Đào tạo đại học theo nhu cầu xã hội

Đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT ít ngày với nhiều thay đổi khiến cả giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng “phát sôt” vì lo lắng; kỳ thi tuyển sinh đại học sắp diễn ra; chất lượng đào tạo từ phổ thông tới đại học và trên đại học còn nhiều bất cập… là những vấn đề nóng được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận…

72.000 cử nhân thất nghiệp và câu hỏi về chất lượng đào tạo đại học

Cách đây không lâu, cả xã hội đã bị sốc trước thông tin cả nước có tới 72.000 cử nhân thất nghiệp. Câu chuyện cử nhân đi làm công nhân hay cử nhân do thất nghiệp lại đi học tiếp thạc sĩ đã trở thành phổ biến. Trong khi đó không ít doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam luôn kêu ca rất khó tuyển lao động chất lượng cao, thậm chí ngay cả tuyển công nhân giỏi nghề cũng khó. Vì vậy con số 72.000 ấy là con số đầy nhức nhối, nó phản ánh thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục, đó là trong khi số lượng trường đại học rất nhiều thì sản phẩm đào tạo ra đã không được thị trường chấp nhận.

Đây phải chăng là hệ lụy của việc ra đời hàng loạt trường đại học dân lập và các trường đại học công lập được “lên đời” từ các trường cao đẳng ở nhiều địa phương thời gian qua?

Vì thế khi chất vấn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam đã nêu lại con số 72.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, phải tìm những việc làm không liên quan đến nghề đào tạo của mình. Vấn đề ông Nam đặt ra Bộ trưởng đã có chính sách, biện pháp gì trong vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, mỗi năm chúng ta có khoảng 400.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong 5 năm chúng ta có 2.000.000 người tốt nghiệp, nếu con số thống kê 72.000 người có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm là đúng thì tỉ lệ là 3,6%.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Đề cập tới trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng có 3 vấn đề:

Thứ nhất, trong một thời gian dài mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, nội dung, chương trình phương pháp dạy học, thi cử của các trường chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường, tổ chức đào tạo theo khả năng mình có, chưa có hoạt động thiết thực để tổ chức hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thứ ba, quy trình mở trường cấp phép hoạt động cho các trường đại học, cao đẳng thiếu chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội và địa phương. Các chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn trong nước và thế giới. Nội dung đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, nhẹ thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ.

Những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh và theo đó quy mô sinh viên tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp và chưa được chú trọng nâng cao.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, thời gian vừa qua Bộ GD& ĐT đã có những giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng hạn chế việc thành lập các trường đại  học, cao đẳng, cải tiến thay đổi quy trình cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường đại học được thành lập nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy, cô giáo và đã có chỉ tiêu tuyển sinh đã đào tạo.

Bộ đã quy định các trường đại học khi có dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội được xem xét thành lập nhưng sau khi có dự án thành lập để được phép hoạt động thì phải triển khai thực hiện các cam kết trong dự án, phải có cơ sở vật chất, phải có đội ngũ giáo viên cơ hữu của nhà trường thì mới được xem xét để cấp phép đào tạo các chuyên ngành; khi mở các chuyên ngành cũng đã có cảnh báo, thông báo với những ngành nghề, những lĩnh vực đào tạo đã có quy mô đào tạo lớn thì không cho mở nữa.

Để không còn tình trạng cử nhân thất nghiệp, trường đại học cần thay đổi cách đào tạo (ảnh minh họa).

Bộ GD&ĐT đã có những quyết định xử lý hành chính đối với những trường không đủ điều kiện, cho đóng ngành, dừng chỉ tiêu tuyển sinh, để yêu cầu củng cố các điều kiện. Bộ đã chủ động rà soát và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực và định hướng phát triển kinh tế – xã hội, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu 450 sinh viên/ vạn dân trước đây xuống còn trên 200 sinh viên/ vạn dân cho phù hợp với khả năng, quy mô của mạng lưới.

