Đâu là lý do khiến bầu trời ngày càng ít sao?

Do tình trạng đô thị hóa, các thành phố ngày càng mở rộng, kéo theo càng nhiều ánh sáng đèn điện, nên “bầu trời phát quang” hay “chạng vạng nhân tạo” ngày càng trải rộng hơn. Nhà vật lý học Christopher Kyba, đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, nhận định 10% là quá lớn và dễ dàng nhận thấy. Ông đưa ra một ví dụ như sau: một đứa trẻ sinh ra ở nơi có thể nhìn thấy 250 ngôi sao vào đêm trời trong, nhưng khi nó 18 tuổi, sẽ chỉ nhìn thấy 100 ngôi sao. “Đây là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến con người và thiên nhiên” – ông nói.

Ông Fabio Falchi, nhà vật lý học ở Trường đại học Santiago de Compostela, Tây Ban Nha, nói rằng “cứ mỗi năm chúng ta lại mất thêm một ít khả năng quan sát các vì sao. Bạn chỉ có thể quan sát được những ngôi sao mờ nhất nếu bạn ở một nơi cực kỳ tối. Còn nếu chỉ nhìn thấy những ngôi sao sáng nhất, tức là bạn đang ở một nơi ô nhiễm ánh sáng cực mạnh.”

Các nghiên cứu trước đây sử dụng dữ liệu của vệ tinh chỉ cho thấy mỗi năm bầu trời sáng hơn khoảng 2%. Nhưng vệ tinh không thể phát hiện được ánh sáng ở các bước sóng ở cuối phổ xanh dương, trong đó có ánh sáng phát ra từ các bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng. Theo các nhà nghiên cứu, hơn một nửa đèn chiếu sáng công cộng mới được lắp ở Mỹ trong thập kỷ qua là đèn LED.

Nhà vật lý học Falchi ở Trường đại học Santiago de Compostela cho rằng con người đang mất đi một phần trải nghiệm trong thế giới bao quanh mình bởi vì bầu trời đêm đối với những thế hệ người đi trước vốn là một nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, văn học và khoa học.

Không chỉ có thế, bầu trời phát sáng phá vỡ nhịp sinh học của con người cũng như các sinh vật khác – nhà sinh vật học Emily Williams ở Trường đại học Georgetown, Mỹ, cho biết – Những loài chim hót có tập quán di cư thường dựa vào ánh sao để xác định vị trí của chúng trên bầu trời vào ban đêm, và khi rùa biển con nở ra, chúng cũng nhờ ánh sáng để định hướng đâu là biển. Ô nhiễm ánh sáng là một vấn đề lớn với các loài sinh vật này.