, tụt hậu, bao nhiêu thế hệcha anh đã ngã xuống, lấy máu xương để tô thắm cho nền độc lập tự do thì không thể có sai lầm. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam mang hơi thở, thấm đẫm tinh thần, tính nhân văn của thời đại -sự lựa chọn duy nhất đúng đắn.

Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề lý luận và thực tiễn cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết nhưng chúng ta đã hình thành được nhận thức tổng quát, đó là: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện” (3).Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất thấp, lại trải qua nhiều năm chiến tranh, hậu quả để lại rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, có sự chọn lọc khách quan trên quan điểm cách mạng, khoa học, phát triển.Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội.Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần đổi mới, sáng tạo những thành tựu về tư tưởng và khoa học của thời đại để học thuyết Mác – Lênin luôn tươi mới, được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, giáo điều, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.Và  điều  hết  sức  quan  trọng, then chốt của thành công là phải luôn kiên định, vững vàng, sáng tạo trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính  khoa  học  và  cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là  những  giá  trị  bền  vững,  đã  và  đang  được  những  người cộng sản Việt Nam theo đuổi và quyết tâm thực hiện. Đi lên chủ nghĩa xã hội là nhu cầu nội tại, là tất yếu khách quan.

Tài liệu tham khảo:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991).

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam,  Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

(3) Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”