Đề cập tới việc có cho thành lập thêm các trường đại học nữa hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết giai đoạn 2006 – 2010 đã thành lập hơn 180 trường, bình quân 1 năm hơn 30 trường. Từ năm 2011 đến nay số lượng thành lập trường giảm đi đáng kể, 7 trường/  năm, trong đó có một số trường của quốc phòng an ninh là do nhu cầu cần phải thành lập, 6 trường khối quốc phòng an ninh và khối ngoài dân sự rất ít.

Theo quy hoạch mới Thủ tướng đã phê duyệt, về cơ bản sẽ không có thành lập mới thêm các trường, trừ một số các trường đã có chủ trương và đặc biệt. Còn lại chỉ rà soát quy hoạch, hiện nay những trường nào đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, chưa hoạt động thì sẽ thu hồi giấy phép, những vùng có nhu cầu cả về đào tạo và có cả ý nghĩa về quốc phòng an ninh và những ý nghĩa khác, chính sách của Đảng thì sẽ thành lập nhưng sẽ rất hạn chế. Về cơ bản quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt đến nay sẽ không có thay đổi.

“Chúng tôi hiện nay đang thông báo tạm dừng cho đến năm 2015 không nhận các hồ sơ mới để thành lập, tiếp tới sẽ có rà soát và sẽ có bổ sung nếu những khu vực ô trống còn, nếu ô trống hết thì xin thôi. Các UBND tỉnh luôn luôn trình bày với chúng tôi, trình bày với Chính phủ, với Thủ tướng nguyện vọng cháy bỏng được thể hiện trong Nghị quyết của Tỉnh ủy không phải một khóa mà nhiều khóa về việc thành lập các trường đại học. Xin các đồng chí chia sẻ lo lắng, quan tâm của Quốc hội và quan điểm cách chỉ đạo của Thủ tướng và cách tiếp cận của chúng tôi để chúng ta xử lý việc này một cách có trách nhiệm”.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, để nâng chất lượng đầu vào đại học, Bộ GD&ĐT không bỏ điểm sàn, đổi mới của tuyển sinh đại học năm nay là điểm sàn không chỉ có một mức mà có một số mức, phân ra thành 2-3 mức sàn, có mức sàn cao và có mức sàn thấp hơn, nhưng mức sàn thấp hơn đó không hạ thấp tiêu chuẩn, yêu cầu so với các năm trước. Đây là cách phân tầng đại học thành các tầng khác nhau, ở các mức chất lượng khác nhau bằng tiêu chí điểm sàn khác nhau để thông báo cho xã hội, học sinh, sinh viên cân nhắc lựa chọn vào học ở những trường phù hợp và có tính toán đến chất lượng. Điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm sàn chỉ là giới hạn về chất lượng, nếu thấp hơn nữa thì không đủ yêu cầu có thể đào tạo được con người với những phẩm chất, năng lực cần có.

Sẽ chấm dứt việc tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài trụ sở của nhà trường

Để chấn chỉnh tình trạng tiến sĩ, thạc sĩ rất nhiều nhưng chất lượng không cao, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định Bộ đã quyết định:

Thứ nhất, các trường nào đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chỉ được tổ chức đào tạo tại cơ sở chính, tại trụ sở trường của mình,  không được mang đi địa phương, không được mang đi doanh nghiệp tổ chức việc này, trừ một số trường hợp cá biệt một số tỉnh vùng sâu, vùng xa cần có đào tạo anh chị em có trình độ thạc sĩ nhưng nếu cử xuống dưới này một là không có điều kiện, hai là anh em về lại ở dưới này, có thể có xem xét cá biệt. 

Thứ hai, số lượng, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng giống như chỉ tiêu đại học là được điều chỉnh giảm đi và gắn chặt với các điều kiện, đảm bảo chất lượng được nâng lên.

Thứ ba, rà soát ban hành các quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới. Những yêu cầu về mặt chất lượng luận án cũng được nâng cao; ngoài trách nhiệm của người học thì quy định rõ ràng cụ thể hơn trách nhiệm của người hướng dẫn, người phản biện, của hội đồng bảo vệ, của cơ sở đào tạo, nếu làm tốt thì có ghi nhận khen thưởng và anh làm không tròn trách nhiệm sẽ có xử lý.

