Đề xuất mới: 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu

Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm

Thời gian qua, những vấn đề liên quan đến thời gian đóng BHXH đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ người lao động. Đặc biệt trong bối cảnh, 2 năm qua do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hàng ngàn lao động mất việc làm, thất nghiệp… đã khiến người lao động không khỏi lo lắng.

Mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục gửi Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi để lấy ý kiến các đơn vị liên quan với nhiều nội dung liên quan đến BHXH một lần; tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Trong đó, những đề xuất liên quan đến thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu được người lao động rất quan tâm:

Cụ thể, theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động năm 2019, có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng (thay vì tối thiểu 20 năm như hiện hành).

Đề xuất 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu - Ảnh 1.

Giảm thời gian tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích trong đó sẽ hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần. Ảnh minh hoạ.

Người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với tuổi chung.

Trường hợp đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để có lương hưu phải 20 năm thay vì 15 năm như những người khác.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội hưởng lương hưu là đủ 20 năm.

Thời gian này được coi là khá dài nên dẫn đến việc nhiều lao động không đảm bảo điều kiện về số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Hiện nay, chỉ có 01 trường hợp được hưởng lương hưu khi đóng BHXH đủ 15 năm. Đó là trường hợp tại khoản 3 Điều 54 Luật BHXH:

“Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì được hưởng lương hưu”.

Đề xuất 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu - Ảnh 2.

Đề xuất mới về trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng

Ngoài ra, dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất cũng đưa vào quy định về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, nhằm bao phủ các chế độ an sinh xã hội tới nhóm người hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.

Cụ thể, dự luật quy định về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội áp dụng với công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động năm 2019, với nam tăng lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi).

Với người lao động không tham gia BHXH, không có lương hưu, ngân sách nhà nước sẽ chi trợ cấp hưu trí xã hội với mức 500 nghìn đồng/tháng, áp dụng cho người từ 80 tuổi trở lên. Độ tuổi hưởng trợ cấp có thể thấp hơn, mức hưởng có thể cao hơn được đề xuất giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.

Người nhận trợ cấp hưu trí xã hội ngoài mức trợ cấp hằng tháng, còn được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế miễn phí, trợ cấp mai táng phí khi chết (mức 10 triệu đồng/người).

Đặc biệt, người tham gia BHXH tới tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu hằng tháng, chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo (từ 60 tuổi tới dưới 80 tuổi), nếu có nguyện vọng sẽ được nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng.

Đề xuất 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu - Ảnh 3.

Người hết tuổi lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ số năm tối thiểu để nhận lương hưu có thể chọn nhận trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần (ảnh minh họa).

Mức trợ cấp hàng tháng được tính thế nào?

Mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng với người tham gia BHXH chưa đủ 15 năm đóng (để nhận lương hưu) sẽ được tính tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương tháng đóng BHXH.

Trường hợp thời gian và mức đóng cao, thời gian hưởng vượt thời gian nhận trợ cấp từ ngân sách, người lao động được nhận mức trợ cấp cao hơn (cộng cả phần trợ cấp từ BHXH và phần ngân sách nhà nước). Trường hợp người nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ quỹ BHXH chết khi chưa hết thời gian hưởng, thân nhân được nhận một lần số tiền chưa hưởng và trợ cấp mai táng.

Hiện, người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên), không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH hằng tháng được nhận trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Người cao tuổi. Mức trợ cấp hiện 360 nghìn đồng/tháng.

Nếu đề xuất mới của Bộ LĐ-TB&XH trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua, những người tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm sẽ có cơ hội được nhận trợ cấp hàng tháng thay vì nhận BHXH một lần. Cùng đó, mức trợ cấp với người cao tuổi không có lương hưu cũng tăng so với hiện hành.