Một hướng khác là khuyến khích, tạo điều kiện và tạo các hành lang để cho các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước có cơ hội hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài tiếp nhận các chương trình, các công nghệ, các phương pháp đào tạo mới để tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và mời các chuyên gia đầu ngành của các trường đại học có danh tiếng trên thế giới sang để cùng hướng dẫn, cùng tham gia các hội đồng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng như các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ của các nhà trường.

Bộ sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và cũng yêu cầu các nhà trường phải đổi mới, bổ sung chương trình nội dung, phương pháp dạy, học đối với các trình độ này và tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm minh tất cả những vi phạm mà được phát hiện trong quá trình đào tạo cũng như kể cả sau khi đã cấp văn bản mà phát hiện các vi phạm đều xử lý.

Bộ trưởng cam kết học sinh học hết lớp 1 viết đúng chính tả

Đề cập tới một vấn đề nhức nhối hiện nay trong giáo dục là bệnh thành tích, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề việc một số học sinh mặc dù đã học đến THCS nhưng vẫn chưa đọc thông, viết thạo không chỉ xảy ra ở vùng khó khăn về phương pháp và tổ chức dạy môn tiếng Việt mà còn xảy ra ở các vùng khác có điều kiện học tập do đánh giá kết quả học tập đủ điều kiện để lên lớp, thậm chí còn là kết quả học lực khá.

Cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới

“Chúng ta dạy và học chủ yếu là ngữ pháp nên học hết phổ thông cũng không nói được, người ta nói không hiểu nên phải thay đổi cách dạy, cách học, trong khi chưa thay đổi được thì không khuyến khích cách dạy, cách học cũ. Đội ngũ thầy, cô giáo dạy ngoại ngữ của chúng ta trong nhà trường phổ thông hiện nay chưa đạt chuẩn, nói không được, nhiều cháu ở thành phố lớn đi học ở các trung tâm phát âm rất giỏi về cô lại chê, đây là một thực tế.

Cho nên dứt khoát phải chấm dứt tình trạng nhận được bằng, chứng chỉ tốt nghiệp nhưng không sử dụng ngoại ngữ vào công việc thực tiễn được. Do vậy, chúng tôi phân tích và đi đến quyết định trước mắt cần chỉnh lại, thay đổi cách dạy, cách học ngoại ngữ để đúng hướng mới tăng tốc, chứ không tăng tốc theo hướng cũ” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định đã có những giải pháp về mặt chuyên môn, kỹ thuật đã được triển khai cụ thể là đối với bậc tiểu học Bộ đã cho triển khai rộng rãi chương trình giảng dạy tiếng Việt mới theo công nghệ giáo dục trên một phạm vi hơn 40 tỉnh, thành phố của cả nước.

“Với chương trình này xin hứa với đại biểu Quốc hội là các cháu học hết lớp 1 có thể viết đúng chính tả, học hết lớp 3 viết được câu đúng và không tái mù, tức là học rồi sau đấy không sử dụng, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, ông bà cha mẹ không nói tiếng Việt, không biết chữ thì các cháu học chương trình mới sẽ tránh được việc đấy”.

Theo Bộ trưởng việc học THCS không đọc, không viết thạo mà vẫn được lên lớp không phải chỉ ở vùng khó khăn, vấn đề này liên quan đến bệnh thành tích, đến vấn đề đánh giá thầy, cô giáo, đánh giá cơ sở giáo dục, đào tạo. Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã rà soát lại tất cả những quy định của mình và đã loại bỏ khỏi các quy định để đánh giá giáo viên cũng như đánh giá cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh.

“Khi chúng ta chuyển một cách hoàn chỉnh được nền giáo dục hiện nay đang nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực,  phẩm chất thì sẽ không còn chỗ cho việc đánh giá không đúng học sinh, sinh viên. Chúng ta không kiểm tra kiến thức nữa mà kiểm tra khả năng thực hành của các cháu. Tất cả mọi khả năng đấy sẽ được rất công khai, cả xã hội chứ không phải chỉ có thầy, cô giáo đánh giá. Hy vọng việc này sẽ được tiếp tục giải quyết và tiếp tục xử lý”